Gần đây, danh hài Hoài Linh chia sẻ trên Facebook cá nhân hình ảnh anh cùng Võ Thanh Lộc, người thầy đầu tiên đã đưa anh đến với nghiệp diễn. Suốt 25 năm tận tuỵ với nghề, tên tuổi Hoài Linh nay đã gắn liền với những vở hài kịch được rất nhiều khán giả yêu thích tiêu biểu như:
Ra Giêng Anh Cưới Em
Vai diễn “gà trống nuôi con” trong vở Ra giêng anh cưới em trên sân khấu Nụ Cười Mới đã mang lại cho danh hài Hoài Linh giải Mai Vàng năm 2006. Vở kịch kể về câu chuyện tình yêu của Mót và Rồi – hai cô con gái cưng của ông Sáu Bảnh. Cô chị Mót đem lòng yêu chàng Lượm – con trai bà Tám Sumo. Trớ trêu thay, bà Tám Sumo lại là kẻ thù không đội trời chung với Sáu Bảnh nên đôi trẻ phải yêu nhau lén lút. Câu chuyện càng thêm rối ren bởi những tình tiết hiểu lầm không đáng có giữa hai bên và kể cả trong nội bộ nhà ông Sáu Bảnh. Chuyện tưởng chẳng thể giải quyết lại được gỡ rối với sự nhập vai vô cùng duyên dáng của Hoài Linh. Những tình huống dở khóc, dở cười được anh xử lí khéo léo.
Ra giêng anh cưới em từng là vở hài kịch nổi tiếng “sốt vé” của sân khấu Nụ Cười Mới nhiều năm trước. Phiên bản phim truyền hình vừa ra mắt khán giả dịp năm mới 2015 là bằng chứng cho sức hút của vở kịch vẫn chưa hề suy giảm.
Dạ Cổ Hoài Lang
Khán giả sẽ bắt gặp một sắc thái khác của Hoài Linh với vai ông Tư trong vở Dạ Cổ Hoài Lang. Danh hài Hoài Linh một lần nữa tạo nên cơn sốt vé với lần tái diễn của vở kịch đã mang tiếng vang trong suốt hơn 14 năm (hơn 500 suất diễn). Năm 2009, vai ông Tư một lần nữa mang lại cho anh danh hiệu Nam diễn viên kịch nói giải Mai Vàng.
Không hề kém cạnh khi vai ông Tư đã từng được nghệ sĩ Thành Lộc, Lê Vũ Cầu, Thanh Hoàng thể hiện thành công, Hoài Linh phối hợp một cách nhịp nhàng cùng NSƯT Việt Anh lèo lái khéo léo những xúc cảm vui, buồn, đau, cười xuyên suốt vở kịch.
Khán giả hài lòng với những tràn cười đau bụng khi anh tái diễn những câu chuyện có thật như người già đi chợ ở Mĩ chỉ có thể ra dấu ngón tay hay khi anh cất giọng hát Dạ cổ hoài lang bằng tiếng Anh. Danh hài Hoài Linh từng chia sẻ, những ngày tháng khó khăn phải lăn lôn kiếm sống nơi xứ người và những kế thừa từ vai diễn trước của đàn anh đã mang đến một ông Tư “đời” hơn.
Người Nhà Quê
Vào vai ông Tía trong vở Người Nhà Quê, Hoài Linh lấy được không ít nước mắt của nhiều thế hệ cũng như sự đồng cảm của các bậc làm cha làm mẹ. Câu chuyện mang thông điệp xã hội khi nói về nỗi khổ của cha mẹ già bị xem là gánh nặng và không được sống chung với con cái. Vai diễn thành công mang đến cho anh giải thưởng Mai Vàng hạng mục Nghệ sĩ hài năm 2007.
Danh hài Hoài Linh để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả khi hoá thân vào vai một ông Tía gầy gò mặc bộ bà ba màu nâu đất, khăn rằn choàng cổ, chân mang dép lào trắng, dạt dào tình cảm dành cho con. Với tài diễn xuất đáng nể phục, danh hài Hoài Linh mang đến cho khán giả những tiếng cười cũng như những suy ngẫm về cuộc sống xung quanh. Vở kịch truyền tải thông điệp nhắc nhở con cái phải biết yêu thương, cư xử nghĩa tình và trân trọng đấng sinh thành, như ông bà năm xưa có câu: “Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Hoa Hậu 3 Miền
Không chỉ được mệnh danh là nghệ sĩ hài hàng đầu Việt Nam, Hoài Linh còn khẳng định tên tuổi với khả năng biến hoá trong những vai giả gái. Ngoại hình gầy gò, mảnh mai chính là lợi thế của anh khi mặc trang phục truyền thống áo dài hay sườn xám. Anh quan niệm, khi hoá trang phải thật cẩn thận và tỉ mỉ vì mỗi người phụ nữ trời sinh luôn có nét đẹp riêng.
Trong những năm đầu khởi nghiệp, danh hài Hoài Linh làm nghệ sĩ độc quyền cho trung tâm Vân Sơn. Nghệ sĩ Vân Sơn đã viết kịch bản vở Đi Thi Hoa Hậu cho Hoài Linh do ấn tượng đầu tiên của anh với Linh là một người đàn ông khá hài hước nhưng lại có dáng người gầy gò, mảnh khảnh rất giống với con gái. Hoa hậu 3 miền chính là vở hài kịch đầu tiên trên sân khấu hải ngoại của Hoài Linh với vai giả gái. Sau vở diễn này, cái tên Hoài Linh đi lên như diều gặp gió.
Nhóm thực hiện
Thực hiện: Trang Thy Hình ảnh: Imax