Văn hóa / ELLE Interview

Trang Khiếu: Chúng ta cần thích nghi với chính mình

Từ một cô gái ngây thơ chưa biết gì nhiều về thời trang, Trang đã trở thành một trong những người mẫu hàng đầu nhờ nỗ lực không ngừng và việc biết chấp nhận bản thân, biết yêu và biết động viên, kỷ luật với chính mình.

phỏng vấn Trang Khiếu
Trang phục Lâm Gia Khang. Vòng cổ, Vòng tay Aldo, Versace. Hoa tai Accessorize, Topshop. Nhẫn Aldo

Từ khi bắt đầu nghề mẫu đến giờ, đâu là khoảnh khắc buồn nhất, cô đơn nhất, và đâu là khoảnh khắc bạn thấy hạnh phúc nhất? Điều Trang Khiếu chiêm nghiệm được từ những cung bậc xúc cảm đó là gì?

Bắt đầu từ hạnh phúc và niềm vui trước nhé. Những niềm vui của tôi chắc là khi ngồi trông những “phòng chờ”. Không biết bạn có tin, nhưng sự thật là trong cuộc đời của tôi, những lúc tôi hạnh phúc nhất đều khuất sau sân khấu hoặc ánh đèn flash. Trong đêm chung kết Việt Nam Next Top Model, khi tôi cảm thấy mình hạnh phúc nhất không phải lúc lên nhận giải, không phải lúc tên tôi được xướng lên ngôi vị cao nhất, mà chính là khi ngồi trong phòng trang điểm trước chương trình và nhìn mình trong gương. Tôi nhớ lại chặng đường mình đã đi, những thứ mình đã làm và những điều mình đã trải qua: rằng tôi đã thực hiện hết chúng, chính tôi đã đạt được “một cái gì đó”. Điều đó khiến tôi vui vẻ.

Cũng như vậy, hôm chung kết chương trình Amazing Race, ngồi phía dưới hàng ghế khán giả, nhìn mình đổ mồ hôi, mặt đỏ bừng vì mệt trên tivi thì tôi mỉm cười. Với tôi, một giải thưởng, một ánh hào quang có thể tới rồi đi rất nhanh. Tôi có thể là quán quân, rồi cũng có thể biến mất để làm lại từ đầu. Nhanh lắm. Nhưng những thứ tôi trải nghiệm, học được, cảm nhận thì luôn ở lại.

Còn khi cô đơn có lẽ là những lần ngủ vùi ở châu Âu, Mỹ – sau mỗi ngày casting. Sáng sớm tôi mang một niềm tin mạnh mẽ ra ngoài để casting, để thử sức mình, để chứng tỏ bản thân với mọi người. Rồi từng lúc một, từng lúc một tôi nhận những cái lắc đầu từ chối, những lời nhận xét không tốt. Rồi tôi lê bước lang thang một mình trong cái lạnh cắt da của đường phố nước Mỹ. Đại loại thế, về đến nhà, vừa mệt, vừa không ai bên cạnh vừa buồn tủi, thế là tôi thấy mình cô đơn. May mắn là tôi cũng thuộc típ người “ngã rồi đứng”, sau một đêm tôi suy sụp thì đến sáng tôi lại “tỉnh” và tiếp tục cuộc hành trình của mình.

Còn buồn nhất thì có lẽ là khi tôi về quê, thăm lại gia đình. Ừ, còn một chuỗi những trách nhiệm và hy vọng của ba mẹ ở đó cần tôi giải quyết và hoàn thành. Tôi phải làm thật nhanh hơn nữa. Thế đó. Tôi cũng không chiêm nghiệm gì nhiều từ những cảm xúc. Nó lớn lao quá, tôi cũng không nghĩ mình già dặn để nhìn lại một trang đời của mình. Một lúc nào đó tôi nghĩ mình có thể làm được, nhưng giờ thì chưa. Điều tôi cảm nhận rõ ràng nhất là tôi trưởng thành hơn, có những việc nếu là trước đây, tôi sẽ nổi điên, làm nó bung bét ra. Nhưng giờ thì khác, tôi điềm tĩnh, làm từng thứ một.

Một ngày làm việc của Trang diễn ra như thế nào?

Bắt đầu muộn nếu không có lịch làm việc sáng. Tôi thường thức khuya để đọc sách và vẽ. Buổi tối luôn để tôi thả lỏng sau một ngày kẹt cứng với điện thoại và phấn trang điểm. Nếu không có những tối muộn như thế, chắc tôi nghĩ mình phát điên mất.

