Cứ thế trong điền viên riêng tại Sóc Sơn, chị tiếp tôi chén trà nóng và chúng tôi chuyện trò đan xen những câu chuyện cũ, từ thuở tôi mới vào nghề, gặp chị tại Chat với Mozart 1, đến nay hội ngộ chị sau 13 năm khi Chat với Mozart 2 vừa được giới thiệu đến công chúng. Gặp nhau có lẽ chẳng cần cái cớ gì khi người ta đã mến nhau. Thế nhưng, để làm bài phỏng vấn này, Chat với Mozart 2 lại là một cái cớ chẳng biết có vô tình hay không nhưng chắc chắn là rất duyên để ELLE Việt Nam cùng chị truyền tải thông điệp sống tích cực, năng lượng tươi trẻ khi cuộc sống ngoài kia đang phơi phới xuân.
Nếu Chat với Mozart 1 mang đến những sắc màu âm nhạc cổ điển thuần khiết thì ở Chat với Mozart 2, chất âm nhạc cổ điển được khoác áo đương đại hơn. Màu sắc âm nhạc đậm màu blue jazz hiện đại. Nhạc sĩ Anh Quân vẫn là người chọn lựa biên tập âm nhạc cho album này. Các nhạc sĩ phối khí gồm Anh Quân, Huy Tuấn và nhạc sĩ trẻ tài năng Thanh Bình… Nhạc sĩ Dương Thụ, người viết lời cho toàn bộ Chat với Mozart 1 tiếp tục viết riêng cho Mỹ Linh 2/7 tác phẩm trong sản phẩm mới. Phần còn lại, chính Mỹ Linh là người đặt bút viết ra những tâm tình rất phụ nữ, rất đời… của mình. Các ca khúc là những góc nhìn của một phụ nữ trưởng thành về cuộc sống, gần gũi với khán giả hơn so với album trước đó.
Chị Mỹ Linh này, tôi còn nhớ khi giới thiệu với công chúng Chat với Mozart 1, chị và ê-kíp có hứa hẹn sẽ quay trở lại. Vậy lý do gì mà 13 năm sau, Chat với Mozart 2 mới được hoàn tất?
Đúng là khi làm album Chat với Mozart 1 chúng tôi đã muốn làm tiếp album thứ 2, bởi chúng tôi vẫn chưa cạn kiệt nguồn năng lượng với nhạc cổ điển mặc dù nó rất khó. Có quá nhiều thứ để chọn, sau khi đã chọn xong thì phải để nó vang lên thế nào, thể hiện ra sao. Tất cả điều đó chiếm rất nhiều thời gian. Thời gian qua, Mỹ Linh và ê-kíp đều có những dự án riêng nên để tập hợp nhau lại trong một sự liên tục, tập trung toàn bộ trí lực cho một dự án là điều không hề dễ. Với cá nhân Mỹ Linh là một người mẹ, khoảng thời gian cách đây 4 năm, cháu Anna vừa bước vào tuổi trưởng thành nên tôi cần tập trung thời gian cho cháu. Con cái có ngoan ngoãn, gia đình yên ấm thì Mỹ Linh mới có thể thăng hoa trong nghệ thuật. Thế nên gác lại dự án này, chỉ đến khi cháu Anna đi học, tôi mới có thể bắt đầu thực sự bắt tay để thực hiện album 2. Đã làm là phải làm chất lượng, phải là một sản phẩm mà toàn bộ ê-kíp thấy hài lòng. Và Chat với Mozart 2 dù có 13 năm hay hơn thế nữa thì cuối cùng chúng tôi đã thực hiện lời hứa với chính mình và khán giả. Nếu mình không hoàn thành, nó giống như cuộc đời mình có điều gì đó còn dang dở vậy!
2 trong số 9 ca khúc của Chat với Mozart 2 đã được chị và ê-kíp giới thiệu ở lễ hội âm nhạc Gió mùa 2016. Hai bản này từ đó đến nay có thay đổi gì không?
Thay đổi rất nhiều. Không gian ngoài trời, hát live khác rất nhiều với không gian trong phòng thu đầy đủ nhạc công, thiết bị. Vì thế điểm khác đầu tiên là bản phối đã đầy đủ và chất lượng hay hơn rất nhiều mà tại sân khấu của lễ hội âm nhạc Gió mùa, chỉ một phần của ca khúc ấy được thể hiện. Tựa đề ca khúc cũng được Mỹ Linh đổi lại từ Sớm mai yên bình thành Bài ca tự do bởi thời gian đã cho tôi thêm trải nghiệm sống. Cả lời bài hát ấy Mỹ Linh viết với thông điệp: Dù cuộc sống sẽ có lúc gặp nghịch cảnh, hãy dành phút tĩnh lặng nhìn sâu vào nội tâm mình để kiếm tìm sự bình an. Khi ta tìm thấy sự bình an, nó giống như một buổi sớm mai thức dậy mà mọi thứ đã yên bình. Và chẳng phải khi đó ta được tự do mà không phụ thuộc vào những thứ bên ngoài, không phụ thuộc lời khen chê, không phụ thuộc ta là ai, có thành công, ta giàu hay ta nghèo hay thậm chí không vướng bận chuyện chồng, chuyện con… Thế nên trong bài hát ấy có đoạn tôi viết “Tận cùng hết những buồn đau sẽ thấy sớm mai yên bình’’. An bình thì ngắn hạn nhưng tự do là trưởng thành về nhận thức. Tất nhiên nói như thế không phải là tôi đã đạt được điều đấy đâu, đó là thứ mà tôi mong ước và hướng về.
Nói thêm về vai trò mới của Mỹ Linh trong dự án này nhé. Chị vừa hát, vừa viết lời, làm nhạc. Trong album này, có đến 7 trong 9 bài chị viết lời. Vậy, chị nghe nhạc và lời tuôn chảy hay chị mượn âm nhạc để bộc bạch cảm xúc của mình?
Lời của album 1 rất tuyệt vời. Nhạc sĩ Dương Thụ thích sự giản dị và ông đã đạt đến độ dung dị tuyệt đối với album 1. Và sở dĩ album 1 được đón nhận như thế không thể phủ nhận có sự góp công của phần lời. Tôi chịu ảnh hưởng nguyên tắc này ở ông khi viết lời cho album 2. Tôi nghe nhạc, sau đó tưởng tượng ra câu chuyện dựa vào cảm xúc và kinh nghiệm sống của mình. Ví dụ như bài Khi mùa Đông quay về trên nền nhạc của Johann Sebastian Bach. Phần nhạc violin xen vào buồn man mác, tôi nghĩ tới mùa Đông. Nghĩ tới lúc mình đi trên đường, đi đón con, có những người ngày nào ta cũng gặp, ánh mắt nhìn nhau, nhưng mình không biết tên và tôi có viết: “Ôi sớm hôm nay khi mùa Đông quay về trên đường – Phố như vội vàng thêm từng chuyến xe qua – Em dựa vào vầng ngực ấm nơi anh”. Tức là ngoài phố vẫn như thế, vẫn những con người cũ, mình ngồi ở một góc phố nào đó, dựa vào một bờ vai mà mình cảm thấy ấm áp. Rồi: “Những tháng năm cứ lầm lũi đi về những chuyến xe ngoài kia, cứ trôi đi trôi vô tình qua nhau chở bao thương nhớ – Biết có ai đang chờ ta cuối ngã tư đường?”. Mình chẳng biết ngày mai cuộc sống sẽ đi về đâu, chuyển hướng thế nào nhưng “Ngày vẫn như ngày cũ những hẹn hò còn đó, vẹn nguyên những rung động – Để sớm hôm nay, thiết tha hơn, lắng sâu thêm…”. Mỗi lời bài hát tôi viết là một câu chuyện kể, và âm nhạc đã giúp tôi cảm nhận sâu sắc hơn câu chuyện của mình, tự nói lên những suy nghĩ của mình… Một người phụ nữ ở tuổi 40++.
Vậy Mỹ Linh của “Chat với Mozart 1 và 2” là hai người phụ nữ thế nào?
Tôi tin rằng, mình của ngày hôm qua rất khác với mình của ngày hôm nay, của tháng trước đến tháng sau, của năm ngoái với bây giờ, con người mình thay đổi vô cùng. Vì vậy, tôi thường nói với các con rằng, nếu buộc phải nhận xét về một con người, hãy nhìn nhận cả một tổng thế và điều quan trọng nhất là hiện nay, bởi mỗi người đều trưởng thành không ngừng. Hãy tập nhìn ở các góc nhìn đa chiều, thậm chí là những góc trái ngược để ta nhìn thấy, cố gắng nhìn thấy sự vật, sự việc đúng bản chất của nó. Mỹ Linh bây giờ đang hướng đến những điều ấy.
BÀI LIÊN QUAN
Giữ đến 80% ê-kíp của bản 1, đây có phải là ý đồ muốn giữ “mạch nguồn” kết nối cho album 1 và 2?
Đúng vậy!
