Lifestyle / Trải nghiệm

Tết Huế – Quá khứ & hiện tại

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi hai thế hệ khác nhau, lần đầu tiên gặp nhau nhưng cùng có những quan điểm tương đồng về những giá trị văn hóa khu biệt của vùng đất cố đô. Thế hệ trước vun đắp và xây dựng để thế hệ sau tiếp nối và giữ gìn.

Những ngày cuối Đông ở Huế, những cơn mưa kéo dài cùng gió buốt, chúng tôi không hẹn mà gặp được nhau tại Vườn Bội Trân – khu đất rộng nằm ngã mình bên rừng thông Thiên An nổi tiếng của thi ca. Trong cái lạnh “thấu xương”, gió thổi qua rừng thông vi vu, ngồi nhâm nhi ly trà nóng mới thấy sự an nhiên tự tại của chủ “vườn” – họa sĩ Bội Trân. Đi cùng chúng tôi còn có Ngọc Trân, cô gái Huế của hôm nay, năng động, hiện đại nhưng vẫn còn đó những nét đáng yêu của thiếu nữ Huế chốn kinh kỳ.

Hai cô cháu bận rộn tíu tít bên mâm quả, những khóm cúc tươi vàng rồi hàn huyên chuyện lễ Tết. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi hai thế hệ khác nhau, lần đầu tiên gặp nhau nhưng cùng có những quan điểm tương đồng về những giá trị văn hóa khu biệt của vùng đất cố đô. Thế hệ trước vun đắp và xây dựng để thế hệ sau tiếp nối và giữ gìn.

 

Bội Trân (phải) - Họa sĩ, nhà sưu tầm tranh, sách, tư liệu và các tác phẩm hội họa Việt Nam.
Bội Trân (phải) – Họa sĩ, nhà sưu tầm tranh, sách, tư liệu và các tác phẩm hội họa Việt Nam.

Hoài niệm về cái Tết của ngày xưa

Trong ký ức của nữ họa sĩ Huế – Bội Trân về những ngày tuổi còn xanh, cô cùng gia đình chuẩn bị Tết từ những ngày đầu của tháng Chạp. Không khí Tết thật rộn ràng. Đàn ông, con trai lo việc sửa sang nhà cửa, chăm sóc bàn thờ gia tiên, phụ nữ dành nhiều thời gian chuẩn bị thức ăn, vật dụng cho gia đình, sắm sửa quần áo mới. Dưa hành, mứt bánh được chuẩn bị và chế biến rất kỹ càng và cẩn thận. Những thứ ngon nhất, tốt nhất đều để dành cho Tết với mong ước về một năm mới sung túc, ngập tràn và thịnh vượng. Theo lời của nữ họa sĩ, Tết có thể kéo dài hết tháng Giêng, phải chăng đó cũng là lý do người Huế ngày xưa cần tích trữ một lượng lương thực đủ lớn để thấy mình thật thư thái, thong dong ăn Tết trọn tháng!

Với cô phóng viên tương lai Ngọc Trân, trong tiềm thức vẫn lưu giữ những hình ảnh Tết Huế xưa thông qua lời kể của người lớn trong gia đình. Các nghi thức đón Tết như cúng lên nêu, cúng 30, cúng giao thừa, cúng đầu năm, cúng thổ thần… đã được giản lược gần hết nhưng cái không khí rộn ràng đón Tết ở Huế thì mãi không đổi và có thể xem là nét văn hóa Tết còn lưu giữ rõ rệt nhất.

 

Ngọc Trân (ngoài cùng bên phải) - Sinh viên Khoa Báo chí trường Đại học Khoa học Huế, Cộng tác viên Chương trình Dự báo thời tiết và chuyên mục Bạn cần biết – Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế. Cô muốn làm việc và cống hiến cho sự phát triển về lĩnh vực truyền thông tại Huế. Cô từng đoạt danh hiệu Hoa hậu Mộc cuộc thi Hoa hậu Việt Nam Thế giới 2014 tổ chức tại Nhật Bản.
Ngọc Trân (ngoài cùng bên phải) – Sinh viên Khoa Báo chí trường Đại học Khoa học Huế, Cộng tác viên Chương trình Dự báo thời tiết và chuyên mục Bạn cần biết – Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế. Cô muốn làm việc và cống hiến cho sự phát triển về lĩnh vực truyền thông tại Huế. Cô từng đoạt danh hiệu Hoa hậu Mộc cuộc thi Hoa hậu Việt Nam Thế giới 2014 tổ chức tại Nhật Bản.

