A. PHONG CÁCH
1. Trang phục của chị khiến tôi bất ngờ, thú vị. Nhưng tôi đang thắc mắc: Nếu chúng ta hẹn nhau ở một địa điểm khác, chẳng hạn như NYDC cafe, đậm tinh thần hậu công nghiệp, hay một không gian tràn ngập nhạc hip hop, chị sẽ đổi trang phục phục chứ? Chị luôn lựa chọn phục trang kỹ để nó thật “ăn” với nơi mình hiện diện, đúng vậy không?
Chắc thế! Quần quần áo áo, diện vào, ngúng nguẩy trước gương… cũng là một trong những cái vui hàng ngày của việc được làm phụ nữ! Tôi thích cái thiên biến vạn hóa của thời trang.
Ngoài điều mà bạn đang nói đến thì cao hơn thế nữa: sự phù hợp! Thấy thế nào là đẹp, thế nào là phù hợp xưa nay vẫn là điều thách thức ghê gớm nhất cho giới phụ nữ chúng ta. Ai cũng có kiểu của riêng mình. Với tôi, thời trang đến và đi, chỉ có phong cách là ở lại!
2. Nhiều năm nay, chị luôn xuất hiện thật duyên dáng trong trang phục của nhà thiết kế người Pháp Valerie Mckenzie. Chị nói sao về sự kết hợp này?
Valerie là người phụ nữ đẹp và có gout nhất mà tôi từng gặp. Cách chị ăn mặc khá đơn giản, không một chút cố gắng, cứ như buổi sáng thức dậy, lấy chiếc áo váy vắt hờ trên ghế mặc vào rồi cà phê sáng ngoài vườn trước khi đến xưởng thời trang. Ở chị luôn toát lên sự an nhiên của người hiểu đời, vẻ nữ tính, cái rạng rỡ cuốn hút của người sáng tạo… Tôi may mắn được Val may áo cho, không phải chỉ là may đo cho những bộ cánh, mà là hình thành một phong cách trong ăn mặc khi lên sân khấu. Tôi học được nhiều điều từ Val, từ chuyện mặc kín nhiều khi sexy hơn mặc hở, sự hoàn hảo có khi ở ngay trong chỗ chưa hoàn hảo, nhiều khi sự lý thú nằm ngay ở một chút lả lơi, thay vì rất hoàn chỉnh đến từng chi tiết…
B. VẺ ĐẸP
1. Khán giả trung tuổi vẫn còn nhớ một Hồng Nhung ngày xưa, gầy gò, răng khểnh, hồn nhiên và nghênh nganh như một chú bé… Từ khi nào chú vịt con xấu xí “lột xác” thành thiên nga?
Ha ha… Trời ơi, “ô mai sấu chuối lọ” đây!
Vừa yếu vùa xấu, đã thế còn gầy trơ xương. Mỗi lần đi lưu diễn, tôi chăm chăm lo ăn, lo ngủ cho có đủ sức hát. Sợ soi gương lắm, mà việc bắt mình cứ phải soi suốt! Thấy bạn nào béo, thèm được giống bạn ấy. Và hơn tất cả, ước ao có hàm răng đều, không “tranh nhau làm tổ trưởng”, lên TV, mất hết 9 inch răng!!! Năm 2005 tôi quyết định niềng răng.
2. Chị đang tạo nên một nghịch lý: tuổi trẻ chưa chắc đã đồng nghĩa với sự hấp dẫn…
Ấy ấy, tôi chỉ thú nhận vừa yếu vừa xấu thôi, không có nghĩa là không hề hấp dẫn nhé!!! (Cười vang)
Nhưng, cám ơn bạn đã có ngụ ý khen ngợi. Ừ, tôi không còn là “vịt con xấu xí” nữa, vì từng này tuổi rồi thì còn “vịt con” gì nữa, với lại, đã hết thời “điếc không sợ súng”, phải biết làm gì để cải tạo “vốn tự có”. Yoga cứu đời tôi! Tôi đã luyện tập đều đặn hơn 10 năm nay. Vâng, phụ nữ chúng ta hoàn toàn có thể khỏe hơn và đẹp hơn, hấp dẫn hơn được, nếu ta thực sự muốn thế!
3. “Thực sự muốn thế”, chị xem việc giữ gìn sức khỏe và sắc đẹp đối với mình như một quyết tâm, một ý chí?
