Lifestyle / ELLE Voice

Giúp đỡ sẽ đến, khi bạn hỏi

Trẻ em và thanh niên chính là hình ảnh của tương lai, và không may thay, rất nhiều chủ nhân tương lai đó lại không được sinh ra trong một hoàn cảnh thuận lợi. Những người phụ nữ trò chuyện cùng ELLE trong số báo này đã góp phần giúp nhiều thanh thiếu niên có được bước khởi đầu thuận lợi, để các em tự tin bước vào cuộc sống và góp phần xây dựng xã hội.

Lara Vu, người phụ nữ Mỹ gốc Việt hiện đang giữ cương vị Chuyên gia về quan hệ đối tác và phụ trách Văn phòng UNICEF Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh. Cuộc trò chuyện cùng ELLE xoay quanh cuộc sống gia đình, công việc của chị tại UNICEF và quyền trẻ em tại Việt Nam.

 

Chị Lara Vu tại một sự kiện của UNICEF và các đối tác
Chị Lara Vu tại một sự kiện của UNICEF và các đối tác

Chị có thể chia sẻ một chút về cuộc sống của mình trước khi bắt đầu làm việc cho UNICEF tại Việt Nam không?

Tôi rời Việt Nam lúc 2 tuổi, trưởng thành ở nước Mỹ rồi lại trở về đây. Gia đình tôi đã gặp rất nhiều khó khăn ở Mỹ, nhưng tôi may mắn được học đại học chuyên ngành Y tế Công cộng và đi theo những gì mong muốn. Tôi đã làm việc cho UNICEF được 12 năm, trước khi chuyển đến Việt Nam, tôi từng làm việc tại Panama. Khi cơ hội làm việc tại Việt Nam mở ra, tôi đã ngay lập tức nắm lấy vì một trong những ước muốn lớn của tôi là được trở về Việt Nam cống hiến kinh nghiệm và kỹ năng của mình cho cộng đồng.

Gia đình chị có bình luận gì khi chị quay lại Việt Nam không?

Trước đây ba mẹ tôi không khuyến khích tôi theo lĩnh vực Y tế Công cộng. 18 năm trước khi tôi trở về Việt Nam lần đầu tiên, tôi ở đây 3 tháng và thực tập với bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, từng là Bộ trưởng Bộ Y tế ngày trước, một vị bác sĩ tôi ngưỡng mộ và kính trọng. Tôi đã được truyền cảm hứng và học được rất nhiều từ bà. Khi bố mẹ tôi biết về bà, họ đã thay đổi cách nhìn về lĩnh vực này. Bố mẹ tôi rất ủng hộ tôi trở về Việt Nam. Trở về đây làm việc là một trải nghiệm tuyệt vời khi thấy được đất nước học hỏi, phát triển như thế nào, đồng thời cũng tham gia vào quá trình phát triển đó.

Điều chị thấy khó khăn nhất trong công việc là gì?

Nhiệm vụ của tôi là phát triển các mối quan hệ đối tác giữa UNICEF với khu vực tư nhân. UNICEF không thể một mình tạo ra thay đổi, chúng tôi đã và đang hợp tác với chính phủ, các tổ chức phi chính phủ… và bây giờ là khu vực tư nhân. Tôi coi bản thân là chiếc cầu nối giữa những trẻ em không có tiếng nói và những người có tiếng nói có thể giúp đỡ các em. Phần lớn mọi người sẽ nghĩ kêu gọi hỗ trợ từ tư nhân sẽ khó khăn, nhưng thật ra chỉ cần bạn hỏi thì rất nhiều người sẽ sẵn sàng giúp đỡ.

Thử thách lớn nhất trong công việc mà tôi gặp là phải kiên nhẫn. Cá nhân tôi rất tâm huyết với việc mình đang làm nên muốn mọi thứ thay đổi thật nhanh để các em có cuộc sống tốt hơn, nhưng thật ra những thay đổi lớn cần thời gian và sự kiên nhẫn. Tôi đặt hy vọng nơi khu vực tư nhân vì họ thường nhanh chóng tìm ra giải pháp hiệu quả cho những vấn đề, vậy tại sao chúng ta không cùng nhau tìm ra giải pháp cho những vấn đề về trẻ em?

ellevn-talk46-1

Công việc của chị hẳn rất bận, vậy gia đình chị cảm thấy thế nào?

