Ca sĩ Phương Thanh: “Nghệ sĩ quan trọng nhất là tình cảm”
Có vẻ như mười mấy năm sau, kể từ cái ngày tôi nghe chị hát ở sân khấu xã hồi còn bé, cho đến tận bây giờ, chị vẫn không thay đổi, trong cả tiếng cười lẫn cách xởi lởi mở đầu câu chuyện.
Sống lâu với nghề lên hàng lão làng, ca sĩ Phương Thanh càng ngày càng giữ được sức lôi cuốn trong cách kể, như thể chị hát, lúc cay nghiệt với thói đời, cũng có khi mằn mặn vị đậm của tình nghệ sĩ.
Hơi ngược đời một chút khi tôi mở đầu câu chuyện với chị – một ca sĩ, bằng chuyện từ thiện chứ không phải chuyện ca hát…
Nghệ sĩ là người tuyên truyền, trên tất cả các mặt trận. Muốn quảng bá một sản phẩm có thông điệp, muốn truyền tải một nghĩa cử hay một hành động mang bài học nhân văn nào đó thì chỉ nghệ sĩ mới có đủ khả năng và sức lan tỏa. Tất cả những tổ chức từ thiện, bây giờ họ cũng muốn mượn nghệ sĩ để đẩy mạnh hình ảnh. Hình ảnh ở đây chưa dám nhận xét tốt hay không tốt, nhưng trước hết là nó có tính tích cực rồi đó. Tích cực ở đây là nghệ sĩ làm từ thiện theo phong trào, tiên phong kêu gọi sự cộng hưởng của các nhà hảo tâm. Điều ấy hay chứ!
Chị suy nghĩ như thế chắc cũng bỏ qua chuyện công chúng nhiều người ngoài cuộc truyền miệng nhau rằng đấy chỉ là chiêu thức lăng xê kiểu mới của showbiz Việt?
Làm từ thiện cũng là vì bản thân mỗi người đã qua khó khăn thật sự, mới đồng cảm được. Tôi đâu có nhiều thời gian, lắm khi hôm trước hôm sau là phải về chạy show rồi, trước giờ tôi chỉ chạy 100km, không chơi tiếp sức (cười). Tôi thấy khả năng lan rộng của hình ảnh nghệ sĩ, nên tôi làm, tại sao không? Hình ảnh đó đẹp mà. Còn chuyện tốt hay không thì không thể đánh giá vội. Nhiều lúc đi làm từ thiện, tôi không muốn chụp hình, quay phim… nhưng tôi không thể làm khác. Thứ nhất, đưa tin là chuyện của họ, họ phải làm, không cấm được. Thứ hai, tôi không đi cá thể mà đi theo chính quyền, làm việc phải rõ ràng, minh bạch. Thứ ba, tôi làm từ thiện là kêu gọi, chứ nghệ sĩ chúng tôi đâu phải ai cũng giàu để một năm làm từ thiện mấy chục lần? Chúng tôi chỉ đại diện, còn phần lớn vẫn là nguồn từ các “Mạnh Thường quân”. Tôi không muốn nhắc tới những cái truyền miệng, tại có người làm từ thiện đôi lần mà làm chuyện xấu cả đời. Đâu ai biết, đâu ai hay! Nên thôi tôi kệ. Cái tốt xấu đó, tự mình mình biết, rồi sẽ có lúc “gieo quả nào gặt quả đó”.
Trong khi số đông tính sức ảnh hưởng bằng quảng cáo, bằng đại diện thương hiệu…, chị ảnh hưởng tới công chúng thông qua việc gì?
Mỗi một nghệ sĩ đều mang một thông điệp, quan điểm sống, mình đừng quá tham vọng tất cả mọi thứ đều tốt, đều đẹp. Nhiều nghệ sĩ quá tham vì cái gì cũng muốn, mà không biết là trong cuộc sống có nhiều người tay trắng đi lên. Họ phải nỗ lực từng ngày để có mọi thứ. Không phải chỉ là vật chất, tiền bạc, người ta cố gắng để đạt được cái tâm cái thiện, tích đức về sau. Còn nghệ sĩ xấu tính, xấu nết thì họ cũng tự mang trong mình một câu chuyện riêng rồi. Khán giả nhìn vào dần dà họ cũng rút ra bài học cho mình. Cố giành giật làm chi, ông bà ta nói cấm có sai, “của thiên trả địa”. Giá trị thật rồi cũng sẽ được quy về một mối, tuy nhìn thoáng qua, bạn khó nhận ra, nhưng những người có suy nghĩ một chút, họ biết tất. Bởi vậy ta nói ca sĩ nào, khán giả ấy. Ca sĩ tính toán thì người khán giả tính toán sẽ thích họ, ca sĩ đẹp nhãn thì khán giả thích họ cũng là người coi trọng bề ngoài… Bạn để ý điều đó sẽ nhận ra sức ảnh hưởng của nghệ sĩ tới công chúng, theo nhiều cách khác nhau.