Yếu tố mới với tiếng kèn của Anna Trương, tiếng hát vang, trong trẻo của Mỹ Anh, và đọc ráp của Hà Lê trong bản 2, có phải là điều mà chị và ê-kíp muốn đưa những yếu tố trẻ để chống lại sự “già hóa” của ê-kíp bản 1?
Hoàn toàn không. Album 1 lựa chọn các tác giả đa phần thuộc thế kỷ 18, là thời cổ điển rất chuẩn chỉnh thế nên có làm gì cũng không thể phá. Âm nhạc phải rất gần với bản gốc, chúng tôi chỉ hòa âm lại, đưa thành ca khúc để khán thính giả dễ nghe hơn nhưng về cơ bản vẫn là nhạc cổ điển.
Còn ở album 2, tính cổ điển hầu như không có, đó là cái quan trọng nhất. Đó là một thử thách khó khăn mà chúng tôi phải vượt qua. Album 2 là những tác giả cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, cận với nhạc Jazz mình hay nghe. Về hòa âm, cách sắp xếp, những quy củ xưa đã xáo trộn rồi. Khi hòa âm, cách mình đặt nốt trên, nốt dưới để nó vang lên thế nào cũng rất khác. Đó là vấn đề chuyên môn và là điều mới mẻ nhất của album này. Không phải là lời ca, không phải là Anna Trương, chẳng phải kèn mà nó là sự biên tập ngay từ lúc đầu. Album 2 hoàn toàn mang dấu ấn cá nhân của ê-kíp nhiều hơn. Sở dĩ như vậy vì chúng tôi đã thực sự trưởng thành, thực sự dám nói cái tôi nhiều hơn, đặc biệt là với nhạc cổ điển. Tôi nghĩ đó là điều thành công nhất chứ không phải sợ ê-kíp già (cười) mà ngược lại ê-kíp đã đủ chín, đủ tự tin.
2018 là năm đánh dấu 20 năm chị hát nhạc của nhạc sĩ Anh Quân. Cảm xúc của chị khi lần đầu hát nhạc của Anh Quân đến bây giờ có thay đổi không?
Anh Quân học ở nước ngoài về, nhạc của anh ấy khá “Tây” nên khi kết hợp với lời của nhạc sĩ Dương Thụ và giọng hát thuần Việt của tôi, tôi phải tìm tòi rất nhiều từ cách phát âm để làm sao nó không bị chát, không bị thô, cỡ nào cho nó đẹp đẽ và đến với công chúng. Tôi không ngại ngần khi nói, mang nhạc của các anh đến với công chúng, qua giọng hát của Mỹ Linh, con đường sẽ ngắn lại. Bản đầu tiên Hương ngọc lan của Anh Quân phải mất một năm sau mới được công chúng đón nhận và sau đó lại là bản được khán giả yêu thích, yêu cầu rất nhiều mỗi khi Mỹ Linh có show. Một Mỹ Linh thời ấy nổi tiếng với dòng nhạc dân gian đương đại như Chị tôi, Trên đỉnh Phù Vân, Hà Nội đêm trở gió… đã hát nhạc “Tây” đầy xúc cảm đến tận bây giờ (cười hạnh phúc).
Năm nay, sự nghiệp âm nhạc của Mỹ Linh sẽ có gì mới, ngoài album”Chat với Mozart 2″?
Tháng 3 tôi sẽ ra MV đầu tiên của bài Đợi những ngày Xuân rồi kế đó là Anh đang nghĩ gì. Tháng 4 sẽ là tour xuyên Việt Mỹ Linh Tour 2018. Sau khi kết thúc tour, tôi sẽ làm đĩa CD thu live tại sân khấu. Ngoài ra sẽ quay và dựng lại tất cả chuyến xuyên Việt ấy. Và dừng một thời gian để tập trung cho trường của mình.
Nghe chừng là một năm rất bận rộn và tràn đầy năng lượng của chị và ê-kíp! Chúc các anh chị thành công!
Sau khi dừng bàn phím ở những chữ cuối cùng cho bài phỏng vấn, cũng là lúc tiếng ca ấy một lần nữa vang lên “Này Xuân hân hoan Xuân mang ấm áp cho mỗi nhà…”. Bỏ mặc ngoài kia phố đã lên đèn, tiếng còi xe lẫn giữa phố xá tấp nập… tâm hồn tôi lại lãng du về khoảnh vườn ấy, bên ly trà còn vương lại những làn khói cuối cùng…
—
Xem thêm:
Mỹ Linh – “Mình như cái quả đang chín dần”
Mỹ Linh – Tình yêu chắp cánh cho âm nhạc
Nhóm thực hiện
Bài: Ngọc Anh Hình ảnh: Tang Tang