Sinh năm 1992, tay vợt người Bắc Giang – Vũ Thị Trang bắt đầu đam mê cầu lông nhờ người bác Phạm Văn Vũ và chị ruột Vũ Thị Yến, từng là vận động viên năng khiếu của tỉnh dìu dắt. Trang hiện là tay vợt nữ số 1 Việt Nam và gặt hái được nhiều thành tích đáng nể tại giải Vận động viên Quốc gia và giải trẻ Đông Nam Á, châu Á, cũng như xuất sắc giành suất tham dự đấu trường danh giá Olympic Brazil 2016.
BÀI LIÊN QUAN
Ca sĩ Uyên Linh: “Đi chậm cũng là đi”
Đánh đổi lớn nhất trong lựa chọn của chị là gì?
Là việc phải xa gia đình, tự chăm sóc bản thân khi còn rất nhỏ tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng (quê tôi ở Bắc Giang). Nhiều lúc nhìn bạn bè cùng trang lứa ở bên gia đình, được mọi người chăm sóc, tủi thân lắm. Có những đợt thi đấu triền miên, có những giải đánh vào dịp lễ, Tết không thể về được nhà, cách duy nhất là gọi về. Có những hôm mệt hay ốm, bố mẹ gọi điện cả nhà cùng khóc.
Bản thân tôi cũng không có nhiều kỷ niệm đẹp thời học sinh như các bạn khác. Nhìn các bạn mặc áo dài, đội hoa đi chụp ảnh tốt nghiệp, tôi thấy vui quá. Tôi cũng muốn được như các bạn nhưng mình làm gì có thời gian để thực hiện điều đó.
Lựa chọn đúng đắn nhất giúp chị tìm được lối đi hiện tại?
Cách đây khoảng 4 năm, tôi từng có ý định đi học đại học. Nhưng vì đam mê được đứng trên sân quá lớn nên sau thời gian đắn đo, tôi quyết định tiếp tục thi đấu quốc tế thêm vài năm để xem bản thân có thể tiến xa được tới đâu. Đến thời điểm này, tôi khá hài lòng về những gì mình đạt được sau quyết định ấy.
Rào cản lớn nhất chị từng đối mặt?
Là mỗi lần thi đấu về phải trở lại với múi giờ cũ, sắp xếp lại chế độ nghỉ ngơi, tập luyện. Đó là khi cơ thể không còn theo ý muốn của mình, không đánhđược hết khả năng của mình. Những lúc đó, tôi thấy rất bực bội và bất lực. Nỗi buồn lớn nhất là khi mình có rất nhiều cơ hội để tiến xa hơn nữa, đang hy vọng và hứng khởi thì dính chấn thương. Lịch thi đấu dày đặc khiến tôi không có thời gian điều trị. Thời gian nghỉ ngắn nên không thể hồi phục được như ban đầu. Chấn thương, vì thế, là rào cản lớn nhất của tôi vào lúc này.
Vai trò của ông xã Tiến Minh trong cuộc sống và sự nghiệp của chị?
Anh Minh là đàn anh đi trước, truyền nhiệt huyết cho tôi về cầu lông. Tôi từng rất ngưỡng mộ anh. Khi quen nhau, anh giống như một người thầy, người bạn tri kỷ. Anh không chỉ chia sẻ kinh nghiệm thi đấu mà còn trực tiếp hướng dẫn, giúp tôi tập luyện. Mỗi khi tôi thất bại, anh phân tích cho tôi hiểu vì sao tôi thua. Khi tôi thắng, anh cũng không khen. Bây giờ, khi đã về chung một nhà, niềm đam mê đó nhân lên nhiều ý tưởng. Các ý tưởng đó được ấp ủ và không bị ảnh hưởng vì cuộc sống gia đình. Chúng tôi cùng đam mê nhiều hơn tất cả mọi người nên cả hai gia đình đều ủng hộ.
BÀI LIÊN QUAN
Điều gì có tác động tích cực, truyền cảm hứng nhất tới bạn?
Ngay lúc này, là được về một ngôi nhà mới có cách sống và cách làm việc đáng ngưỡng mộ. Đã làm gì nghiêm túc thì phải làm cho thật tốt, làm hết khả năng của mình và học hỏi những gì tốt nhất.
Có một câu chuyện làm tôi nhớ mãi đến giờ và chắc tận sau này cũng không thể quên. Đó là thua trận đơn một đàn em vào năm 2011. Khi đó, có rất nhiều nhận xét tiêu cực. Tôi rất thất vọng về bản thân, chỉ muốn bỏ luôn thôi. Nhưng được gia đình động viên, tôi cũng nghĩ nếu như buông xuôi thì tiếng thua còn mãi nên dồn tâm sức tập luyện. Không phải chỉ để đánh thắng đối thủ mà còn để mọi người biết rằng sự cố gắng, niềm đam mê của tôi dành cho cầu lông là tất cả.
—
Xem thêm
Bùi Việt Hà: “Phụ nữ, hãy luôn tự hỏi điều gì là quan trọng”
Quỳnh Lâm – Kẻ lập dị khi chuyên đi nhặt nhạnh hoa tàn
Nguyễn Thị Hồng Hạnh: “Ăn chay không chỉ có nấm và đậu hũ”
Nhóm thực hiện
Tổ chức chuyên đề: Hoàng Linh Lan Thực hiện: Văn Khoa. Thiên Di, Lê Phan, Ngọc Anh, Hằng Đoàn, Chiêu Văn Ảnh: Nhân Huỳnh, Chu Lân, Kat Su Nguồn Tạp Chí Phái Đẹp ELLE