NTK Vũ Thảo: “Thổ Cẩm…làm mất đi tính đa dạng của văn hoá chất liệu Việt”

Đăng ngày:

“Tôi rất hay gặp những cụm từ như thế này trên báo chí, truyền hình Việt Nam: như Thổ Cẩm để gọi cho toàn bộ những chất liệu có xuất xứ từ các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay vì gọi theo những cái tên mang tính phân loại cao, đặc trưng theo từng nhóm, từng văn hoá, hay kỹ thuật, hay vùng miền. Cách gọi lười nhác đó mang tính quy chụp và làm mất đi tính đa dạng của văn hoá chất liệu Việt.”

Theo thống kê gần đây của Eco Watch, nền công nghiệp thời trang đứng thứ hai sau công nghiệp hoá dầu về chỉ số gây ô nhiễm môi trường. Những năm gần đây các phong trào, chiến dịch phản đối thời trang ăn liền càng ngày càng lan rộng khắp nới trên thế giới. Như Detox My Fashion – Thanh Lọc Thời Trang Của Tôi được tổ chức bởi Greenpeace của Đức 2011. Hay Who Made My Clothes – Ai Làm Quần Áo Của Tôi của Fashion Revolution, AnhQuốc từ năm 2012 đến nay. Là người trực tiếp tham gia vào cỗ máy làm áo quần NTK Vũ Thảo không khỏi trăn trở, có lúc hoài nghi đến độ muốn bỏ nghề. Vì thực sự chủ nghĩa tiêu dùng ồ ạt mà thời trang tạo ra đối với chị là thứ trò chơi tâm lý nguy hiểm. ELLE Việt Nam đã có một cuộc phỏng vấn cùng nhà thiết kế Vũ Thảo – 1 trong 4 nhà thiết kế sẽ trình diễn bộ sưu tập tại ELLE Fashion Show vào ngày 7/12.

NTK Vũ Thảo: Thổ Cẩm là cách gọi lười nhác, mang tính quy chụp và làm mất đi tính đa dạng của văn hoá chất liệu Việt

Nhà thiết kế Vũ Thảo

Chào chị Thảo, Tạp chí Phái đẹp ELLE đang quan tâm đặc biệt đến thời trang bền vững và ELLE Show năm nay chọn chủ đề này để mời các NTK sáng tạo các sản phẩm thời trang ứng dụng. Và chị đã thiết kế thời trang theo hướng bền vững, thân thiện với tự nhiên từ nhiều năm nay, điều gì đã đưa chị đến hướng đi này?

Nếu ví ngành công nghiệp thời trang như một tấm áo choàng lộng lẫy thì trong những năm vừa qua tấm áo ấy không còn đủ rộng để bao bọc cho những vấn đề bên trong của nó. Đó chính là hiện trạng đen tối bên trong của nền công nghiệp thời trang. Gánh nặng về sức khoẻ cho những người công nhân làm trong các xí nghiệp hoá nhuộm, nhà máy may mặc, hay những cánh đồng trồng bông sặc mùi thuốc trừ sâu. Đó là những tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên từ chất thải của nền công nghiệp thời trang. Và những bãi rác quần áo cũ khổng lồ nằm ở rất nhiều các quốc gia trên thế giới. Thời trang mang nặng tính hình ảnh vì thế nó có khả năng tạo những ảo tưởng về thị giác rất lớn. Mang đến những cảm xúc thăng hoa, choáng ngợp, thậm chí có lúc còn được cân nhắc như là một liều thuốc chữa trị trầm cảm. Nhưng tất cả những cái đó diễn ra rất nhất thời nên chúng ta luôn cảm thấy không bao giờ đủ. Nhất là thời trang nhanh. Chúng được làm ra dựa vào xu hướng chung có thể dễ dàng tìm thấy trên các tạp chí thời trang, trên mạng. Lại sản xuất hàng loạt, chu trình sản xuất ngắn, giá thành gia công thấp…nên vì thế nó rẻ, đến độ người tiêu dùng không phải cân nhắc nhiều khi mua và không đắn đo khi vất bỏ. Với bấy nhiêu lý do đã khiến tôi nhất quyết không chọn con đường ấy. Việt Nam là đất nước hiếm hoi sở hữu một nền văn hoá ăn mặc vô cùng phong phú, từ lịch sử về phục trang, chất liệu truyền thống cũng như các kỹ thuật thủ công tinh xảo như kỹ thuật dệt vải, nhuộm tự nhiên. Nếu không khẩn trương làm một cái gì đó để bảo tồn, gìn giữ hay phát triển thì một ngày nào đó không xa chúng sẽ biến mất. Và vào tháng 5, 2012 nhãn hiệu thời trang bên vững của tôi ra đời với cái tên Kilomet109 với mục đích để ngăn chặn tất cả những điều trên.

