Thổ dân nghiện rượu, nhân loại nghiện facebook
Để bắt đầu phân tích về cái sự lợi-hại của Facebook, có lẽ cần cung cấp cho độc giả một thông tin quan trọng cho tiện theo dõi: Tác giả bài viết và mẹ của con trai anh ta, quen và yêu nhau trên Facebook. Nói trước như vậy để thấy rằng nếu có một nhận định nào, đó không phải là thiên kiến lạc hậu của một kẻ hủ lậu!
Người Oji-Cree nghiện ngập
Oji-Cree là một bộ tộc thổ dân sống ở gần Bắc cực, với dân số khoảng 30.000 người phân bố trong một lãnh thổ lạnh giá có diện tích tương đương với Việt Nam. Trong phần lớn thế kỷ 20, người Oji-Cree sống một cuộc sống thô sơ và khỏe mạnh trong những túp lều, di chuyển bằng xe chó kéo, ván trượt hoặc thuyền, săn bắn thỏ, tuần lộc và bắt cá. Cuộc sống của họ chỉ bắt đầu trở nên tồi tệ khi sở hữu các công nghệ của thế giới hiện đại.
Chỉ trong vài thập kỷ, sau những chuyến xe tải đầu tiên của “người hiện đại” lên vùng đất của tộc Oji-Cree, họ đã có một cuộc sống rất thoải mái. Không còn sợ chết vì cái lạnh miền cực Bắc, có thể dễ dàng mua và tích trữ thực phẩm, có rượu uống và đồ ngọt để ăn, thuyền và xe trượt tuyết có động cơ, có ti-vi để xem.
Nhưng cuộc sống thoải mái ấy không hề hạnh phúc. Tỉ lệ béo phì, mắc bệnh tim mạch tăng nhanh ở mức khủng khiếp. Tâm lý xã hội rơi vào tình trạng khủng hoảng: Tỉ lệ thất nghiệp, nghiện rượu, nghiện ma túy và tự sát ở mức cao bậc nhất thế giới.
Công nghệ không phải là nguyên nhân, nhưng là chất xúc tác. Đó là những người từng đi bộ cả trăm cây số mỗi ngày trong tuyết, vận động với cường độ của những vận động viên Olympic. Nhưng nay, họ ngồi ăn đồ đóng hộp, uống bia trước màn hình ti-vi, và đi đâu cũng bằng những động cơ chạy xăng.
Đó là kết quả của một sự chênh lệch giữa hai quá trình tiến hóa: Quá trình tiến hóa sinh học và quá trình tiến hóa công nghệ. Nếu như quá trình tiến hóa sinh học diễn ra để người ta có thể thích nghi với môi trường xung quanh, hướng tới hai chữ “phù hợp”, thì quá trình tiến hóa công nghệ, thoạt nhiên trông có vẻ cùng mục đích, thực chất, chỉ hướng tới hai chữ: “Dễ dàng”. Dễ dàng chưa chắc đã là phù hợp. Người ta muốn hướng tới sự thoải mái một cách nhanh nhất chứ không hề thích nghi với môi trường sống. Họ trở nên yếu đuối hơn, dễ tổn thương hơn vì bị phụ thuộc vào công nghệ.
Và giống như rượu cồn hay động cơ chạy xăng của người Oji-Cree, thì công nghệ tin học cũng đang có nguy cơ làm con người yếu đuối hơn về mặt tâm lý. Quá trình tiến hóa sinh học của họ chưa tạo ra một bộ não quen thuộc với những tập tính tư duy mà Internet, mạng xã hội, hay cụ thể hơn là Facebook – mạng xã hội lớn nhất hành tinh, tạo ra cho họ.
Dễ dàng và lệch lạc
Mặc dù Facebook cho người ta cơ hội mở rộng giao tiếp và hoàn toàn có thể tạo ra những tình bạn hay tình yêu đẹp, những cơ hội việc làm tốt hay thậm chí là cả những dự án kinh doanh khiến họ giàu có, nhưng sự dễ dàng trong giao tiếp cũng có rất nhiều mặt trái.
Facebook tạo ra thì cũng có thể kết thúc tình yêu. Năm 2009, các nhà nghiên cứu ở Đại học Guelph, Canada đã thực hiện một khảo sát trong đó chỉ ra rằng Facebook đang trở thành một chất xúc tác quan trọng cho sự ghen tuông trong tình yêu.
Khi mà nhất cử nhất động của tình nhân đều có thể được cập nhật lên màn hình smartphone, và “chủ thể” không hề được biết để làm những động tác biện minh hay xoa dịu, thì sự tan vỡ có thể đến bất cứ lúc nào. Bạn thường xuyên nhấn like ảnh của một cô gái đẹp? Bạn nói một câu bông đùa ở tận đâu đó? Tất cả đều sẽ hiện lên Newsfeed của vợ/người yêu, và có thể dẫn đến những câu hỏi kiểu: “Dạo này anh thân thiết với cô X. quá nhỉ?”. Câu này có thể dẫn tới một cuộc cãi vã lớn.
