Nữ nhà báo Nguyễn Mỹ Trà: “Hành động nhỏ tạo thay đổi lớn”
[Tạp chí ELLE – tháng 10/2016] Trong top 10 vòng 2 cuộc thi “Nước Pháp Tôi Yêu” do Đại sứ Quán Pháp tổ chức và ELLE Việt Nam bảo trợ truyền thông, tôi vô cùng ấn tượng với một bài thi có lời tựa tự nhiên mà sâu sắc. Trò chuyện với Nguyễn Mỹ Trà, tôi hiểu hơn về tình yêu chị dành cho nước Pháp, cho tiếng Pháp cũng như cho vẻ đẹp dung dị của phố phường Hà Nội xưa.
Con gái – Chất xúc tác khơi dậy đam mê
Nguyễn Mỹ Trà hiện đang làm Trưởng phòng Văn hóa – báo điện tử VOV. Ngoài những bài báo gây tiếng vang trong xã hội về bảo tồn di sản văn hóa, văn hóa ứng xử nơi công cộng, Trà còn có đam mê mạnh mẽ dành cho nhiếp ảnh. “Mỹ Trà là một nữ nhà báo đẹp, nét đẹp dịu dàng nữ tính. Có lẽ vì thế trong những phóng sự ảnh của cô dù vấn đề có vẻ gai góc vẫn có sự mềm mại tinh tế, yêu cuộc sống. Sự nhạy cảm và phản xạ nhanh trong phát hiện vấn đề cho cô nhiều shoot ảnh khoảnh khắc độc đáo không thể lặp lại. Là cô gái đẹp nên không biết có phải vì thế mà cô thường có góc máy chụp chân dung nhân vật rất đẹp, phát hiện điểm sáng – tối để thể hiện hình ảnh sinh động”, nhà văn, nhà báo Hoài Hương khắc họa chân dung chị.
Vốn là người phụ nữ khiêm nhường, cùng đức tính hy sinh đặc trưng của phụ nữ Việt, Nguyễn Mỹ Trà luôn lấy niềm vui của người thân yêu trong gia đình làm niềm vui của mình. Chị kể hồi chưa lấy chồng, nhà chị luôn tràn ngập âm nhạc Pháp vì cả bà nội và cha chị đều thích nghe. Xuất giá, chiều lòng gia đình chồng, chị dần mất đi thói quen nghe nhạc. Cuộc sống bận rộn cứ cuốn đi, cả đam mê nhiếp ảnh chị cũng quên lãng.
Tự nhận mình có cuộc sống viên mãn, yêu cuộc sống, thế mà khi biết mang thai bé thứ hai là con gái, bất giác chị rưng rưng buồn. Chị thầm ao ước con gái sau này sẽ thực sự hạnh phúc khi được sống là chính mình, với ước mơ và đam mê của con. Tâm sự với tôi, Trà nói một ngày nọ chị bừng tỉnh. Bởi muốn con hạnh phúc thì trước nhất, chị phải là người truyền cảm hứng cho con. Và thế là, từ một người “ngoan ngoãn” tuân theo sự sắp đặt của số phận, Mỹ Trà đã thay đổi và thực hiện tất cả những việc mà chị cảm thấy đúng dù đó là những việc bé nhỏ. “Không bằng hành động nhỏ thì sẽ không tạo nên được sự thay đổi lớn”, đó cũng là cách nghĩ của chị trước mỗi quyết định dù trong công việc hay trong cuộc sống.
Cô gái ngày xưa ấy, bên cạnh những bài viết sắc sảo, đã cầm lại máy ảnh với những khuôn hình ghi lại chân thực từng khoảnh khắc cuộc sống mà cô yêu thương, trân trọng. Càng đi nhiều, càng trải nghiệm nhiều, chị càng cảm nhận được xung quanh còn biết bao điều tốt đẹp, biết bao người bằng hành động nhỏ góp phần làm đẹp cho đất nước.
Tình yêu Hà Nội và nước Pháp
Nguyễn Mỹ Trà lớn lên trong ký ức tuổi thơ êm đềm nơi những con người phố cổ chia sẻ yêu thương, quan tâm, san sẻ. Phố phường Hà Nội ngày ấy trong chị bình yên và thơ mộng lắm. Trẻ con có thể đi từ phố này qua phố khác chơi mà không lo bị lạc bởi ai nấy đều biết nhau. Những buổi hẹn bạn chơi bên hồ Hoàn Kiếm, đứng từ bờ bên này nhìn thấy bạn ở bờ bên kia, những con phố với vỉa hè thoáng mát và những hàng cây cao ngả bóng dài trên đường theo chiều nắng, đó là những ký ức trong Trà về Hà Nội.
