Top 5 ca khúc đầy cảm hứng của P!nk
Là người nghệ sĩ, Pink luôn đặt cảm xúc, tâm hồn, và cái tôi vào từng sản phẩm âm nhạc của mình. Hơn ai hết, cô không muốn âm nhạc của cô là thứ âm nhạc sáo rỗng, vô nghĩa mà phải là nghệ thuật chân chính. Chính vì vậy, các ca khúc của cô luôn đầy màu sắc và những câu chuyện về bản thân, cuộc đời, và tình yêu.
Ngày 8/9 vừa qua là sinh nhật của cô ca sĩ nổi loạn và vô cùng cá tính này. Hãy cùng ELLE điểm qua top 5 ca khúc với những thông điệp đầy cảm hứng nhất trong sự nghiệp âm nhạc của Pink từ trước đến nay.
Stupid Girls (2006)
Sau ba album đầu mang hơi hướm R&B pha pop, Pink quyết định chuyển hướng về phong cách âm nhạc sang âm hưởng pop punk/pop rock trong album thứ tư I’m not dead. Stupid girls là một trong những đĩa đơn thành công nhất và mang sự nghiệp của cô lên tầm cao mới. Là sự kết hợp giữa dòng nhạc hip-hop, reggage, và dance pop vô cùng bắt tai, ca khúc đã gây được sự chú ý và phản hồi tích cực từ giới phê bình và công chúng. Stupid girls từng “làm mưa làm gió” trên các bảng xếp hạng một thời khi nhiều tuần liền nằm trong top các bài hát dẫn đầu. Pink còn được nhân đề cử giải Grammy năm 2007 ở hạng mục Trình diễn pop xuất sắc nhất.
Ngay đến cả tác giả bộ truyện Harry Potter – J.K.Rowling đã khen bài hát này trên website của mình: “Stupid Girls đúng là một liều thuốc giải cho tất cả những gì mà tôi đang suy nghĩ về phụ nữ và sự mong manh của họ, có cả tôi”. Bài hát này nói về những cô gái ngốc nghếch, mơ tưởng viển vông, tưởng tượng mình sẽ được trở thành tổng thống, hay nhảy với 50 Cent. Vẫn bản chất gai góc có chút đả kích đó, nhưng cái duyên dáng của Pink nằm ở chỗ, cô luôn biết thể hiện nó một cách thẳng thắn, hài hước mà không hề phản cảm. Thông điệp mà cô hướng tới khá rõ ràng rằng mọi cô gái đều có quyền được làm tất cả những gì mà mình muốn mà không phải coi chừng miệng lưỡi thiên hạ.
So What (2008)
Phát hành năm 2008 và nằm trong album mang tên Funhouse, So What nhanh chóng trở thành một trong những bản hit đình đám nhất của Pink trong năm đó. Theo như cô chia sẻ, album thứ năm này mang ý nghĩa rất lớn đối với cô. Những ca khúc trong Funhouse đều xoay quanh về chồng cô – Carey Hart – và cuộc hôn nhân tan vỡ của họ vào năm 2008 (trước khi chính thức quay lại với nhau vào năm 2010). So What là sự hòa trộn giữa chất bắt tai của pop và sự rộn ràng, mạnh mẽ của rock. Với tiết tấu nhanh và nhịp điệu đầy mê hoặc, mỗi khi bài hát vang lên đều khiến người ta phải hòa vào và nhún nhảy. Ngay sau khi vừa trình làng, ca khúc này đã nhanh chóng nhận được nhiều phản hồi tích cực của giới phê bình lẫn những người yêu nhạc bởi nó ca ngợi sự độc lập và mạnh mẽ của người phụ nữ.
So What cũng là đĩa đơn thành công nhất về mặt thương mại trong tất cả các bài hát của cả album khi chiếm giữ vị trí dẫn đầu trên các bảng xếp hạng ở 25 quốc gia như Mỹ, Anh, Úc, Canada, Nhật Bản,… Bên cạnh đó, ca khúc leo lên đứng đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100 tại Mỹ và bán được hơn 8 triệu 500 ngàn bản trên toàn thế giới. Thành công nối tiếp thành công, nhờ ca khúc này mà Pink nhận được đề cử Grammy ở hạng mục trình diễn nhạc pop xuất sắc nhất vào năm 2009. MV của So What cũng giành được giải Video được yêu thích nhất tại lễ trao giải MTV Europe Music Awards 2008 và MTV Australia Awards 2009. Đây chính thức trở thành hit đầu tiên trên các bảng xếp hạng với tư cách là nghệ sĩ solo của Pink.
Raise Your Glass (2010)
Được viết dựa trên thể loại pop rock pha dance với nhịp điệu nhanh và phấn chấn, Pink có dịp được khoe chất giọng nữ trung khỏe khoắn của mình. Raise your glass được phát hành tháng 10 năm 2010 thuộc album Greatest Hits… So Far!!! của cô. Pink đã chứng tỏ mình là một “hit-maker” đúng nghĩa khi ca khúc nhận được cả thành công về mặt thương mại và phía đánh giá của các nhà phê bình âm nhạc. Không lâu sau đó, Raise Your Glass lọt vào top 10 các bản hit ở một số quốc gia; trong đó có Mỹ – nơi ca khúc đạt vị trí quán quân. Bài hát đã đem lại cho Pink đĩa đơn quán quân thứ hai của mình tại đây, tiếp sau So What.
