Đầu bờ cuối bãi
Đã có nhiều bài viết giới thiệu về Nguyễn Ngọc Tư nhưng rất ít người tiếp cận trực tiếp với chị. Phần lớn các bài phỏng vấn đều được thực hiện qua email và sự “tưởng tượng” về nhà văn qua thế giới tác phẩm của Tư. Đơn giản vì Nguyễn Ngọc Tư ở tận dải đất cuối cùng của Tổ quốc, Mũi Cà Mau xa tít. Các nhà báo quan sát nhà văn này bằng tất cả nỗi háo hức tò mò về một vùng đất ít nhiều còn bỡ ngỡ và đầy bí mật. Những bí mật đó thi thoảng lóe sáng trong những truyện ngắn có thể xem là xuất sắc của văn chương Việt Nam hiện đại như Cánh Đồng Bất Tận, Gió Lẻ, Ngọn Đèn Không Tắt… Cảnh, người và việc của châu thổ đã xuất hiện qua lăng kính của Tư và ngòi bút ấy làm giàu có thêm văn minh trầm tích rẻo cuối trời này.
Trong những ngày còn phiêu dạt ở miền Tây, tôi may mắn quen biết Tư. Ba năm sống ở vùng sông nước đủ cho tôi hiểu rành về cuộc sống nơi đây. Ngày đó, tôi khởi hành từ Sài Gòn lúc 5 giờ sáng và thường về đến Cà Mau khoảng 8 giờ tối. Có lần, trên đường về gần tới bến Tắc Vân, Tư đã ra đón tôi rồi cùng đi uống cà phê cóc ở một quán gần góc thư viện thị xã. Tư rủ: “Tối nay anh quỡn không? Đi ghe với em không?”. Thì ra cô Mén đi thực tế viết văn. Tư liên lạc được với một ông bác đi tàu chở hàng và xin áp tải theo để quan sát ghi chép. Nói quan sát ghi chép là nói theo cách quan trọng hóa của bọn mê chữ nghĩa.Còn Tư chỉ nói “theo ghe quá giang”. Rất nhiều truyện ngắn của Tư như Chiều Vắng, Hiu Hiu Gió Bấc, Nửa Mùa, Bến Đò Xóm Miễu, Huệ Lấy Chồng… khắc họa rõ sự “quá giang tình đời” này!
Tôi thân với Tư còn ở chuyện khác. Hồi đó, tôi thường đi sâu vào trong rừng Cà Mau, qua kinh Quách Phẩm Bắc ngược về Tân Tiến. Nhà Tư ở Đầm Dơi. Tân Tiến nằm sâu bên trong, xa hơn Đầm Dơi gần 40 cây số. Nơi bờ và biển chạm nhau.Cuối đất cùng trời. Nghe tiếng máy tàu chạy khi xình xình lúc phà phà mà buồn muôn thuở. Mới hiểu cái tình xa xôi đất Mũi không chữ nghĩa nỗi niềm nào tả xiết. Vì thế, đọc văn Tư mà thấm thía, mà ngậm mà nghe cái bến bờ mênh mang, không không! Con người ngoài chữ tình ra – tình yêu, tình người, tình nghĩa – thì giữa cõi không này không còn gì quan trọng. Mọi ý tứ bộc phá trong truyện ngắn Tư “nổ chìm” trong đó. Trong tiểu thuyết mới nhất Sông (NXB Trẻ, 9/2012), nhan đề Tư chọn đầu tiên nghe khá gợi Đầu Bờ Cuối Bãi, nhan đề ấy nói được rõ nhất về vùng đồng bằng châu thổ này.
Châu thổ trong văn
Cái đồng bằng là vựa lúa phì nhiêu của cả nước và cũng của cả Đông Nam Á ấy lại rất “rát” với nghệ thuật, đặc biệt là lãnh thổ nghệ thuật chữ nghĩa. Người viết thì nhiều, đông, đặc, dày nhưng tác phẩm, tác giả đọng lại không bao nhiêu. Và cũng dập dềnh kiểu “thương những đời như lục bình trôi”. Sống ở miền Tây mới biết buồn cỡ nào và viết cũng khó cỡ nào! Những “cây” văn xuôi, truyện ngắn đầy nội lực và bút lực như Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Trang Thế Hy, Nguyễn Quang Sáng… thật quá hiếm hoi khi chuyển vị trí đó về một gương mặt trẻ như Mén Tư. Đó là một tín hiệu vui mà tôi nghĩ phải hơn gần nửa thế kỷ đồng bằng mới tái tạo được. Đọc lại văn học sử, thấy ngày xưa Sơn Nam viết Hương Rừng Cà Mau, Tây Đầu Đỏ, Nguyễn Quang Sáng viết Chiếc Lược Ngà, Anh Đức viết Hòn Đất… liệu có trẻ như Tư? Hình như Tư vẫn trẻ hơn về độ tuổi và cả độ văn. Hơn 100 tác phẩm nếu kể cả truyện ngắn,tùy bút, tạp văn, ghi chép… có thể Mén Tư đã khắc một dấu ấn trong lòng người đọc.
Cái khí chất trẻ trung ấy là làn gió mát của thời đại thổi qua văn. Sau cuộc chiến nhọc nhằn và ghê gớm,tuổi trẻ được sống đúng với tuổi của mình, làm đúng với việc của mình,vui buồn, yêu đương như quyền của mình là một “chiến thắng” không dễ có với những thăng trầm lịch sử.Nhưng sao truyện Mén Tư vẫn day dứt, vẫn buồn? Cái buồn của châu thổ đồng bằng không thể biến đổi sau những “tang hải thương điền” và hiểu được Nguyễn Ngọc Tư đã “mặc lãnh” cái phần trời cho và cũng hóa công dày dặn ra sao! Truyện của Tư nhẹ nhàng, tưởng khơi khơi và chơi chơi nhưng buồn và đau, “Sông dài cá lội biệt tăm/ Biết người ơn nghĩa trăm năm thì về”. Nhưng người quân tử “khăn điều vắt vai”hay cô em “bướm vàng đậu trái mù u” ấy ở đâu trên bến nhân sinh? Giữa những miền sông nước châu thổ chao chát gió ấy, gặp được nhau là cơ duyên nhưng cũng bắt đầu cho những mở màn ly biệt. Và họ có giữ được lửa người khi cuộc sống ngày càng tha hóa tận gốc rễ? Cái “quánh bùn” sông nước Cửu Long ấy đặc rệt trong văn Nguyễn Ngọc Tư. Thành thử cũng “đặc rệt” nỗi buồn đời thương hồ, kiếp châu thổ. Nỗi buồn nhỏ thôi, như Mén ấy, nhưng say lòng người và vương vấn mãi như gió qua đồng chiều…
Bài Nhà văn NGUYỄN HỮU HỒNG MINH
Minh hoạ DZŨNG YOKO
PHÁI ĐẸP – ELLE
Nhóm thực hiện