Những điều không nói được với bố mẹ
Một buổi sáng, khi tôi đang quáng quàng xách túi xuống nhà lấy xe đi làm, thì mẹ chạy theo tôi để hỏi một câu gì đó. Vì đang rất vội, nên tôi liền nhăn nhó với mẹ và bảo: “Sao mẹ lại hỏi con lúc này, con đang bận lắm”. Mẹ cũng nhăn mặt lại với tôi mà đáp rằng: “Con có bao giờ không bận đâu!”.
Lúc ấy, tôi không chú ý mấy đến lời của mẹ mà cứ thế dắt xe đi thẳng. Thế nhưng trong lúc lái xe, tôi nghĩ đến lời nói đó và thấy nó thật đúng. Đúng là với bố mẹ, tôi lúc nào cũng bận.
Như phần lớn các cô gái độc thân, tôi có thể dành hàng tiếng đồng hồ để buôn chuyện với các cô bạn gái về đủ mọi vấn đề – từ những chuyện “lớn” như mâu thuẫn ở cơ quan nên giải quyết thế nào, đến những chuyện “nhỏ” tí hin như đánh son màu hồng cam hay hồng cánh sen thì hợp. Chỉ cần một cú điện thoại ngắn, và thế là a-lê-hấp, tôi đã có mặt ở quán cà phê để đóng vai “chị Thanh Tâm” nghe các cô bạn mình tâm sự đủ thứ chuyện trên trời dưới bể. Và trường hợp ngược lại cũng vậy: mấy cô bạn thân biết tuốt tuột chuyện tôi đang ấp ủ kế hoạch gì trong công việc, hay tôi đang hẹn hò anh chàng nào.
Tiếc thay, những điều tôi có thể thoải mái chia sẻ với bạn bè xung quanh lại không thể dễ dàng được chia sẻ với bố mẹ. Với phụ huynh, tôi gần như là một “ẩn số”. Bố mẹ tôi không bao giờ biết tôi có bao nhiêu bạn thân, và chưa bao giờ được giới thiệu với một anh bạn trai nào của tôi. “Hai cụ” cũng không mấy khi “được” nghe tôi than thở về những vấn đề trong cuộc sống. Vì gia đình tôi cực kỳ “dân chủ” và tự do, nên tôi luôn tự quyết định hầu hết mọi việc riêng. Trong khi bạn bè thân biết tôi sắp đi chơi trước chuyến đi ấy một tuần, thì bố mẹ tôi lại chỉ biết được thông tin này trước đó một ngày.
Khi nhớ đến lời nói có phần trách móc của mẹ, tôi bỗng cảm thấy mình thật không phải. Và để giảm nhẹ cảm giác tội lỗi, tôi đành phải đổ tội cho khoảng cách thế hệ. Nếu không phải thế, thì điều gì khiến cho một cô gái trẻ với tính cách cởi mở không thể mở lòng mình với bố mẹ?
Tôi nhớ là hồi bé, chính tôi đã từng ước ao mình có thể nói chuyện với bố mẹ. Tôi từng cảm thấy ghen tị vô cùng mỗi khi biết được một cô bạn gái thân thiết với bố hoặc mẹ của mình như thế nào. Với tôi, điều đó gần như là không thể, vì hai thế hệ quá khác nhau, và hơn nữa, bố mẹ tôi lại quá bận rộn kiếm tiền và chăm sóc cho hai anh em tôi. Bố mẹ tôi không sao hiểu được những sở thích của tôi, còn tôi lại không chia sẻ cùng những mối quan tâm như bố mẹ. Tôi đã lớn lên một cách lặng lẽ, gần giống như một cái bóng trong nhà. Và rồi, nỗi khao khát được bố mẹ thấu hiểu ngày xưa dần biến mất khi tôi bước vào đời, mở rộng mối quan hệ, quen biết thêm nhiều người thú vị – những người có nhiều mối quan tâm chung với tôi. Từ lúc nào không rõ, tôi không còn cảm thấy có nhu cầu chia sẻ nhiều với bố mẹ của mình nữa.
Với thời gian, suy nghĩ của tôi về quan hệ với bố mẹ cũng thay đổi. Thay vì trách bố mẹ không hiểu mình, tôi bắt đầu trách cứ chính mình vì đã không thể làm điều đó. Tôi càng cảm thấy tội lỗi hơn khi nhận ra, bấy lâu nay bố mẹ đã âm thầm tìm hiểu cuộc sống của tôi bằng cách theo dõi blog và Facebook của tôi. Nghĩ đến đó, tôi cảm thấy thật buồn cười, vì có những điều tôi có thể chia sẻ với vài trăm người bạn, thậm chí cả thế giới, nhưng lại không bao giờ đem tâm sự với bố mẹ.
Tôi không tin là sau khi đọc tất cả những gì tôi đã viết, bố mẹ đã có thể thực sự hiểu tôi. Nhưng tôi luôn biết ơn bố mẹ tôi rất nhiều, vì họ đã làm được một điều mà vô số bậc phụ huynh khác không làm được – đó là tôn trọng cuộc sống riêng của tôi, và để tôi tự quyết định đời mình. Nhờ đó, tôi chưa bao giờ phải than phiền điều mà nhiều bạn bè tôi đã than phiền: “Mình không biết phải làm sao vì gia đình không cho phép mình như thế”.
Đó là cách bố mẹ tôi thể hiện sự thấu hiểu và quan tâm đến tôi, cũng như cho thấy lòng tin ở tôi – bởi họ biết rằng tôi đủ bản lĩnh để quyết định cuộc sống của mình. Bố mẹ tôi có thể không được tâm lý như nhiều bậc phụ huynh khác, nhưng sự quan tâm, tôn trọng, và ủng hộ gần như vô điều kiện ấy vẫn hết sức tuyệt vời và đáng trân trọng. Khoảng cách thế hệ không dễ bị san bằng, thậm chí là không thể, nhưng nền tảng của sự thấu hiểu – chính là sự tôn trọng và ủng hộ của bố mẹ tôi – thì luôn luôn ở đó.
Lời trách của mẹ như đánh thức tôi. Từ đó, tôi bớt đi những giờ hẹn hò, dành thời gian cho bố mẹ nhiều hơn. Hành trình để về gần cha mẹ còn xa, nhưng ít nhất là tôi đã bắt đầu.
—
>> Xem thêm: Ngày của mẹ, nỗi niềm riêng của mẹ
>> Xem thêm: 5 bức tranh đẹp về tình mẫu tử
Bài: Bình Minh