Charlie Nguyễn: Một con người điện ảnh

Nói chuyện với người cùng nghề luôn là cơ hội để chúng ta dễ dàng bộc bạch những tâm sự của mình. Chính vì thế, ELLE đã nhờ Nguyễn Hữu Tuấn – đạo diễn của Dành cho tháng Sáu - tìm gặp Charlie Nguyễn để cùng trò chuyện về điện ảnh. Và đây là những gì vị đạo diễn trẻ chia sẻ lại cùng chúng tôi.

3-gio-chieu-thu-3-charlie-nguyen-tn

Trong quá trình quay Bụi đời Chợ Lớn (BĐCL), tôi đã có dịp ghé qua phim trường, và ở đó, tôi thấy đạo diễn Charlie Nguyễn mải mê bận rộn, chẳng có thời gian nghỉ ngơi tiếp chuyện bất kỳ ai. Thế rồi, khi tất cả mọi người trong đó có tôi, đang nóng lòng chờ đón bộ phim tâm huyết của anh ra mắt thì lại có tin phim bị kiểm duyệt và không được trình chiếu.

Tuy vậy, cũng nhờ cuộc phỏng vấn ấy đã cho tôi cơ hội gặp anh, để chúng tôi có thể chia sẻ chuyện nghề với nhau. Càng nói chuyện với Charlie, tôi càng tin tưởng rằng trước mặt mình không phải là một gương mặt showbiz, mà là một “con người điện ảnh” đích thực.

Nhắc đến tên Charlie Nguyễn chắc không ai còn xa lạ, nhưng lại không mấy khi thấy anh kể chuyện về những ngày anh làm phim ở Mỹ.

Tôi mê điện ảnh từ lúc còn học trung học, nhưng lúc đó cũng mơ hồ lắm, chưa hình dung được mình sẽ làm gì, hay sẽ đi con đường nào. Thế rồi, càng ngày niềm say mê càng lớn. Tới khi vào đại học, tôi dần bỏ hầu hết các thứ sinh hoạt hàng ngày và chỉ tập trung vào làm phim thôi. Những ngày là sinh viên thì cũng nghèo, tôi tập hợp một nhóm mấy đứa với nhau và quay phim bằng máy quay phim nhỏ.

Chắc là máy 8mm hoặc 16mm?

Máy phim 8mm Super 8 (máy quay cầm tay nhỏ, dùng phim có chiều ngang 8mm, thường được người làm phim nghiệp dư trước đây sử dụng). Lúc đó cũng có máy quay video (máy quay sử dụng công nghệ kỹ thuật số chứ không sử dụng các cuộn phim như trước đây). Thế nhưng, hình ảnh video tôi nhìn chịu không được. Nó không có tính điện ảnh, không tạo ra xúc cảm.

Máy quay 8mm lúc đó cũng đã bị ngừng sản xuất. Tôi phải đi lục lọi ở mấy tiệm bán phim cũ mới tìm được cái máy phim 8mm. Mua được rồi là tối ngày chơi với nó, nâng niu lắm, nhưng mà cũng chưa dùng được vì lúc đó phim 8mm cũng không còn bán nữa.

Thời đó chưa có internet, tôi phải đi tìm, hỏi thăm khắp nơi. May mắn thay, dù lúc đó đa số đã chuyển sang quay video hết, vẫn còn một số trường sử dụng dòng phim này. Ở Los Angeles thời đó hình như vẫn còn hai hay ba phòng tráng phim gì đó bán phim 8mm. Tôi xách xe chạy từ nhà lên mất hơn một tiếng, mua hết chừng đâu 20 đô-la, về nhà quay được có ba phút một cuốn. Quay xong lại phải chạy ngược trở lên để rửa phim, rồi mấy ngày sau lại lên để lấy về.

Mới đầu thậm chí cũng không có đồ để chiếu, tôi phải giơ lên bóng đèn để xem. Mãi sau tôi mới kiếm được cái máy chiếu để chiếu lên tường. Trời ơi, cái cảm giác khó tả lắm, mê lắm… Rồi cứ thế tôi mày mò làm mấy phim ngắn như vậy, từ 8mm rồi lên Super 16. Một thời gian sau tôi để dành tiền mua được cái máy quay 16mm dùng để quay video ca nhạc. Khi ấy, mọi người đều quay bằng video hết, chỉ có mỗi tôi quay bằng phim thôi. Thời đó, người bình thường không phân biệt được sự khác nhau giữa cái này với cái kia, không hiểu được vì sao tôi phải cực khổ chạy lên chạy xuống, tốn bao nhiêu tiền mới được mấy phút. Họ cứ thắc mắc: “Trời ơi, quay video mà sao cứ dùng phim làm gì không biết?”. Cứ thế rồi phim này kéo sang phim khác, dự án này tiếp dự án khác, dần dần tôi không còn làm được gì khác ngoài phim nữa.