NTK Vũ Thảo: Thổ Cẩm là cách gọi lười nhác, mang tính quy chụp và làm mất đi tính đa dạng của văn hoá chất liệu Việt

Một hình ảnh trong lookbook của thương hiệu Kilomet 109

Xin chị chia sẻ chi tiết về quá trình tạo ra một sản phẩm thời trang của mình?

Với hầu hết các thiết kế của tôi chúng được bắt đầu từ khâu trồng trọt, dệt, trang trí (vẽ sáp ong, thêu thùa), nhuộm tự nhiên, thiết kế, dựng mẫu, sản xuất và ra mắt bộ sưu tập (bao gồm triển lãm, trình diễn, hội thảo, nói chuyện).

Khâu nào trong chuỗi thời trang chị thấy quan trọng nhất?

Khâu làm chất liệu là khâu mất công, mất thời gian nhất. Chúng tôi mất 6 tháng mỗi năm để phát triển chất liệu. Ví dụ như lanh. Chúng tôi gieo hạt vào tháng 3 âm lịch. Gặt vào tháng 6, tháng 7 âm lịch. Xe sợi, dệt, nhuộm chàm, cán vải, trang trí mất 3 tháng nữa. Khâu làm chất liệu cũng đòi hỏi nhiều người tham gia nhất. Có những kỹ thuật tôi phải cần đến 4, 5 người thực hiện cùng một lúc. Và cũng ở khâu này tôi hợp tác với nhiều người nhất. Hiện tại tôi làm việc với 4 nhóm dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc, hai gia đình nghệ nhân dệt lụa vùng châu thổ sông Hồng, chưa kể đến một số nghệ nhân thêu, đan tại ngoại thành Hà Nội.

NTK Vũ Thảo: Thổ Cẩm là cách gọi lười nhác, mang tính quy chụp và làm mất đi tính đa dạng của văn hoá chất liệu Việt

Sự kỳ công và tỉ mẩn trong từng công đoạn là một trong những nhân tố đã giúp tạo dựng nên thương hiệu Kilomet 109

Làm thời trang sinh thái nên dường như cách quảng bá, giới thiệu của chị cũng rất âm thầm,

Tôi tin vào tư tưởng “tiếng lành đồn xa”. Cái gì có thật thì không cần phải ồn ào vẫn có chỗ đứng. Với lại tôi là người dễ bị cuốn vào công việc. Dễ mải mê với những thứ đằng sau sân khấu hơn là đứng trên sân khấu. Người làm quảng bá tốt cần có kỹ năng, tự tin, thoải mái và làm chủ tình huống. Quảng bá tên tuổi với tôi vẫn phải dựa vào người thật, việc thật. Không thể cứ chụp ảnh “tự sướng” “sống ảo” và càng không phải là lên gân, lên cốt. Vì như thế thật mệt mỏi, dễ mất sức vào những thứ bong bóng mà đáng lẽ các nhà thiết kế nên dành dụm để làm ra những thiết kế có giá trị thực sự đến độ không cần phải tô vẽ, trang điểm thêm gì nữa. Với lại tôi tôn trọng người tiêu dùng như tôn trọng bản thân. Họ có thể bị “say sóng” đôi ba lần nhưng sẽ nhanh chóng nhận ra sự thật. Cơ bản tôi không muốn dùng văn hoá thời trang như những cái bẫy tiêu dùng.

NTK Vũ Thảo: Thổ Cẩm là cách gọi lười nhác, mang tính quy chụp và làm mất đi tính đa dạng của văn hoá chất liệu Việt

Không thực hiện giới thiệu hình ảnh trên truyền thông như các thương hiệu khác vẫn làm. Cách làm đó khiến cho không có nhiều người biết tới thương hiệu của chị. Chị nghĩ sao về điều này?

Có thể ở Việt Nam nhãn hiệu của tôi vẫn chưa ghi được dấu ấn đại trà. Nhưng lại được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng quốc tế. Có lẽ vì cách tiếp cận cũng như truyền đạt của bên tôi không đi theo lối phổ thông chăng. Tức là không có các chiến dịch quảng cáo rầm rộ, tham gia các show diễn lớn, hay các tuần lễ thời trang tên tuổi….Tuy nhiên trong thực tế Kilomet109 đã và đang có một lượng khách hàng nội địa khá vững và có tín hiệu gia tăng mỗi năm. Vì bên tôi xây dựng hình ảnh dựa vào chính những trải nghiệm của khách hàng với các sản phẩm thiết kế nên không thể nôn nóng được. Tôi cũng khá kén chọn trong việc tìm kênh phù hợp để giới thiệu thiết kế. Đó có thể là những sự kiện, hội thảo, những buổi trình diễn, nói chuyện, sắp đặt chất liệu, sắp đặt thời trang, các cuộc triển lãm đa phương tiện mang thiên hướng kể chuyện chứ không chỉ catwalk.

NTK Vũ Thảo: Thổ Cẩm là cách gọi lười nhác, mang tính quy chụp và làm mất đi tính đa dạng của văn hoá chất liệu Việt

Những mẫu thiết kế bền vững của Kilomet 109

Khách hàng chọn mặc thời trang của chị là những ai, họ có phải là những người sành mặc hay tư duy tân tiến hơn người?

Tôi bắt đầu thương hiệu ở Việt Nam và thuần tuý dành cho người Việt Nam. Tuy nhiên khi ra mắt, khách hàng chọn mình chứ mình không thể chọn khách hàng. Và cũng vì lẽ thời trang bền vững, thời trang sinh thái là một khái niệm khá mới trên thế giới nên cần có thời gian để tiếp nhận và phổ cập. Hiện tại khách hàng của Km109 có 70% là khách hàng quốc tế và 30% là Người Việt. Họ là những người làm trong lĩnh vực sáng tạo, nghệ sĩ, các nhà thiết kế, các nhà giáo dục, các nhà nghiên cứu và khá nhiều người Việt sinh sống ở nước ngoài.

NTK Vũ Thảo: Thổ Cẩm là cách gọi lười nhác, mang tính quy chụp và làm mất đi tính đa dạng của văn hoá chất liệu Việt

Có giá thành cao, nhiều người Việt có thể yêu lắm nhưng không có khả năng dùng. Chị có nghĩ tới việc điều chỉnh một số khâu để giá thành sản phẩm được vừa với số đông hơn không?

Tôi nghĩ một sản phẩm tiêu dùng mà chỉ được đánh giá dựa vào sự cạnh tranh gía cả là một sản phẩm rẻ tiền theo đúng nghĩa đen. Khi một sản phẩm được định giá chỉ dựa vào giá cả nó cũng nhanh chóng bị phế thải. Còn với những sản phẩm sáng tạo cạnh tranh dựa vào chất lượng, mang những giá trị văn hoá, những giá trị thiết kế…người tiêu dùng có thể họ cân nhắc khi chi trả nhưng càng cân nhắc hơn khi vất đi. Tôi không cho là sản phẩm thiết kế của Kimlomet109 là đắt. Tôi định giá sản phẩm thiết kế của tôi hoàn toàn dựa vào công sức lao động mà chúng tôi đã bỏ ra từ khâu làm nguyên liệu thô: trồng trọt, dệt, nhuộm, cắt, may, thiết kế và giới thiệu sản phẩm. Chuỗi sản xuất của nhãn hiệu Km109 lại gắn kết mật thiết với một loạt các nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam có nguy cơ mai một như: dệt lụa, dệt bông, dệt lanh, nhuộm chàm, nhuộm mặc nưa, mài đá, thêu thùa…Và tôi chủ trương minh bạch về các khâu sản xuất điều mà các nhãn hiệu thời trang lớn trên thế giới khó có thể làm được và không thể làm được. Bằng việc kể chuyện về thiết kế như là ai đã làm ra chúng, chúng được làm như thế nào, có gì khác biệt ở trong mỗi chúng cũng là cách để cung cấp những kiến thức thực tế về thiết kê, làm tăng giá trị sản phẩm thiết kế và tạo ra một sự kết nối sâu giữa thiết kế với người tiêu dùng.

Những chất liệu thời trang đậm tinh thần tự nhiên của Việt Nam được thế giới biết đến cũng không phải là ít nhưng chưa có chỗ đứng xứng đáng, theo chị nguyên nhân ở đâu và chị có nghĩ tới giải pháp góp một phần để cải thiện điều này?

Tôi cho rằng trước hết là do chất lượng thiết kế còn thấp. Tính nguyên bản của thiết kế còn thiếu. Ý tưởng vẫn sao chép rất nhiều. Và bản thân Việt Nam ngoài hai bảo tàng dân tộc học và bảo tàng phụ nữ thì chưa có một kho tàng dữ liệu đầy đủ nào về chất liệu, nghề thủ công bản địa của Người Việt. Các trường học mỹ thuật và thiết kế giáo trình về trang phục dân tộc, thời trang bản xứ, hay chất liệu địa phương còn quá mỏng. Có lác đác một vài nghiên cứu quy mô nhưng cách trình bày còn khô khan, thiếu tính tương tác.

