Mai Hằng – Khởi nghiệp với rau sạch
“Tôi có thể sẽ không bao giờ kiếm được nhiều tiền như khi tôi đi làm cho các tập đoàn, các tổ chức, nhưng tôi hạnh phúc”. Trước đến giờ, có lẽ chưa có ai nói với khách hàng những câu như chúng tôi nói: Hãy coi XanhShop như vườn nhà mình, có gì ăn nấy, nông dân chỉ có thể làm tới như vậy. Rau sạch thì phải có sâu. Nhưng sâu thì chẳng bao giờ ăn hết được rau của người đâu. Cùng ELLE gặp gỡ chị Mai Hằng, chủ nhân của XanhShop.
Tại sao chị lại từ bỏ công việc với các công ty lớn về khởi nghiệp với XanhShop và gắn với người nông dân?
Bởi vì lúc ấy tôi đã thấy đủ. Tôi từng rất hứng thú với công việc của mình, nhưng cuối cùng tôi nhận ra đó chỉ là con đường, không phải đích đến. Tôi muốn theo đuổi những gì phục vụ cho việc xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Tôi có nghĩ đến việc thành lập NGO, nhưng các tổ chức này không phải là những người “thực hành”, họ không thể giúp những người sản xuất tìm đầu ra cho các sản phẩm. Trong khi đó, tôi nghĩ chúng ta cần phải có sự liên kết về lợi ích thì mới bền vững được. Chính vì thế, tôi nghĩ đến việc thành lập một doanh nghiệp, dù quả thật tôi không phải là người giỏi tính toán, kinh doanh. Khi còn làm trong ngành xuất khẩu, tôi chỉ đi làm kiếm tiền để cuối tuần đi chơi, đơn giản lắm.
Tôi đọc được một câu trong cuốn sách Banker to the poor của Muhammad Yunus: “Thời xưa nô lệ không có lương, nhưng giờ nô lệ được trả lương“. Con người hiện nay làm những điều trái với mong muốn để nhận được vài đồng lương. Chưa kể, tôi cũng có cảm hứng từ nhân vật chàng chăn cừu của cuốn Nhà giả kim (Paulo Coelho), người đã bị lừa, bị mất đi tất cả mà vẫn đi tiếp. Tôi tự hỏi “chẳng lẽ mình không đi bán pha lê kiếm tiền được như chàng chăn cừu à”. Và tôi từ chức để thành lập một doanh nghiệp xã hội.
Sự dũng cảm của chị đã mang lại cho chị những gì?
May mắn thay là tôi vẫn chưa “chết”. Người ta vẫn hỏi là năm vừa rồi kinh doanh thế nào? Tôi đáp: Tôi thấy tài khoản vẫn còn 200 triệu. Vậy là ổn, vì khi tôi khởi nghiệp, tôi có 200 triệu trong tài khoản. Bây giờ, tôi có “đồng bọn” – những người làm cùng mình (nhân viên, nhà cung cấp), tôi có khách hàng – cũng là bạn đồng hành, những người có chung quan điểm sống với mình. Mà nồi cơm Thạch Sanh của tôi vẫn đầy. Vậy là lời quá còn gì.
Công ty của chị bắt đầu như thế nào?
Ban đầu, tôi chỉ sử dụng các kỹ năng cũ, làm các công việc tư vấn, đánh giá tác động xã hội của các hoạt động sản xuất xuất khẩu lên một vùng đất, một cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, càng làm việc này, tôi càng nhận thấy chúng ta phải đánh đổi ghê gớm để thu được một vài đồng USD. Những gì chúng ta mất đi về mặt môi trường, tự nhiên không bao giờ có thể lấy lại được. Tôi quyết định công ty của mình sẽ trở thành một phần của chuỗi cung ứng ngắn.
Trước đây, tôi tham gia vào các chuỗi cung ứng dài, ngồi một nơi mà kiểm soát công việc trên khắp thế giới, rồi sau đó lại lo phục vụ khách hàng ở một nơi khác nữa. Các tập đoàn đều chỉ muốn tập trung vào việc thúc đẩy khách hàng mua mà không cần suy nghĩ. Để làm được thế, họ đẩy giá xuống thấp nhất, đó chính là lý do các tập đoàn chuyển các nhà máy đến những nơi nhân công giá rẻ, gây tổn hại đến môi trường ở cả quá trình sản xuất và vận chuyển xuyên quốc gia.
