Sự im lặng đến “lạnh người” của các nam diễn viên tại Quả Cầu Vàng 2018
Là những người có sức ảnh hưởng nhất định, thay vì im lặng, họ nên dùng tiếng nói của mình để giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.
Giải thưởng Quả Cầu Vàng 2018 vừa khép lại với sự góp mặt của đông đảo nghệ sĩ Hollywood. Khác với mọi năm, sự kiện lần này được truyền thông đón nhận không chỉ vì các giải thưởng danh giá mà bên cạnh đó, cư dân mạng cũng vô cùng tò mò về phản ứng của các sao trước vụ bê bối của ông Harvey Weinstein.
Xuất hiện tại thảm đỏ Quả Cầu Vàng, các diễn viên nữ đều chọn cho mình trang phục đen, đính kèm chiếc huy hiệu có hashtag #TimesUp và dành phần phát biểu của mình để kêu gọi mọi người đồng lòng chống lại nạn xâm hại tình dục. Quả thật, đây là hành động đáng được tuyên dương khi họ có thể sử dụng sức ảnh hưởng của mình để giúp thế giới tốt đẹp hơn. Thế nhưng, trái với việc làm ý nghĩa này, các đồng nghiệp nam dường như chẳng màng đến thời cuộc, hoặc vả, họ cố tình im lặng và né tránh sự thật.
Có rất ít nam nghệ sĩ sử dụng huy hiệu #TimesUp tại Quả Cầu Vàng và đa số đều lảng tránh các câu hỏi liên quan đến vấn nạn xâm hại tình dục. Khi phát biểu trên sân khấu, các nam diễn viên cũng hoàn toàn bỏ lơ vấn đề đang gây nhức nhối này. Thay vào đó, họ chỉ gửi lời cảm ơn đến các thành viên trong gia đình, ê kíp bộ phim hay đồng nghiệp. Người đầu tiên mạnh dạn lên tiếng cũng như bình luận về câu chuyện này chính là nhân vật chủ trì chương trình, nam diễn viên Seth Meyers. Cùng với lối kể chuyện có phần hóm hỉnh, anh liên tiếp nhắc đến các chi tiết trong vụ việc của nhà sản xuất Harvey Weinstein với mục đích cho các đồng nghiệp cũng như khán giả xem đài biết rằng câu chuyện ấy, dù đã trải qua một thời gian khá lâu nhưng tác động của nó thì chưa bao giờ bị lãng quên, đặc biệt ngay tại Hollywood.
Ảnh: Reuters
Là người đầu tiên lên nhận giải thưởng cho phần trình diễn xuất sắc của mình trong bộ phim Big Little Lies, Nicole Kidman đề cao sức mạnh tiềm ẩn của người phụ nữ và đề cập đến các hậu quả khó lường của nạn xâm hại. Nữ diễn viên cho biết, bản thân cô có sự tin tưởng vô cùng lớn rằng những nạn nhân của sự việc sẽ có cái nhìn và giải pháp tốt đẹp hơn thông qua các câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội. Tiếp đó, các diễn viên như Laura Dern, Rachel Brosnahan, Elisabeth Moss và nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey cũng đem tiếng nói của mình để thể hiện sự ủng hộ, cảm thông dành cho phụ nữ trên toàn thế giới.
Ảnh: Paul Drinkwater/USA Today
Alexander Skarsgård, người nhận được giải thưởng Nam diễn viên phụ Xuất sắc nhất trong bộ phim Big Little Lies xuất hiện trước báo giới cùng huy hiệu #TimesUp nhưng không hề đề cập gì đến vấn đề này. Martin McDonagh, nhân vật góp mặt trong Three Billboards Outside Ebbing, Missouri, bộ phim lấy chủ đề về xâm hại trẻ em, cũng hoàn toàn giữ im lặng. Cứ thế, cánh mày râu xứ Hollywood “duy trì” sự im lặng của mình cho đến khi nhà sản xuất Bruce Miller, người đảm nhận bộ phim The Handmaid’s Tale lên nhận giải thưởng. Khác với phần đông nam đồng nghiệp, ông thẳng thắn đề cập đến phong trào #MeToo với phát biểu “Xin gửi đến những ai đang ngồi trong khán phòng này, tại đất nước này và trên toàn thế giới, hãy chung tay xóa bỏ câu chuyện của The Handmaid’s Tale ngay tại đời thực”. Gary Oldman là nam diễn viên thứ 3 và cũng là người cuối cùng lên tiếng về vấn nạn.
Ảnh: Hollywood Life
Ảnh: Hypable
Chưa bao giờ giải thưởng Quả Cầu Vàng lại trở nên “lạc lõng” đến thế khi các nghệ sĩ gần như chia làm 2 phe đối lập. Một bên gồm các nữ diễn viên và một vài nam nghệ sĩ ý thức được yếu tố đang trở thành gánh nặng bao trùm lấy Hollywood và tự tin đem tiếng nói của mình để phê phán, ủng hộ và kêu gọi mọi người đấu tranh cho vấn nạn cấp bách này. Nửa còn lại dường như quá vô cảm trước nỗi đau tâm lý đang từng ngày giằng xé người phụ nữ (và cả đàn ông) trên toàn thế giới. Có thể họ biết nhưng cố tình né tránh, có thể họ không bận tâm, nhưng với bất kỳ lý do nào, sự im lặng và thờ ơ vào lúc này đều ít nhiều gây mất thiện cảm trong lòng người hâm mộ.
Ảnh: LA Times
Lược dịch: Đào Dreamer (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/Tổng hợp)