Từ Kyoto, tôi bắt tàu địa phương, đổi khá nhiều trạm, chờ mỏi mòn ở mấy sân ga vắng tanh như chùa Bà Đanh, một bên là núi, một bên là biển, gió lạnh tái tê để đến thành phố biển Kanazawa. Từ đây phải bắt thêm một chặng xe bus chừng hai tiếng nữa để tới Shirakawa-go. Ba mươi phút cuối của chặng xe bus đó – với riêng tôi – quả là ba mươi phút thần thánh.
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy tuyết là hồi ba bốn tuổi gì đó, trong tủ lạnh. Ngoài tủ lạnh thì là lần này. Nhưng cách nó xảy ra mới tuyệt diệu làm sao! Chiếc xe bus chậm rãi trôi qua những con đường tỉnh lộ buồn tẻ, nhà cửa thưa thớt. Thế rồi, nó trôi luôn vào một cái hầm đen ngòm. Cuối đường hầm, tôi che mắt vì chói. Sau đó tôi thả tay ra vì nghe bạn đồng hành của mình rú lên “Trời đất ơi!” Rồi tôi cũng nghe chính mình la lên y chang. Xe đang đi trên con đường mỏng mảnh vắt qua một vùng bốn bề là núi tuyết. Những đỉnh núi trắng xoá giờ gần đến nỗi ngỡ chỉ quờ tay là chạm được. Luồng sáng chói chang không chịu nổi ấy là do tuyết phản chiếu ánh mặt trời. Dưới vực, một dòng sông xanh màu ngọc lục bảo đang tuôn như dải lụa mùa xuân phấp phới. Cảnh tượng ấy xuất hiện đột ngột phía cuối hầm như một món quà kỳ diệu mà con đường dành cho chúng tôi. Tôi nhớ đến cái đường hầm xe hỏa trong Xứ Tuyết của Kawabata. Tôi nhớ cả những đỉnh băng tuyết vô tận trong quyển Tuyết của Maxence Fermine, nơi Nàng Thơ đã bồng bềnh bước đi trên dây rồi vĩnh viễn bặt dấu. Sách vở thật kỳ diệu. Chúng đem ta đến vạn nơi và sống vạn cuộc đời. Để rồi nhiều thứ, dẫu xảy ra lần đầu trong đời, mà sao thấy thân thương như đã hiểu sâu rồi.
Shirakawa-go đó rốt cục là cái gì? Là một sơn thôn. Hồi nhỏ bạn có đọc Đô-rê-mon, hẳn nhớ đoạn Nô-bi-ta bỏ nhà đi đến ở trong một ngôi làng trên núi. Rồi sau một đêm mùa đông, cả ngôi làng ngập vùi trong tuyết trắng, đẹp như một giấc mơ? Phải, cái làng đó chính là cái làng này. Tôi nhận ra nó ngay, vì đã từng “ghé” qua đây hồi còn nhỏ, khi nông nổi bỏ nhà ra đi cùng cậu bạn Nô-bi-ta.
Cái làng này chả có gì hay ho vào ban ngày, bởi nó quá nổi tiếng. Đây là một ngôi làng cổ có từ thế kỷ 13, được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Mỗi năm phải đắm mình trong tuyết đến 5 tháng, nhà trong làng có những mái tranh khổng lồ dựng chắp xéo như đôi bàn tay cầu nguyện, cũng là thủ pháp kiến trúc độc đáo để mưa tuyết không đọng dày trên mái nhà. Đến một nơi quá nổi tiếng thế này, bạn chỉ có thể chen chúc chật vật kiếm một tấm hình lưu niệm không dính tay chân người lạ, rồi thôi. Nhưng nếu bạn đã đăng ký lưu trú qua đêm tại nhà cổ trong làng, hãy cứ bình thản đợi đến giữa chiều. Khi chuyến xe bus cuối cùng mang trả lại những đoàn du khách cho thành phố, Shirakawa-go sẽ hoá mình thành một ngôi làng tịch mịch, xinh đẹp tuyệt vời nơi núi vắng. Cả làng chỉ có hai ngôi nhà cổ nhận khách lưu trú với một lượng rất nhỏ, thế nên khi chiều xuống, ở nơi đây dường như bặt dấu loài người. Cứ như thể mình đã chơi sang bao cả một ngôi làng để ngắm hoàng hôn.
Mùa xuân vừa đến, tuyết đang tan. Người ta dọn tuyết sang hai bên đường, nên dù lối đi sạch sẽ, nhưng trên những phiến ruộng đó đây vẫn còn nhiều lớp tuyết dày. Trong những con mương nhỏ chạy khắp làng, nước tuyết rỉ rả tan, tạo thành dòng suối trong veo cho bọn cá to bằng bắp chân nhởn nhơ bơi lội. Chả biết chúng ăn gì trong suốt mùa đông mà béo thế!
Chủ nhà trọ cho tôi phiếu giảm giá khi đi onsen trong làng. Sau này, tôi có thử nhiều suối nước nóng ở các vùng khác, nhưng cái lần onsen ở Shirakawa-go mãi là hạng nhất. Khi bạn đang ngâm mình trong bồn suối khoáng ấm áp, trước mặt bốn bề là núi tuyết, bên dưới là dòng sông trôi trong ánh chiều đỏ thắm, thì bạn còn mong gì hơn được nữa?
Sau đó, tôi thả bộ về nhà, thay bộ yukata mềm mại rồi vào phòng ăn có đốt lò sưởi để thưởng thức bữa kaiseki truyền thống. Từng thớ cá, lá rau được chế biến và trình bày tinh tế đến nỗi dẫu đã đói rã rời sau một ngày dài quần quật bắt tàu đổi xe, bọn tôi cũng chẳng thể nào cho phép mình ngấu nghiến. Rồi mỗi đứa uống một ly rượu mơ cho hai má nóng rực lên, và lâng lâng thiếp đi trong tiếng sông chảy rì rầm.
Để rồi sớm mai, mở cửa nhìn ra, tôi lại thấy một ngôi làng chật đầy du khách. Tôi vác ba lô leo lên một chiếc xe bus, bình thản đi ngược lại hành trình hôm qua, cảm nhận rõ ràng từng phân tấc của giấc mộng sơn thôn lung linh ấy dần tan đi như một vốc tuyết mùa xuân.
Và đón bọn tôi ở Kyoto là hoa đào đã nở.
Xem thêm các bài viết khác của blogger Nguyễn Thiên Ngân
Xem thêm Nhật Bản – Hai mặt của một đất nước hoàn hảo
Xem thêm “Cuộc sống màu hồng” nhìn từ Nhật Bản
Xem thêm Người Nhật tôi đã gặp và cảm mến
Nhóm thực hiện
Blog Nguyễn Thiên Ngân Ảnh: Fllickr