Ừ! Lúc hạ quyết tâm thì nghe ngon ơ: cần tập thể thao đều đặn, cần sinh hoạt điều độ, với chế độ dinh dưỡng tốt, nghỉ ngơ đầy đủ… vân vân và vân vân… Còn từ lý thuyết đến thực hành; người hơi khó ở, tập một vài bữa thôi; phim bộ đang hay, xem tiếp muộn tí, mai ngủ bù… Và lúc đấu tranh tư tưởng nhất là ngay trước giờ đến phòng tập. Ôi có đủ cả tám vạn lý do để “tạm nghỉ một buổi này thôi”! Trong tất cả những chuyện đầu tư mà tôi biết đến, thì việc đầu tư cho sức khỏe và theo sau đó là sắc đẹp, là chuyện đầu tư nghiêm túc nhất, trường kì nhất!
4. Quan điểm của chị về phẫu thuật thẩm mỹ? Chị nói gì về chuyện phụ nữ phải đi kéo dài chi, căng da, nâng ngực, bơm môi… để đạt đến một vẻ đẹp rất công nghiệp và nhàm chán khi mà họ có những lựa chọn ít đau đớn và ít tốn kém hơn?
Tôi không chống lại phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng cho rằng việc mọi người cùng rập khuôn một kiểu thời trang đã là ngây ngô rồi, giờ có kiểu như vậy, áp dụng trên chính cơ thể mình thì… thật là không cần thiết và… phiêu lưu quá! Nhiều khi, một nét không hoàn hảo trên mặt hay cơ thể phụ nữ lại tạo ấn tượng và tính cách riêng. Và cái đẹp với người này chưa chắc là hay cho người khác. Marilyn Monroe đi vào huyền thoại với những đường con gợi cảm, trong khi Audrey Herpburn đóng dấu cái đẹp đẳng cấp, rất nữ tính với dáng người siêu gầy, ngực nhỏ, chân thon…
5. Người ta nói rằng vẻ đẹp từ bên trong của người phụ nữ mới là quan trọng, nó như ánh sáng trong một ngôi nhà. Chị làm thế nào để duy trì được thứ ánh sáng mà không nguồn năng lượng công nghiệp nào có thể thay thế này?
Có thể đó là ánh sáng của sự nhận biết. Hồi nhỏ, tôi hưởng mọi thứ một cách khơi khơi, đương nhiên như là không khí, đầu chỉ bận rộn với những chuyện mà mình cho là quan trọng, đi lướt qua, không có thời gian dừng lại thấy cái đẹp xung quanh, không kịp nhâm nhi cả những cái đẹp nho nhỏ mà mình tạo nên như trong một bài hát, như chính ngôi nhà mình vừa nấu để đãi bạn bè… Tôi vừa viết về sự nhận biết này trong bài hát mới nhất của mình tên là Confession.
Sự nhận biết cho tôi thấy mục đích sống không chỉ là sự liên tục đạt được, đạt được… mà còn là sự tận hưởng cái đẹp quanh mình một cách thong thả.
Nhận biết và tận hưởng cái đẹp, và lại còn có cơ hội ít nhiều tạo nên những điều đẹp đẽ nho nhỏ – thứ ánh sáng ấy có đủ để cho bạn cảm thấy yêu đời hơn?! (Dừng lại, tay chống cằm, rồi cười mỉm). Có cái gì đó là cho mình tự nhiên tỏa sáng khi mình… yêu.
C. TÌNH YÊU
1. Tình yêu luôn là nguồn năng lương mạnh mẽ vượt trội – ước gì định lý này sai đi một chút. Nhưng làm sao duy trì nó khi mà bản chất Tình yêu là thứ rất mong manh? Nguồn năng lượng này coi bộ không vững bền như thủy điện Thác Bà hay Trị An nhỉ?
Mong manh mới càng quý! Vững bền như thủy điện Thác Bà hay Trị An mà lắm lúc cũng trục trặc, khiến thành phố phải chịu mất điện liên miên; tôi làm sao chắc được làm thế nào duy trì nguồn năng lượng vô hình và mong manh ấy? Thì cứ xin hưởng thứ ánh trăng làm rạng rỡ mặt người một cách đầy biết ơn cho đến bao giờ…
2. Chị từng lập gia đình rồi lại thôi. Làm thế nào khi nguồn năng lượng này vụt tắt?
Đấy là kinh nghiệm buồn của riêng rôi. Có khi người ta lập gia đình để thấy tình yêu đã hết. Cũng có khi có tình yêu trong đời chẳng bao giờ đi đến hôn nhân!
3. Điểm chung nhất ở những người tình của chị là gì?
Đều là đàn ông.
4. Họ yêu điều gì ở chị?
Vì tôi rất đàn bà.
5. Họ nhận xét về chị thế nào?
Họ bảo tôi là bom hạt nhân đựng trong gói quà nhỏ có buộc nơ!
6. Nghe nói năm ngoái chị đã từng bí mật đính hôn?
Chuyện có hai người biết đã không còn là bí mật. Ở đây có 50 người!!!
