Nữ quyền trên phim: Từ Gone with the Wind đến The Hunger Games
Điện ảnh từ trước đến nay vẫn luôn là ngành công nghiệp thống trị bởi nam giới, cả trên màn ảnh lẫn ở sau hậu trường. Mặt khác, điện ảnh là một phần quan trọng của văn hóa đương đại và thường được xem như một tấm gương soi phản ánh cách nhìn của xã hội về bản thân nó (chứ không phải chính xã hội!) cũng như cách nhìn của xã hội về phụ nữ.
Thú vị thay, thời điểm điện ảnh ra đời vào cuối thế kỷ 19 cũng là khởi đầu của phong trào nữ quyền trên thế giới. Sau hơn 100 năm phát triển theo tiến trình vận động của xã hội, hình ảnh phụ nữ và nữ quyền trên phim đã có những thay đổi như thế nào?
Thập niên 20 – 60: Sự ra đời của những nữ thần màn bạc
Đến những năm 20 của thế kỷ 20, điện ảnh đã phát triển đầy đủ như một loại hình nghệ thuật độc lập. Trong suốt thời kỳ phim câm và điện ảnh cổ điển Hollywood, vì các studio được vận hành chủ yếu bởi nam giới, mối quan hệ giữa đàn ông và phụ nữ trên phim được thể hiện một cách khá gia trưởng. Nam giới thường sắm vai trò nhân vật chính chủ động và là người thực hiện hành động kịch tính, trong khi phụ nữ thường bị động, phụ thuộc và đóng vai trò hỗ trợ cho hành động của nam chính.
Chỉ từ thập niên 30 & 40, chúng ta mới bắt đầu được thấy những nhân vật nữ mạnh mẽ chủ động qua sự hóa thân của Marlene Dietrich hay Greta Garbo. Tuy nhiên, họ thường bị gán với hình tượng người phụ nữ nguy hiểm tội lỗi cần bị trừng phạt hoặc được đàn ông cứu rỗi. Điều này dễ thấy nhất trong thể loại phim noir, tiêu biểu là các phim của Alfred Hitchcock (Notorious (1946), Vertigo (1958), Marnie (1964)…) Hoặc, họ sẽ được biến thành đối tượng khao khát của đàn ông, được trưng bày như một vật thể hơn là một con người. Ví dụ điển hình là Marlene Dietrich trong Morocco (1930) và các phim khác của Josef Von Sternberg. Trong các phim kiểu này, các nữ diễn viên thường di chuyển chậm rãi một cách đáng ngạc nhiên để phô bày vẻ đẹp hình thể, trong thứ ánh sáng được sắp đặt kỹ lưỡng biến họ thành những nữ thần bất tử trên màn bạc.
Tuy đây không phải giai đoạn chói sáng của nữ quyền trên màn ảnh, nhưng nó cũng mang đến biểu tượng nữ quyền kinh điển của thế kỷ 20 – Katharine Hepburn. Với chiếc quần tây quen thuộc và những vai diễn phụ nữ độc lập không ngần ngại theo đuổi điều mình muốn (A Woman Rebels (1936), Woman of the Year (1942), Adam’s Rib (1949)…), Hepburn thách thức những định kiến thường thấy và bày tỏ sự quan tâm đến những vấn đề thực sự của nữ giới.
Và nhìn vào Gone with the Wind (1939) – bộ phim đạt doanh thu cao nhất thời kỳ này, nhân vật chính Scarlett O’Hara là một người phụ nữ cương quyết có bản năng sống còn rất mạnh mẽ, sẵn sàng làm mọi thứ để duy trì đồn điền Tara của gia đình. Ý chí và sức mạnh của Scarlett có lẽ đã tạo cảm hứng cho khán giả nữ nhiều thế hệ tìm ra sức mạnh của riêng mình.
Thập niên 70 – 90: Những người phụ-nữ-bình-thường bỗng thích nổi loạn
Thập niên 70 đánh dấu sự khởi đầu của điện ảnh hiện đại. Cùng với những chuyển biến xã hội và thành tựu của phong trào nữ quyền thế giới, người ta cũng đòi hỏi phụ nữ được xuất hiện nhiều hơn, với những vai trò chính yếu hơn trên phim và được khám phá như những con người thực sự.
