Lifestyle / Trải nghiệm

Huế & chuyện áo dài – blog Hoài Cẩm

Chú vẫn thường kể tôi nghe về giấc mơ của chú, giấc mơ Huế của một thời.

Processed with VSCOcam with f2 preset

Ngày còn trẻ, lần đầu tiên đặt chân đến Huế, chú cứ nhớ mãi hình ảnh về người con gái bước đi chầm chậm trong mưa bay, thoắt ẩn thoắt hiện dưới những tàng cây xứ Huế. Hình ảnh chiếc áo dài tinh khôi ngày ấy cứ lặp đi lặp lại trong giấc mơ của chú, một vẻ mong manh tựa sương mai khiến màu xanh rêu phong, cổ kính càng thêm phần thơ mộng.

Chú bảo Huế ngày xưa đẹp lắm, sâu lắm. Thời gian chẳng chạm được bờ vai của người con gái Huế. Thướt tha, kiều diễm đến lạ. Cứ đi-về không hề vội vã, những bước chân khoan thai nhưng rất kiêu kì, đủ để thử thách lòng kiên trì của đám văn nhân như chú.

Chẳng thế, chú cứ mê mẩn với những bộ áo dài xứ Huế. Dường như không nơi đâu mặc áo dài nhiều như nơi này. Áo dài được mặc như trang phục hàng ngày ở cố đô, trở thành một phần của cuộc sống chốn kinh kì. Cứ bước ra đường nhìn đâu cũng thấy tà áo dài thướt tha, kiều diễm. Trong những góc chợ Đông Ba, trên những con đường chiều các chị, các mẹ gánh hàng rong đi bán…

Lạ lắm, con gái Huế mặc áo dài đẹp và có hồn ghê…” Tôi cười “Áo dài con gái xứ nào mặc chẳng đẹp chú?’ Chú gật đầu “Biết là thế, nhưng, Huế lạ ghê…”

Bất giác tôi nhớ lại mấy vần thơ của Hàn Mặc Tử khi hồi tưởng về thôn Vĩ:

Mơ khách đường xa, khách đường xa,

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

Hình như mảnh đất này đã truyền cho người dân nơi đây cái thần, cái hồn của chính nó. Huế trong lời ăn, tiếng nói, trong hơi thở, ánh mắt, trong chính cả tà áo dài mà người con gái e ấp, dịu dàng tiếng “Dạ”, tiếng “Thưa”. Áo dài Huế quyện trong cái chất thần kinh trầm mặc vì thế tuy mong manh nhưng đậm đà, vừa tinh khôi lại mặn mà khó tả.

Processed with VSCOcam with f2 preset

Chú bảo áo dài thời ấy không chỉ là thời trang, nó đã góp phần làm nên tính cách, tâm hồn người phụ nữ Huế, uốn nắn cung cách đi đứng, phong cách sống của họ. Đi nhẹ, nói khẽ, giữ kẽ, e ấp nhưng duyên dáng, quyến rũ lạ kì. Sức gợi cảm của phụ nữ Huế do đó không phô bày ra bên ngoài mà cuốn hút ở cái nét duyên thầm bên trong, hướng người ta chú ý đến cung cách, đức hạnh vốn có của người phụ nữ xứ Huế. Ở thế hệ trước, áo dài vì thế được xem như quốc phục của phụ nữ, gắn liền với nề nếp gia phong của gia đình, dân tộc.

Mà cũng qua rồi, cái thời ấy…” Chú vẫn thường thở dài, luyến tiếc mãi hình ảnh Huế của ngày xưa, mà tôi biết, rất nhiều người như chú. Nguyễn Duy cũng đã chẳng từng khắc khoải đó thôi…

Tôi về xứ Huế mưa sa

Em ơi Đồng Khánh đã là ngày xưa

Tôi về xứ Huế chiều mưa

Em ơi áo trắng bây giờ ở đâu?

Tôi không sống thời đó để được “nếm Huế của những ngày cũ vời xa” (Trần Thị Linh Chi – truyện Quán Gió – Mây lửng lơ), nhưng chỉ riêng cách chú nhớ lại, hồi tưởng về, tôi tin rằng Huế ngày xưa có lẽ, đẹp và thơ lắm.

Processed with VSCOcam with f2 preset

Nhưng mà, những bánh xe thời gian cứ đều đặn quay, Huế đúng là đã khác Huế ngày xưa. Nhịp sống vội vã, Huế cũng phải trở mình. Không thể lặp lại giấc mơ ngày cũ của chú. Những chiếc quần Jean dần thay cho những tà lụa, những chiếc áo thun, sơ mi năng động thay cho những nếp áo dài thướt tha hàng ngày…Huế giờ cũng đi theo nhịp sống của thời đại. Con gái Huế đã bắt đầu chọn cho mình những trang phục phù hợp với từng nơi họ đến. Năng động với trang phục thể thao, xinh xắn với những chiếc váy đầm hiện đại, và, kiêu sa với những bộ cánh dạ hội lộng lẫy…

Nhưng, một điều tôi tin chắc rằng, dù thay đổi đến đâu, bên cạnh các trang phục đó, con gái Huế vẫn luôn dành riêng một góc tủ cho những tà áo dài của quê hương. Và cơ hồ, tôi nghĩ, đó dường như lại là sự trân trọng hơn bao giờ hết của người Huế đối với nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Mặc dù áo dài hiện nay không còn sử dụng như một trang phục hằng ngày, nhưng, áo dài vẫn luôn là sự lựa chọn hàng đầu trong các lễ hội hay các lễ nghi quan trọng của người Huế. Nhất là vào các dịp tết cổ truyền, khi mọi người xum họp với gia đình, tà áo dài lại rạng rỡ trong niềm vui sum vầy, như một sự nhắc nhớ, tri ân về nguồn cội mang đậm nét dân tộc trong ngày khởi đầu yêu thương. Áo dài vì thế, khác xưa, đã nâng lên thành một trang phục sang trọng và quan trọng với người dân xứ kinh kì.

Tôi vẫn hay đùa với chú tôi, “Cái gì ít mới thấy quý chú ơi. Giờ mà vô tình bắt gặp một tà áo dài thướt tha trên phố, con đoán chắc nhiều người sẽ giống chú, ngỡ ngàng vì hình ảnh đó thoáng gợi lại chút Huế ngày xưa… Huế trong tâm thức vì thế đẹp nhân lên đến bội phần. Và quan trọng hơn, điều đó sẽ ý thức người Huế về việc giữ gìn tà áo dài như giữ gìn bản sắc và nét duyên thầm của chính mình vậy…

Chú cười, “Ừ thìHuế ơi…

Nhóm thực hiện

Bài: Hoài Cẩm - Ảnh: Vũ Phạm
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)