Bí quyết chinh phục làng mốt thế giới của Victoria Beckham
Những chiến lược được xây dựng thương hiệu bài bản đã nhanh chóng đưa cô đến một vị thế thuận lợi trong ngành thiết kế thời trang.
“Làm việc chăm chỉ, tập trung, trân trọng mục tiêu và thật sự, thật sự chiến đấu cho nó. Người ta nói rằng tôi sẽ chẳng thể làm gì nhiều, vì vậy nếu tôi đã làm được thì bạn cũng có thể”. Đó là lời nhắn nhủ của Victoria Beckham, người đã bước qua cái bóng của bà xã cầu thủ nổi tiếng thế giới và hình ảnh nàng ca sĩ ngày xưa để khẳng định mình là một trong những nhà thiết kế thành công nhất thế giới.
Sau thành công vang dội của nhóm nhạc Spice Girls những năm 90, Victoria lẳng lặng và từ tốn ra mắt thế giới một hình ảnh hoàn toàn mới của mình: một nhà thiết kế trẻ lao động nghiêm túc, khiêm tốn nhưng cũng đầy tham vọng. Vốn là biểu tượng của sự quyến rũ trong phong cách thời trang lúc bấy giờ, cô đã sớm được đánh giá là một nhà thiết kế tìềm năng.Tuy nhiên, ít ai có thể đoán được rằng Victoria dưới danh nghĩa một nhà thiết kế thời trang lại có thể vang danh đến thế. Những chiến lược được xây dựng thương hiệu bài bản đã nhanh chóng đưa cô đến một vị thế thuận lợi trong ngành thiết kế thời trang.
Không chỉ được tạp chí Management Today vinh danh là “Doanh nhân thành công nhất” năm 2014. Năm 2015, bà mẹ bốn con còn được trao hai giải thưởng và được đề cử cho “Nhà thiết kế của năm” tại lễ trao giải Thời trang Anh (BFA). Cô cũng được tạp chí Glamour bình chọn vào Top phụ nữ ảnh hưởng nhất 2015. Trên tờ Telegraph, Victoria Beckham được xưng tụng là “tay ngang” thành công hiếm có của làng mốt.
Bí quyết thành công của cựu ca sĩ nhóm Spice Girls đã nhiều lần được các chuyên gia phân tích. Trong đó, kế hoạch phát triển bài bản và phong cách thiết kế cá tính được xem là mấu chốt. Victoria từ thời còn là thành viên Spice Girls đã luôn được biết đến như một tín đồ thời trang. Nhận thấy những cơ hội, cô bắt đầu có những bước đầu tiên lấn sân sang lĩnh vực màu mỡ này. Sàn diễn của Maria Grachvogel tại tuần lễ thời trang London năm 2000 đã chứng kiến những bước đi đầu tiên của cô với tư cách một người mẫu. Năm 2003, cô trở thành gương mặt đại diện tại Anh của thương hiệu Dolce & Gabbana và dòng thời trang dạo phố của Rocawear. Cô nhận lời mời thiết kế cho dòng sản phẩm jeans phiên bản giới hạn của Rock & Republic vào năm 2004. Năm 2006, cô thậm chí đã trải nghiệm vị trí biên tập thời trang và là nhà tạo mẫu cho Katie Holmes số tháng 3 của Harper’s Bazaar.
Vào thời điểm đó, các nhãn hàng thời trang muốn hợp tác với cô nhằm tận dụng tên tuổi của một ngôi sao nhạc pop đang lên. Tuy nhiên, chính những lần hợp tác này đã dạy cho cô về một công việc mới.
Sau khi giã từ nhóm nhạc đình đám một thời, Victoria chính thức rẽ hướng sang thời trang. Cô cùng đội ngũ của mình thấy rằng cần có cách tiếp cận thận trọng và khôn ngoan để thâm nhập được vào giới thời trang cao cấp và tạo sức ảnh hưởng trong làng mốt.
Tháng 9/2006, cô giới thiệu dòng thời trang denim Style của riêng mình, theo ngay sau đó là bộ sưu tập kính mát và nước hoa với tên gọi Intimately Beckham. Những chi tiết sáng tạo trong thiết kế bắt đầu cho thấy một cấp độ khác trong thời trang của cô. Tiếp đó, cô chọn túi xách để phát triển và kết quả là tín đồ làng mốt bắt đầu chú ý. Đến khi bà Beck trình làng bộ sưu tập denim đầu tay chỉ gồm 10 thiết kế ở New York năm 2007, giới chuyên môn và các tín đồ thời trang không thể làm ngơ được nữa. Đây cũng là năm đáng nhớ khi cô nhận được hai giải thưởng Người phụ nữ của năm và Doanh nhân của năm tại British Glamour Magazine Awards. Cột mốc đánh dấu cô chính thức được công nhận với tư cách nhà thiết kế.