Tết Huế “chừ”, con cái vẫn giữ nếp tề tựu, quây quần bên cha mẹ. Những lúc này, phố Phan Đăng Lưu, chợ Đông Ba như tấp nập hơn bình thường. Con chở mẹ, chồng chở vợ cùng nhau đi khắp phố chợ tìm mua những vật dụng mới để trang trí cho bàn thờ tổ tiên, nhà cửa, bếp núc. Ngang ngõ nhà ai những ngày cuối năm cũng “cảm” được cái mùi hương trầm ấm áp, cái lạnh ướt át của thời tiết Huế vì thế mà được xua tan đi đôi chút.

Bội Trân của hiện tại tiếc nuối những không khí thiêng liêng, trang nghiêm nhưng vẫn ấm áp, gần gũi của buổi chiều tối ngày 30, hay sau giao thừa trong khói trầm hương uy nghi. Con cháu được mặc quần áo mới chúc Tết cha mẹ, ông bà và được nhận những bao lì xì đầu Xuân đỏ chói. Thế hệ trẻ vì vậy biết tôn kính hơn hình ảnh tổ tiên, kính trọng hơn những thế hệ lớn nhất của gia đình trong những khoảnh khắc thiêng liêng nhất của thời điểm giao hòa giữa giây phút cuối năm và tiết trời Xuân của một năm mới an lành.

 

Vùng đất cố đô vẫn còn giữ lại nhiều thói quen văn hóa truyền thống của ngày Tết xưa.
Vùng đất cố đô vẫn còn giữ lại nhiều thói quen văn hóa truyền thống của ngày Tết xưa.

ellevn-tet-2

Nữ họa sĩ vẫn ôm ấp cái không khí rạo rực chờ Tết của ngày ấy, những đường phố hoa giăng, những ngày được rong chơi sau Tết hay đi đâu cũng nghe tiếng lanh canh của những hột xúc xắc của trò chơi đổ săm hường. Để rồi nữ họa sĩ đang ấp ủ vẽ nên bức tranh Tết có những “cô”, những “mệ” mặc áo dài gấm lụa kiêu sa ngồi trên chiếu Xuân trong khói trầm thơm để chuyện trò, đắm mình trong những thú chơi dân gian tao nhã sau những ngày tháng chăm lo bếp núc chồng con. Có lẽ vì thế mà trong rất nhiều tác phẩm của cô, người xem tranh vẫn thấy nhiều lắm sự thanh tao, nhẹ nhàng của người phụ nữ hay hình ảnh mang tính chở che, sum họp của người mẹ bên những đứa con.

Ngọc Trân hiện tại là một phép cộng cho quá khứ, cô vẫn cùng mẹ xuống chợ lựa từng củ cà rốt, su hào để về cắt tỉa làm thành những thẩu dưa món thơm lừng, bắt mắt hay phụ mẹ chuẩn bị lá dong, lá chuối dùng làm bánh chưng, bánh tét. Cô nâng niu những thời khắc đón chào năm mới bên gia đình, quây quần bên nhau, hàn huyên, ôn lại chuyện của năm cũ và hứa hẹn về một năm mới vui vẻ tràn ngập hạnh phúc. Bông hoa nhỏ chỉ mong quá khứ quay về để nghe tiếng pháo nổ vang trời và ngửi được mùi xác pháo bay khắp xóm, hay chỉ đơn giản là nhặt những hoa mai rụng quanh vườn nhà, ép vào từng trang sách.

Còn ấm những nét xưa trong Tết Huế hôm nay

Cuộc sống hiện đại năng động, lớp trẻ ngày nay vẫn í ới gọi nhau hay cùng tích góp để “phượt” một chuyến khi có dịp nghỉ dài ngày trong dịp Tết. Theo Bội Trân đó là sự hiện thực hóa mơ ước của thế hệ trước, trào lưu trong ngày mới vẫn mang ý nghĩa của sự gắn kết có từ ngày xưa cũ vì suy cho cùng với người Huế – Tết vẫn là dịp đoàn tụ, đại đoàn viên.

