Dương Ngọc Trà sinh năm 1985 và hiện đang sống tại Hà Nội. Trà từng tốt nghiệp đại học Ngoại Thương Hà Nội và đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Beppu, Nhật Bản. Công việc hiện tại của Trà là: “Thợ làm bánh kiêm thợ dịch sách (một chút thôi)”
BÀI LIÊN QUAN
Chị nhận ra mình mê làm bánh từ khi nào?
Tôi bỏ công việc văn phòng lúc chuẩn bị lấy chồng vì cần thời gian để… chụp ảnh cưới. Ngoài công việc văn phòng, tôi còn dịch sách nên khi bỏ việc, tôi không đến nỗi “nhàn cư vi bất thiện”. Lập gia đình, sinh em bé, tôi tiếp tục ở nhà để chăm con. Thời gian ấy, tôi khám phá mình có sở thích rất lớn là đọc và xem các video clip dạy làm bánh. Tôi có thể đọc hàng chục trang công thức bánh “suông” như vậy mà thấy thích thú hơn cả đọc tiểu thuyết
Tôi bắt đầu sắm dần dần các dụng cụ cơ bản như lò nướng, máy đánh trứng, vài cái khuôn. Đơn giản như vậy là có thể bắt đầu đam mê được rồi. Thời gian đầu thử nghiệm hết mùi vị này đến công thức khác, thất bại cũng nhiều nhưng tôi chia sẻ các công thức mình nghĩ ra trên một diễn đàn online. Điều đó khuyến khích tôi làm bánh bán ngay trên chính diễn đàn. Thời gian đó chưa có nhiều tiệm bánh online như bây giờ, kiểu bánh mộc mạc, chú trọng nguyên liệu tốt, có các kết hợp vị lạ như tôi được khá nhiều người ưa chuộng. Cứ thế tôi duy trì tiệm bánh online nhỏ xíu một-nhân-công cho đến bây giờ, và vẫn có những khách hàng thân thiết.
Trước đam mê này của vợ, ông xã của chị có ủng hộ?
Chồng tôi không hẳn ủng hộ kiểu tung hô nỗ lực “khởi nghiệp” của vợ. Anh ấy hay than phiền bếp bừa bộn nhưng anh không bao giờ đòi hỏi tôi phải bỏ công việc nghe có vẻ tay chân thấp kém này để đi làm văn phòng. Sự có mặt của một người phụ nữ ở nhà khi hai con còn nhỏ cũng là một điều đáng giá với gia đình tôi.
BÀI LIÊN QUAN
Quan điểm của chị về thành công, về hạnh phúc?
Với người ngoài (và có lẽ họ đúng với chuẩn mực của họ) tôi là người thất bại về sự nghiệp. Việc học đại học (ngoại thương và sau đó là 3 năm du học Nhật Bản cùng ngành) không áp dụng được gì trong công việc. Nếu muốn, có lẽ tôi đang mặc một bộ vest chật trong văn phòng bốn phía tường kính điều hòa ro ro nào đó, nói tiếng Anh, tiếp khách, thuyết trình trên PowerPoint, Skype với đối tác cách nửa vòng trái đất,… Nhưng tôi không hề tiếc những gì mình có thể “bỏ qua” ngoài kia. Tôi hài lòng với cuộc sống lấn bấn với bơ bột và những “đồng nghiệp” ngọt ngào thơm tho như các loại quả và hạt khô, các loại rượu mùi, cam, chanh, dâu, anh đào,… mùa nào thức nấy.
BÀI LIÊN QUAN
Thế giới thay đổi hàng ngày, với chị sự thay đổi diễn ra thế nào?
Thế giới thay đổi hàng ngày nhưng đó là một thế giới phẳng, người ta không nhất thiết phải bươn ra đường để “hòa mình” vào thế giới hay để không bị tụt hậu. Một người ở góc tận cùng của thế giới vẫn có thể bắt nhịp với thế giới, miễn là họ cảm thấy nhu cầu bắt nhịp. Hơn nữa, bản thân việc không bỏ lỡ nhịp nào với thế giới bên ngoài chưa hẳn đã là một điều hay. Việc lỗi nhịp với thế giới bên trong mỗi người mới là một điều đáng tiếc. Tôi chỉ có thể nói là với cuộc sống mà mình đang chọn, tôi nghĩ mình giữ nhịp được với thế giới của mình tốt hơn. Còn thế giới bên ngoài? Đã có internet, có sách hay, và cõi kiến thức mênh mông đó cần thời gian tĩnh tại để khám phá. Điều tuyệt diệu nhất của kết nối hiện đại chẳng phải là như thế sao?
—
Xem thêm
Ca sĩ Lệ Quyên: “Không bao giờ đặt cho mình mục tiêu quá sức”
Hoàng Mỹ Liên – Thổi hồn cho quà tặng truyền thốn
Ca sĩ Hồng Nhung – Năng lượng tươi trẻ của Diva
Nhóm thực hiện
Tổ chức chuyên đề: Hoàng Linh Lan Thực hiện: Văn Khoa. Thiên Di, Lê Phan, Ngọc Anh, Hằng Đoàn, Chiêu Văn Ảnh: Nhân Huỳnh, Chu Lân, Kat Su Nguồn Tạp Chí Phái Đẹp ELLE