Nghệ sĩ múa Tạ Thùy Chi – Đôi giày, sân khấu và cuộc đời

Chính thức gắn với nghệ thuật múa từ năm 12 tuổi, Tạ Thùy Chi cho rằng nếu không có một trong hai vai trò “người nghệ sĩ - người bình thường”, cuộc sống của cô sẽ mất đi rất nhiều điều hạnh phúc.

-001

Năm 12 tuổi, Tạ Thùy Chi được gửi đi học múa ở Quảng Đông (Trung  Quốc). Quyết  định “nhiều nước mắt” ngày ấy đã nở hoa hôm nay. Khi nhắc về gia đình mình, Tạ Thùy Chi rất tự hào và hạnh phúc. Bố (GS – NSND Tạ Bôn), mẹ (nhà giáo Kim Dung) và anh  trai (nghệ sĩ violon Tạ Tôn) là bệ phóng đến tương lai của Chi.

Trong cuộc chuyện trò với ELLE trước giờ công diễn vở kịch múa Câu chuyện về những chiếc giày (tại Nhà hát Thành phố, trong hai đêm trung tuần tháng 8/2012),Thùy Chi hé lộ nhiều bí mật bây giờ mới kể.

Đứng ở hậu đài xem Thùy Chi và đồng nghiệp tập chương trình, thật không thể tưởng tượng múa lại nặng nhọc như vậy. Cơ duyên nào đã dẫn Chi đến với múa?

Chính là từ gia đình! Bố và anh trai đã đánh thức tôi mỗi sáng bằng tiếng đàn violon da diết. Còn mẹ đã trực tiếp tặng tôi những điệu múa và tiết tấu âm nhạc sôi nổi từ khi tôi lên 4. Những hình  ảnh  dù không rõ ràng và liền mạch ấy vẫn hiện lên trong tôi mỗi khi múa.

Tôi thấy mình thật may mắn khi được sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật. Nếu như bố mẹ không nhận thấy ở tôi có chút năng  khiếu múa, chắc chắn sẽ không đưa ra quyết định cho tôi du học khi mới 12 tuổi. Là những người “trong nghề”, họ đã giúp tôi chọn hướng đi đúng đắn nhất.

Từ quyết định được xem như bước ngoặt số phận này, tôi mới có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật múa chuyên nghiệp. Sự đam mê, lòng yêu múa cứ thế lớn dần trong  trái tim tôi… Với tôi, gia đình  là nghệ thuật và nghệ thuật chính là gia đình.

Đại thi hào William Shakespeare có viết đại ý rằng sân khấu và cuộc đời chẳng có gì giống nhau. Đôi khi sân khấu còn là vết rạn của cuộc đời. Chị có thấy điều này đúng không?

Mỗi nghệ sĩ đều có cái nhìn riêng về sân khấu. Riêng tôi, sân khấu  và cuộc đời tựa như đôi giày mình đang đi. Cả hai cảm xúc về cuộc đời và trên sân khấu giống như điểm tựa cho đôi chân bước tiếp trên con đường nghệ thuật. Nếu không có một trong hai vai trò “người nghệ sĩ – người bình thường”, có lẽ cuộc sống của tôi sẽ mất đi rất nhiều điều hạnh phúc.

Khi nhìn nhận những vấn đề của cuộc sống, tôi chọn góc nhìn từ một người nghệ sĩ, như thế trái tim và tư duy của tôi thấy nhẹ  nhàng hơn. Còn trên sân khấu, tôi cảm nhận theo tâm tư của một người bình thường để có thể chạm đến và thấu hiểu những cảm xúc đơn giản nhất, bởi chỉ có như vậy tôi mới có thể làm cho những người thưởng thức nghệ thuật thấy gần gũi và chân thật.

Chi đã bao giờ mượn sân khấu để thể hiện những khát vọng, giấc mơ không thể thực hiện được ngoài đời thường?

Sân khấu đúng là nơi để chúng tôi chia sẻ những ước mơ và khát vọng trong cuộc sống, nhưng cho đến giờ, tôi thấy không có gì không thể thực hiện được. Chúng tôi đã cùng làm nên, “hiện thực hóa” những suy nghĩ, những câu chuyện bằng ngôn ngữ múa. Khán giả đã có thể hiểu được và chia sẻ. Tôi nghĩ, khi thông điệp được cảm thông, giấc mơ đã được thực hiện.

 “Vũ công ballet” – “Nghệ sĩ múa” có gì khác nhau trong cách hiểu hiện đại?

“Vũ công ballet” chuyên về trường phái múa Ballet, còn “nghệ sĩ múa” không có giới hạn thuộc trường phái nào cả. Nhất là nghệ sĩ múa ở Việt Nam, họ còn là những người đa tài, chăm chỉ, yêu nghề, hi sinh và chịu khó học hỏi. Nghệ sĩ múa hiện nay hầu như có thể múa  nhiều thể loại, phong cách khác nhau trong nhiều hoàn cảnh và cũng có thể đảm nhiệm nhiều công việc có chuyên ngành khác để phụ  giúp gia đình.

Điều khiến tôi khâm phục và trân trọng ở họ chính là những người nghệ sĩ này đã vượt qua  rất nhiều khó khăn của đời thường để được tiếp tục đứng trên  sân khấu, tiếp tục theo đuổi niềm đam mê, hay chỉ đơn giản là có được khoảnh khắc ngắn ngủi thả hồn theo cảm xúc  trên sân khấu. Có lẽ riêng đối với người nghệ sĩ múa, đó là hạnh phúc lớn lao có được khi theo đuổi bộ môn tuy đẹp nhưng khắc nghiệt này.

Tng học múa ở Trung  Quốc và hóa thân vào nhiều vai diễn, chị thích nhất vai diễn, vở kịch và tác gia nào?

Tôi có nhiều sở thích trong nghệ thuật nên không gói gọn thói quen  xem, đọc vào bất kỳ một tác giả nào. Mỗi người đều có những cái hay và những điều chưa được. Đó không phải là bàn cân để so sánh mà như một thư viện để tôi học hỏi. Vai diễn  cá nhân  tôi thích nhất nằm trong Chuyện anh em nhà Thùy Chi thuộc vở múa  Chuyện kể những chiếc giày bởi đó cũng chính là câu chuyện của Thùy Chi ngoài đời.

Câu chuyện của những chiếc giày nói về đề tài của những người trẻ hôm nay. Thông điệp  nào đã được gửi gắm qua vở múa này?

Nhóm múa Arabsque và tôi muốn chia sẻ với khán  giả những câu chuyện chân thật của mình. Từ sự đồng cảm, chúng tôi hy vọng  các bạn  sẽ thấy  gần gũi hơn, yêu thích nghệ thuật múa hơn và ủng hộ chúng tôi trên con đường tiếp tục theo đuổi những điều thật đẹp và thiêng liêng trong nghệ thuật múa.

Xem thêm

Tạ Thùy Chi – Chim vành khuyên hay múa

Nghệ sĩ múa Lê Ngọc Văn – Nghệ sĩ cần tinh thần thép

Nghệ sĩ múa Kim Cúc – May mắn vì được theo nghề múa

Nghệ sĩ múa Duy Khánh – Nếu một ngày không múa tôi như chết

Nhóm thực hiện

Phỏng vấn Nguyễn Hữu Hồng Minh - Ảnh Arnaud De Harven Trang điểm Hung Max Địa điểm KUJEANS - Trang phục Lam Boutique
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)