May mắn của tôi là có một người chồng thấu hiểu, sẻ chia và sẵn sàng hỗ trợ. Anh ấy đã đi cùng tôi đến Panama và chính là người đã khuyến khích tôi nhận công việc tại Việt Nam. Anh ấy cũng rất trân trọng các giá trị văn hóa Việt mặc dù là một người Mỹ gốc Do Thái. Các con tôi còn khá nhỏ, chúng chưa hiểu được công việc mà tôi đang làm nhưng tôi nghĩ việc cho các con thấy cả bố và mẹ đều làm việc là một điều tốt cho sự trưởng thành của chúng. Công việc của tôi khá bận rộn nhưng tôi vẫn cố gắng để cân bằng, dành thời gian cho chồng con và chăm sóc bản thân.

Được biết UNICEF đang thực hiện chiến dịch Tin vào số KHÔNG, chị có thể nói rõ hơn về chiến dịch này?

Tin vào số KHÔNG là một chiến dịch toàn cầu khuyến khích xã hội hành động để không còn trẻ em nào phải tử vong vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được. UNICEF tin rằng chỉ một trẻ em bị ảnh hưởng thôi cũng đã là quá nhiều và con số này nên là số KHÔNG. Đây là một mục tiêu lớn và cần nỗ lực lâu dài, qua chiến dịch này chúng tôi muốn truyền cảm hứng và khuyến khích xã hội hành động để ngày một tiến gần hơn tới mục tiêu này.

Một phần của chiến dịch lớn này là chiến dịch chấm dứt bạo lực đối với trẻ em ở Việt Nam. Bạo lực trẻ em trong thế giới hiện đại tồn tại dưới nhiều hình thức rất tinh vi: có thể là bạo lực học đường, gia đình, lạm dụng tình dục hay bắt nạt trên mạng… Bạn không chứng kiến nó nhưng không có nghĩa nó không tồn tại. Chúng tôi kêu gọi xã hội lên tiếng và hành động cụ thể để chấm dứt vấn nạn này.

ellevn-talk46-2

Nhìn chung, chị đánh giá thế nào về tình hình quyền trẻ em tại Việt Nam?

Rất ít người biết rằng Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về Quyền Trẻ em, đây là một bước tiến to lớn mà người Việt Nam nên tự hào. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất vẫn là việc thực hiện. Chúng ta khao khát những điều tốt đẹp hơn cho trẻ, chính sách được thay đổi cho phù hợp hơn nhưng quan trọng nhất vẫn là thay đổi ý thức và thói quen của người dân.

Mặt khác sự phát triển của nền kinh tế không có nghĩa là tất cả đều đi lên mà sẽ có những nhóm người bị bỏ lại đằng sau vì nhiều lý do như di cư hay khoảng cách thu nhập vùng miền. Một ví dụ cho việc này là gia đình ở nông thôn có cả bố lẫn mẹ lên thành phố làm việc và để con lại cho một người khác chăm sóc, khiến đứa trẻ có nguy cơ bị bạo hành và lạm dụng cao hơn.

Tóm lại, chúng ta phải tỉnh táo để nhìn ra những vấn đề mới và tìm ra giải pháp mới. Sức mạnh của công nghệ thông tin và Internet là một trong những lợi thế mà chúng ta có thể tận dụng để truyền tải thông điệp đi xa, rộng hơn.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện ngày hôm nay!

Xem thêm Phỏng vấn chị Tâm Đan, người mang lại niềm hy vọng cho các nữ sinh

Xem thêm Phỏng vấn chị Phạm Thanh Tâm (REACH): Tôi chẳng bắt đầu từ điều gì to tát

Nhóm thực hiện

Bài: Lương Hằng - Ảnh: Tư liệu
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)