Hãy yêu, xin đừng xét đoán
Tôi nhớ như in lần đầu tiên nhìn thấy những phụ nữ Kayan với cần cổ rất dài bởi đeo bao nhiêu là vòng đồng trên tivi. Tôi đã rất kinh ngạc, kèm theo cả một chút ghê sợ.
Chương trình tivi hôm ấy còn nói về nhiều bộ lạc khác ở khắp các châu lục, tuy khác nhau nhưng đều có những cách làm đẹp “kỳ quái”:
Không xăm đầy mặt thì cũng đeo khuyên vành thật to để kéo giãn môi hay giãn tai. Tôi lúc ấy còn nhỏ nên không hiểu tại sao người ta lại chịu đau đớn như vậy chỉ để “làm đẹp”, vì tôi nhìn có thấy đẹp gì đâu, nếu không nói là còn rất xấu. Lớn hơn, tôi được đi đây đó nhiều, nhìn thấy nhiều điều mới lạ, quen mắt với nhiều thứ hơn, và quan trọng nhất, tôi học được rằng: “Beauty is in the Eye of the Beholder – Cái đẹp nằm trong mắt người nhìn”. Việc xăm và đeo khuyên mới được chấp nhận rộng rãi chừng 20 năm gần đây ở các nước phương Tây, và chỉ khoảng 5, 6 năm ở nước nhà. Trước đó, người ta quan niệm rằng xăm mình và đeo khuyên (ngoài khuyên tai cho phụ nữ) chỉ dành cho những kẻ ngoài rìa xã hội, không giang hồ hiểm ác thì cũng nghiện ngập cờ bạc. Phim truyền hình Việt Nam những năm 90 mỗi khi có cảnh giang hồ là thế nào cũng có một anh cởi trần xăm không con rồng thì con phượng: rất gượng ép nhưng luôn làm tôi bật cười.
Ngày nay, nhờ truyền thông và đặc biệt là nhờ những người nổi tiếng như Angelina Jolie mà hình xăm hay khuyên đeo đã trở nên quen mắt và ít bị kỳ thị hơn trước. Chuyện nhìn thấy hình xăm, hay khuyên đeo tòng teng ở rốn, ở mũi, hay chân mày đã trở nên bình thường như cơm bữa. Nhưng dường như sự chấp thuận ấy vẫn chỉ ở bề mặt. Ngay cả ở phương Tây – nơi xăm hình và đeo khuyên tưởng như được thừa nhận rộng rãi đến nỗi trở thành trường phái nghệ thuật chính thống thay vì chỉ tồn tại ở trạng thái văn hóa ngầm, thì những bài báo vẫn khuyên bảo người ta phải che hình xăm và tháo khuyên khi đi xin việc, trừ khi công việc thuộc ngành sáng tạo.
Có lần trên tàu điện ngầm, chàng trai da màu ăn mặc cá tính ngồi cạnh tôi rút ra hộp kem che khuyết điểm và chăm chú che đậy hình xăm rất lớn trên tay ngay trước mặt rất nhiều người. Chính tôi khi đi gặp khách hàng lần đầu cũng thường chọn quần áo có thể che bớt hình xăm của mình. May thay, khách hàng tôi dễ tính, nên tôi dần chẳng buồn che đậy gì nữa. Nhưng mỗi lần đi họp tại trụ sở điều hành của ngân hàng lớn nhất nhì thế giới ngay giữa trung tâm tài chính của London, khi đi qua hàng loạt cửa an ninh và đám đông ăn mặc lịch thiệp, tôi vẫn nhận được một số ánh nhìn thiếu thiện cảm từ những quý ông mặc suit Tom Ford và quý bà đi giày Prada. Tại sao?
Xăm mình và đeo khuyên là hình thức nghệ thuật cơ thể cổ xưa nhất của loài người. Xác ướp cổ đại nhất của châu Âu: Otzi Người Băng khi được khám phá vẫn đang đeo vòng kim loại kéo giãn tai đường kính lên tới 11cm. 5.300 năm trước, loài người chúng ta đã làm đẹp theo cách mà các chàng trai cô gái theo trường phái Punk của thời hiện đại đang làm.
Trong lúc bố mẹ chúng ta miệt mài van vỉ con cái đừng xăm lên người vì lớn sẽ không tìm được việc, đừng khuyên xỉa lung tung vì ra đường người ta sẽ nghĩ thế nào, thì ở bộ lạc Dinka, bộ lạc Masai, bộ lạc Huaorani, và rất nhiều các bộ lạc khác trên khắp thế giới, bố mẹ họ mong con cái lớn lên sẽ có thật nhiều hình xăm trên mặt, có dái tai thật dài, có vòng kéo môi thật to, bởi đó là những dấu ấn ghi nhận một linh hồn quật cường và được cả bộ tộc kính trọng.