Sau đó tôi xem lịch chụp ảnh. Tôi tốn một ít thời gian để chuẩn bị những món đồ cần mang theo cả ngày: như giày dép, áo lót, quần áo sạch. Mất khoảng vài tiếng chụp cho 1, 2 bộ ảnh. Có ngày vài bộ. Xong xuôi lại chạy vù vù đi chọn váy áo đẹp để chuẩn bị cho event. Đến tối thì phải xinh đẹp để đi sự kiện. Khuya thì ăn vội với lũ bạn rồi một mình về nhà. Thường thì một ngày là vậy. Thỉnh thoảng còn thêm phần suy nghĩ: cách nào kiếm tiền nữa. Lên kế hoạch đã thực hiện những thứ đó. Tiếp điện thoại với mọi người, trả lời phỏng vấn, chi tiêu quần áo thế nào. Đôi khi tôi không nghĩ mình giống một người làm nghệ thuật đâu, giống một nhân viên ngành ngân hàng đang “nô đùa” bên hàng tá con số hơn.

Và một ngày rảnh rỗi, không phải làm gì của Trang ra sao?

Học những gì đó hay ho, kiểu: vẽ, đánh cờ… hay họp mặt các đối tác tiềm năng và nghĩ cách kiếm tiền. Tôi không phải người ngồi im nên chắc tôi cũng không có ngày rảnh rỗi. Lịch của tôi dày đặc những ghi chú. Không phải chụp ảnh cũng là học cái này cái kia. Tôi hễ ngồi yên lại cảm thấy bất an. Nhiều người nói tôi tham, cực thân. Tôi công nhận nhiều việc mệt và stress thiệt nhưng không có gì để mà “hoạt động” còn đáng sợ hơn.

 

người mẫu Trang Khiếu
Trang phục French Connection. Vòng cổ, Hoa tai Aldo, Accessorize. Băng đô Nzim

Trong số những áp lực mà một người mẫu phải đối mặt, áp lực mà Trang cảm thấy khó khăn nhất là gì?

Áp lực cân nặng và áp lực thích nghi. Cũng không phải ngẫu nhiên mọi người thường đưa tôi câu đầu tiên khi gặp mặt là những thứ liên quan đến kí-lô. Tạng tôi dễ tăng cân, ăn không nhiều nhưng “hấp thụ” rất tốt. Chỉ lơi vài ngày tập là cân nhích vù vù. Có anh nhiếp ảnh gia còn hay nói vui: “Nay Trang nó gầy, phải bắt nó chụp nhanh, mấy ngày nữa lại mập ra thì toi”. Thế nên, tôi lúc nào cũng phải trong tư thế “chiến đấu” và bảo toàn cân nặng. Hồi đi Mỹ thì tôi tiêu cực hơn, ép mình về size gầy luôn. Nhưng điều đó là không thể, nên càng ép tôi càng không thành công và càng stress. Cả một năm trời tôi bơi với điệp vụ bất khả thi đó và gần như khuỵ ngã. Chỉ sau này chấp nhận điểm yếu của mình (là tăng cân nhanh, tạng người không thể vể size 0) và thích nghi với nó thì mọi thứ mới ổn hơn. Giờ thỉnh thoảng nghĩ lại những tháng ngày ép cân và tiêu cực tôi lại rùng mình.

Khó khăn còn lại là thích nghi. Vì hay đi đi về về giữa các thị trường thời trang khác nhau nên tôi thường bị sốc. Nhiều khi đã quen cách làm việc ở Việt Nam, qua đến bên đó họ làm khác hẳn. Tôi lao đao lắm. Ở bên đó một thời gian, quen thói của họ, về đây làm cũng lao đao, mọi người thấy tôi khó khăn và hay đưa yêu sách – dù đó là thói quen làm việc ở bên kia. Nên tôi như một cô nàng học hai chuyên ngành đại học vậy. Cứ phải cố tiếp thu hết và ứng dụng từng thứ một.

Điểm chung của giới người mẫu ở cả Tây và ta là gì?

Đấu tranh cho nghề. Người mẫu ở Việt Nam có ít hơn nước ngoài nhưng họ vẫn có những nỗi niềm riêng và cố gắng riêng không kém gì ở nước ngoài. Người ta đến giờ dù thoáng vẫn chưa thật sự đánh giá cao giới người mẫu và chỉ nghĩ chúng tôi như những chân dài giỏi ăn diện. Nhưng không, dù là tôi, Thùy, Thúy, Lan hay bất kỳ một cô người mẫu nào khác đều đang nỗ lực và trải qua rất nhiều khó khăn. Ai cũng đổ mồ hơi, nước mắt để làm việc và cống hiến. Chẳng dễ dàng gì.

