Người ta nói, “Xa cách đối với tình yêu như gió đối với lửa, nó thổi tắt ngọn lửa nhỏ nhưng thổi bùng ngọn lửa lớn”. Tôi nghĩ lửa chỉ cháy khi ta biết giữ lửa, vun than. Và than hồng ấy chính là sự quan tâm, chia sẻ, những lời nói yêu thương dành cho nhau bất cứ khi nào có thể.
Người châu Á, nhất là đàn ông, ít có thói quen nói lời yêu, bày tỏ tình yêu (ngoại trừ các bạn trẻ đang tích cực cưa cẩm nhau). Có nhiều người nghĩ rằng nói sao bằng làm, yêu phải thể hiện bằng hành động chứ nói miệng ích lợi gì. Cũng có người cho rằng nói yêu nhiều quá sẽ nhàm, khiến từ yêu không còn giá trị và ý nghĩa nữa.
Tôi không hiểu. Tại sao phải đắn đo khi bày tỏ tình yêu? Tại sao phải đợi khi từng thời khắc đang trôi nhanh đến không tưởng và chúng ta hoàn toàn không biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai? Tôi nghĩ nên chăng biến yêu thành một thói quen, một hành động hoàn toàn tự nhiên như việc ăn, thở, nói chuyện. Tình yêu ban đầu là thứ tình cảm cuồng nhiệt, say đắm nhưng tình yêu về sau lại là tình cảm vun đắp, gắn kết từ những điều nhỏ của mỗi ngày.
Ngoài bày tỏ tình yêu, luôn nghĩ đến những điều tích cực, những điểm tốt của nhau cũng là một mấu chốt quan trọng. Trong thời gian quen nhau, ở xa, không thể đối mặt trò chuyện nên cũng không ít lần tranh cãi giận nhau đến độ tôi nghĩ không thể nào hoà hợp. 1 ngày không gọi điện: lửa giận ngùn ngụt, 2 ngày không gọi điện: giận nhưng bắt đầu nhớ, 3 ngày không gọi điện: tâm trạng đứng ngồi không yên. Đến khi người ta chịu gọi thì trong lòng vui lắm nhưng vẫn hờn dỗi, nói chuyện dấm dẳng, gọi làm gì. Người ta giả lả thôi mà đừng giận nữa, anh xin lỗi hôm trước lớn tiếng với em, mai mốt anh mà làm em buồn thì cứ phạt anh một đôi giày nhé.
Những kiểu nói chuyện làm hòa khiến tôi hoặc phì cười hoặc thấy tội, thôi thì một sự nhịn chín sự lành, chuyện lớn hóa nhỏ chuyện nhỏ hóa không. Thật ra khi tranh cãi thì hai người ai cũng có lỗi, chỉ vì cái tôi quá lớn không ai chịu nhường ai, nhưng tôi hiểu anh nhận lỗi trước vì quý trọng mối quan hệ này. Và tôi rất biết ơn vì điều đấy.
Còn tôi, hay kể về anh, hay nhắc đến anh, hay nói lời yêu thương vì muốn tự tạo thói quen luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp về người bạn đời. Tôi luôn quan điểm những suy nghĩ tích cực sẽ tạo ra cho chúng ta một nguồn năng lượng tích cực không chỉ giúp điều chỉnh, cân bằng bản thân mình mà biết đâu còn chia sẻ được với người xung quanh.
Cuộc sống đầy những khó khăn, mệt mỏi, vợ chồng không tránh khỏi những lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, chỉ nhìn thấy những điều xấu về nhau đến nỗi có khi chỉ muốn bỏ cuộc mà thôi. Những lúc đó, chính những điều tốt đẹp về người bạn đời trước đây sẽ giúp mình tĩnh tâm ngẫm lại. Con người có khuynh hướng nhớ về những lầm lỗi người ta đã gây ra cho mình hơn là những điều tốt họ đã làm vì mình. Cho nên việc suy nghĩ tích cực nhiều hơn sẽ giúp mình dễ cân bằng tâm trí hơn. Ví dụ như 10 lần người ta làm mình cười, đánh đổi 1 lần làm mình khóc thì đúng ra mình vẫn hạnh phúc hơn đau khổ rất nhiều, bởi vậy nên chăng “xí xoá” cái nào hay cái đấy.
Ai cũng có điểm tốt, điểm xấu, và việc “vạch lá tìm sâu” thì lúc nào cũng có vẻ hứng thú và dễ dàng hơn. Nhưng tôi luôn tin rằng việc nhìn những điểm tốt của những người xung quanh sẽ giúp mình vui vẻ và hạnh phúc hơn rất nhiều.
Chồng tôi ít khi nào bày tỏ tình cảm (có chăng là theo cách của anh) nhưng tôi biết anh đang cố gắng rất nhiều. Người ta hay nói vợ chồng tâm ý tương thông, thật đấy, đối phương sẽ cảm nhận được những gì mình đang nghĩ, đang làm, dù có xa tận chân trời.
10 năm, 20 năm, tình yêu có thể một lúc nào đó vùi lấp bởi tro tàn, nhưng nếu tro vẫn ấm và than vẫn hồng thì vẫn có thể cời lên đốm lửa ấm áp yêu thương.
—
Xem thêm:
Xem bói tình yêu thú vị về 12 cung hoàng đạo
7 hạnh phúc trong tình yêu chàng muốn bạn làm!
Nhóm thực hiện
Thực hiện: Lynn Nguyễn Ảnh: Tư liệu