7. Anh ấy cuốn hút chị vì điều gì?
Ồ, không giống như một kiểu hình mẫu trong sách báo, anh ấy, đơn giản là hợp với tôi, bằng cả những gì khác biệt. Anh ấy không nhìn hay đối xử với tôi khác đi khi tôi mặc trên người bộ trong phục lộng lẫy nhất, trong tâm trạng hào hứng nhất; hay khi tôi đầu bù tóc rối, khóc thút thít vi một chuyện buồn… Với anh, tôi là người đàn bà trẻ con, có chút kinh nghiệm sống, và vụng về có khi đến ngây thơ của người nghệ sĩ chỉ tập trung vào âm nhạc!
D. TÌNH BẠN
1. Chị hay nhắc đến bố, ông ấy thật đặc biệt, phải không? Tình bạn giữa chị và bố thế nào?
Vâng, bố tôi là một người đặc biệt. Tâm hồn rất nhạy cảm của ông được giấu sau vẻ ngang tàng cùa người đàn ông bất cần, rất hài hước, nhưng lại nóng như một lò lửa. Ông có thể thiêu đốt hết những gì xung quanh, nhưng lại hấp dẫn đến độ người ta dễ dàng “nghiện” ông.
Bố tôi là con một trong gia đình, nhưng có cả một dàn bạn bè thân đến như ruột thịt – những trí thức hàng đầu của Hà Nội một thời. Họ gặp nhau hàng ngày ở nhà tôi số 11 đường Điện Biên Phủ. Tôi mỗi ngày phải rửa một chậu bát to, và thỉnh thoảng chạy nhanh ra chợ Cửa Nam mua thêm vài bìa đậu, mắm tôm về cho các bác nhắm rượu. Họ cho tôi kinh qua một thời đại học suốt mười mấy năm đầu của cuộc đời – ngôi trường mà ngày nay ta không đóng tiền để đi học được. Chính bố tôi và bè bạn của ông đã vô tình dạy cho tôi chữ Tình Yêu lớn trong đời, nó rộng hơn tình yêu đôi lứa.
2. Nói về tình yêu rộng lớn hơn đôi lứa, chị khiến người nghe liên tưởng ngay đến một người. Tình bạn ấy bắt đầu ra sao?
Vâng, tôi gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào tối hôm trước thì từ sáng hôm sau, ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau. Ngày ấy tôi mới vào Sài Gòn. Hằng ngày, tôi phóng như bay trên chiếc Honda 50, trưa đi học ở trường Đại học Tổng hợp, tối đi hát. Từ ngày biết anh, tôi thôi cặm cụi đi chợ nấu vội cơm trưa rồi đến trường, mà ăn trưa với anh. Bữa trưa ở nhà anh bao giờ cũng giản dị, nhưng thanh thoát. Không khí thoải mái mà vẫn kiểu cách. Anh cho tôi niềm vui, và hình như tôi cũng mang niềm vui đến cho anh. Có nhiều tiếng cười, có nhiều đêm hát, nhiều chuyến đi… Ngày vui dường như tiếp ngày vui. Tôi sẽ mãi nhớ hình ảnh của anh, với chiếc mũ vải trên đầu, giữa trưa đi băng qua khu chợ họp đông đúc, với tôi theo sau, tay bám vào cánh tay gầy của anh… Chúng tôi đi thu bài hát mà anh vừa viết xong. Tôi cũng sẽ không quên cảm giác gió thổi vù vù bên tai trong đêm, khi tôi chở anh trên chiếc Honda 50 màu xanh đậm cảu tôi, băng qua cầu Sài Gòn, đến thăm người bạn của anh ở ngôi nhà nhỏ bên sông ở An Phú…
Trịnh Công Sơn là của tất cả những người Việt Nam yêu nhạc anh. Còn tôi giữ lại ký ức của riêng mình, chúng sẽ ở lại mãi trong tôi…