Chị nói nghe có vẻ buông xuôi, hay là không chấp?
Tôi đã sống qua cái thời “nhanh”, nên bây giờ tôi chậm lại. Người ta ai cũng sẽ đến lúc phải chậm. Cuộc sống luôn thay đổi giữa không và có, khi mình không thì người khác có và ngược lại, khi người ta nhanh thì mình chậm, mà cái gì chậm cũng chắc, rồi tất cả sẽ… chậm lại thôi.
Ở đây tôi muốn nói là một người không lúc nào cái gì cũng có, và không lúc nào cứ sống vèo vèo. Tôi không thấy mình phải lo lắng về chuyện người này người kia soán ngôi, hay là tại sao mãi tôi không ra sản phẩm gì… Nếu xu thế chậm lên ngôi, tức lúc người ta nhận ra cái gì quan trọng, thì tức khắc “nhanh” sẽ bị đào thải. Nó giống những ca khúc hát một lần, nghe một lần, rồi quên. Người lớn không chấp người bé. Người lớn quan trọng lắm, sẽ có lúc họ tạo lại xu hướng.
Ai cũng suy nghĩ như ca sĩ Phương Thanh, ai cũng là “người lớn” cả, thì chắc vui lắm nhỉ?
Con người tồn tại 60 năm cuộc đời mà không thông thoáng trong suy nghĩ thì sao “đi” đến hết đời? Con đường dài như vậy, từ khó đến khổ, từ vui sướng đến cay đắng, hỉ nộ ái ố bắt buộc nếm đủ mới mong “lớn” nổi. Người bé thì chưa thành người lớn, thiếu đủ thứ về cả tư duy, suy nghĩ. Tôi cũng đã từng là người bé kia mà.
Tạm ví chị như Lục Vân Tiên, kẻ chân chất thẳng thắn, hành hiệp trượng nghĩa, chị có ngại không?
Đâu có gì phải ngại! Tôi là người thích lao vào những chuyện chướng tai gai mắt mà. Chuyện của Tuấn Hưng gần đây chẳng hạn, thấy bất bình mà không nói không phải là tôi. Vấn đề giữa Tuấn Hưng và hai nghệ sĩ đàn anh đàn chị là chuyện riêng, tôi không bàn. Tôi thừa hiểu nếu bây giờ mình bênh vụng thì thành dại, người ta bảo tôi “ăn theo”, rồi đặt chuyện. Tôi thà mắng khéo, la đứa em như một người chị cả trong nhà, rõ ràng Tuấn Hưng sai trong cách nói, nhưng đằng sau đó là tin nhắn của một kẻ khác chơi xấu Tuấn Hưng, kích báo chí để họ ghét anh và viết bài tiêu cực.
Người nóng tính mới hiểu người nóng tính, tôi hiểu Tuấn Hưng hơn ai hết. Phải nhẫn, học được chữ đó hay không là tùy duyên. Tôi chỉ mượn lời Phật dạy để gửi gắm cho Tuấn Hưng. Giới nghệ sĩ có cái tình, ghê gớm, xảo quyệt… giới nào cũng vậy cả thôi. Đi đường dài không thể nóng, vội!
Chị sống lâu năm cùng đồng nghiệp, chị có chắc nhìn người xấu dễ như “đánh hơi” chuyện xấu không?
Tướng mạo chỉ nói được một phần về con người của họ, không phải tất cả. Tôi thích người đẹp có hậu, có duyên, có tướng phúc. Cách nhìn người tốt người xấu qua dung mạo chỉ làm mình nhiều bận tâm thêm thôi, trừ phi tôi nhận ra “dao phay” thì mới tránh xa, dùng lực để áp đảo chứ “dao lam” cứa vài phát là chuyện bình thường!
Linh tính mách bảo tôi những chiêu trò, không đợi người ta nhắc, không cũng chờ khán giả ngăn cản hay ủng hộ. Tôi cứ thuận theo tự nhiên.
—
Xem thêm
Lê Cát Trọng Lý: Cứ làm những gì mình muốn làm
Bài: Đức N.
Ảnh: Tang Tang
Stylist: Lê Minh Ngọc
Làn tóc: Tùng Châu