Quan điểm sống khác biệt, ừ thì khác biệt, có sao đâu!
[Tạp chí ELLE – 8/2016] Chúng ta thường dễ dàng phán xét, bắt buộc người khác phải làm thế này, phải làm thế kia mới là đúng, là chuẩn mực. Những người đi ngược với quan điểm của chúng ta đều sai, đều không đáng để lắng nghe mà quên mất rằng, điều đúng trong mắt ta chưa chắc đã đúng với người khác.
Cậu bạn thân của tôi vừa đi bác sĩ tâm lý do stress nặng. Chẳng biết stress vì lý do gì, chỉ bảo luôn cảm thấy bất an và thấy mình cô độc. Bác sĩ kiểm tra các vấn đề về tâm lý, thảo phác đồ điều trị và dặn dò. Cậu bạn gọi, “Nặng lắm đấy, bác sĩ bảo chỉ cần nghĩ đến cái chết nữa là cho nhập viện luôn”. Cúp máy, buồn buồn. Thương không thương, lo không lo, chỉ là buồn buồn thôi. Cái kiểu đàn ông buồn buồn rất dở hơi.
Quan điểm sống khác biệt, ừ thì khác biệt, có sao đâu!
Thật ra giữa chúng tôi chẳng có điểm gì chung cả, cũng không hiểu sao lại có thể thân thiết. Thân kiểu mỗi thằng một việc, gặp nhau chẳng biết kể gì ngoài những chuyện vụn vặt, rủ rỉ rù rì. Cậu bạn quảng giao, khách khứa suốt. Còn tôi ngoài cặm cụi làm việc ra thì gần như chỉ biết chơi với con, ít bạn bè. Chỗ náo nhiệt có mặt bạn, chỗ đông người luôn không có tôi. Lắm lúc ngồi cà phê, lẳng lặng đến lẳng lặng đi. Nhưng có điều chắc chắn là nếu cả thế giới này quay lưng lại thì cậu bạn vẫn cứ chìa tay với tôi.
Trên Facebook có cặp đôi rất hot, chị có tuổi mà anh cũng thôi trẻ trai. Anh chị yêu thương nhau tíu tít. Chị mẹ đơn thân, có ba con riêng, mỗi con một cha có quốc tịch khác nhau thì phải. Nhưng điều đó thì có sao đâu, vẫn thấy chị tươi mới và thoải mái, vẫn thấy chị và anh ấm êm như nhân tình trong cõi nhân gian đầy phiền muộn này. Dưới mái nhà nào không nhiều giông bão, câu chuyện tình nào không trắc trở vài khi, tuy nhiên cái cách mà họ tìm đến nhau cho người chứng kiến một sự thú vị. Đôi lúc, phá vỡ những nguyên tắc thông thường không phải là không mang đến những nguồn năng lượng đầy hào hứng.
Độ khoảng ba năm trước, dư luận nước ta ầm ĩ với các câu chuyện bà mẹ đơn thân. Rất nhiều luận điểm về đạo đức được mang ra tranh luận. Nhất là khi những cô ca sĩ, người mẫu, diễn viên không ngừng “hóa thân” thành mẹ đơn thân. Mấy lâu trước, tôi có bài viết với đại ý làm mẹ đơn thân thì cần phải chuẩn bị rất nhiều thứ. Nhưng làm mẹ đơn thân thì không hẳn không có những cảm xúc rất riêng. Quan trọng hơn, mỗi cá nhân có một cuộc đời và cá nhân ấy hoàn toàn có quyền lựa chọn sống một cuộc sống cho riêng mình, miễn sao lựa chọn ấy không vi phạm pháp luật và không ảnh hưởng tiêu cực đến người khác.
Như lúc cô gái Angela Phương Trinh bị mấy anh chị nhà báo phát hiện đã nghỉ học từ năm cuối bậc trung học cơ sở, người ta ném đá cô ấy ghê lắm. Ngoại trừ lý do “chém gió” vì nhỡ khoe ảnh vừa thi bậc phổ thông trung học thì người ta còn bảo cô là loại thất học này loại học kém kia. Thực tế ai cũng có quyền nghỉ học để theo đuổi con đường họ cho là đúng. Thậm chí, nghỉ học vì đơn giản là không thích đi học nữa cũng có sao đâu. Học hay không học chưa bao giờ là chuẩn mực để đánh giá cá nhân, dẫu tôi vẫn giữ quan điểm, có học vẫn hơn. Mỗi chúng ta với những quan điểm sống khác nhau, tự chịu trách nhiệm bản thân và cuộc đời của mình.
Như một cô gái thích hình xăm và giỏi chịu đau, cô ấy hoàn toàn có thể xăm những hình cô ấy muốn. Như một cô gái đồng tính, cô ấy có thể hoàn toàn tán tỉnh và công khai yêu đương bạn gái. Như một cô gái con nhà thế gia, cô ấy hoàn toàn có thể lái siêu xe và mang rất nhiều hột xoàn trên người… Có sao đâu, vì cuộc sống là tổng thể nhiều mảng ghép lại với nhau. Quan trọng hơn đó là một tiến trình phát triển khách quan không ai có thể cưỡng lại được, ngoại trừ những chuẩn mực đạo đức được thừa nhận như một giá trị bền vững.
