Hạ Trâm – Opera & giấc mơ Broadway
Không phải con đường âm nhạc nào cũng trải thảm hoa hồng. Chọn dòng nhạc khó và lối đi bình dị, có những ca sĩ như đóa quỳnh nở muộn, sau cùng cũng đến thời khắc tỏa hương. Hãy cùng ELLE trò chuyện ca sĩ Opera Hạ Trâm.
Ngày đó, cô là ca sĩ 9X đầu tiên ra mắt album đầu tay. Vậy mà lận đận mãi cho đến tận bây giờ, ánh sáng từ cô gái nhỏ ngày nào mới lan tỏa, bắt đầu từ một bộ phim hoạt hình cho tới cuộc thi hát opera, rồi cả lần cô bất ngờ được hiệp hội PETA châu Á đưa vào bảng bình chọn sao nữ ăn chay đẹp nhất thế giới vào năm 2013…
Hình như Hạ Trâm có duyên với dòng nhạc cổ điển?
Tôi thể hiện năng khiếu từ năm 3 tuổi và bắt đầu học thanh nhạc từ năm 16 tuổi cho đến tận bây giờ. Hồi đó có biết gì về opera đâu, vào trường luyện giọng, bắt đầu khám phá thì mới biết nó khó nhằn đến chừng nào. Ngày đầu tiên, tôi hát chẳng khác gì mèo kêu, nhưng từ từ luyện tập rồi cũng quen. Những năm sau đó tôi tích cực vừa học tập, vừa nghiên cứu để hiểu thêm về môn nghệ thuật này.
NSƯT Tạ Minh Tâm đã nói cách đây sáu năm: “Để Hạ Trâm hát pop thì hơi uổng. Trâm hát opera rất tốt”. Điều này vẫn chính xác đến bây giờ?
Thực sự là khi đi sâu vào opera thì bản thân mình mới hiểu rõ được là mình thích hợp với cái gì nhất. Tôi có thể hát được opera, nhưng để gọi là ra “chất” của nó thì lại không. Đơn giản vì khi sinh ra, chất giọng của tôi thuần với pop, nhạc nhẹ hơn nên dù có tập luyện cỡ nào đi nữa cũng chỉ dừng ở mức hát đúng kỹ thuật chứ khó có thể gọi là hay đúng nghĩa. Sau nhiều năm học ở trường, tôi mới khám phá ra rằng mình chỉ hợp với Broadway nhất. Vì thế nên tôi đã quyết định theo đuổi nó.
Vậy hóa ra những năm tháng theo học nhạc cổ điển, opera xem như khá lãng phí…
Tôi không nghĩ như vậy. Cổ điển thì chắc chắn mình phải học rồi. Mục đích là để có được một nền tảng tốt nhất. Nó là chuẩn mực để khai thác các dòng nhạc khác. Nếu chọn theo pop và thích nổi tiếng thì tôi sẽ phải là một Hạ Trâm thật khác chứ không thể nào là một Hạ Trâm như bây giờ được. Tức là sẽ không có opera và cũng không có luôn cả giấc mơ về Broadway. Tôi muốn làm âm nhạc là phải có tính nghệ thuật trong đó chứ không được mang tính cơm áo gạo tiền… Tôi tin rằng một khi mình đã quyết định hy sinh vì một điều gì đó đúng đắn thì trước sau gì mình cũng sẽ nhận về trái ngọt.
Tôi có cảm giác bạn đầu tư quá nhiều trong khi yêu cầu của khán giả không đến thế?
Nghệ thuật vốn rất kỳ lạ. Một khi đã thực sự đam mê và có thẩm mỹ âm nhạc nhất định, bạn sẽ chẳng phải nghĩ nhiều đến việc khán giả cần ở mức độ nào nữa. Lúc đó, bạn chỉ muốn mình được học, được biết, được tìm hiểu nhiều hơn về các giá trị nghệ thuật xung quanh thứ bạn đang có. Với tôi đó là sân khấu nhạc kịch Broadway.
Ở Việt Nam không ai dạy bộ môn này nên buộc tôi phải đi du học mới có thể tìm hiểu được. Tôi đi học một phần là để thỏa đam mê, phần còn lại hy vọng sẽ là cầu nối để thể loại này có thể tiếp cận được với khán giả Việt. Broadway rất hiện đại và gần gũi với nhạc nhẹ của Việt Nam, nó còn bao gồm cả diễn xuất, nhảy múa nên càng dễ để khán giả Việt hiểu và yêu thích hơn.
Chặng đường đi đến với những gì tôi mong mỏi vẫn còn dài. Tôi sẽ mất khoảng 1 năm rưỡi để học thạc sĩ tại Mỹ (khoa Âm nhạc Nhà hát – Music Theatre tại Đại học bang Arizona). Đó sẽ là nơi tôi được thỏa sức với giấc mơ Broadway ngày nào.
Bài: Khắc Trung – Ảnh: Khểnh – Trang điểm: Tracy Võ