Trong thập niên 70 – 80 với sự lên ngôi của phim khoa học viễn tưởng và kinh dị, khán giả cũng chứng kiến sự lên ngôi của những người phụ nữ hành động và dám chiến đấu. Với vai Ellen Ripley trong loạt phim Alien của đạo diễn Ridley Scott, Sigourney Weaver được cho là đã đem nữ quyền kiểu mới đến Hollywood: một người phụ nữ lý trí và gan góc, một mình đối đầu với quái vật ngoài hành tinh. Alien cũng đặt tiền đề cho các phim khoa học viễn tưởng với nhân vật chính là nữ, một điều trước đó không tưởng như tuyết giữa mùa Hè. Còn trong các phim kinh dị nổi tiếng của thời kỳ này như Halloween (1978), Friday the 13th (1980)… nhân vật chính thường là các cô gái trẻ ban đầu sợ hãi bởi sự đe dọa của tên sát nhân nhưng sau đó quay sang chiến đấu với hắn để tự cứu lấy bản thân mình.
Những năm 70 – 90 có cả những bộ phim gây chú ý khi đề cập những vấn đề về nữ giới hiếm khi được nhắc đến như quyền của phụ nữ da màu (The Color Purple, 1985), dục vọng của nữ giới (Basic Instinct, 1992), tình yêu đồng tính nữ (Bound, 1996)… Một phần không nhỏ trong số những phim này đến từ các nền điện ảnh ngoài Hollywood cho thấy một cách nhìn cởi mở hơn hẳn.
Năm 1991 là một năm đáng nhớ về nữ quyền trên phim với sự ra mắt của tác phẩm gây tranh cãi Thelma & Louise kể về một bà nội trợ và một cô hầu bàn chạy trốn sau khi bắn chết một gã đàn ông có ý định cưỡng hiếp họ. Nếu như trước đó, phụ nữ trên phim dù mạnh mẽ đến đâu cũng không cạnh tranh với đàn ông, thì ở đây hai thế giới bắt đầu va chạm nhau: hai nữ nhân vật chính có thể làm tất cả những gì mà đàn ông thường làm trong phim như hút thuốc, uống rượu, bắn súng, đua xe và thậm chí giết người. Và có vẻ như chỉ có phụ nữ mới mang lại hạnh phúc cho nhau trong một thế giới cai trị bởi đàn ông!
Thời của những nữ anh hùng cứu thế giới
Bắt đầu từ năm 2000 trở đi, hình ảnh nữ giới trên phim đã trở nên rất đa dạng và phong phú, vượt qua tất cả những hình mẫu và giới hạn mà xã hội đặt ra. Nhất là những năm gần đây, khi các nhà điều hành của các hãng phim lớn ở Mỹ nhận ra: phần lớn người đi xem phim là nữ (52% theo số liệu thống kê mới nhất của MPAA) và họ khao khát được thấy nữ tính và nữ quyền được tôn trọng.
Chúng ta bắt đầu thấy nhiều hơn các bộ phim khai thác tình bạn giữa phụ nữ hay vấn đề của nữ giới như Sex and the City (2008), Bridesmaids (2011). Cá biệt, The Heat (2013) của Sandra Bullock cho thấy chị em cảnh sát cũng anh dũng chẳng thua ai. Cùng năm đó, Bullock xuất hiện trong Gravity với vai một nữ phi hành gia vật lộn trong một tai nạn ngoài không gian. Nhưng sẽ là thiếu sót lớn nếu không kể đến những loạt phim đình đám, phần lớn chuyển thể từ tiểu thuyết dành cho độc giả trưởng thành trẻ tuổi, với nhân vật trung tâm là những nữ anh hùng cứu rỗi thế giới. Mặc dù loạt phim Twilight tiên phong cho trào lưu này có nhân vật nữ chính không hề là một hình mẫu nữ quyền, nhưng những kẻ đi sau như The Hunger Games hay Divergent thì hoàn toàn có thể tự hào. Katniss của The Hunger Games là một nhân vật đầy sức hút: một cô gái quả cảm có tài bắn cung, sẵn sàng hành động vì những người mình yêu quý và chống lại những gì cô cho là sai trái. Katniss cũng là một ví dụ điển hình cho việc phụ nữ (trên phim) của thế kỷ 21 không chỉ dùng bạo lực để tự vệ hay trả thù như trước, mà còn dùng nó vì mục đích cao hơn, “anh hùng” hơn, là bảo vệ lẽ phải và công bằng. Đây là dấu hiệu cho thấy phụ nữ giờ đã muốn được làm những việc vốn tưởng chỉ dành cho đàn ông.
Quả thực, nếu loạt phim nổi tiếng Harry Potter được sản xuất trễ hơn độ 10 năm, có khi chúng ta sẽ được thấy một cô bé phù thủy có vết sẹo tia chớp trên trán với cái tên Harriet Potter!
Bài: Hằng Lương – Ảnh: Tư liệu