Thành công tiếp nối, với hàng chục thiết kế mỗi mùa, hiện bà Beck đã nhét túi 60 triệu bảng- một con số ấn tượng mà nhiều người mới gia nhập làng mốt mong muốn. Năm 2015, tổng tài sản của cả gia đình Beckham lên tới 470 triệu bảng, hơn cả Nữ hoàng Anh.
Những bộ váy của thương hiệu phom dáng đơn giản, sản xuất với số lượng giới hạn và nhanh chóng được bán sạch. Người tiêu dùng muốn nhiều hơn và điều đó giúp thương hiệu phát triển thành hai dòng sản phẩm và hai bộ sưu tập mỗi năm như hiện nay. Giới chuyên môn lý giải thành công này có được nhờ định hướng thiết kế tối giản (minimalism), vốn dựa vào phong cách cá nhân của chính nhà thiết kế.
Người ta dễ nhận thấy dấu ấn riêng của nhà thiết kế sinh năm 1974 trong những bộ sưu tập: thiên về phom dáng tối giản nhưng tinh tế trên nền chất liệu cao cấp, được phối màu đơn sắc (monochrome) hài hòa, tưởng như mờ nhạt nhưng mang tính ứng dụng cao. Không ít chi tiết trong thiết kế của bà Beck trở thành trào lưu thời trang như thắt lưng quấn, áo vest dáng dài không tay hay váy hạ eo… Những đường cắt cúp, phom dáng trang phục của Vic phù hợp với hầu hết kiểu người cũng như kích cỡ.
Thành công của cô còn đến từ sự khiêm nhường, tâm thế sẵn sàng lắng nghe và học hỏi. Victoria từng chia sẻ với tờ Telegraph: “Những nhận xét chưa tích cực mà người ta dành cho tôi, tôi thấy chẳng sai chút nào cả. Tôi lấy đó để học hỏi và làm bản thân tốt hơn, chứ không mong chờ người ta nịnh hót mình”.
Sau hai mùa đầu còn “non tay”, giới chuyên môn chứng kiến sự thay đổi tích cực trong các thiết kế của Victoria. Từ phom dáng bó sát chỉ dành cho người thon thả chuyển hướng thành những bộ cánh suông rộng thích hợp mọi dáng người, nhưng không đánh mất đi tôn chỉ tối giản và tinh tế.
Gần đây nhất, tại tuần lễ thời trang New York vào đầu năm nay nhà thiết kế luôn tôn thờ giày cao gót chính thức thông báo rời bỏ những đôi giày cao chót vót của mình. Bộ sưu tập Thu – Đông 2016 của cô cũng mang hơi hướng mới với những thiết kế năng động, trẻ trung và tất nhiên là sự xuất hiện của những đôi giày đế bệt.
Cuối cùng, thành công của bà Beck còn đến từ cách thức truyền thông. Biểu tượng thời trang Anh dựa vào hình ảnh người nổi tiếng và những mối quan hệ quyền lực để làm bệ phóng. Sự quan tâm của giới truyền thông nói chung và cánh paparazzi với Victoria và gia đình nhà Beck là một cách quảng cáo hiệu quả. Họ gián tiếp đưa hình ảnh bà Beck trong những thiết kế của chính mình được đế gần với người hâm mộ hơn. Lượng người hâm mộ hùng hậu cũng sẵn sàng chi tiền để được trở nên thời thượng như Victoria Beckham.
Hiện nay, đế chế của côước tính lên tới 57 triệu USD với nhiều studio, một cửa hàng ba tầng tại phố Dove, Mayfair ở London (Anh) cùng văn phòng đặt tại New York (Mỹ). Năm 2016, một cửa hàng mới sẽ được mở tại Hong Kong. Năm ngoái, bà Beck đã ra mắt tại tuần thời trang New York dòng sản phẩm thứ hai bình dân hơn mang tên Victoria Victoria Beckham (VVB).
Sự kiện vợ chồng Beck ngồi chung bàn tiệc với hai nhân vật quan trọng của làng mốt là nhà thiết kế Karl Lagerfeld của Chanel và tổng biên tập tạp chí Vogue – Anna Wintour cũng minh chứng cho tầm ảnh hưởng của Victoria trong giới thời trang hiện nay.
—-
Xem thêm:
Victoria Beckham: “Tôi không thể đi giày cao gót nữa”
Bài: Gia Thụy / Ảnh minh họa: Tư liệu