Diễn tả thực trạng cuộc sống giới trẻ? Ý tưởng lần này của An đến từ đâu?
Bộ hình lần này tôi làm cùng Phương My, dựa theo một bài báo tôi vô tình đọc được về một cô gái trẻ, 21 tuổi, tự sát bằng thuốc ngủ sau khi bị từ chối 200 lần phỏng vấn xin việc.
Bài báo ở Anh nhưng những câu chuyện tương tự cũng xảy ra không ít ở Mỹ, và dám chắc là cũng ở nhiều nơi khác. Sinh viên trẻ mới ra trường, bằng cấp trong tay, ôm nhiều hoài bão, thế nhưng không thể tìm được việc làm khi tình hình kinh tế xuống dốc thế này. Cả đống nợ trước mắt phải lo, nào là nợ học phí, nợ ngân hàng, nợ trang trải cuộc sống mỗi ngày… khiến họ vô cùng quẫn trí và đi đến những quyết định nông nổi, sai lầm.
Bộ hình này trông khác hẳn những lần trước, không đẹp kiểu sang trọng và lộng lẫy theo cách An hay chụp cho các tạp chí thời trang. Nhìn rất thật, rất quen thuộc, cứ như một hình ảnh nào đấy ở quanh ta.
Tôi rất thích dùng thời trang để diễn tả những câu chuyện có thật trong đời sống hay đem lại một thông điệp có ý nghĩa nào đấy. Tôi muốn thời trang không chỉ là những cô gái xinh đẹp trong những bộ quần áo đẹp, ở những địa điểm đẹp. Thời trang vốn đã có đủ “tai tiếng” về sự hời hợt, thực dụng nhưng không thực tế ấy rồi. Tôi muốn từng bước, từng bước thay đổi “tai tiếng” ấy.
Bộ hình này được chụp tại 6 địa điểm khác nhau và để tìm một người mẫu cho một dự án cá nhân cũng rất cam go. Chúng tôi chụp ngay trước thời điểm diễn ra Tuần lễ thời trang nên các cô người mẫu đều bận đi tập, đi diễn cả.
Tôi muốn chụp những khoảnh khắc đời thường của nhân vật, như trong căn hộ của người mẹ, đi phỏng vấn tại một khu nhà trẻ, tại một cửa hàng bán quần áo second-hand, tại một cửa hàng đồ ăn trung quốc rẻ tiền, trước cửa hàng bán thuốc tây… Nếu để ý kỹ sẽ thấy tôi cố ý đặt “manh mối” ở mỗi tấm hình để dẫn người đọc khám phá câu chuyện xa hơn, sâu hơn theo cách của mình.
Ví dụ như ở tấm hình chụp cô ấy trước cửa tiệm thuốc tây, ánh mắt đang hướng về một đứa trẻ, hàm ý liệu đứa trẻ khi lớn lên có thay đổi không hay rồi vẫn lẩn quẩn trong vòng tuần hoàn cuộc sống ấy? Hay hình cửa hàng treo bảng đóng cửa diễn tả sự ế ẩm, đi xuống của nền kinh tế không lối thoát. Tình yêu, tình dục có cứu vãn được cuộc sống chán chường này không hay gánh nặng cuộc sống khiến tất cả rơi vào vô nghĩa?
Nhưng tôi thấy tấm hình cuối có vẻ khác? Có ý đồ hay thông điệp gì đặc biệt chăng?
Kết thúc câu chuyện là hình ảnh cô gái đã chết ngồi trần truồng trên ghế, bao bọc bởi giấy nylon, nhìn rất giống kiểu siêu hiện thực. Có thể nói đó là tấm hình khác hẳn, vượt ra khỏi những điều bình thường trong cuộc sống ở những tấm hình trước, cứ như là một “phép màu” trong thực tế.
Và thông điệp, dĩ nhiên mỗi tấm hình đều mang một thông điệp riêng. Nhưng tôi sẽ không nói đâu. Tôi muốn để mọi người tự hiểu, tự cảm nhận lấy câu chuyện. Đó cũng là một cách tương tác giữa tôi và người xem.
Để tôi thử xem nhé. Tôi nghĩ đến thông điệp mang tính tích cực, rằng An đang muốn động viên những người trẻ tuổi đừng bỏ cuộc, đừng chọn con đường kết thúc cuộc sống tươi đẹp của mình. Ngoài ra, đối với những người may mắn hơn, họ nên biết quý trọng những gì mình đang có và biết chia sẻ với mọi người.
Vâng, đúng vậy. Tôi muốn người xem cảm nhận và thay đổi. Thay đổi cách nhìn cuộc đời, thoải mái hơn, nhẹ nhàng hơn, bớt phán xét hơn, khoan dung hơn. Hãy cho người ta cơ hội.
Cuộc sống vội vã quá, nhất là ở những thành phố lớn như New York, khiến con người có vẻ như ngày càng thiếu tình người, thiếu sự quan tâm. Tôi vừa đăng ký tham gia làm tình nguyện viên lo cho những gia đình vô gia cư, rất ý nghĩa đối với tôi. Thế nhưng, có rất ít người trẻ tuổi tham gia.
Nếu nhìn các tác phẩm của tôi đều thấy chúng mang màu sắc tăm tối, trông có vẻ rất trầm cảm. Nhưng tôi nghĩ chỉ có cách nhìn thẳng vào những khoảng tối của cuộc sống mới giúp cho con người trân trọng và yêu quý những điều tốt đẹp. Tôi muốn đưa những thông điệp ý nghĩa tới cuộc sống nhiều hơn, dù chỉ có thể giúp một vài người thôi là tôi đã mừng lắm rồi. Và tôi sẽ không chỉ dừng ở đó.
Bộ ảnh thời trang mang tính thời sự của An Lê:
Nhóm thực hiện
Blog Lychee Ảnh: An Lê.