Đó là chưa kể, khách hàng mua hàng hóa chỉ vì nó rẻ, vì nó hợp thị giác, vì nó thú vị… Điều ấy có tốt không? Không.
Điều tôi muốn là người ta cần phải suy nghĩ trước khi làm gì đó. Tôi muốn người tiêu dùng biết được người sản xuất là ai. Tôi muốn mọi người sản xuất nông thủy sản và hướng đến nhu cầu của bản thân, của chính nước mình, chứ không phải chỉ để nhăm nhăm xuất khẩu. Làm nông cần phải chú ý đến sự bền vững và ít tác động tự nhiên nhất có thể. Tôi chọn làm người đứng gần cuối chuỗi nhất, làm đầu ra cho sản phẩm.
Chị là người kết nối nông dân với khách hàng, vậy khách hàng của chị được phục vụ như thế nào?
Trước đến giờ, có lẽ chưa có ai nói với khách hàng những câu như chúng tôi nói: Hãy coi XanhShop như vườn nhà mình, có gì ăn nấy, nông dân chỉ có thể làm tới như vậy. Rau sạch thì phải có sâu. Nhưng sâu thì chẳng bao giờ ăn hết được rau của người đâu. Chúng ta luôn phản ứng thái quá trước tự nhiên, thế nên mới phải dùng thuốc diệt trừ. Tạo hóa đã tạo ra chúng ta, nhưng cũng tạo ra các loại sâu bọ, thế nên, sống cân bằng với nhau là tốt nhất, chúng ta chỉ cần đuổi chúng đi là được. Khách hàng của chúng tôi cũng có thiệt thòi là họ không nhận được sự tiện lợi như đến với các cửa hàng khác. Tuy nhiên, may mắn là họ chia sẻ với chúng tôi quan điểm là thế giới này không phục vụ cho các “ego” (cái tôi) nên vẫn đồng hành bền bỉ với chúng tôi. Chúng tôi lấy “eco” (tự nhiên) làm trung tâm.
Khách hàng nói chung luôn nghĩ cứ trả tiền là muốn gì cũng sẽ được phục vụ. Đúng vậy, nhưng tự nhiên có mùa vụ của chúng, nếu bạn muốn ăn rau, trái cây trái mùa, thì người ta sẽ phục vụ bạn các sản phẩm tẩm hóa chất.
Với chị, mục đích của XanhShop là để…?
Tôi muốn nâng cao nhận thức cho khách hàng, xây dựng năng lực cho nhà cung cấp, bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, tôi vẫn mong một ngày nào đó vị trí của mình sẽ biến mất, khi khách hàng đã đủ nhận thức, nhà cung cấp đã hoàn thiện năng lực. Khi ấy họ sẽ làm việc trực tiếp với nhau mà không cần đến kẻ trung gian là Xanh nữa. Quả thực, tôi không đặt ra bất cứ kỳ vọng hay mong đợi gì. Tôi chỉ thấy vui khi được làm những điều này. Những người cùng chất sẽ tự động va vào nhau. Những người làm cho tôi cũng vậy, đừng mong thu nhập cao khi làm ở đây, nhưng nếu bạn muốn khởi nghiệp, thì hãy đến đây.
Với sự phát triển của XanhShop hiện nay, hẳn cá nhân chị cũng được các tổ chức tìm đến để tìm sự giúp đỡ.
Tôi vẫn được các tổ chức nước ngoài mời đi làm các công việc liên quan đến CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) hay Quản lý chất lượng tư vấn, hướng dẫn cho các nhà máy, trang trại muốn nhận được giấy chứng nhận. Tuy nhiên, tôi từ chối để tập trung vào XanhShop. Tôi không còn thấy việc xuất khẩu số lượng lớn có ý nghĩa với mình nữa. Nếu họ muốn phát triển bền vững sao không tự sản xuất nông nghiệp ở chính nước họ. Như vậy là bền vững nhất.
Họ cũng nói với tôi, người nông dân lúc nào cũng nằm dưới đáy, chúng ta phải tới và giúp họ. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ khác. Người nông dân không cần sự trợ giúp kiểu đấy. Chuỗi cung ứng càng dài thì nông dân càng bất lợi. Mà không phải chỉ người nông dân, người tiêu dùng cũng vậy.
Bài: Phương Thủy – Ảnh: Vinh Phan
Trang điểm: Cúc nguyễn – Stylist: Minh Nghĩa
Áo: Magonn