Ngày trước, Tết gắn liền với Lễ hơn Hội như bây giờ. Trước, trong và sau Tết rất nhiều lễ nghi cần được thực hiện với sự tham gia của các thành viên trong gia đình. “Chỉ mỗi ngày cuối năm thôi cũng có đến 5 nghi thức cúng kiếng, đó là chưa kể trong Tết ngày nào cũng có lễ ở gia đình mà con gái và phụ nữ không thể vắng mặt. Có đi đâu chơi cũng phải về để thực hiện nghĩa vụ với ông bà tổ tiên” – nữ họa sĩ tâm sự. Vì vậy, thế hệ bây giờ như cô cũng mong mỏi có nhiều thời gian hơn trong dịp Tết để túm tụm bạn bè lại với nhau, chuyện trò và chỉ có vui chơi.

ellevn-tet-3

Hôm nay, thế hệ trẻ đặc biệt là các bạn gái đã được giải phóng rất nhiều về mặt thời gian và công sức cho kỳ nghỉ Tết. Các bạn được cùng những người thân yêu thực hiện những chuyến đi mà đối với thế hệ của họa sĩ Bội Trân của ngày ấy vốn chỉ được ấp ủ trong mơ. Đó là khoảng thời gian rất đáng trân quý và họa sĩ chỉ mong dù cuộc sống hiện đại hay tự do đến đâu, cội nguồn, tình cảm và các mối quan hệ gia đình vẫn cần được gìn giữ trong dịp Xuân về.

Đối với Bội Trân, Tết Huế vẫn giữ nguyên ý nghĩa thiêng liêng và tròn đầy. Mỗi năm, cô vẫn nấu một nồi bánh chưng to, “xây” mâm ngũ quả thật đẹp, bàn thờ gia tiên lúc nào cũng ấm áp khói trầm hương, bánh mứt, dưa hành, thịt thà không thể thiếu. Đặc biệt, họa sĩ luôn chuẩn bị một chum “rượu trái cây” thật lớn để chiêu đãi khách viếng thăm nhà dịp đầu năm.

Vườn Bội Trân trong dịp Tết còn là nơi hội ngộ của nhiều văn nghệ sĩ tại Huế. Trong cái tĩnh lặng của núi đồi, họ ngồi bên nhau, nhấp một ngụm rượu cho ấm lòng rồi hàn huyên thăm hỏi và chúc Tết. Đôi khi, hứng khởi khai bút cùng nhau, có khi trong cái tiết Xuân nhè nhẹ ấy chỉ cần một ý tưởng thoáng qua, một bức tranh mới thật đẹp lại được vẽ nên. Tết với người họa sĩ thật nhẹ nhàng vậy đó!

 

Bội Trân Viên là nơi lưu giữ các giá trị kiến trúc Pháp thuộc và cung đình Huế cùng các BST về gốm sứ, tượng cổ đặc trưng của nhiều nền văn hóa trên đất Việt, tư liệu và sách nghiên cứu về mỹ thuật truyền thống và đương đại của Việt Nam và trên thế giới. Nữ họa sĩ sở hữu một khối lượng tranh đồ sộ.
Bội Trân Viên là nơi lưu giữ các giá trị kiến trúc Pháp thuộc và cung đình Huế cùng các BST về gốm sứ, tượng cổ đặc trưng của nhiều nền văn hóa trên đất Việt, tư liệu và sách nghiên cứu về mỹ thuật truyền thống và đương đại của Việt Nam và trên thế giới. Nữ họa sĩ sở hữu một khối lượng tranh đồ sộ.

 

"Thiếu nữ và hoa" được vẽ trong nỗi cô đơn là chủ đề xuyên suốt trong tác phẩm của nữ họa sĩ, “những bức tranh của chị lôi dắt người xem trở về với dáng vẻ u hoài và kiêu sa của xứ Huế cố đô” (Nguyễn Trọng Tạo). Bội Trân là một trong những nữ họa sĩ đầu tiên mở gallery tư nhân tại Huế, các tác phẩm của nữ họa sĩ được mời tham dự nhiều cuộc triển lãm và các phiên đấu giá tranh quốc tế.
“Thiếu nữ và hoa” được vẽ trong nỗi cô đơn là chủ đề xuyên suốt trong tác phẩm của nữ họa sĩ, “những bức tranh của chị lôi dắt người xem trở về với dáng vẻ u hoài và kiêu sa của xứ Huế cố đô” (Nguyễn Trọng Tạo). Bội Trân là một trong những nữ họa sĩ đầu tiên mở gallery tư nhân tại Huế, các tác phẩm của nữ họa sĩ được mời tham dự nhiều cuộc triển lãm và các phiên đấu giá tranh quốc tế.

