Văn hóa / ELLE Interview

Lê Cát Trọng Lý: “Kể chuyện cánh đồng”

Người ta gán cho Lê Cát Trọng Lý cái danh “nghệ sĩ độc lập” có phải vì cô thường viết nhạc tùy hứng và thiếu kế hoạch dài hơi cụ thể, chắc chắn?

-000

Giống như nhiều nghệ sĩ độc lập khác trên thế giới, Lý làm nhạc chỉ đơn giản vì thích.

Lý tự lý giải: “Tôi cũng không biết như thế nào là một nghệ sĩ độc lập. Tôi học từ nhiều nghệ sĩ quốc tế, nhưng không biết họ có phải là nghệ sĩ độc lập không nữa. Điều đó không quan trọng, quan trọng là mình làm nhạc, chơi nhạc trung thực với những gì mình có, vui với nó và chia sẻ cùng mọi người”.

Và Lý chơi nhạc như một “khả năng tự nhiên nhất” của mình, dù nhiều người nói Lý cũ kĩ, đi ngược trào lưu. Thậm chí, có người hồ nghi sự lựa chọn của Lý là có tính toán. Còn Lý luôn tưng tửng: “Âm nhạc đó là điều phù hợp với trái tim của mình. Cảm thấy hứng khởi thì tôi viết nhạc, rồi hát cho mọi người nghe”.

Nhìn cách Lý phát triển nghề nghiệp, ngẫu hứng, phóng túng, như chờ đợi sự đưa đẩy của từng lời ca, nốt nhạc, tựa như Lý đang “chơi” nhạc vậy. Phải chăng Lý vô định, không biết đâu là đích đến?

Lý cười: “Tôi cứ hát thôi, nếu có đích đến thì đấy là một tâm hồn tự do. Nó là nghề vừa đủ để mình còn biết trân trọng điều mình đang có”. Vì lẽ đó, Lý tự “bay” đi tìm đến mọi người, như show diễn “Vui” (2011) diễn ra ở các cánh đồng – mà tôi gọi là “kể chuyện cánh đồng”, với những kỉ niệm ấu thơ, những niềm vui mộc mạc.

Nghe tin Lý đang học ca trù, phải chăng Lý muốn sải cánh bay đến một vùng trời mới? Ca trù sẽ giúp gì cho những dự án âm nhạc sắp tới của Lý? Lý hơi ngạc nhiên khi tôi biết thông tin này và trả lời nhún nhường: “Tôi chỉ mới đứng trước vạch xuất phát của việc học một hình thức âm nhạc truyền thống. Tôi chỉ đang tìm hiểu, tham khảo thôi”.

Từ lúc 21 đến 25 tuổi, Lý vẫn ôm đàn, hát những câu chuyện của thiên hạ?

Những ca khúc tôi viết, đều dành cho riêng tôi. Tôi nghĩ gì, muốn chia sẻ điều gì, tôi viết ra rồi mọi người nghe, ai đồng cảm với mình thì thấy vui.

Một người bạn lớn tuổi góp ý: “Sao Lý không viết một ca khúc mang tính thời sự một tí?”. Thật tình tôi không thấy vấn đề gì là thời sự cả, thế là người bạn đó chỉ cho tôi một ví dụ. Và tôi viết bài Nghèo.

21 tuổi, Lý bỡ ngỡ ôm đàn hát Chênh vênh. 25 tuổi, Lý đứng hát giữa một không gian hun hút với nhiều số phận. Lý có bao giờ so sánh những hình ảnh đó và tìm thấy những cảm xúc khác nhau?

Có chứ. 25 tuổi, tôi thấy mình hát như một cách thư giãn, tôi hát thoải mái hơn. Tôi có thể hát đến bể tiếng, và chấp nhận việc khán giả có thể không thích. Trước đây, tôi sợ vì mang nhiều kỳ vọng, sợ mọi người nghĩ mình làm không ổn.

Lý có thấy bản thân mình nghèo?