Vậy năm ngoái xem phim Super 8 của J.J. Abrams chắc anh xúc động lắm?

Có chứ, hình ảnh của Super 8 mang lại cho mình cảm giác đặc biệt lắm, vì gắn bó với nó biết bao nhiêu năm trời mà. Ngay bây giờ ở nhà tôi vẫn còn một đống phim, mặc dù máy chiếu thì hư mất rồi. Tôi có tới ba, bốn máy quay Super 8 chứ không phải chỉ một cái. Ngoài ra còn có 2 cái máy 16mm, 2 cái 35mm.

Tôi có cái tật cứ thấy gì đẹp là mua về bằng được. Mấy cái máy quay Bolex cổ lỗ sĩ ấy không hoạt động được nữa nhưng thấy hình thù đẹp đẹp là tôi vác về để đầy nhà. Lúc mới chuyển sang digital, bên đó chia ra làm hai dòng ý kiến. Một dòng thì nói tương lai là của digital. Một dòng là những người rất chống đối digital, khăng khăng giữ phim nhựa, trung thành với phim, tôi thuộc dòng này. Phải mất thời gian lâu lắm, tôi mới quen được với digital.

Giai đoạn quay bằng phim Super 8 chắc anh đang là sinh viên, anh có theo học ngành làm phim không?

Hai năm đầu tôi không học về làm phim, chỉ học những môn mang tính tổng quát. Cũng có một số môn về nghiên cứu phim, video, nhưng chưa đi sâu vào kể chuyện. Sau mấy năm thử nghiệm bằng các phim ngắn Super 8, tôi mới tập trung vào học chuyên về hai lĩnh vực đạo diễn và biên kịch ở trường UCLA (Đại học thành phố Los Angeles). Còn lúc học đại học, tôi học trường California State, Long Beach vì ở gần nhà. Đó là trường mà Steven Spielberg từng học.

3-gio-chieu-thu-3-charlie-nguyen-1

Tôi rất tiếc khi bộ phim BĐCL của anh có kết thúc không như mong đợi. Chuyện kiểm duyệt phim đúng là không của riêng ai. Phim Dành cho tháng Sáu do tôi làm, dù là phim nói về thể thao cũng bị cắt đi một câu trong cảnh quay trận bóng rổ…

Mấy phim trước của tôi cũng vậy, Dòng máu anh hùng bị cắt một đoạn hành động, Để mai tính cũng phải cắt một số thoại, Long Ruồi và Cưới ngay kẻo lỡ cũng chỗ này một chút chỗ kia một ít, nhưng không trầm trọng. Riêng BĐCL thì rất tiếc là…

Nói về yếu tố bạo lực đi, có phim hành động nào mà không có yếu tố bạo lực? Phim hành động thì phải có săn đuổi, đánh đấm, nếu không thì sao gọi là phim hành động? Luật của mình còn mơ hồ quá, không có chỗ nào nói tới yếu tố bạo lực phải thế nào thì mới được chấp nhận. Ở Mỹ có loại phim hành động được đánh giá là PG-13, nghĩa là trẻ em từ 13 tuổi cũng có thể vào xem được. Phim được đánh giá là R có những cảnh bạo lực nặng nề hơn thì trẻ em dưới 17 tuổi phải có bố mẹ đi cùng mới được xem. Nhìn chung, phim hành động luôn có hai hướng, một là thiên về tính giải trí, hai là về tả thực gây sốc.

Phim võ thuật Trung Quốc là đặc thù về tính giải trí khi mà nhân vật bay nhảy, nhân vật dính đòn đau vẫn đứng lên đánh tiếp. Còn phim võ thuật của Nhật thì mang tính tả thực nhiều hơn, hai samurai đứng thủ thế rất lâu nhưng đánh nhau chỉ xẹt xẹt, máu phun ra là hết. Họ chú tâm vào mô tả cảm xúc trước trận đấu, và hậu quả sau trận đấu tức là sự đau đớn của người bị thương.

Riêng tôi, khi xem phim PG-13 tôi chỉ có cảm giác nhàm chán. Tôi thích những phim tạo cảm giác thật, thông điệp mới mạnh. BĐCL gần như là dung hòa hai cách làm nói trên.

