Năm 1961, cây bút Nora Johnson của tạp chí The Atlantic Mỹ có viết một bài về nỗi cô đơn của những người phụ nữ chọn sống cuộc đời nội trợ. Năm 2015, một tác giả khác, Wednesday Martin, một tiến sĩ xã hội học, lại nhắc lại đúng câu đó. Bởi lẽ, sau cuộc cách mạng bình đẳng giới, việc phụ nữ đi làm đã trở thành một điều phổ biến, và việc chọn ở nhà bỗng trở thành một lựa chọn – không phải hàng đầu và hiển nhiên. Thế nhưng, với những người không muốn ở nhà mà chọn việc đi làm thì thế nào, liệu họ có bớt cô đơn hơn không?
Không cần phân tích quá kỹ cũng thấy cuộc sống đối với những người vợ/mẹ đi làm không bao giờ dễ dàng. Và nếu họ muốn đạt được thành công trong công việc, có vị trí cao trong xã hội? Thử thách lại được tăng lên gấp bội. Một báo cáo của UNDP cho biết, hiện nay chỉ có 24,4% số lượng đại biểu quốc hội là phụ nữ, điều ấy cho thấy không chỉ câu chuyện về bất bình đẳng giới tại Việt Nam, mà còn cả chuyện phụ nữ từ chối tham gia vào các hoạt động xã hội, phát triển sự nghiệp vì những áp lực hàng ngày.
Quả là vậy, phụ nữ hiện đại có công việc, sống tại các đô thị lớn của Việt Nam đối mặt với rất nhiều thử thách. Họ không chỉ có một mối quan tâm duy nhất là thể hiện được bản thân trong môi trường công sở, kinh doanh, mà còn phải đảm bảo mình là một người vợ, người mẹ, người con dâu tốt của gia đình. Đó là chưa kể, họ còn chịu áp lực về hình ảnh của bản thân, bởi vì phụ nữ luôn phải đảm bảo mình là phái đẹp. Áp lực ấy khiến tỉ lệ ly hôn ngày càng tăng cao, và số lượng phụ nữ đăng đơn cao gấp đôi đàn ông. Tại TP.HCM, 40% các cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly hôn. Và cũng vì điều đó, phụ nữ Việt Nam ngày càng có nhiều người chọn sống đời độc thân hoặc là mẹ đơn thân.
BÀI LIÊN QUAN
Hệ quả của bất bình đẳng giới là việc đàn ông tại Việt Nam thường cho rằng việc nhà là của vợ. Họ quên mất rằng vợ cũng đi làm như mình. Thế nên, cảnh tượng mà chúng ta thường thấy là vào buổi chiều, người đàn ông có thể đi chơi tennis hay uống cà phê, còn người phụ nữ thì phải hối hả vì lo cho con cái, gia đình. Và cũng có một thực tế có thể quan sát bằng mắt, là những phụ nữ thành công trong sự nghiệp thường có một cuộc sống riêng không mấy hạnh phúc. Bởi vì khi họ bận rộn tại văn phòng hay những chuyến công tác, chồng họ không dễ dàng thấu hiểu. Trên hầu hết các quảng cáo sản phẩm dành cho gia đình, người ta luôn thấy một người chồng mặc đồ công sở trở về nhà và thấy vợ đang mặc tạp dề vui vẻ bên bếp lửa hoặc đang tưới hoa, lau sàn.
Trái ngược với đàn ông, phụ nữ thường được đề xuất lựa chọn: Hoặc sự nghiệp, hoặc gia đình. Rất hiếm khi họ được tạo điều kiện để có thể được cả hai cùng lúc. Tuy nhiên, đã có một số phụ nữ hiện đại có thể làm được điều đó, dù họ không thuộc số đông. Họ có thể có một gia đình hạnh phúc, hoặc đôi khi phải chấp nhận từ bỏ một trong các lựa chọn của đời người, chỉ giữ lại thiên chức làm mẹ. Mỗi người chọn một hướng đi, nhưng câu chuyện chung của họ là nghệ thuật buông và nắm.
Cuộc sống của những người phụ nữ thành công luôn là một trò chơi tung hứng: Khi nắm trái bóng này trong tay, họ buộc phải tung trái bóng khác lên không trung. Và bất kỳ ai đã tập được trò chơi này đều hiểu rằng vấn đề không nằm ở việc bạn nắm hay đón bóng, mà chính là ở cách bạn tung.
—
Xem thêm
Bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình của phụ nữ hiện đại
10 đặc quyền nàng có trong thế giới phụ nữ
Đàn ông lịch lãm & Phụ nữ độc lập
Phụ nữ tôi ơi, hãy tận hưởng cuộc sống!
Nhóm thực hiện