Chào Phan Thị Cẩm Tú, vì sao chị lại chọn nước Nhật để học về TKTT? Chị có thể chia sẻ về ý tưởng “vẻ đẹp của sự bất toàn” của bài dự thi đã giúp chị giành chiến thắng tại cuộc thi Tokyo New Designer Fashion Grand Prix 2016?
Tôi chọn học TKTT ở Nhật vì muốn tìm hiểu văn hóa và các ngành nghề thủ công truyền thống của Nhật Bản, và do mối quan tâm đến các NTK như Rei Kawakubo, Yohji Yamamoto, Issey Miyake. Về hoàn cảnh bắt nguồn cho ý tưởng bài dự thi lần này là từ lúc tôi đọc được quyển sách về triết lý wabi sabi và hoàn toàn bị thu hút. Những chiếc bát gốm vỡ được làm bằng nghệ thuật kintsugi đã làm tôi vô cùng thích thú, tạo cho tôi rất nhiều suy nghĩ về cuộc đời. Concept của bài dự thi là Kintsugi – là tên một nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản – sửa chữa lại những mảnh đồ gốm bị vỡ bằng kim loại quý như vàng, bạc, bạch kim. Như một triết lý: Những vết sửa chữa và hàn gắn được tôn vinh như một phần lịch sử của đồ vật chứ không phải là một cách che đậy. Nó tương tự như triết lý wabi-sabi, vẻ đẹp của sự phù du và tính bất toàn, sự vô thường của cuộc đời. Trong đó bao gồm các khái niệm như không chấp thủ, chấp nhận sự thay đổi và số phận như một khía cạnh của cuộc sống con người. Đồ gốm cũng như con người theo thăng trầm của thời gian, và dễ vỡ khi chịu sự va đập của cuộc đời, nhưng phải chấp nhận bản thể nứt gãy đó như nó vốn có. Đó chính là vẻ đẹp của triết lý này.
BÀI LIÊN QUAN
Suốt quá trình thực hiện bài dự thi, khó khăn lớn nhất mà chị phải đối mặt là gì?
Phần thử thách lớn nhất là tìm kiếm chất liệu phù hợp với ý tưởng và form dáng mong muốn, tôi đã mất rất nhiều thời gian ban đầu để thử nhiều loại chất liệu khác nhau nhằm cho ra được cảm giác mộc mạc mà vẫn lung linh của những chiếc bát gốm vỡ. Tìm được chất liệu phù hợp rồi nhưng lại không tạo được form dáng như tôi nghĩ. Rồi lại phải tìm cách xử lý tiếp, sau đó đến phần thêu và móc ráp hoàn chỉnh. Song song với việc thực hiện tác phẩm, tôi phải hoàn thành những bài tập ở trường nên thời gian lại càng ráo riết hơn.
Điều thú vị nhất chị cảm nhận được khi tham gia cuộc thi này?
Điều thú vị nhất tôi có được là niềm tự hào vì mình là người Việt Nam. Tôi là người Việt Nam đầu tiên trong lịch sử tham gia và đoạt giải thưởng lớn của cuộc thi lớn nhất Nhật Bản, vượt qua tất cả các thí sinh đến từ các học viện thời trang danh tiếng khác. Đây là giải thưởng mà bao nhiêu sinh viên Nhật Bản cũng như các quốc gia khác đều muốn hướng đến. Tôi cũng rất bất ngờ khi tên mình được xướng lên sau cùng vì từng nghĩ rằng mình chỉ dừng ở top 25 thôi mà không có giải thưởng gì, vì dù sao thì mình cũng là một người nước ngoài trên đất Nhật, nhưng cuối cùng tôi thực sự trân trọng sự đánh giá khách quan và công tâm của ban giám khảo. Sau khi đoạt giải, nhiều người đã hỏi thăm tôi về Việt Nam, họ khen người Việt Nam khéo léo, siêng năng, thức ăn Việt Nam ngon… và tôi nghĩ họ cũng đã có cái nhìn khác về người trẻ cũng như sự phát triển của Việt Nam qua cuộc thi này.
Chị có dự định tiếp tục phát triển ý tưởng dự thi “Kintsugi” trong các kế hoạch sáng tạo tiếp theo của mình?
Tôi không có ý định này.
Chị nghĩ như thế nào về những thách thức đối với nữ giới khi theo đuổi công việc thiết kế thời trang tại thị trường Nhật Bản?
Việc theo đuổi lĩnh vực thiết kế thời trang ở thị trường Nhật Bản cũng như việc học ở đây luôn sẽ có khó khăn và nhiều thử thách như nhau, không phân biệt nữ giới hay nam giới, chỉ có nếu bạn là người nước ngoài thì tất nhiên sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
BÀI LIÊN QUAN
NTK Diệu Anh và giấc mơ về Sài Gòn xưa
Với chị, đâu là động lực và nguồn cảm hứng quan trọng giúp một người phụ nữ kiên tâm theo đuổi con đường riêng của mình?
Vì đã lựa chọn được lĩnh vực hoàn toàn phù hợp với sở thích cũng như khả năng nên tôi luôn có động lực tự thân.
—
Xem thêm
NTK Thủy Nguyễn – “Người đàn bà của gấm”
NTK Betty Trần: Tôi tự hào đại diện cho hình ảnh “người phụ nữ có tất cả”
Thế giới của Li Lam: Thực tế, phù du,…
Nhóm thực hiện
Ngô Hạ - Minh họa nhân vật: Dzũng Yoko Nguồn Tạp chí Phái Đẹp ELLE