Văn hóa / ELLE Interview

Thanh Lam: “Mọi cái đều cần được nuôi dưỡng…”

Một thị trường âm nhạc nghèo thúc đẩy cái mới, những nghệ sĩ lớn có thể làm được gì? Thanh Lam trải lòng cùng bạn đọc.

1

Chỉ dự định tổ chức ở Hà Nội, nhưng rồi lại có thêm một đêm nữa tại TP.HCM – Điều đó cho thấy lựa chọn của chị và Tùng Dương với nhạc xưa trong live concert “Yêu” đã gặp được khán giả hai miền.Tôi cũng đã được nghe chị hát ở “Yêu”, nhiều bài quả thực là đã tai, chẳng hạn: “Kiếp nào có yêu nhau”, nhưng cảm giác sau cùng lại là… buồn. Buồn vì một cá tính âm nhạc vốn quen “phá phách”, “vùng vẫy” như Thanh Lam sao lại có lúc chịu hòa mình vào trào lưu hát nhạc xưa, dễ nghe, dễ xác định được đối tượng khán giả, thay vì những tìm tòi, định hướng mới quyết liệt, bạo dạn hơn như đã từng, như luôn cần có – ở tầm một diva?

Quyết định chỉ đến, sau khi có được những phép thử gây được hiệu ứng tốt và chính sự đón nhận của khán giả đã cho tôi động lực phải làm gì đó nhiều hơn, đậm hơn với nhạc xưa. Bởi vậy mà lựa chọn ở đây, không hẳn chỉ là một chữ “chiều” khán giả đơn thuần, mà còn trước hết là vì chính mình.

Rằng chính mình đôi khi cũng cảm thấy thèm được cùng khán giả trở lại với những gì xưa cũ, mình cũng thích được cất lên không phải từ cổ họng mà từ trái tim mình những giai điệu, ca từ đẹp khiến mình thực sự rung cảm, vốn chẳng dễ gì tìm trong nhiều ca khúc mới bây giờ.

Còn cái mới, đương nhiên là phải có chứ, với những cá tính âm nhạc như Thanh Lam, Tùng Dương…, ngay cả khi họ hát bài cũ. Bạn thấy đấy, trong âm nhạc, có thể có những con đường giống nhau, nhưng đã là cá tính âm nhạc, thì chẳng ai giống ai cả, nên sẽ là thiếu tự tin khi luôn luôn phải đè nặng áp lực: Nhất thiết phải đi một đường riêng, phải không được hát những thứ nhiều người hát…

Mà ngược lại, sao không là một giả thiết khác: Tại sao lại không cơ chứ, khi mình biết rõ đó là thứ khán giả muốn nghe, mà mình thì thừa sức làm mới, làm khác, dù nhiều người cùng muốn làm điều đó?

Không chỉ “thừa sức làm mới”, mà dường như chị còn thừa sức làm… “luật sư bào chữa” cho chính mình! Nhưng nếu nhìn sâu hơn nữa vào mình, liệu có đúng đó là khao khát sáng tạo cháy bỏng nhất ở chị – một cá tính âm nhạc?

Cháy bỏng nhất ư? Đương nhiên thì là không phải rồi! Vì phàm đã là những nghệ sĩ lớn, và yêu nghề đau đáu, thì lẽ dĩ nhiên là không ai lại muốn làm những điều trùng lặp, và nhai đi nhai lại những gì đã cũ. Chinh phục cái mới hẳn nhiên là đỉnh cao giàu sức hút nhất luôn vẫy gọi người nghệ sĩ và câu chuyện hoài bão ở người làm nghệ thuật thì không bao giờ là đủ cả, không bao giờ có dấu chấm câu nào giúp thỏa mãn.

Làm nghề sáng tạo, còn gì sung sướng hơn khi được đi đến cùng với khát vọng của mình, mà không phải suốt ngày căng thẳng vì mấy chữ “bán vé”, “xin tài trợ”…, phải nghĩ cách dung hòa, cân bằng giữa nhu cầu nội tại của bản thân và nhu cầu thực của thị trường, khán giả… – những áp lực ngoài chuyên môn luôn chỉ chực trì níu bao khát vọng bay bổng của mình.

Nhưng quả tình, trước một thị trường âm nhạc nghèo giá trị thúc đẩy cái mới như ở ta, những nghệ sĩ lớn liệu có thể làm được gì nhiều? Đặt được cái mới vào những tai nghe mà phần nhiều đều thích nghe những gì quen tai (trong khi lại luôn đòi hỏi nghệ sĩ phải chăm làm mới) đâu dễ!

Hát quá nhiều bài mới, thể nghiệm quá nhiều cái mới… do đó mà dần được coi là một lựa chọn thiếu khôn ngoan và an toàn ở ta, trên hành trình chinh phục khán giả và duy trì chỗ đứng.

Chị thừa biết là, thị trường âm nhạc nào dù chuyên nghiệp hay thiếu chuyên nghiệp thì cũng thế thôi: luôn tồn tại song song hai dòng nhạc cao cấp và bình dân, dành cho những đối tượng khán giả khác nhau. Vậy tại sao chị lại không kiên định đi theo con đường của chị?

Ai bảo tôi không kiên định? Có chăng là, trong sự kiên định ấy, tôi chỉ ít nhiều bớt cực đoan hơn thôi! Chẳng hạn như trước đây, chết, tôi cũng không chịu hát nhạc sến. Nhưng vừa đây, nghe Đàm Vĩnh Hưng xúi, tôi đã thử. Và kết quả là: Thanh Lam hát nhạc sến thì phải khác!

Vấn đề là cái hồn cốt âm nhạc mà anh luôn có trong huyết quản, nó sẽ giúp phân biệt anh với người này và người kia! Đúng như bạn nói, thị trường nào thì cũng tồn tại hai dòng nhạc cao cấp và bình dân để chiều lòng những thị hiếu khác nhau. Nhưng đáng nói, cái khác ở đây là ở các nước có nền âm nhạc phát triển, bảng phân màu đó rất rành mạch và sòng phẳng. Rằng, đúng, một bảng thực đơn có thể có rất nhiều món ăn, nhưng không có nghĩa, những món ăn ấy sẽ được đặt trên cùng một bàn.

Chẳng hạn ở nước ngoài, có những nhà hát sang trọng đến nỗi một ngôi sao thuộc dòng nhạc bình dân dù có lượng fan khổng lồ đến đâu thì cũng đừng mơ có ngày được đặt chân vào đấy, và chữ “không” đó được coi là đẳng cấp, thương hiệu và gu thẩm mỹ của nhà hát ấy, không gian âm nhạc ấy. Chứ không thể có chuyện một ca sĩ chuyên dòng nhạc sến như T.V lại có 5 đêm liền cháy vé tại Nhà hát Lớn Hà Nội như ở ta!

Dù đúng, điều không thể phủ nhận là cái tên ấy vẫn giữ được sức hút rất mạnh, với một đối tượng khán giả nhất định. Cũng như, không có gì đáng chê trách ở đây khi mỗi ca sĩ hay mỗi khán giả bỏ tiền ra mua vé đều có quyền đưa ra lựa chọn riêng của mình.

Nhưng vấn đề ở đây là một địa chỉ như Nhà hát Lớn, nơi tôi nghĩ nó cần có riêng một không gian âm nhạc đặc thù, để mỗi nghệ sĩ khi được đặt chân vào đấy đều cảm thấy mình xứng đáng là một phần thuộc về không gian ấy, mình xứng đáng được lựa chọn…

“Canh cửa” Nhà hát Lớn như thế, chưa chắc chị đã bớt cực đoan đâu nhé! Và ăn thua, có thể “canh cửa” Nhà hát Lớn, nhưng làm sao có thể “canh cửa” được khán giả!

Mỗi người một đỉnh núi, một “chìa khóa vào cửa” riêng, đâu ai thay ai làm việc đó được, ngoài khán giả!

 

 

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Tường Minh - Ảnh: Na Sơn   
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)