Câu chuyện thành công của 8 NTK tài năng nhất thế giới
Cùng ELLE tìm hiểu câu chuyện thành công của 8 Nhà thiết kế tài năng đại diện cho hiện tại và tương lai của ngành công nghiệp thiết kế thời trang thế giới!
ALEXANDER WANG – TUỔI TRẺ CHÍ LỚN
Alexander Wang sinh ra trong một gia đình Đài Loan-Mỹ tại San Francisco, California. Ngay khi còn bé, Wang đã sớm bộc lộ thiên bẩm với thời trang. Anh chia sẻ: “Mẹ dẫn tôi đến nhà hàng và điều đầu tiên tôi sẽ hỏi một chiếc bút và tờ giấy ăn, và bắt đầu vẽ những nét phác thảo về giày”. Năm 15 tuổi, Wang tự tổ chức một show trình diễn thời trang gồm 33 mẫu thiết kế đầm dạ hội do chính anh thiết kế. Năm 19 tuổi, anh chuyển tới New York sinh sống để theo học chuyên ngành thiết kế thời trang tại Parsons. Tuy nhiên, tự nhận thấy bản thân không thuộc về môi trường học đường, Wang bỏ học sau 2 năm theo đuổi và ấp ủ dự định xây dựng cho mình một thương hiệu thời trang riêng.
Thành danh tại New York
Năm 2007, BST đầu tiên của thương hiệu Alexander Wang chính thức trình làng và được bày bán tại hơn 200 cửa hiệu. Lựa chọn mô hình kinh doanh gia đình, Wang được hậu thuẫn vững chắc từ anh trai Dennis và chị dâu Aimie đảm nhiệm công việc điều hành kinh doanh để dồn hết tâm lực vào chuyên môn thiết kế. Thành công bước đầu vượt ngoài sức mong đợi khi những mẫu thiết kế đầu tay của Wang chiếm được thiện cảm đặc biệt từ TBT Vogue Mỹ Anna Wintour, người giữ vai trò quan trọng đỡ đầu và nâng đỡ anh trở thành một ngôi sao sáng trong ngành công nghiệp thời trang Mỹ. Một năm sau, Wang giành giải nhất từ Quỹ hỗ trợ tài năng của Hiệp hội CFDA và Vogue. Dưới sự dìu dắt của NTK Diane von Furstenberg, Wang trưởng thành hơn trong tư duy thiết kế. Thành công tiếp nối thành công, tài năng của Wang tiếp tục được giới chuyên môn công nhận qua hai việc giành được giải thưởng Swarovski về ngành hàng may mặc nữ và thiết kế phụ kiện lần lượt trong hai năm 2009 và 2010 do Hiệp hội CFDA trao tặng.
Mặc dù không sinh ra và lớn lên tại New York nhưng phong cách thiết kế của Wang ảnh hưởng đậm nét từ văn hóa đường phố của chốn đô thị ồn ã. Ngôn ngữ thiết kế được Wang sử dụng nhấn mạnh bố cục trang phục khỏe khoắn, bằng những đường cắt may cứng cáp, mạch lạc như chính cá tính nổi loạn ẩn sau vẻ bề ngoài thư sinh, bẽn lẽn và có phần nhút nhát. Triết lý thiết kế của Wang “trang phục mà những cô gái muốn mặc” cho thấy rõ định hướng nhóm khách hàng mà anh muốn chinh phục. Song song với phân khúc cao cấp, thương hiệu T by Alexander Wang hướng đến nhóm khách hàng trẻ tuổi. Tên gọi được xuất phát từ biệt danh “bậc thầy về áo T-shirt” mà giới mộ điệu dành tặng Wang. Năm 2014, bản hợp đồng với hãng thời trang high-street H&M cho thấy sức hút mãnh liệt của Alexander Wang khi tại một số quốc gia, tất cả được bán hết veo chỉ trong vài giờ đồng hồ. Ngành hàng phụ kiện và thời trang nam cũng giúp Wang gặt hái được những thành công nhất định như giải thưởng Nhà thiết kế Phụ kiện của CFDA trong hai năm 2011 và 2014.