Tôi miêu tả cảm xúc nhân vật, tình tiết trước khi hai bên đánh nhau. Tôi nghĩ cái khoảnh khắc đó rất ghê gớm, để tôi có thể đi sâu vào, làm bật lên cảm xúc mãnh liệt nhân vật trước cuộc chiến mà họ phải đánh đổi mạng sống để bảo vệ điều gì đó. Tuy nhiên, tôi cũng muốn khán giả có hứng thú, nên dàn dựng kéo dài những màn hành động sao cho thật ngoạn mục, chứ không chỉ cầm mã tấu chém nhau túi bụi.

Ở đây tôi vẫn dùng các chiêu thức võ thuật của phái Liên Phong, cứ đòn thế nào đẹp mắt, hiệu quả trên màn ảnh thì tôi đưa vào. Tôi đã cố gắng sắp đặt cấu trúc từ đầu phim đến cuối phim sao cho không trận đánh nào giống nhau, mỗi trận phải có kiểu, màu sắc, nhịp điệu riêng.

Dần dần cho đến màn cuối cùng, các trận đấu sẽ càng lúc càng chi tiết hơn cả về hành động lẫn cảm xúc bên trong nhân vật. Nếu nhìn ở góc độ người làm phim, trong đó có đầy kỹ thuật, đầy tính toán, chứ không phải tùy tiện. Tôi đã mổ xẻ, phân tích các màn hành động với đủ các tuyến để làm sao các cảnh hành động được thiết kế chi tiết mà bộ phim lại không phải chỉ là mượn câu chuyện để phô bày đánh đấm. Tôi đã kể chuyện ngay trong từng màn hành động luôn chứ không phải là chuyện riêng, giao đấu riêng.

Anh có nghĩ luật phải công bằng và mọi người cùng có lợi, khi đó gốc rễ của vấn đề sẽ được giải quyết? Phải chăng đã đến lúc cần có sự thay đổi ở Luật điện ảnh?

Nếu không có chuyện gì thì mình cũng đâu biết là cần thay đổi, mọi chuyện đều suôn sẻ, nhưng khi có vấn đề xảy ra mình mới thấy là luật còn chưa rõ ràng. Không rõ ràng cho cả Hội đồng duyệt lẫn người làm phim. Bạo lực thì cũng không rõ thế nào là bạo lực, chẳng nhẽ là may rủi? Nếu cứ vừa làm phim vừa tranh đấu, năn nỉ rồi tìm cách lèo lái thì đây rõ ràng là một cuộc chơi mệt mỏi. Mệt mỏi cho cả tập thể chứ chẳng phải riêng ai. Trong khi đó việc mình cần làm là làm phim cơ mà?

Tôi muốn làm một bộ phim thật chân thật, thật ác liệt, đi đến tận cùng suy nghĩ của những người đã lỡ bước chân vào con đường phạm tội. Những cái giá họ trả phải thật đắt, chứ không phải đơn giản muốn bước ra khỏi giang hồ là ra.

Thông điệp tôi muốn nói là đã đi vào con đường này thì trước mặt là công an, chung quanh là kẻ thù mà đằng sau lưng là những mũi dao chực chờ. Muốn chuyển tải được hết phải đi đến tận cùng, phải khai thác hết mọi khía cạnh, chứ chỉ đi đến nửa chừng thì thông điệp không bật ra. Mà nếu làm nửa vời thì cái chất của phim này cũng không ra nữa.

Hình như gần đây ngoài làm phim, anh còn nhận lời làm giám khảo cho một số cuộc thi làm phim ngắn trong nước?

Năm nay tôi mới làm giám khảo lần đầu cho YxineFF, còn năm ngoái làm giám khảo cho cuộc thi Làm Phim 48 Giờ. Xem phim của các bạn trẻ, tôi nhận ra được nhiều ưu điểm. Phim thì tốt về kịch bản, phim thì về nhịp điệu, phim thì có phần dựng rất chuyên nghiệp. Tuy nhiên tổng thể phim thì lại chưa tốt, mặc dù tôi thấy rất nhiều tiềm năng trong đó.

Tôi nghĩ họ nên dồn sức vào kịch bản và cách kể chuyện. Bạn có ý tưởng, nhưng làm sao phải kể cho hay, cho mạch lạc. Lối kể chuyện của các bạn trẻ chưa sắc bén, nên câu chuyện hay nhưng vì kể không tốt lại thành ra là chuyện dở.