Có phải vì họ mê tín, họ “mọi rợ” nên quan điểm về cái đẹp của họ không được thừa nhận? Hay chúng ta đang dần mất những nét văn hóa khác biệt bởi bận ôm ấp và biện hộ vào sự văn minh, rồi vô tình trở thành những phiên bản cừu Dolly? Hay chúng ta chỉ đơn giản đang đi theo đúng lập trình tiến hóa bằng cách không chấp nhận những cá thể khác mình? Có phải vì vậy mà những nền văn hóa nhỏ kia đang chết đi, và những bà lão Tinglayan từng rất tự hào với những hình xăm đẹp đẽ của mình đang lần lượt đi xuống mộ mà không được nhìn thấy con cháu tiếp nối truyền thống.
Phải chăng để tránh cho con người khỏi sự đào thải đồng loại đã được lập trình từ trong DNA ấy mà người ta phải lập ra những quy tắc và luật lệ? Chắc hẳn trong số những quý ông mặc suit Tom Ford và quý bà đi giày Prada kia có những người mà hình xăm và khuyên đeo được giấu kín dưới lớp quần áo lượt là. Họ cũng sẽ nhận phải những ánh nhìn thiếu thiện cảm như tôi vẫn nhận phải từ những bộ suit Tom Ford và giày Prada khác nếu như vẻ ngoài của họ không giống như đám đông. Đây là sự hóa trang để tồn tại: thêm một lập trình từ DNA khác. Bằng cách tạo ra và tuân theo những quy luật nhằm giúp con người bớt kỳ thị nhau, chúng ta vô tình đào sâu thêm hố ngăn cách, làm cho việc cá nhân hóa không hề dễ dàng, và càng làm cho các bậc cha mẹ tin rằng nếu có hình xăm hay khuyên đeo ngỗ ngược thì nhất quyết không thể xin được việc làm tử tế.
May thay, thế giới đang dần thay đổi – quan niệm và sự chấp thuận cái đẹp đang chuyển dòng dù còn rất chậm. Thời trang của thập niên 50, 60, 70, 80 hay 90 không chỉ tồn tại ở những năm quá khứ nữa. Ngày nay, chúng xuất hiện hàng ngang trên đường phố, trong cùng một một nhóm bạn đang ngồi uống cà phê nói chuyện phiếm bên lề đường. Chúng ta đang dần thoát khỏi tâm lý cừu Dolly và cho phép mình thể hiện quan điểm về cái đẹp theo cách riêng của mình.
Tôi không tin vào thế giới lý tưởng khi bất kỳ cố gắng làm đẹp theo quan điểm cá nhân nào cũng được chấp nhận. Tôi càng hiểu rằng luật lệ và các thước đo là cần thiết để đảm bảo trật tự, hiệu quả và tiến độ phát triển của xã hội. Nhưng hy vọng, thì luôn có, rằng sẽ đến lúc phần đông chúng ta đồng tình với việc cái đẹp nên được thả tự do, và việc đánh giá một người đẹp hay xấu không quan trọng bằng việc tự họ có thấy mình đẹp không.
Tất cả những người có hình xăm, khuyên đeo, họ có thể có công việc khác nhau, sống ở những vùng đất khác nhau, yêu ghét nhiều thứ khác nhau, nhưng họ chắc chắn có một điểm chung là tìm thấy cái đẹp ở body art và tự thấy mình đẹp thêm nhờ những hình xăm hay khuyên đeo ấy. Cô nàng punk tóc nhuộm hồng, đeo đầy khuyên và gai nhọn trên người tuy chưa thể làm việc trong các công ty tài chính, nhưng đã có thể tự tin đi trên đường và mỉm cười cảm ơn lời khen đẹp từ cô nàng chỉn chu áo sơ-mi quần tây đeo kính cận.
Chỉ mong rằng những người can đảm dám đi ngược với đám đông cũng sẽ chấp nhận đám đông như cách họ muốn đám đông chấp nhận mình, thay vì coi thường những người đi theo trào lưu “chính thống”. Counter-culture nếu không cởi mở, thì cũng tiêu cực y như văn hóa mainstream mà hẹp hòi vậy. Và những cô nàng đeo khuyên rốn hay mang hình xăm, khi đó cũng không khác quý bà mang giày Prada là mấy. Đương nhiên điều này không đồng nghĩa với việc những người mang Tom Ford và Prada đều thiển cận. Tất nhiên rồi, tôi đang viết bài này trong lúc chân xỏ Prada đây.
Xem thêm Câu chuyện đằng sau những hình xăm
Xem thêm Ý nghĩa hình xăm của sao
Bài: Mai Phương Mackey – Ảnh: Tư liệu