CHITOSE ABE – THÀNH CÔNG MUỘN MÀNG NHƯNG CHẮC CHẮN
So với những gương mặt khác, nhà thiết kế Chitose Abe của thương hiệu Sacai được coi là một ẩn số khá thú vị của ngành công nghiệp thời trang châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung. Lựa chọn cho mình lối sống hướng nội tránh xa những ồn ào, thị phi của ngành công nghiệp thời trang, bản thân Chitose Abe thừa nhận rằng con đường đến với thành công trong sự nghiệp của cô tuy chậm nhưng chắc.
Bài học thành công
Trước khi xây dựng thương hiệu thời trang cho riêng mình, Chitose Abe từng là cánh tay phải của nhà thiết kế Rei Kawakubo đảm nhiệm công việc cắt mẫu (pattern cutter) và đồng thời là gương mặt sáng giá trong đội ngũ thiết kế của NTK Junya Watanabe của thương hiệu Comme des Garçons. Bản thân Abe chia sẻ đây là khoảng thời gian học hỏi quý báu, mài giũa tay nghề, và tích lũy kinh nghiệm kèm theo động lực không ngừng tìm kiếm sự mới mẻ và khả năng cân bằng giữa sáng tạo và kinh doanh. Năm 1997, Abe tạm dừng công việc để dồn hết tâm trí chăm sóc con gái bé bỏng. Tuy nhiên, niềm đam mê chưa bao giờ ngừng cháy thúc giục Abe quay trờ lại với công việc mà cô từng gắn bó. Nghĩ là làm, Abe sắm cho mình một cặp kim đan, 10 cuộn len và bắt đầu tự tay làm ra những bộ trang phục. “Vào thời điểm đó, ý tưởng xây dựng thương hiệu từ vỏn vẹn 5 mẫu trang phục dường như là một ý tưởng độc đáo” – Abe chia sẻ.
Năm 1999, thương hiệu Sacai, tên gọi được biến tấu từ chính tên họ của NTK Abe – Sakai, ra đời. Định hướng phát triển chậm mà chắc thể hiện qua tầm nhìn lâu dài và bền vững. Bản thân Abe cho biết: “Kể từ khi bắt đầu xây dựng thương hiệu, tôi đã muốn nó tồn tại một cách đặc biệt”. Hai năm sau khi ra mắt, show trình diễn đầu tiên giới thiệu những mẫu thiết kế mới được tổ chức. Một thập niên sau đó, cửa hiệu đầu tiên mới được mở cửa tại Tokyo vào năm 2011. Cùng trong năm này, Abe đem Sacai đi đánh chuông xứ người tại Tuần lễ thời trang Paris. Triết lý kinh doanh của Abe nhấn mạnh việc lựa chọn điều đúng đắn chứ không chạy đua với thời gian để đạt được mục đích.
Tầm nhìn dài hạn của Abe, sau 17 năm, đã trở thành câu chuyện thành công và bài học kinh doanh cho lớp thế hệ NTK trẻ. Sự hiện diện của thương hiệu Sacai tại những cái tên vàng của ngành kinh doanh bán lẻ thời trang toàn cầu không chỉ vì đây là một thương hiệu đến từ châu Á mà xuất phát từ chính giá trị thẩm mỹ giao thoa hài hòa giữa Nhật Bản và phương Tây ẩn sau những mẫu thiết kế là sự kết hợp giữa chất liệu, màu sắc và bố cục.
Hợp tác để trưởng thành
Bên cạnh việc vun đắp cho sự lớn mạnh của thương hiệu Sacai, Abe còn được biết đến với vai trò NTK thường xuyên có những dự án hợp tác cùng các thương hiệu thời trang lớn như Nike hay Birkenstock. Không màng lợi nhuận hay quảng bá tên tuổi, quyết định hợp tác của Abe đến rất đơn giản “Lý do khiến tôi quyết định bắt tay với các thương hiệu lớn không chỉ vì đó là điều bản thân tôi muốn hay không – ví dụ, những thứ mà tôi không thể tạo nên với Sacai”. “Những dự án hợp tác cho phép tôi thể hiện nhiều khía cạnh khác nhau của Sacai, tương tự như những thí nghiệm hóa học” – Abe chia sẻ.