Những hoạt động như vậy cần thiết lắm. Ở Mỹ gần như tuần nào cũng có một hoạt động điện ảnh để hâm nóng niềm đam mê trong mình. Lúc nào cũng có sách hay, phim hay, Liên hoan phim khắp nơi. Không khí cứ như vậy thì mình không còn thời gian để nản lòng.

Tới dự buổi trao giải của các liên hoan phim ngắn hiện nay, tôi thấy rõ sự sung sức và độ máu của các bạn trẻ. Nó làm tôi nhớ lại thời trẻ của mình, đó là một thời kỳ làm phim rất vô tư chứ không như bây giờ, có quá nhiều thứ phải lo lắng. Khi tôi đi vào khán phòng, nhìn các gương mặt trẻ ấy, tôi nói rằng đây sẽ là thời điểm đẹp nhất trong cuộc đời làm phim của các bạn, mộng mơ nhất, hồn nhiên nhất.

3-gio-chieu-thu-3-charlie-nguyen-2

Ở Việt Nam phim độc lập mới xuất hiện thôi. Theo anh nhân tố này có quan trọng không?

Tình hình kinh tế chung làm cho phim độc lập đang ở giai đoạn khó khăn ngay cả ở Mỹ, nhưng đây là một nhân tố hết sức cần thiết vì những nhà làm phim thật sự có tài năng chỉ được phát hiện từ những bộ phim độc lập. Chỉ có con đường đó thôi! Giờ có bao nhiêu hãng phim đang làm ở Việt Nam đâu, mỗi hãng chỉ làm tối đa 3 phim một năm, đa số chỉ làm một phim. Vậy thì chắc chắn họ sẽ tìm những người đạo diễn mà họ cảm thấy an toàn.

Các bạn trẻ nếu chưa chứng minh được mình qua tác phẩm thì gần như là hoàn toàn không có cơ hội được hãng phim giao kinh phí. Vì vậy chỉ có một cách là tranh đấu để làm phim độc lập. Hồi xưa tôi cũng vậy thôi, phải đi xin, đi năn nỉ, vay mượn, rồi tự sản xuất, tự làm hết chứ đâu có hãng phim nào. Từ từ như vậy mới có thể làm phim chính thống. Nếu không có phong trào độc lập thì sẽ có rất nhiều tài năng lớn không bao giờ được khai quật, chỉ sau vài năm họ sẽ nản chí và thoái lui.

Phim độc lập của anh chắc là phim đầu tay, Hùng Vương Thứ 18, phải không?

Đúng rồi, phim đó làm mất 3 năm trời mới xong. Vì lúc đó tôi vẫn còn đi học, cả đoàn cũng chỉ toàn học sinh, sinh viên. Lúc đó dựng cảnh ngoài sa mạc, tối thứ Sáu cả đoàn mới có thể lên xe, đi đến bối cảnh đã là nửa đêm. Sáng thứ Bảy bắt đầu quay đến chiều tối hết ánh sáng thì nghỉ, ngày Chủ nhật chỉ quay đến trưa là tất cả lên xe về. Mỗi tuần chỉ quay được có một ngày rưỡi như vậy nên việc quay phim kéo dài mất sáu, bảy tháng trời.

Liệu có một ngày nào đó khán giả lại được thấy đạo diễn Charlie Nguyễn xuất hiện với một bộ phim độc lập?

Tôi vẫn ôm ấp việc này từ bấy lâu nay, nhưng nhân duyên chưa đến. Mỗi khi xem được một bộ phim độc lập xuất sắc nào đó, tôi lại “máu” lên ngay. Sau đó tôi nghĩ ngay đến nhiều ý tưởng và ngồi xuống viết. Đôi lúc tôi lại lôi các kịch bản cũ ra viết đi viết lại. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải kiên trì và nuôi dưỡng những ý tưởng ấy đến cùng thì mới có nhiều cơ hội để thực hiện chúng. Hi vọng sẽ không phải là một ngày quá xa.

Xin cám ơn anh đã cho tôi một cuộc phỏng vấn thật sự thú vị và chúc anh may mắn với các bộ phim mới.

Xem thêm

Charlie Nguyễn nói gì về Bụi đời Chợ Lớn bị phát tán trái phép

Luật cấm cho phim, điều trăn trở của đạo diễn Việt

 

 

 

Nhóm thực hiện

Bài viết:  Nguyễn Hữu Tuấn Hình ảnh: Tư liệu
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)