Dạo này tôi đi làm thêm cho một quán bar trong thành phố. Đây không phải lần đầu tiên tôi làm việc trong quán với tư cách là người phục vụ, nhưng là lần đầu tiên bước chân vào chốn nhộn nhạo, phức tạp như là bar. Làm rồi mới biết rượu và đàn ông vốn nguy hiểm khi ở gần nhau. Những người đàn ông bình thường vốn thận trọng, và kín kẽ, bỗng tự cho mình quyền cợt nhả khi có chút rượu. Sự niềm nở thông thường với khách bỗng trở thành một tín hiệu khích lệ. Nụ cười của nữ bồi bàn bỗng trở thành: “Cô ấy thấy tôi hấp dẫn”. Thật không may, chủ quán nơi tôi làm là một gã háo sắc, thường xuyên có những câu đùa thả hình bắt bóng đầy thô thiển. Suy nghĩ đầu tiên trong đầu tôi: “Khốn nạn thân tôi, hóa ra mọi gã đàn ông đều nghĩ về một thứ. Còn tôi, tiền thì phải kiếm, bồi thì phải niềm nở. Nhân viên thì phải nghe lời chủ. Giờ phải làm sao?”.
Mãi một thời gian sau tôi mới nhận ra điều này. Phải từ bỏ suy nghĩ chia mọi thứ về hai hướng: Gã là đàn ông – tôi là đàn bà. Gã kẻ chủ động – tôi nạn nhân. Tôi nhớ có lần đã nghe một người đàn ông nói: “Đàn ông chỉ tiến nhiều như người đàn bà (ngầm) cho phép”. Chữ “ngầm” là tôi tự cho thêm vào, đấy mới là điều tiên quyết của sự việc. Đàn bà nói không, nhưng bên trong lại do dự, không dám quyết định. Một người đàn ông quàng vai ôm tôi, dù tôi không muốn hay khó chịu nhưng để yên vì nghĩ: Tôi không được phép đẩy tay ra, vì đấy là chuyện bình thường, hay vì sợ người ấy ghét bỏ tôi, hay vì trong hoàn cảnh này thì phải thế… Có một tỉ lý do tương tự thế có thể xoẹt qua đầu chúng ta, khiến chúng ta bất lực, do dự, không dám làm gì và trở thành nạn nhân, đẩy người đàn ông trở thành kẻ chủ động, kẻ luôn luôn có lỗi. Nhưng sự thực không chỉ có trắng – đen như vậy.
Chính đàn bà cũng góp phần tạo nên hoàn cảnh trên. Chính chúng ta cũng tự biến mình thành nạn nhân.
Hãy tự nói với bản thân mình như thế này: Tôi có quyền với chính bản thân mình. Tôi có quyền cười với người này và không cười với người kia. Là đàn bà, chính tôi lựa chọn ai được phép tiến lại gần tôi, ai không, và tiến xa đến bao nhiêu. Khi hoàn cảnh bắt buộc, tôi được phép tỏ ra cứng rắn và tỏ rõ thái độ của mình. Là nhân viên, tôi thực hiện công việc của mình, nhưng tôi ngang hàng với chủ vềmặt con người. Tuy là bồi, tôi cũng ngang hàng với khách.
Nhưng tỏ ra kiên quyết không có nghĩa là gay gắt. Đừng đánh giá hay chỉ trích đối phương. Hãy chỉ đơn giản nói ra quan điểm của chính mình. Đừng tỏ ra mạnh mẽ bằng cách biến đối phương thành nạn nhân. “Mỗi người có một cách sống riêng, tôi không chỉ trích cách sống của anh, nhưng cũng hãy làm ơn tôn trọng cách sống của tôi”. Hãy tỏ rõ quan điểm bản thân nhưng đừng chỉ trích.
Thú thật, cuộc sống của tôi từ khi bắt đầu công việc trong quán bar trở nên rất mệt mỏi. Sự việc diễn ra nhưng giải pháp không xuất hiện ngay, nó cần một quá trình. Bản thân sự thay đổi trong chúng ta cũng cần một quá trình. Cảm thấy sợ hãi là bình thường, thấy do dự cũng là bình thường. Bản thân người đàn ông cũng thế. Sự tự tin thái quá khi tán tỉnh phụ nữ cũng hàm chứa bên trong sự do dự. Người ấy có lẽ phải thường xuyên chứng tỏ bản thân. Người ấy cũng sợ bị nghe lời từ chối của chúng ta, hệt như chúng ta sợ tỏ rõ thái độ của chính mình. Mỗi người chúng ta đều chứa đựng bên trong những cặp suy nghĩ, cảm xúc đối nghịch nhau: Tự tin – sợ hãi, khao khát – tĩnh lặng, mãnh mẽ – yếu đuối, cho – nhận, yêu – được yêu… Bất kỳ ai, dù là đàn ông hay đàn bà, dù thuộc tuýp người nào, nhưng bên trong mỗi chúng ta đều chứa đựng mâu thuẫn, và chuyện ấy là bình thường. Nghệ thuật nằm ở việc cân bằng những cảm xúc, dũng cảm nhìn nhận cả hai phần, chứ không phải đè nén nó.
Sau khi làm việc ở quán bar một thời gian, tôi nhận ra việc đến đây làm cũng có một ý nghĩa nhất định. Tôi học được cách cứng rắn hơn khi đối mặt với những người đàn ông đi quá đà. Tôi học được cách tỏ quan điểm của mình, nhưng không khiến các mối quan hệ của mình căng thẳng, việc này theo tôi rất quan trọng trong cuộc sống. Mỗi người chúng ta xét cho cùng đều giống nhau cả, nhưng mỗi người chúng ta lại cũng khác nhau. Phải luôn nhớ về sự giống nhau này, nhưng cũng tôn trọng sự khác biệt ở người khác.
Ở quán bar, tôi cũng gặp những người tử tế. Họ cởi mở, chia sẻ và lo lắng cho tôi. Đôi khi, họ là người thầy, đôi khi họ là người bạn. Thế mới thấy những mối nhân duyên vẫn diễn ra khắp nơi nếu chúng ta mở lòng. Những con người giống nhau sẽ tự dưng tìm đến nhau. Rằng cuộc sống bao giờ cũng hàm chứa cả hai phần, vậy nên chúng ta đừng nản lòng, phải học cách sống và ứng biến với cả hai. Cuộc sống là như thế!