CHRISTOPHER KANE – TÀI NĂNG ĐƯỢC BAN TẶNG
Năm 2013 chứng kiến sự trỗi dậy của thế hệ tân binh trong ngành công nghiệp thời trang Anh quốc. Nổi trội hơn so với nhiều nhà thiết kế đồng lứa, Christopher Kane được Hội đồng Thời trang Anh quốc (BFC) trao tặng giải thưởng Nhà thiết kế của năm và giải thưởng Thành tựu. Vinh dự này là kết quả của tài năng thiên bẩm được ươm mầm và nỗ lực không ngừng trau dồi bản thân.
Tài năng thiên phú
Sinh trưởng trong một gia đình công nhân ở Newarthill gần Glasgow gồm 5 người con với bố là kỹ sư và mẹ làm công việc nội trợ, mối lương duyên với thời trang là một định mệnh xuất phát từ chính tài năng thiên bẩm được trời phú ban tặng.
Năm 2000, Christopher Kane chuyển đến London để theo học chuyên ngành thiết kế ngành hàng nữ tại ngôi trường danh tiếng Central Saint Martins. Tại đây, anh được dìu dắt bởi nữ giáo sư Louise Wilson (mất năm 2014) người từng đặt những viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp của nhiều NTK danh tiếng như Alexander McQueen, Jonathan Saunders và Roksanda Ilincic. Christopher Kane đã sớm chứng minh năng lực xuất chúng của bản thân khi liên tiếp giành được nhiều giải trưởng danh giá như Lancôme Colour Award hay Harrods Design Awards.
Bảng vàng thành tích xuất sắc ngay lập tức đưa Christopher lọt vào mắt xanh của nhiều cây đại thụ trong ngành công nghiệp thời trang. Anh được đích thân TBT Vogue Mỹ Anna Wintour nâng đỡ và giới thiệu với NTK Donatella Versace. Từ chối lời đề nghị làm việc tại Milan nhưng Christopher vẫn nhận lời trong vai trò cố vấn thiết kế cho dòng trang phục xa xỉ Versace Atelier, ngành hàng giày và phụ kiện. Bản thân Donatella Versace từng thừa nhận: “Christopher Kane khiến tôi liên tưởng đến người anh trai quá cố – nhà thiết kế Gianni Versace lúc trẻ. Anh ý tràn đầy năng lượng”.
Gây dựng thương hiệu
Một trong những lý do Christopher từ phối lời đề nghị hấp dẫn của Versace là vì muốn toàn tâm toàn ý vun đắp cho dự định được ấp ủ từ lâu – xây dựng một thương hiệu của riêng mình. Ngay sau khi tốt nghiệp, anh chung tay cùng chị gái Tammy Kane ra mắt thương hiệu Christopher Kane.
BST đầu tay gồm 32 mẫu thiết kế tràn ngập màu sắc neon được giới nhận định đánh giá cao và là người tiên phong trong xu hướng “Fluoro” của mốt Xuân – Hè 2007. Bốn tháng sau đó, Christopher được xướng danh Nhà thiết kế trẻ của năm tại lễ trao Giải thưởng Thời trang Scottish. Tiếng vang của BST đầu tay lớn đến nỗi thương hiệu thời trang high-street Topshop ngay lập tức ra mắt BST capsule hợp tác với Christopher. Dư âm của BST đầu tay vẫn còn sức lan tỏa, truyền cảm hứng đến những mẫu thiết kế túi được trình làng trong mùa mốt Thu – Đông 2014-15 vừa qua.
Điểm mạnh của Christopher là khả năng cân bằng hài hòa giữa nghệ thuật và thương mại. Trang phục do anh thiết kế không đơn giản dừng lại ở sàn diễn thời trang mà còn đáp ứng tốt công năng sử dụng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Mỗi mùa, Christopher lại mang đến một câu chuyện để kể bằng ngôn ngữ tạo hình ấn tượng được biến hóa linh hoạt về mặt chất liệu hay bố cục thiết kế.