Vợ chồng người bạn tôi nhiều năm không có tin vui, họ vẫn đằm thắm thôi. Nhận nuôi một cô con gái của chị bán cơm bụi gần ký túc xá ngày xưa hai vợ chồng cư ngụ khi còn đại học, chăm bẵm cháu, trồng cây và du lịch bụi khắp nước. Rất nhiều người khuyên vợ chồng bạn đi xét nghiệm, vợ chồng bạn không muốn thực hiện điều này. Họ không muốn một trong hai người phải nghĩ ngợi và họ đang rất hạnh phúc với hiện tại. Hiện tại ấy đã mười năm hơn.
Đâu có sao, phải không? Vì đó là một khác biệt, lại là khác biệt đầy cảm xúc.
Một cặp vợ chồng khác, trí thức cả. Chồng tốt nghiệp y khoa, vợ luật sư tập đoàn. Cả hai thống nhất quan điểm, không sinh con. Họ vẫn như ngày đầu tán tỉnh, rất nhân tình. Những cặp vợ chồng tôi vừa kể, rất khác với những cặp vợ chồng khác. Nhưng vậy thì đã sao? Chẳng làm sao cả! Ngoài kia hoa vẫn nở, chim vẫn hót, đường vẫn kẹt xe.
Cô nhà báo nổi tiếng tôi rất quý kể trên Facebook câu chuyện trong thang máy, “Nhân vật chính bước vào thang máy, đứng một góc. Bỗng trong số vài bạn bên cạnh có tiếng xì xào, thủ thỉ, rồi không kìm nén được bật lên thành tiếng nho nhỏ, “Trời sao đeo mắt kính gì dày quá vậy, dày thấy sợ luôn”. Người khác phụ họa: “Ừ, dày thấy ghê”, rồi cười. Nhân vật chính im lặng quay đi tự nhủ, dù sao cũng vui vì khuyết tật của mình phần nào mang đến tiếng cười nhỏ nhoi cho người khác”. Cô nhà báo bị cận rất nặng, mắt kình dày cộp. Chắc không hình ảnh nào về tôn trọng sự khác biệt hơn câu chuyện này, nhỉ? Tôn trọng ngay cả khi mình cảm thấy hắt hiu.
Tôi có gửi icon hình trái tim như chia sẻ ủi an, mà chắc cô không cần điều này. Bởi ai chấp nhận sự khác biệt đều là những cá nhân đầy mạnh mẽ và xứng đáng được tôn trọng.
Trong gia đình, lắng nghe con cái bày tỏ quan điểm sống, sở thích thay vì khư khư ép con “tuân thủ” ý muốn của bố mẹ chính là biểu hiện của việc biết mở lòng và chấp nhận khác biệt ở cấp độ nhỏ nhất. Và cũng là khó nhất. Bởi lẽ, thoát khỏi mặc định người lớn luôn luôn đúng, con trẻ nhất nhất phải vâng lời và kiềm chế được cơn giận dữ khi con muốn A, bố mẹ thích B không phải là chuyện dễ. Tuy nhiên, một khi đủ kiên nhẫn tạo dựng được bầu không khí dễ chịu và đáng tin cậy, mọi chuyện sẽ thú vị hơn rất nhiều. Đứa trẻ sẽ hình thành ý thức tôn trọng những quan điểm khác biệt, thậm chí là đối lập khi bước vào đời. Nó sẽ biết bao dung, biết cảm thông để lắng nghe bạn bè, đồng nghiệp. Nó sẽ nhìn cuộc sống trong sự vận động đa chiều, đầy háo hức thay vì cảm thấy khó chịu, bực tức tại sao người khác không giống như mình nghĩ.
Một công ty, một cơ quan có nhiều cá nhân biết chấp nhận khác biệt sẽ tạo nên sự đa dạng trong sáng tạo, thúc đẩy công việc. Sẽ không có việc chuyển sang công kích cá nhân, tấn công đồng sự khi ai đó bày tỏ quan điểm trái ý mình.
Mở rộng ra, chấp nhận sự khác biệt còn là tôn trọng màu da, giới tính, tín ngưỡng giữa người với người, tôn trọng văn hóa, tập tục giữa dân tộc này với dân tộc khác. Những cuộc thảm sát trên thế giới mà gần đây nhất là cuộc xả súng vào hộp đêm dành cho người đồng tính ở Florida, Mỹ chẳng phải đều bắt nguồn từ xung đột sắc tộc, từ việc kỳ thị thiểu số khác biệt đấy sao? Mỗi người là một mảng màu, một quan điểm sống, một trạng thái cảm xúc riêng tô điểm cho cuộc sống. Lego khác nhau nên mới ráp thành một khối vững chắc và có hình dạng.
—-
Xem thêm:
Tìm hiểu tâm lý sợ gắn kết ở phụ nữ hiện đại
Tạp chí Phái đẹp ELLE