Góc nhìn của người trong nghề về thời trang bền vững
Thời trang bền vững là một khái niệm còn mới mẻ đối với ngành công nghiệp thời trang Việt Nam. Tạp chí ELLE Việt Nam đã thực hiện một cuộc phỏng vấn ngắn với 4 nhà thiết kế thời trang để có thể hiểu được góc nhìn của họ – những người làm thời trang về khái niệm này.
4 nhà thiết kế đã tham gia vào buổi phỏng vấn này của ELLE gồm: NTK Vincent Đoàn, NTK Thủy Nguyễn, NTK Diệu Anh và NTK Antonio De Torres. Bản thân họ là những nhà thiết kế độc lập, làm việc cho thương hiệu cá nhân mình. Nhiều người trong số họ đều đồng thuận với quan điểm rằng xu hướng thời trang bền vững là không hề dễ dàng để có thể muốn là làm được.
Thời trang bền vững là cả một quy trình
Thương hiệu Vincent Đoàn chính thức có mặt tại Việt Nam từ 4 năm về trước, với hai dòng sản phẩm chính là evening gown và ready-to-wear thiên về đầm cocktail dự tiệc. Nhà thiết kế Vincent Đoàn là một nhà thiết kế được tiệm cận với nền công nghiệp thời trang tại Mỹ và đã thành lập thương hiệu cá nhân của mình tại đây, trước khi về Việt Nam.
Khái niệm thời trang bền vững đã được anh biết tới từ khi còn đang đi học. Thời trang gây ảnh hưởng đến môi trường sống của con người là một vấn đề được dự đoán và cảnh tỉnh từ rất lâu tại Mỹ. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của fast fashion – thị trường thời trang nhanh đã làm tâm lý của người tiêu dùng bị tác động không nhỏ, khiến cho nhận thức lâu dài của họ bị khỏa lấp bởi vấn đề kinh tế ngắn hạn trước mắt.
“Thời trang bền vững là một hệ thống chứ không chỉ là một sản phẩm, khởi nguồn từ việc sản xuất ra nguyên vật liệu, cách thức để “chế biến” nguyên vật liệu đó cho đến công đoạn ra thành phẩm, được bày bán, đến tay người tiêu dùng và cách để nó được tái chế lại để tiếp tục phục vụ nhu cầu sử dụng của con người”, nhà thiết kế Vincent chia sẻ.
Giảm thiểu rác thải trong việc sản xuất thời trang cũng là cách để bảo vệ môi trường
Thủy Design House được yêu thích bởi những mẫu thiết kế thoải mái nhằm giúp đem lại sự tự tin cho khách hàng, thông qua những mẫu thiết kế bay bổng. Thương hiệu được thành lập với tôn chỉ nhằm giúp phụ nữ cảm thấy tự tin và đẹp hơn trong các mẫu thiết kế được tạo dựng từ các loại chất liệu truyền thống, mang đậm phong vị của thời trang phương Đông như gấm, lụa, đũi… Thương hiệu đến thời điểm hiện tại đã đi được một chặng đường dài 6 năm và vẫn không ngừng phát triển. Trong nhịp sống hiện đại, nhà thiết kế Thủy Nguyễn đã dung hòa kiến thức hội họa của mình được tiếp nhận khi còn định cư ở Ukraine, kết hợp cùng thời trang để giúp bảo tồn những giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
Cô cũng chia sẻ rằng bản thân mình và thương hiệu Thủy Design House cũng đang mới chỉ tìm hiểu sơ bộ về thời trang bền vững, chứ không hẳn sẽ đi sâu hơn về chủ đề này. Hiện tại, nếu áp dụng phép quy chiếu theo những yêu cầu của thời trang bền vững, điều đơn giản nhất mà Thủy Design House có thể làm là giảm thiểu tối đa lượng rác thải và việc lãng phí tài nguyên.
Yếu tố bền vững từ lâu vẫn luôn là một vấn đề gây trăn trở
Nét cá tính, thanh lịch được nép mình trong chữ “duyên” của một người phụ nữ là hình ảnh phản chiếu cho những gì mà thương hiệu Diệu Anh muốn được nhìn thấy ở khách hàng của mình. Một người phụ nữ thông minh và thú vị sẽ không cần phải phô bày quá nhiều, thay vào đó, họ để cho phong cách ăn mặc của bản thân trở thành ngôn ngữ truyền tải điều đó.
Điều mà thương hiệu Diệu Anh vẫn luôn trăn trở, đó là làm cách nào để bảo tồn, duy trì và tái chế một sản phẩm làm ra của thương hiệu, theo cái cách cô định nghĩa về yếu tố bền vững trong thời trang. Nếu biết và yêu thích thương hiệu Diệu Anh, hẳn ai cũng nhìn thấy được sự nỗ lực trong việc không ngừng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm chính là chìa khóa cho sự thành công ngày hôm nay của cô. Hy vọng rằng chúng ta – những người yêu thời trang sẽ sớm được chiêm ngưỡng những mẫu thiết kế bền vững đâu tiên của cô.
Khi yếu tố kinh tế lại mang tính chất quyết định cho tất cả
Nhà thiết kế Antonio De Torres lại chỉ rõ ra những khó khăn thực tiễn của việc đi theo thời trang bền vững. Đây vốn dĩ là một thuật ngữ khá phức tạp vì phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhà thiết kế Antonio De Torres cho rằng việc để một thương hiệu thời trang chuyển mình hoàn toàn theo hướng đi bền vững sẽ đi kèm với chi phí đắt đỏ mà không phải thương hiệu nào cũng đủ khả năng đáp ứng. Ví dụ như áo hoặc vải cotton có nguồn gốc từ cotton tự nhiên chẳng hạn. Loại vài này rất khó tìm thấy ở những cửa hàng vải thông thường mà chỉ có thể tìm thấy ở các nhà máy dệt may chuyên organic cotton với giá thành khá đắt đỏ. Vậy nên một thiết kế bền vững đúng nghĩa của bất kì thương hiệu nào cũng sẽ có mức giá sản xuất vô cùng cao, dẫn đến việc sản phẩm bán ra cũng vô cùng đắt đỏ và khó để bán hơn những sản phẩm thời trang thông thường.
Đối với những ai muốn đi theo hướng thời trang bền vững trước mắt: bên cạnh các bộ BST chính của thương hiệu, hãy tạo nên một BST phụ với những sản phẩm mang kiểu dáng cơ bản (capsule) và được làm từ vật liệu thân thiện môi trường hoặc vật liệu tái chế. Nên khi người tiêu dùng thích và muốn mua sản phẩm thân thiện với môi trường thì họ sẽ lựa chọn từ BST phụ đó, những khách hàng còn lại vẫn có sự lựa chọn từ BST chính. Việc này giúp người tiêu dùng không bị hạn chế trong các lựa chọn, và đó sẽ là sự khởi đầu thông minh.
ELLE Việt Nam chân thành cám ơn các đối tác: Menard, Lãnh sự quán Úc, Fly Beyond Tonight, RMIT, Woolmark, Eva de Eva, Levi’s, Nomad MGMT, Su:m37, hệ thống Jino Salon, L’Oréal Professionnel, Leflair, Daingo Studio, MOD Production, Viet Vision.
Fellini Rose (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE)