Văn hóa / ELLE Interview

NTK Nguyễn Công Trí: Bài học lớn nhất là sự nhẫn nại

[Tạp chí ELLE - 4/2016] Trong dòng chảy cuồn cuộn, lên xuống của những NTK thời trang Việt “sớm nở tối tàn”, NTK Công Trí có được sự ngưỡng mộ, tin tưởng tuyệt đối.

Trong làng thời trang Việt, NTK Công Trí chọn vị trí một người quan sát hơn là một người tham gia, một người suy ngẫm hơn là phát ngôn, một người thiết kế thời trang hơn là thiết kế trang phục. Vậy nhưng, sau những chuyện trò, dù đụng tới khía cạnh nào của nghề nghiệp, đời sống, NTK Công Trí đều đưa ra những nhận định sắc sảo, ngắn gọn. Điều này chứng tỏ anh vẫn không ngừng chiêm nghiệm và âm thầm đánh giá, đúc kết một bài học nào đó cho mình. Khi được hỏi về các NTK trẻ, Công Trí khá cẩn trọng trong việc sử dụng từ ngữ.

.

NTK Công Trí: Bài học lớn nhất là nhẫn nại - ELLE.VN
BST Haute Couture số 9 với tên gọi “Lúa” được trình diễn tại Tuần thời trang Tokyo 2016 vào ngày 15/3. Dựa trên kiểu áo bà ba đơn giản với tay raglan, cổ tròn, xẻ tà và có hai túi phía trước, form dáng thoải mái được biến đổi thành các kiểu áo, quần, váy, đầm khác nhau tạo nên cấu trúc chính của bộ sưu tập. 90% chất liệu của BST là lụa tơ tằm Việt Nam, đặc biệt là lụa Lãnh Mỹ A được dệt thủ công hoàn toàn. 10% còn lại thuộc về các chất liệu khác dành cho kĩ thuật dựng may.

Chắc hẳn không phải anh sợ những phát ngôn của mình không được hưởng ứng, mà bởi anh e ngại những hệ lụy có thể ảnh hưởng đến công việc và đời sống đang rất yên ổn của anh. “Nhìn vào các NTK trẻ yêu thời trang, tôi thấy các bạn làm ra các BST hợp thời, rất đẹp. Nhưng tôi chỉ nhìn nhận các bạn dừng lại ở đó. Với tôi, sau mỗi BST, cũng như sau mỗi câu chuyện, điều cần đọng lại là những thông điệp. Ngay cả trên thế giới, các BST của những NTK kỳ cựu như Jean-Paul Gaultier, John Galliano… cũng đều có thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ hơn là các BST của những NTK trẻ hiện nay như Alexander Wang, mặc dù nhiều BST mới đó vẫn có thể khiến ta thích thú. Thế hệ chúng tôi hay tạo ra những giá trị khác của một BST thời trang bên ngoài cái vỏ bọc chỉ đơn thuần là vải vóc vốn có bằng một thứ ngôn ngữ thiết kế riêng.

Các bạn trẻ hiện nay thường chạy theo guồng, và bị cuốn theo những gì họ nhìn thấy ở đâu đó.Dù vậy, họ vẫn có thể cho ra những sản phẩm, những bộ đồ mặc được và nhiều người yêu thích với tính ứng dụng cao. Mỗi thế hệ sẽ có những sự nhìn nhận khác nhau về cái gọi là thời trang. Tôi hoàn toàn hiểu được điều đó. Tôi chỉ hi vọng là dù các bạn đi theo xu hướng nhưng vẫn thể hiện được sự thông minh trong thiết kế, cấu tứ trong những gì các bạn đưa đến cho mọi người xem. Một thiết kế thời trang không đơn thuần chỉ là áo quần, vải vóc. Vì trang phục chỉ là những gì bạn mặc hàng ngày. Còn thời trang lại là một khái niệm khác, theo thời. Và thiết kế thời trang cũng là một khái niệm khác nữa. Một người thiết kế thực thụ không phải đi theo xu hướng, mà tạo ra xu hướng. Tôi thấy tôi may mắn vì mình cũng đã đi qua được những thăng trầm của nhiều thế hệ thiết kế, vì bản thân tôi cũng không thuộc về những thế hệ đầu tiên của làng thời trang Việt Nam”…

.

NTK Công Trí: Bài học lớn nhất là nhẫn nại - ELLE.VN
BST năm 2001

Vậy nhìn lại con đường đó, anh đã và đang đóng góp gì cho ngành thời trang ở vai trò của mình?

Tôi nghĩ với vị trí của mình và như một công dân có trách nhiệm với xã hội, sau khi đã có sự nghiệp, tôi cũng muốn làm và để lại một điều gì đó cho các thế hệ sau. Chính bởi vậy, tôi luôn rất rõ ràng trong việc định vị cho các thương hiệu của mình. KIN Concept chính là dành hết cho các bạn trẻ, một nơi để các bạn có thể thực hành, phát triển tài năng. Có thể mở ra thương hiệu này khiến cho tôi vui, vì mình cũng góp công đào tạo dù không mở trường, lớp. Tôi chọn cho mỗi đợt 3-4 bạn, từ các cuộc thi, là những cá nhân mà bản thân tôi thấy có tiềm năng và yêu thích. Tôi thấy KIN Concept hiện giờ đang đi đúng hướng, thời trang “nhanh, rẻ, bền”, mặc một mùa có thể thay đổi.

Thương hiệu Nguyễn Công Trí là tôi làm để chơi, phi lợi nhuận, làm để thỏa mãn đam mê của mình, để tham gia những cuộc giao lưu văn hóa hay trình diễn. Còn thương hiệu NTK Công Trí là dành cho đối tượng khách hàng chính của mình để làm kinh doanh. Tôi không được học về thời trang chuyên nghiệp nhưng qua thời gian tự học, tự mày mò, điều tôi thấy vui là đào tạo được một đội ngũ thợ rất tốt, cho họ những hiểu biết về thời trang.

.

NTK Công Trí: Bài học lớn nhất là nhẫn nại - ELLE.VN
BST năm 2002

Trước đây, chúng ta chỉ có thợ may, chứ chưa đến gần được với những gì được gọi là thời trang. Tôi là dân đồ họa nên khi vào cuộc chơi thời trang, ngay từ lúc đầu đã xác định như là đi học. Tôi đặt kế hoạch đó dài 10 năm và mỗi năm sẽ làm ra một BST, là bài tập của mình, để tìm hiểu thế giới thời trang và coi thử cái nào sẽ là cái còn lại trong con người mình, signature của mình là gì và điều gì sẽ đi cùng mình sau 10 BST đó. Tôi muốn làm tới BST số 10 thì sẽ ngừng các BST đánh số và làm theo mùa. BST số 9 đã theo tôi tới Tokyo Fashion Week và nếu kịp, tôi dự định cho ra mắt BST số 10 vào cuối năm nay. BST số 9 dành cho cuối năm 2016 nhưng do nhận được lời mời từ Nhật nên tôi quyết định trình diễn luôn. Sau BST số 10 tôi cũng sẽ có một triển lãm, coi như để tốt nghiệp “khóa học 10 năm”. Tôi đã có trong đầu những ý tưởng khác lạ cho show diễn này.

.

NTK Công Trí: Bài học lớn nhất là nhẫn nại - ELLE.VN
BST năm 2003

Anh thích BST nào nhất cho tới nay?

Nếu nhìn từ BST số 1 đến số 8 thì ở mỗi bộ tôi đều nhận thấy sự ngây ngô của mình. Mỗi bộ đều khác nhau và càng về sau, đầu mình tỉnh táo nhiều hơn. Trước đây tôi thích gì, trong người mình phát tiết, thể hiện ra hết; nhưng giờ nhìn lại, tôi thấy, nếu tỉnh táo hơn thì với một ý tưởng như vậy, mình có thể làm tới 3-4 BST khác. Tôi có bao nhiêu món ngon là đã bày ra hết mà không biết tiết chế. Bàn tiệc 100 món chưa chắc người ta thích. Bạn dọn vừa đủ, thậm chí còn thiếu để người ta chờ đợi. Đó là bài học lớn nhất của tôi trong quá trình này, từ khoảng BST số 6, sau bộ “Nấm”.

Hơn 10 năm bước vào thời trang, với khởi đầu như một “kẻ ngoại đạo”, điều gì giúp anh thành công?

Tôi nghĩ là sự nhẫn nại. Trước đây, mình học câu chuyện con thỏ đua với con rùa, giờ lại có những cách cảm nhận khác nhau. Sự nóng vội, chạy nhanh quá đôi khi không phải là điều tốt, chậm quá cũng không hay Tôi còn có rất nhiều từ hay hơn để trả lời câu hỏi của anh, như là sự đam mê, yêu nghề…, nhưng nghĩ kỹ thì tôi thấy đó chỉ là lớp vỏ bên ngoài, để có thể che giấu những điểm không thật, còn trong cuộc sống này, nếu mình không có sự nhẫn nại, bản thân sẽ không làm được bất cứ việc gì. Đối với những người trẻ đang tràn đầy nhiệt huyết, đôi khi nhẫn nại là điều không thể, nhưng với những người có tầm nhìn thì nhẫn nại là sức mạnh vô kể mà đôi khi chúng ta không nhận biết.

.

NTK Công Trí: Bài học lớn nhất là nhẫn nại - ELLE.VN
BST năm 2004

Vậy, anh đã “nhẫn nại” trong nghề nghiệp như thế nào?

Nhẫn nại có thể nhìn từ nhiều góc độ, ngay từ việc tôi tự học. Hay là như trong bao nhiêu năm, có nhiều lúc bế tắc, khó khăn, có những lúc thấy nhiều nghề khác hấp dẫn hơn nghề này, nếu mình không nhẫn nại và cảm thấy mình cần dừng lại để bình tĩnh, refresh con người thì cũng không được. Tôi có nhiều lời mời hấp dẫn, nhiều kế hoạch… ghê gớm hơn, nên nếu thiếu đi sự nhẫn nại thì sẽ không đủ kiên trì làm những gì con người mình thích, và cho là đúng. Tôi không thích làm một ngôi sao sáng lung linh rồi vụt tắt. Đó không phải là con người tôi. Có một thời gian tôi ngừng diễn là khi tôi bắt đầu suy nghĩ kỹ về chuyện này. Để đi một con đường dài, mình cần đầu tư năng lượng và có những kế hoạch cụ thể thì mới giữ được sức lực và sự sáng tạo, khiến người khác thấy hấp dẫn bởi mình hơn.

Ưu tiên hiện nay của anh là gì?

Tôi ưu tiên cho cảm xúc, dồn suy nghĩ và sáng tạo vào việc làm những BST mà tôi thích, vì việc mang một BST đi đâu đó diễn, với tôi, là không quá khó. Bởi vậy, bây giờ, khi tôi có một ý tưởng rất muốn thực hiện thì tôi sẽ tập trung vào thực hiện cho bằng được. Mình muốn bên trong mình thật tốt rồi mới truyền bá ra ngoài. Bạn có thấy Việt Nam như một cái tổ không, mình làm gì đó xong thì bay đi, khi nào đó mệt mỏi lại quay về đây? Con đường sắp tới của tôi nếu được như vậy thì rất tốt. Trước đây, tôi là con số 0, rồi tôi cố gắng để xây dựng một cái tổ hoàn chỉnh, đầy đủ mọi thứ cho bản thân. Mình ở trong cái tổ đó, tập trung sáng tạo, làm việc rồi đem các sản phẩm bay đi.

.

NTK Công Trí: Bài học lớn nhất là nhẫn nại - ELLE.VN
BST năm 2005

Nghe như anh đang muốn về ở ẩn?

Lui về ở ẩn thực ra là cần mẫn làm việc thôi. Một ngày tôi làm việc từ 9h sáng tới 12h đêm là bình thường, không còn thời gian chưng diện hay đi event, không có thời gian la cà mà không phải vì mình không thích la cà đâu (cười). Tôi có 3 thương hiệu mà mình vừa là NTK, vừa là người điều hành, nên công việc quản lý chiếm rất nhiều năng lượng. Kỹ năng của những người thợ cũng khiến mình phải tham gia rất sâu và theo sát quá trình sản xuất nên cũng tốn khá nhiều thời gian. Toàn bộ công ty của tôi hiện giờ có khoảng 100 người, đó là con số phát triển sau 10 năm, từ 4 người.

.

NTK Công Trí: Bài học lớn nhất là nhẫn nại - ELLE.VN
BST năm 2006

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này.

—–

Xem thêm:

BST No. 9 NTK Nguyễn Công Trí – Tokyo Fashion Week 2016

Mâu Thủy thổi hồn cho thiết kế của Công Trí

Sài Gòn – Điều bí ẩn: BST Số 8 của NTK Nguyễn Công Trí

Nhóm thực hiện

Bài: Nguyễn Danh Quý - Ảnh: Tang Tang - Người mẫu: Kim Nhung
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)