Đó gọi là “communication overload” – “quá tải giao tiếp”. Với cơ chế quá dễ dàng của Facebook, thì việc tiết lộ thông tin cá nhân nói riêng hay là các hành vi giao tiếp nói chung được thực hiện với một tần suất quá cao. Bạn truyền đạt một thông điệp đến hàng nghìn người sau một phím Enter, và có thể nhận hàng nghìn phản hồi khác nhau sau một phím F5.
Sự quá tải giao tiếp này tạo ra khủng hoảng trong xử lý thông tin. Những tình nhân hay ghen tuông là một ví dụ. Đầu óc họ được thiết kế để phản ứng với việc người yêu mình “like” một cô gái đẹp ngang với việc anh ta nhìn chằm chằm vào vòng 3 của một cô gái khác trên đường, dù hai điều này không cùng bản chất.
Ở một nơi khác, bạn sẽ thấy một cuộc cãi vã rôm rả bắt nguồn từ một bình luận vô duyên mà vốn có thể dễ dàng được bỏ qua nếu nói chuyện trực tiếp. Ở đây, bình luận ấy được hàng trăm người đọc và cơn tự ái của “chủ nhà” dữ dội hơn nhiều lần. Thế nhưng, ở mặt khác, cũng bởi sự quá tải giao tiếp ấy, người ta lại có thể trở nên hờ hững trước những thông tin quan trọng, đáng đọc.
Một cuộc đính hôn, một đứa trẻ mới ra đời, một ngày sinh nhật trước kia sẽ trở nên rất trọng đại khi nó được thông báo tới một nhóm người thân thiết, bạn bè và gia đình, trong một dịp tụ họp nhất định. Nhưng nay, nếu bạn mở Facebook ra và thấy ngày sinh, đám cưới hay đứa con mới sinh của một người bạn cũng khá thân, và thấy đó là một thông tin bình thường. Cũng dễ hiểu, bạn tiếp nhận quá nhiều thứ như thế trên Newsfeed của mình mỗi ngày. Nếu không tính tới khoảng hai chục người bạn khác cũng đang khoe con, thì bản thân người bạn kia cũng đã post ảnh con mình lần thứ 20 trong tuần này.
Những thứ vô nghĩa lại dễ khiến người ta kích động, còn những điều thực sự quan trọng, lại chỉ nhận lấy sợ thờ ơ. Facebook tạo ra những thứ đó? Không, Facebook cho người ta cơ hội để bộc lộ sự yếu đuối của mình. Việc phân bố cảm xúc không còn “chuẩn” như não được thiết kế để làm, vì nó chưa kịp hiểu cái cơ chế quá nhanh, quá rộng của Facebook, như đôi chân của người Oji-Cree chưa kịp thích nghi với những động cơ chạy xăng, cái đầu của người Oji-Cree chưa phù hợp với văn hóa nằm dài xem ti-vi và uống rượu.
Trong một nghiên cứu của Đại học bang Ohio (Mỹ) năm 2008, 76% số người được điều tra bày tỏ sự quan ngại về tính riêng tư trên Facebook, vẫn liên tục cập nhật các loại thông tin, hình ảnh của mình trên đó. Cái đầu người ta vẫn ý thức rằng họ phù hợp với một cuộc sống ít hàm lượng giao tiếp hơn, nhưng bàn tay thì vẫn gõ phím một cách điên cuồng và cuối cùng vẫn nhấn nút Post.
Bản thân Facebook không hề xấu xa như những phương tiện mà thế giới hiện đại đã cung cấp cho người Oji-Cree. Nhưng họ có vẻ chưa tìm ra cách phù hợp để sử dụng nó.
Hãy nói về một gia đình nhỏ mà người viết biết rất rõ, là gia đình đã được nhắc đến trong lời tựa bài viết này: Họ quen nhau trên Facebook, yêu nhau, lập gia đình, sinh con, treo poster của phim The Social Network (một bộ phim về Facebook) ở đầu giường. Mọi chuyện có thể đã rất tươi đẹp nếu vai trò của Facebook dừng lại ở đó. Tuy nhiên, người chồng đang phải xử lý rất nhiều cuộc “khủng hoảng truyền thông” đầy căng thẳng bắt nguồn từ Facebook khi nó trở thành công cụ để người vợ kiểm soát anh ta.
—
Xem thêm
Tại sao tôi không dùng smartphone? – blog Phương Huyên
Bài: Đức Hoàng – Minh họa: Left Studio