Ca khúc này còn đánh dấu mốc một thập kỉ hoạt động trong sự nghiệp âm nhạc của cô kể từ khi debut vào năm 2000. Theo lời của Pink, cô viết bài hát này để dành tặng cho các fan của mình với ca từ ý nghĩa cũng như thông điệp hướng đến nguồn sống tích cực, tràn đầy năng lượng: Hãy tự hào về chính bản thân bạn dù bạn là ai đi chăng nữa. Pink vẫn mang nguyên xi cái cá tính nổi loạn, quậy phá đặc sệt pha chút hóm hỉnh ấy vào trong MV như một lời tuyên ngôn đại diện cho sự khác biệt. Mức độ thành công của Raise your glass còn nằm ở chỗ ca khúc được phía nhà sản xuất TV series hài kịch ca nhạc đình đám Glee chọn cover trong phim.
F**kin’ Perfect (2010)
Nhắc đến Pink, người ta luôn xem cô hệt như “tắc kè hoa” của làng âm nhạc thế giới. Không hề giậm chân tại chỗ và ở trong “vùng an toàn” của mình, cô luôn biết cách biến hóa và thử thách mình với khá nhiều dòng nhạc khác nhau. Nếu trong Raise your glass là một Pink đầy mạnh mẽ, táo bạo, hài hước, thì Pink của F**kin’ Perfect lại trầm lắng, mang nhiều nỗi lòng hơn. Nội dung của ca khúc nói về những vật lộn và vết thương lòng của cô khi còn trẻ. Thông điệp của Pink trong bài hát vô cùng rõ ràng qua từng câu chữ: “Pretty, pretty, please, don’t you ever, ever feel//Like you’re less than f**king perfect”. Cô phát biểu khi nhận danh hiệu Người phụ nữ của năm do tạp chí Billboard bầu chọn rằng: “Khi con người ta không nói nên lời, người ta sẽ hát. Và mong ước lớn nhất của cuộc đời tôi là có thể viết ra những ca khúc khiến các bạn cảm thấy trân trọng và yêu thương bản thân mình hơn”.
Chất pop trữ tình cùng với những đoạn cao trào khiến ca khúc chất chứa đầy nỗi khát vọng của người phụ nữ nói riêng và những người bị xem là “underdog” nói chung. Giai điệu bắt tai, dễ nhớ, dễ thuộc, cộng thêm ý nghĩa đằng sau đã khiến F**kin’ Perfect trở thành hiện tượng trong nền âm nhạc năm 2010. Bài hát này cũng đem về cho chủ nhân của nó một đề cử giải Grammy cho ở hạng mục Trình diễn nhạc pop xuất sắc nhất đồng thời đứng ở vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100.
Try (2012)
Với album thứ sáu mang tên The truth about love, Pink đã có một bước chuyển mình lớn về mặt hình ảnh. Từ một cô nàng gai góc, táo bạo, Pink trở nên đằm thắm hơn và trải đời hơn trong ca khúc Try. Là bản ballad pha trộn âm hưởng pop rock, mô phỏng theo phong cách FM Rock của những năm 80 trong đó phần đoạn chính lắng đọng kết hợp với phần điệp khúc mạnh mẽ, âm vang, bài hát như một bài thơ ca ngợi những ước mơ, khát vọng mãnh liệt của những con người muốn được yêu dù đó là một tình yêu không bền vững. Câu hát “Where there is desire there is gonna be a flame” hay đoạn điệp khúc “Where there is a flame someone’s bound to get burned// But just because it burns doesn’t mean you’re gonna die//You gotta get up and try” đã chứng minh được điều đó. Với nhịp tempo trung khá chậm rãi, Try đã lột tả được sự đau khổ, than khóc nhưng đồng thời cũng là một thứ thuốc xoa dịu vết thương.
Pink chia sẻ rằng: “Thực hiện video cho ca khúc này là trải nghiệm vui nhất tôi từng có trong sự nghiệp của mình. Tôi chẳng bao giờ mong nó kết thúc hết. Đây chính là video mà tôi yêu thích nhất”. Video của bài hát diễn ra tại hai nơi gồm một cảnh quay trong nhà, nơi mà Pink thực hiện những động tác múa đương đại ấn tượng với vũ công Colt Prattes và cảnh ngoài trời, khi họ nhảy và va chạm vào nhau ở giữa sa mạc. Video sử dụng bột màu rắc lên Pink và diễn viên để tạo thêm hiệu ứng nghệ thuật cho từng chuyển động. Những động tác trong video mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ, mô tả một bầu không khí u ám và mối quan hệ dằn vặt trong một tình yêu tan vỡ.
Quỳnh Như (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp Elle)