E. SỰ NGHIỆP ÂM NHẠC
1. Chị vừa nhắc đến dự án âm nhạc mới, yếu tố đột phá nhất của nó là gì?
Tôi không nghĩ đến “yếu tố đột phá”, chĩ nhận ra có khá nhiều điều là đầu tiên: lần đầu tiên tôi sẽ hát những bài hát trong những vở nhạc kịch nổi tiếng thế giới; lần đầu tiên có cả Quốc Trung và Hoài Sa trong cùng một dự án âm nhạc; lần đầu tiên thực hiện chương trình thu thanh với dàn nhạc giao hưởng Việt Nam; lần đầu tiên kết hợp với nhạc trưởng Lê Phi Phi, lần đầu tiên cùng viết bài hát với Dương Khắc Linh và Thanh Bùi…
Đây sẽ là chương trình với thách thức cao nhất cho bản thân tôi từ trước đến nay về kĩ thuật thanh nhạc, cụ thể là phong cách nhạc kịch. Tôi đã đến Anh, chủ quan vì tự cho mình là một ca sĩ chuyên nghiệp đã có nhiều năm kinh nghiệm, mà chưa hiểu rằng đây là loại hình nghệ thuật khác hẳn với cách hát nhạc pop của tôi. Tôi bỗng trở thành em bé chập chững biết đi, phải học cái mới từ đầu…
Thực hiện chương trình này, tôi chuẩn bị tư tưởng cho mình sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn: dự án âm nhạc sẽ cần đến cả trăm con người, từ nhạc công, nhạc sĩ, kỹ sư âm thanh, kỹ thuật viên… Mà ở ta, tập trung được được 10 con người cùng làm việc một lúc đã không phải là việc dễ dàng!
2. Ồ, một đại hạt mới. Cô Bống đang lội ngược dòng, để tìm kiếm một công chúng riêng?
Để có được kết quả thu thanh trung thực, gợi cảm nhất, anh Quốc Trung (giám đốc sản xuất) đã cùng với kỹ sư âm thanh Doãn Chí Nghĩa (người được tu nghiệp chuyên về âm thanh cổ điển tại Đức) phải làm việc trước đó nhiều giờ để set up một phòng thu mới toanh trong ngay chính khán phòng hòa nhạc của Nhà hát giao hưởng.
Hoài Sa, đạo diễn âm nhạc, đã bay cùng tôi ra Hà Nội, có mặt ở khán phòng thu với đôi tai master của mình, đảm bảo tinh thần của những bài phối được thể hiện đúng nhất bởi dàn nhạc giao hưởng. (Hầu hết các bài do anh phối, cùng với anh Quốc Trung, Trần Mạnh Hùng, Craig Amstrong, và các bản phối nguyên bản trong các vở nhạc kịch). Chưa có chương trình nào đòi hỏi nhiều công sức và sự sự tập trung cao độ đến thế! Các nhạc công đã chơi hết mình, và nhạc trưởng Lê Phi Phi đã hoàn thành công việc chỉ huy của mình một cách ngoạn mục! Nhóm làm phim của anh Phạm Hoàng Nam đã ghi lại những hình ảnh chúng tôi cùng kết hợp làm việc với nhau trong suốt tám buổi tập luyện và thu thanh, những kỷ niệm ấy sẽ được dựng lại trong video clip anh Nam sẽ đạo diễn, đi cùng thành một bộ với CD.
F. HOBBIES
1. Thú vui lúc rảnh của chị là gì?
Nấu thử các món ăn mới và tán phết với mẹ Mai; chơi với hai con trai của Hà Kiều Anh (tôi là mẹ đỡ đầu của bé Kingsley); xem phim; đi cà phê với hội độc thân (càng thú vị khi chính mình không còn độc thân nữa)…
2. Màu sắc mà chị luôn nghĩ đến?
Màu trắng – bởi tùy ánh sáng phản chiếu vào, nó có thể thay đổi muôn màu.
3. Vật nuôi mà chị đang có?
Tôi có bầy cá và mấy chú rùa đã sống hòa bình 10 năm nay, mèo Kitty nhị thể, đuôi cụt, không còn xinh đẹp nhưng đầy cá tính. Tôi đã nghĩ phải kiếm một con nữa cho Kitty đỡ cô đơn. Nhưng giờ chúng tôi chuyển về quận 2, Kitty có bạn thân là mèo đen trắng bên hàng xóm, mời nhau về party suốt, rồi ngủ vùi bên thềm nhà cổ… Nó không còn ngồi ngóng hàng giờ bên hồ, nhìn chăm chăm vào lũ cá đang bơi lội tung tăng, hay rình chờ lũ rùa lên bờ thì xồ ra dọa nạt nữa…
4. Đĩa nhạc, live show, bộ phim mà chị vừa xem?
CD Cocktail của Hà Anh Tuấn, live show Eric Clapton ở Hongkong, và phim King’s Speech.
5. Nếu thực sự có một “ngày tận thế” như trong phim 2012 của đạo diễn Roland Emmerich, là một công dân được chọn lên tàu, và được mang theo 3 thứ, chị mang theo gì?
Bàn chải đánh răng, thảm tập yoga và Iphone 4 của tôi.
Xem thêm:
Hồng Nhung, Hà Anh Tuấn, Uyên Linh cùng hát trong đêm nhạc Ru mùa đông
Thu Minh – Thanh Bùi: Bén duyên với nghề “Thắp lửa”
Phạm Hoàng Nam: Giữa tôi với ELLE Fashion Show là sự chung tình
Nhóm thực hiện
Bài viết: Phạm Tường Vân Hình ảnh: Lê Thiện Viễn