Điều gì khiến cho Trang vượt qua được tất cả những khó khăn đó để sống với nghề đến lúc này?

Trải nghiệm. Tôi là một cô gái trẻ đam mê thử thách. Càng thử thách nhiều tôi lại càng thích. Ban đầu tôi không nghĩ mình sẽ thích nghề người mẫu – khi đi thi tôi biết người mẫu là gì đâu. Tôi cũng chỉ thích “mạo hiểm” rồi đi thi ai ngờ thắng giải. Vào nghề thì choáng ngợp về quần quần áo áo. Nhưng làm một thời gian tôi thấy ngoài cái chuyện quần áo đó, ngoài chuyện trang sức, phấn son, đại gia… nghề người mẫu tràn ngập thử thách. Tôi đi nước ngoài vừa là tìm kiếm cơ hội cho mình, vừa là đi học hỏi các nền văn hoá khác, làm quen với những người bạn khác, tiếp thu những kiến thức khác và đối mặt với những rắc rối khác. Thỉnh thoảng tôi hay than thở rằng mình sao sống khổ thế, đau đầu thế, gặp nhiều khó khăn thế rồi lại nghĩ đến những thứ mình “nhặt nhạnh” được trong mỗi chuyến đi. Thế là hài lòng một tẹo vì tính đi tính lại thật ra cũng “lời” – dù không phải vật chất.

Một câu chuyện mà bạn tin rằng mình sẽ không bao giờ quên trong nghề là gì?

Ngày đầu tiên về Việt Nam sau một thời gian ở Mỹ, tôi gặp một bạn phóng viên tờ báo dành cho teen để phỏng vấn trực tiếp. Tôi ăn mặc luộm thuộm, người mệt mỏi, không trang điểm và mất 3 tiếng để nói về việc cố gắng trở thành một người mẫu chuẩn, size gầy và sẽ bước thật đều trên con đường mình chọn. Sau nửa năm, cũng bạn phóng viên đó, tôi phỏng vấn lại chỉ 30 phút. Lần đó tôi nói rằng tôi bỏ cuộc ước muốn body siêu gầy. Tôi từ bỏ tham vọng đó, tạng tôi không làm được điều đó. Thay vì đau đầu tìm cách giảm cân, tôi tìm cách làm sao một cô nàng size 2, 3 có thể đẹp, tay chân khỏe khắn, mặc vừa đồ và nhìn khỏe mạnh, mướt mát, được lòng nhà thiết kế. Sau đó tôi thấy mình nhẹ nhõm rất nhiều, công việc cũng ổn định hơn rất nhiều.

Đôi khi học cố gắng để đạt được một mục đích cũng không khó khăn bằng việc học từ bỏ một cái đích không có thật. Chính lúc đó tôi thấy mình trưởng thành hơn và thời kỳ “xấu lạ” của tôi trên mặt các phương tiện truyền thông kết thúc.

Quay lại với sự hạnh phúc nhé, kỷ niệm vui gần đây nhất của Trang là?

Là việc được dự buổi ra mắt sản phẩm điện thoại Galaxy S6. Tôi đã từng sử dụng Samsung, nhưng khi tiếp cận Galaxy S6 edge tôi không khỏi bất ngờ vì những tính năng và thiết kế cuốn hút, vô cùng thời trang, hợp với phong cách ăn mặc của tôi, thiết kế màn hình cong rất bắt mắt. Các ứng dụng quá độc đáo, có thêm công cụ selfie cho ra chất lượng ảnh khá tốt. Niềm vui khi ngồi trong hậu trường của tôi được chia sẻ ngay tức thì. Tôi làm việc, di chuyển liên tục nên phải hoạt động nhiều trên điện thoại như gọi điện, nhắn tin, email, chia sẻ và cập nhật trên mạng xã hội, teamwork cũng trên điện thoại nốt, thế nên một chiếc điện thoại sạc pin rất nhanh và tiện lợi như thế này vô cùng quý giá. Chiếc điện thoại này giống như tôi, luôn duy trì nguồn năng lượng dồi dào để chuyển động liên tục.

 

Nhóm thực hiện

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)