Trước đây, tôi thấy mình nghèo nhiều thứ. Nghèo niềm tin, nhiều khi tôi không bước qua được “bức tường” giữa mình và người khác. Tôi cũng ít tin tưởng vào khả năng của bản thân, và hay nghi ngờ. Nếu phá được “bức tường” đó thì mình sẽ trưởng thành hơn. Lúc đó, tôi cũng nghèo sự trưởng thành.

Còn bây giờ?

Tôi ít nghèo những thứ đó. Chắc là vì giờ tôi hiểu vấn đề hơn. Tôi hay nghĩ mình đã cố gắng hết sức nhưng thành công hay không, không đơn thuần chỉ do mình quyết định.

Còn giàu?

Giàu vừa đủ như hạnh phúc, bình an. Niềm tin cũng có và tình yêu cũng có.

Chị có giàu sự sáng tạo?

Vừa đủ.

Còn sự cống hiến, thời gian và cả sức khỏe?

Cống hiến thì chưa biết, thời gian thì tôi có nhiều, còn sức khỏe cũng vừa đủ (cười).

Người ta nói Lý “đem khán giả nhốt vào một cái hộp và thoải mái hát ca ở trong đó”, quên hết những trào lưu bên ngoài. Lý thấy sao?

Thú vị và thoải mái. Vấn đề là người ta đến với cái hộp đó có hạnh phúc không, còn nếu không hạnh phúc thì người ta sẽ đi tìm một cái hộp khác.

Tour diễn “Vui” khắp các cánh đồng năm 2011 là một kỉ niệm đẹp. Tôi đã rất vui. Thậm chí, khi tôi đi đến những bản làng mà người dân ở đó chưa chắc đã hiểu tôi hát cái gì, tôi chỉ cần thấy họ thích thú, họ vui, thế là mình vui.

Lý đã có những cuộc trò chuyện ngắn về âm nhạc với họ không?

Tôi không hỏi, mà liệu hỏi thì chắc gì tôi đã nhận được câu trả lời thật. Tôi chỉ cảm nhận được thôi, người ta nghe nhạc mình và họ vui. Tôi đến nhà họ hát, nhiều khi họ vui vì có một người khách đến thăm, hát xong rồi đi về.

Vừa đi “phượt” tận Hà Giang về, Lý sẽ có ca khúc từ chuyến đi này chứ?

Tôi chỉ đi chơi và không có khổ như đi “phượt”, vì sức khỏe không cho phép. Chỉ đơn giản là đi và chơi với bạn bè thôi. Các ca khúc của tôi không đưa nhiều thiên nhiên, quê hương vào, bởi tôi nghĩ, tôi chưa đủ vốn sống, chưa đủ kinh nghiệm và hiểu biết nên thực sự không dám viết về những điều đó.

Tại sao Lý ít hát những ca khúc của các nhạc sĩ khác?

Tôi không hát được, bởi tôi sợ làm hỏng những ca khúc của họ. Tôi hát Cơn bão nghiêng đêm (phỏng thơ Tế Hanh, nhạc  Thanh Tùng) bởi tôi yêu ca khúc này và muốn chia sẻ với mọi người. Mỗi lần hát ca khúc đó, tôi thấy thương và xúc động lắm. Còn Trịnh Công Sơn, tôi có hát bài Góp lá mùa xuân. Trịnh Công Sơn thì có nhiều bài hay nhưng không phải bài nào tôi cũng hát được. Tôi cũng thích bài Tình xót xa vừa. (Lý vừa nói, vừa nghêu ngao hát: “Xin vỗ tay cho đều, khi đêm đổ xuống đời ta…”)

Sắp tới, Lý có dự định gì trong âm nhạc?

Tôi không có dự định gì lớn, đầu tháng 7 tới tôi sẽ làm một chương trình dành cho sinh viên, sau đó thì tôi chưa biết.

Khi cuộc trò chuyện với ELLE kết thúc, Lý lại ôm đàn say sưa hát, khuôn mặt đầy niềm vui.

 

Nhóm thực hiện

Bài: Vĩnh Khang - Ảnh: Maika Elan
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)