Để thay đổi được những hạn chế này tôi nghĩ trước hết ngành giáo dục phải đi đầu. Các trường học cả trong nước và quốc tế nên có môn dân tộc học trong đó sinh viên, nghiên cứu sinh có thể tiếp cận những kiến thức về trang phục, chất liệu truyền thống của Việt Nam ở nhiều góc độ lịch sử, văn hoá, chính trị….Để sau này họ không thấy lạ lẫm với chính văn hoá của họ và có một nền tảng vững vàng để bước tiếp. Tôi cũng mong muốn các nôi giáo dục về ngành nghề sáng tạo ở Việt Nam nên có những môn học, workshop về lĩnh vực đạo đức nghề nghiệp, cải cách xã hội, thời trang lương tâm, công bằng thương mại, thiết kế bền vững. Bên cạnh đó giới truyền thông cũng đồng thời nên có những điều chỉnh khi nhìn nhận và đánh giá truyền thống, cụ thể là các chất liệu truyền thống. Tôi rất hay gặp những cụm từ như thế này trên báo chí, truyền hình Việt Nam: như Thổ Cẩm để gọi cho toàn bộ những chất liệu có xuất xứ từ các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay vì gọi theo những cái tên mang tính phân loại cao, đặc trưng theo từng nhóm, từng văn hoá, hay kỹ thuật, hay vùng miền. Cách gọi lười nhác đó mang tính quy chụp và làm mất đi tính đa dạng của văn hoá chất liệu Việt. Bị đánh đồng dẫn đến hiểu lầm và cuối cùng là không tạo ra hứng thú tìm hiểu cho giới trẻ vì với họ nó chung chung, không khác biệt, cũ rích thậm chí lạc hậu và không thời trang, không đương đại chút nào. Trong khi rất nhiều những kinh đô thời trang trên thế giới đang hết lời ca ngợi thủ công truyền thống là luxury, haute couture.

NTK Vũ Thảo: Thổ Cẩm là cách gọi lười nhác, mang tính quy chụp và làm mất đi tính đa dạng của văn hoá chất liệu Việt

Chị nghĩ thế nào về tương lai của thời trang sinh thái ở Việt Nam?

Việt Nam vừa là một trong những quốc gia đứng đầu về gia công may mặc cho những nhãn hiệu thời trang từ các nước phát triển lại vừa là mảnh đất may mắn vẫn tồn tại rất nhiều các làng nghề thủ công truyền thống. Tức là vừa phải đối mặt với những hệ luỵ khôn lường của nền công nghiệp thời trang suy thoái lại vừa thừa hưởng những giá trị văn hoá có một không hai, có thể giúp Việt Nam đi đầu trong lĩnh vực thiết kế bền vững. Vấn đề là chúng ta có mau chóng nhận ra nghịch lý này để thay đổi, để chèo lái nền công nghiệp thời trang theo hướng tích cực, tránh những hậu quả lâu dài. Như môi trường sống bị huỷ hoại còn các nghề thủ công truyền thống thì dần dần bị xoá xổ. Thời trang sinh thái ở Việt Nam vẫn còn đang chập chững. Nhưng với sự phát triển vũ bão của internet, của mạng xã hội …nhận thức của người dân Việt Nam về những vấn đề toàn cầu ngày một nâng cao, và đa chiều hơn. Tôi tin thời trang sinh thái sẽ khởi sắc cũng như thiết kế bền vững sẽ là hướng đi tất yếu cho tương lai. Đồng thời, toàn cầu hoá có nghĩa là mọi thứ ngày càng giống nhau, thì chắc chắn những ý tưởng về trang phục mang bản sắc, có gốc gác sẽ tạo khác biệt và để lại ấn tượng vượt trội.

Cảm ơn chị vì buổi phỏng vấn vô cùng thú vị và đầy cảm hứng này! 

Chương trình ELLE Fashion Journey 2017 có sự đồng hành cùng các đối tác: Menard, Lãnh sự quán Úc, Fly Beyond Tonight, RMIT, Woolmark, Eva de Eva, Levi’s, Nomad MGMT, Su:m37, hệ thống Jino Salon, L’Oréal Professionnel, Leflair, Daingo Studio, MOD Production, Viet Vision.

Nhóm thực hiện

(Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Hình ảnh: NVCC)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more