Trong không khí rộn ràng của những ngày mùa Xuân, tâm trí của tất cả chúng ta dường như đều hướng chung về một thời điểm, đó là ngày Tết nguyên đán. Thế nhưng, trong những ngày đẹp trời này, không phải ai cũng có cơ hội được trở về quê nhà đón cái Tết cổ truyền nơi đất Việt thân yêu. Để bù đắp nỗi nhớ thương, trong những ngày xa xứ ấy, mỗi con người sinh ra trên dải đất hình chữ S đều tìm được cho mình những cách riêng để đón chào năm mới sang, có thể chỉ bằng một vài phong tục nhỏ, có thể bằng một bữa tiệc lớn. Nhưng dù là gì thì đó cũng là cả tấm lòng chân thành và yêu thương mỗi người muốn gửi trao để mong may mắn, hạnh phúc đến cho bản thân, gia đình và tất cả những người xung quanh.
Để hiểu hơn về cái những cái Tết xa nhà như thế, chúng ta có thể dạo quanh một vòng thế giới…
Nguyễn Hữu Châu Đức tại Nhật Bản
Đã 3 năm xa nhà để tham gia khóa nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại tại trường đại học Y – Nha khoa Tokyo, Nhật Bản, vì thế Châu Đức có rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ về ngày Tết nguyên đán ở nơi phương xa. Theo thông lệ được đặt ra từ năm 1868, nước Nhật sẽ đón Tết dương lịch như các nước phương Tây, bởi thế vào ngày Tết nguyên đán, Châu Đức cùng các du học sinh Việt Nam vẫn phải học tập và đi làm như ngày thường. Tuy vậy, đó không phải là lý do cản trở việc họ cùng nhau chuẩn bị thật tưng bừng cho ngày Tết truyền thống của quê nhà. Châu Đức cho biết, anh luôn cùng nhóm tình nguyện viên Betoaji (một tổ chức thiện nguyện do các bạn lưu học sinh tại Nhật sáng lậpvới phương châm “sống để chia sẽ, sống để yêu thương”) bắt tay chuẩn bị các hoạt động đón Tết từ trước đó 2 tháng.
Công việc tốn nhiều tâm sức nhất của nhóm Betoaji đó là gói và bán bánh chưng, bánh tét, giò thủ, tré cho các bạn Việt Nam đang sống tại Nhật Bản. Sau đó, toàn bộ lợi nhuận thu về sẽ được dùng để hỗ trợ trẻ em nghèo ở Việt Nam. Dù ở một nơi xa xôi, thế nhưng những người con của đất Việt như Châu Đức không quên rằng, Tết là dịp chúng ta thể hiện hơi ấm tình thân, không chỉ với gia đình, bạn bè mà thậm chí với những con người xa lạ với mong muốn ai ai cũng được đón một cái Tết an lành.
Được biết, năm ngoái, nhóm đã Betoaji đã sử dụng số tiền bán bánh dịp Tết mua 1000 đôi dép cho trẻ em nghèo vùng núi để con đường các em đến trường trở nên dễ dàng hơn. Năm nay họ lại tiếp tục chuẩn bị chương trình “Bánh tét đổi áo mưa” với mục tiêu mua được 1000 áo mưa giúp cho các em nhỏ đến trường không còn bị ướt.
Đến đêm giao thừa, Châu Đức cùng cả nhóm thường quây quần bên mâm cỗ để cùng hướng đến ông bà, tổ tiên, sau đó các Senpai (đàn anh, đàn chị) sẽ mừng tuổi cho các Kohai (đàn em), và tất cả mọi người đều gửi phong bao lì xì tự tay mình thiết kế đến các cháu nhỏ với mong muốn trao vào đó thật nhiều điều may mắn, an bình. Cũng trong ngày Tết nguyên đán, du học sinh Việt Nam tại trường của Châu Đức sẽ diện những trang phục thật đẹp (nữ mặc áo dài, nam mặc vest) và mang đến các đặc sản như bánh chưng, bánh tét, hạt dưa, mứt gừng để mời các giáo sư cùng bạn bè chia sẻ niềm vui đầu năm mới. Khi được hỏi, điều thích làm nhất vào ngày đầu năm mới tại nơi phương xa, Châu Đức cho biết anh muốn lên chùa để cầu may mắn, bình an, sau đó tận hưởng giây phút đoàn tụ cùng với các gia đình Việt định cư tại Nhật, ở đó, họ cùng nhau kể thật nhiều điều vui từ chuyện thời thơ ấu cho đến các dự định tương lai.
Một cái Tết nữa lại sắp đến, năm nay Châu Đức cho biết anh mong có thể hoàn thành khoá học đúng hạn và bảo vệ thành công luận án để trở về Việt Nam đoàn tụ cùng gia đình nhỏ của mình. Chúc cho những kế hoạch giản dị của anh sẽ sớm thành hiện thực, và sang năm anh sẽ được đón Tết trên mảnh đất quê hương cùng những người thân yêu nhất.
Doãn Thanh Hương tại Mỹ
Là một trợ lý y khoa, chị Doãn Thanh Hương đã bắt đầu chuyển tới sống tại California, Mỹ từ năm 2009 tới nay. Đã trải qua 5 cái Tết nguyên đán, chị Hương cùng với gia đình gần như đã quen với việc chuẩn bị thật kỹ càng cho dịp đặc biệt này. Để đón một cái Tết cổ truyền đúng nghĩa, chị Hương cùng với người thân thường tổ chức gói bánh chưng, làm dưa món, chuẩn bị những chậu cây, cành hoa thật đẹp, sau đó cả gia đình cùng đi biếu quà Tết, dạo chợ Tết để mua sắm những vật dụng trang trí, phong bao lì xì…
Trong đêm giao thừa, chị Hương nhớ nhất là mùi pháo Tết hòa quyện cùng không khí mùa xuân dịu dàng, sau đó cả gia đình xum vầy trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất cho năm mới sang. Tuy có đủ các món cổ truyền cho Tết nguyên đán, tuy nhiên trong ngày đặc biệt này, món mà chị Hương muốn thưởng thức nhất lại là bún thang, một món ăn Bắc Bộ hội đủ những hương vị thanh tao, nhẹ nhàng và tinh tế nhất.
Năm nay, cũng giống như mọi năm, gia đình chị Hương lại quây quần bên nhau để chuẩn bị cho ngày Tết sắp đến với bánh chưng và những món ăn ngon nhất. Với mong muốn “Thân tâm an lạc”, chúc cho chị Hương cùng người thân cũng như cộng đồng người Việt tại Mỹ sẽ đón một năm mới bình yên và hạnh phúc ngập tràn.
Trần Mai Phương tại Phần Lan
Đang theo học khóa Thạc sỹ Giảng dạy Ngoại ngữ cho Trẻ em trong Môi trường Đa Văn hóa, vì thế Mai Phương đón Tết nguyên đán với tư cách của một sinh viên xa xứ. Cô cho biết dù trường vẫn có lịch học bình thường vào những ngày Tết ở Việt Nam thế nhưng văn hóa riêng của dân tộc mỗi quốc gia vẫn được tôn trọng tối đa, vì thế Phương cùng các du học sinh có thể xin nghỉ trong ngày đặc biệt này.
Để đón chào ngày đầu năm mới, Phương cùng bạn bè cùng nhau tất bật dọn nhà và khuôn viên sống để có thể tận hưởng không khí vừa rộn ràng lại có hương mùa xuân trong lành, tinh tươm trong từng góc nhỏ. Sau đó, họ cùng tổ chức một bữa tiệc, có mời theo những học viên nước ngoài để cùng nhau thưởng thức các món ăn truyền thống của Việt Nam, vừa để tạo không khí tươi vui, vừa để giới thiệu những nét văn hóa đẹp nhất của dân tộc. Phương cho biết, món ăn cô yêu thích nhất vào dịp năm mới là xôi gấc, không chỉ vì hương vị rất quê nhà mà còn với mong muốn có được năm mới nhiều may mắn theo quan niệm của người Á Đông.
Với mong muốn được trải qua một tuổi trẻ bay cao, bay xa đến thật nhiều chân trời mới, chúc Mai Phương trong năm mới sẽ khám phá thêm được thật nhiều địa điểm thú vị khắp thế giới.
Phạm Đỗ Hùng Cường tại Pháp
Đã trải qua 12 năm sống và làm việc tại Pháp, ngày Tết nguyên đán thường diễn ra khá bình yên và nhẹ nhàng với Hùng Cường. Làm công việc tài chính kế toán khá bận rộn, cộng thêm lý do không được nghỉ làm vào ngày Tết truyền thống Việt Nam nên Hùng Cường thường phải tranh thủ những khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi để dọn dẹp nhà cửa trước khi Tết đến, Xuân về.
Dù không có nhiều thời gian lắm dành cho ngày Tết nguyên đán khi phải xa quê hương, thế nhưng Hùng Cường vẫn giữ thói quen đi chùa, ăn bánh chưng, canh măng để nhớ đến hương vị đặc biệt của những ngày đầu năm. Hy vọng rằng, trong năm mới này, Hùng Cường sẽ bớt bận rộn để có thêm thời gian nghỉ ngơi, tận hưởng hương vị Tết nguyên đán, và chúc anh sẽ gặp thật nhiều điều may mắn, luôn hạnh phúc suốt cả năm.
Nguyễn Mây Hồng tại Ý
Mây Hồng hiện theo học khóa Thạc sĩ Kinh tế, và thời gian cô sống tại Ý đã được khoảng 2 năm rưỡi. Bởi thời gian học tập tại Ý khá linh hoạt, vì thế việc nghỉ ngơi để đón Tết nguyên đán là tương đối thoải mái. Để tạo không khí ngày Tết tưng bừng, tươi vui, Mây Hồng và bạn bè thích nhất việc mua thật nhiều hoa để bày biện, sau đó trang trí nhà cửa và không thể thiếu là việc nấu những món ăn truyền thống. Nói về đồ ăn, Mây Hồng luôn háo hức chờ đợi đến lúc được ăn bánh chưng rán, vì đó là hương vị gợi nhắc cho cô về những cái Tết khi còn ở nhà, xum vầy bên gia đình và người thân yêu.
Vào thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, Mây Hồng vẫn giữ những thói quen rất Việt Nam như khai bút và trải lòng mình về những việc đã qua. Cũng trong dòng suy nghĩ ấy, Mây Hồng mong muốn gửi gắm đến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và tất cả mọi người lời chúc ý nghĩa: “Ai ai cũng có thể tận hưởng cuộc sống an bình, luôn có việc để làm, có nơi để đi, có người để sẻ chia niềm vui, mỗi ngày đều có thêm trải nghiệm ý nghĩa và học hỏi được thật nhiều điều mới mẻ.”
Nhóm thực hiện
Thực hiện: Bình Phạm Ảnh: Nhân vật cung cấp