Với Ngọc Trân, Tết được đi chơi xa là một điều thú vị, có thể xem như là một món quà các bạn tự thưởng cho mình sau một năm học tập và làm việc căng thẳng. Và cô gái trẻ ấy vẫn có thể cân đối thời gian trong kỳ nghỉ Tết để sum họp với gia đình, như vậy cô sẽ không thấy mình quá ích kỷ với bản thân bên cạnh việc cảm nhận được hơi ấm tình thân của nơi vốn được gọi là “mái nhà”.

Ngọc Trân vẫn thích được mặc áo dài mới trong ngày đầu Xuân. Để chuẩn bị trang phục truyền thống cho những ngày đầu tiên của năm mới, bạn trẻ cùng mẹ chọn vải và đi đo may từ hơn một tháng trước. Đó như là thói quen không thể thiếu ở gia đình Ngọc Trân nói riêng và các gia đình khác ở Huế. Hình ảnh của chiếc áo dài mới vừa tôn vinh nét đẹp về trang phục của xứ Huế dịu dàng, vừa đánh dấu một năm mới với những niềm hy vọng mới tốt đẹp hơn.

Tết nay, Ngọc Trân sẽ chu toàn hơn trong việc phụ giúp gia đình khi cô được cùng họa sĩ Bội Trân tận tình chỉ dạy nhiều điều. Hai cô cháu cùng nhau lựa nhiều loại trái cây ngon như mãng cầu, dừa xiêm, đu đủ, xoài, táo… chuẩn bị cho mâm ngũ quả thật đẹp với mong muốn mọi thứ trong năm mới sẽ tròn đầy.

 

Tuy khác nhau về thế hệ, lối sống và ước mơ, nhưng những người phụ nữ Huế luôn mang ý thức rất rõ về những giá trị của ngày Tết. Thế nên, dù có làm gì đi chăng nữa, họ cũng dành thời gian cho việc chăm sóc, chuẩn bị nhà cửa đón Xuân, sắp xếp mâm cúng gia tiên chu đáo, thăm viếng ông bà cha mẹ một cách ân cần.
Tuy khác nhau về thế hệ, lối sống và ước mơ, nhưng những người phụ nữ Huế luôn mang ý thức rất rõ về những giá trị của ngày Tết. Thế nên, dù có làm gì đi chăng nữa, họ cũng dành thời gian cho việc chăm sóc, chuẩn bị nhà cửa đón Xuân, sắp xếp mâm cúng gia tiên chu đáo, thăm viếng ông bà cha mẹ một cách ân cần.

Họ cùng ra vườn hái những khóm cúc thật tươi để cắm vào những lọ sứ nhỏ trang trí khắp nhà. Theo Bội Trân, Tết Huế của mọi nhà không thể thiếu vắng bóng dáng của loài hoa vàng đẹp rạng ngời ấy. Hoa cúc vốn là loài hoa thiêng liêng nhưng gần gũi với mọi tầng lớp trong xã hội, người giàu hay kẻ nghèo đều dễ dàng có được một chút của vườn hoa Xuân nổi bật trước hiên nhà.

Huế – xưa hay nay vẫn vậy, vùng đất kinh kỳ mang niềm kiêu hãnh và định kiến, nó đôi khi làm Huế không nhanh và không mới như các thành phố khác nhưng bù đắp lại, Huế như chốn dừng chân cho những bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật, nơi có thể thư thái ngắm dòng Hương trôi lững lờ hay lắng tai nghe tiếng vi vút của rừng thông Thiên An lộng gió.

Chiều nay, những người trồng hoa quanh thành phố đang treo đèn sưởi ấm cho những chậu cúc, cành mai để chuẩn bị đón chào Xuân. Một năm mới tràn đầy niềm tin, chan chứa những ước mơ và hy vọng lại về.

 

Nhóm thực hiện

Bài: Trang Lê - Ảnh: Vũ Phạm, Hiếu Trương
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)