Người quê chị lập nên phố Hàng Thiếc, cả cuộc đời của ông bà, cha mẹ chị đều gắn với những con phố nhỏ giữa trung tâm Hà Nội. Khi được hỏi tại sao chị yêu Hà Nội đến vậy, chị chia sẻ rằng: “Bởi Hà Nội mang một vẻ đẹp lãng mạn, cổ kính mà gần gũi và dễ làm người ta xúc động”.
Hà Nội ngày nay khác lắm. Các cửa hiệu xưa phố nghề hầu hết nhường chỗ cho những cửa tiệm hào nhoáng, xa lạ. Xe cộ tấp nập, vỉa hè vốn là chỗ vui chơi của con trẻ trở thành chốn mưu sinh thường nhật. Thế nhưng trên phố Hàng Nón tấp nập, gia đình chị vẫn giữ lại cửa hàng xén cũ kỹ, tối tăm, treo bán vài món đồ kiểu ngày xưa, phía trước là vỉa hè rộng thoáng. Trong cửa hàng ấy là bà của chị nay đã ngoài 90 tuổi, một người phụ nữ Hà Nội xưa rành tiếng Pháp. Văn hóa Pháp đã ngấm sâu vào tâm hồn của những người Hà Nội xưa luôn trọng cái đẹp, sự lịch thiệp và hào hoa. Cửa hàng với ánh đèn không hào nhoáng, phía trước vỉa hè có khoảng không để con cháu mỗi khi về thăm bà có chỗ để xe. Và chỉ cần một cái ôm siết nhẹ, một ánh nhìn trìu mến của bà, mọi thứ về Hà Nội sẽ lại như xưa, những cửa tiệm xa lạ kia sẽ biến mất để trả về một Hà Nội vẹn nguyên với những tòa nhà cổ mang dáng dấp kiến trúc Pháp.
Cũng bởi yêu Hà Nội, yêu vẻ đẹp Pháp ẩn giấu trong lòng thành phố mà sau một buổi trực đêm, qua facebook chị biết về cuộc thi Nước Pháp Tôi Yêu. Cuộc thi làm thức dậy trong chị một đam mê ngỡ đã lãng quên: nghe nhạc Pháp. Chị đã gửi tấm ảnh chụp con gái đang nhẩn nha chơi ở làng Pháp trên đỉnh Bà Nà Hills để tham dự cuộc thi. Và những dòng chắp bút cho tấm ảnh dự thi cứ thế được chị viết ra bằng những cảm xúc chân thực nhất – những dòng mang lại ấn tượng đầu tiên của tôi về chị: “Tôi yêu tiếng Pháp bắt đầu từ những bản tình ca Pháp mà cha tôi thường hay mở. Những năm 90 của thế kỷ trước, người Hà Nội ai cũng thích nghe nhạc Pháp song ngữ. Ca sĩ hải ngoại thường hát một đoạn lời Việt, rồi lại hát lời Pháp. Cha bảo tiếng Pháp là ngôn ngữ của tình yêu cuộc sống, của sự lãng mạn.
Một ngày, đưa con gái dạo chơi ở ngôi làng Pháp-Bà Nà Hills, nhìn con yêu ngẩn ngơ ngắm ngôi làng đẹp như cổ tích, bao ký ức tưởng đã lãng quên bỗng ùa về và tôi chợt thấy mình đang hát bài La Maritza yêu thích một thời…”.
Khi được hỏi bằng cách nào chị truyền cảm hứng yêu cuộc sống tới những người xung quanh, Nguyễn Mỹ Trà chia sẻ: “Đơn giản rằng làm những thứ mình thích sẽ không bao giờ là muộn. Thời gian không trở lại, cuộc đời chỉ có một vì thế đừng lãng phí thời gian để sống hết mình với tuổi trẻ, với đam mê”.
Nguyễn Mỹ Trà và Triển lãm “Trường Sa – Nơi ta đến”
Nhân dịp kỷ niệm 71 năm Quốc Khánh 2/9, “tay máy” Mỹ Trà và những người bạn của mình đã tổ chức triển lãm với tên gọi “Trường Sa – nơi ta đến”. Triển lãm gồm 70 ảnh như một trích đoạn ghi chép bằng hình ảnh những khoảnh khắc Trường Sa tháng 6 như một món quà gửi đến công chúng, Trường Sa và những chiến sĩ Hải quân Việt Nam. Hình ảnh được sắp đặt theo 3 chủ đề: Sắc màu Trường Sa, Vẻ đẹp lính biển Việt Nam, Sinh hoạt tinh thần trên đảo và được trưng bày tại 45 Tràng Tiền từ ngày 30/8 – 6/9/2016. Triển lãm được sự hỗ trợ của Đài Tiếng nói Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS HCM Khối các cơ quan Trung ương nhằm gây quỹ tặng quà Trung thu cho con em lính đảo.
—
Xem thêm
Bí quyết sống hạnh phúc: Một tuần không áp lực
Ngọc Anh (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE)