Những người phụ nữ hiện đại không bao giờ chờ sự thay đổi từ bên ngoài, mà luôn nhắm đến sự thay đổi từ bên trong. Dù những quyết định của bạn có thể làm thay đổi cả thế giới, hay đơn giản chỉ để giúp riêng bạn có một cuộc sống tuyệt vời hơn, thoát khỏi guồng quay nhàm chán của năm cũ… thì điều đó cũng xuất phát từ nhu cầu tạo ra sự mới mẻ.
Tại sao sự thay đổi lại quan trọng đến như vậy? Bởi đó là cách thế giới vận hành và phát triển, điều đó đúng từ những điều vĩ mô cho đến những góc rất vi mô. Đó cũng là một cách để bạn thử thách lòng can đảm của bản thân. Người ta vẫn nhận được những lời chúc về cái mới, thành công trong năm mới. Và cái mới, sự thành công luôn chắc chắn phải gắn với sự thay đổi của chính bạn. Cuộc đời của bạn hay thế giới xung quanh bạn có thể trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều, nếu bạn “dám” thay đổi những gì đã trở thành sáo mòn, thành lề thói. Bạn sẽ thấy, việc đổi thay thế giới không chỉ là việc của cánh đàn ông có thân hình cường tráng hay những người nổi tiếng.
Đôi khi, sự thay đổi của bạn đi liền với một cái giá khá đắt, như câu chuyện về cô bé người Pakistan Malala Yousafzai. Trong khi rất nhiều phụ nữ ở đất nước này chấp nhận việc họ sẽ không biết chữ, chỉ quanh quẩn nơi xó bếp, thì Malala cho rằng mình cần được đi học. Năm 15 tuổi, trên đường đi học về, em bị một người lính Taliban bắn vào đầu chỉ vì mong muốn thay đổi số phận ấy.
Em không phải là cô bé đầu tiên bị trúng đạn ở một vùng đất liên tục xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, cô bé là một trường hợp đặc biệt, vì những người lính vốn chỉ quen đấu với những gã đàn ông khác thực sự đã lên kế hoạch để tấn công cô.
Từ năm 11 tuổi, cô bé đã từ chối việc cam phận, chờ gia đình quyết định cuộc đời của mình. Thay vào đó, em viết những blog dài gửi tới đài BBC, nói lên thực trạng của vùng đất mình sinh sống dưới ảnh hưởng của quân đội Taliban và thể hiện mong muốn được cải thiện điều kiện giáo dục cho giới nữ.
Malala không chấp nhận biến mình trở thành một nạn nhân của lịch sử, và cô gái bé nhỏ sớm trở nên nổi tiếng bởi là người dám đứng lên thể hiện nhu cầu chính đáng của bản thân. Ai có thể ngờ được, một cô bé lại có thể trở thành mối đe dọa cho cả một thế lực đã từng nhiều năm thống trị đất nước láng giềng Afghanistan. Hành động bao vây chiếc xe bus chở Malala và bắn vào em biến những người đàn ông có đầy đủ vũ khí và sức mạnh trở thành những kẻ hèn hạ, và làm dấy lên phong trào phản đối khắp thế giới.
Vết thương và sự đe dọa của Afghanistan buộc Malala phải rời xa quê hương, chuyển tới học tập và sinh sống tại Anh. Tuy nhiên, điều quan trọng là chính em đã tạo ra được nguồn cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ đang chịu bất công vì định kiến và phân biệt giới tính. Thậm chí, các nhà báo còn cho rằng em xứng đáng với giải Nobel hòa bình hơn bất kì ai trong năm 2012.
Bạn có thể may mắn hơn Malala, vì đang được sống trong một thế giới cởi mở, công bằng và yên bình hơn. Bạn có thể cũng thành công hơn rất nhiều so với nhiều phụ nữ khác và đã khẳng định được vị trí của mình trong xã hội. Tuy nhiên, có thể trong năm mới này, bạn sẽ muốn thay đổi một chút các lựa chọn phát triển của mình?
Tuy khó khăn nhưng sự thay đổi của bạn có thể sẽ giúp đỡ nhiều người. Đó là điều mà Kay Koplovitz, người phụ nữ đầu tiên nắm vai trò CEO của một tập đoàn truyền hình cáp tại Mỹ khẳng định. Bà là người sáng lập ra USA Network, kênh truyền hình chuyên về thể thao thuộc danh sách những kênh truyền hình được người dân Mỹ yêu thích nhất. Tuy nhiên, vào năm 1998, 21 năm sau ngày thành lập, bà đã phải nhượng lại toàn bộ kênh truyền hình này cho nhà đầu tư khác, với giá 4,5 tỉ đô-la Mỹ. Đó là lần đầu tiên bà nhận ra được sự bất công vẫn tồn tại trong xã hội Mỹ. Vào thời điểm ấy, có tới 95% người sở hữu tiền đầu tư tại Mỹ là đàn ông và 95% số tiền họ đầu tư là nhắm vào các doanh nghiệp do đàn ông sở hữu. Phụ nữ, dù làm được gì, vẫn không có tiếng nói mạnh mẽ bằng nam giới, và không được đánh giá cao bằng.
Không than thân trách phận, Kay Koplovitz cho rằng đã tới lúc bà phải bắt tay vào góp phần thay đổi cục diện. Từ việc được tổng thống Bill Clinton chỉ định làm chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nữ Quốc gia, Koplovitz cùng với bạn bè mình thành lập ra Springboard Enterprises, một tổ chức quốc gia hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vào các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Từ khi được thành lập (năm 2000) đến nay, Springboard đã gây được 5,5 tỉ đô-la vốn và tạo ra 10.000 việc làm cho giới nữ.
Sự thay đổi trong nhận thức của riêng cá nhân Kay Koplovitz đã thay đổi số phận của nhiều phụ nữ. Và bà bắt đầu làm điều đó với một lòng tin là mình sẽ thành công, như lời bà đã khẳng định: “Chúng tôi đã tìm thấy những phụ nữ tài năng. Và chúng tôi giúp họ hiểu điều mà các nhà đầu tư cần và cách giúp họ có thể giới thiệu được công ty của mình đến với các nhà đầu tư đó. Phụ nữ luôn rất cởi mở khi học tập những điều mới mẻ”. Bà đã chọn đặt mục tiêu của mình vào trong mục tiêu của mọi người khác, và đã góp phần tạo ra một thế giới công bằng hơn.
Liệu câu chuyện kể ở trên có làm bạn choáng ngợp? Có cần phải tạo ra cả cuộc cách mạng thì mới thấy tự hào về bản thân mình? Thực ra việc làm mới mình không hẳn là phức tạp đến thế.
Nhóm thực hiện
Thực hiện: P. H Ảnh: Adoc-photos/Corbis, Tư liệu