J.W.ANDERSON – BIẾN NHỮNG ĐIỀU BÌNH THƯỜNG TRỞ NÊN ĐẶC BIỆT
Câu chuyện khởi nghiệp
Thành công của J.W.Anderson là trường hợp đặc biệt của ngành công nghiệp thời trang Anh quốc. Sinh ra và lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở vùng Bắc Ireland, Anderson thừa nhận đây chính là động lực giúp anh vươn lên chinh phục thành công. Theo học chuyên ngành thiết kế thời trang nam tại Học viện Thời trang London, Anderson sau đó khởi nghiệp với vai trò nhà thiết kế ngành hàng may mặc nam và xây dựng thương hiệu của riêng mình vào năm 2008. Mặc dù bước đầu đạt được thành công nhất định trong lĩnh vực chuyên môn đào tạo nhưng sự nghiệp của Anderson chỉ thực sự khởi sắc khi BST capsule dành cho nữ được trình làng vào đầu năm 2010. BST ngay lập tức là câu chuyện được lan truyền rộng khắp London và tiến cử Anderson vào danh sách chương trình NEWGEN ươm mầm những tài năng do Hội đồng Thời trang Anh quốc (BFC) khởi xướng.
Cuối năm 2012, tiếp tục bén duyên với ngành hàng thời trang nữ, Anderson bắt tay thực hiện BST capsule với hãng thời trang high street Topshop mang tên J.W.Anderson x Topshop. Sức hút của BST lớn đến nỗi toàn bộ những mẫu thiết kế được bán vết veo trong vòng vài giờ đồng hồ. Tiếp theo thành công, Anderson thực hiện BST thứ hai dành cho Topshop vào tháng 2 năm 2013 và nhận được nhiều tán dương. Tiếng tăm của Anderson bảo chứng cho thành công khiến Anderson được mời thiết kế cho Versus – thương hiệu hướng tới số đông khách hàng của Versace.
Khác với những NTK đồng trang lứa, Anderson không bó hẹp mình trong giới hạn định nghĩa giữa thời trang dành cho nữ hay nam bởi theo quan niệm của bản thân anh, ranh giới không cần sự phân định rõ ràng. Chính vì vậy, Anderson xây dựng thương hiệu của riêng mình theo hướng phi giới tính. Người mẫu diện trang phục của J.W.Anderson không dễ dàng nhận biết là nam hay nữ. Vẻ đẹp nam tính được thể hiện qua thiết kế cứng cáp nhưng xen kẽ với đó là những chi tiết trang trí mềm mại đặc trưng của phái đẹp. Nhiều chi tiết có thể được vay mượn, trao đổi giữa hai dòng trang phục nam nữ.
Một ưu điểm khác của Anderson là khả năng biến hóa những điều bình thường trở nên đặc sắc. Anderson từng phát biểu: “Tôi bị ám ảnh khi đưa vải vóc lên một tầm cao mới; đó là sự kiềm chế và khao khát được thay đổi một thứ gì đó. Tôi yêu thích vải vóc truyền thống và muốn phá cách chúng”.
Bén duyên với Loewe
Ở độ tuổi 30, Anderson được LVMH bổ nhiệm giữ vị trí Giám đốc Sáng tạo tại nhà mốt Loewe – thương hiệu được biết đến với truyền thống tay nghề của những người thợ thủ công chuyên biệt về đồ da và là sự lựa chọn ưu tiên của các thành viên trong gia đình hoàng gia Tây Ban Nha.
Sau 2 năm nhậm chức, Anderson trình làng mẫu túi xách Puzzle. Kiểu dáng góc cạnh phản ánh chính tính cách đa chiều của Loewe mà Anderson muốn phác họa dưới thời điểm của mình. Định hướng mới này cũng được thể hiện qua bộ nhận diện thương hiệu mới phản ánh những giá trị hiện đại và nhận thức mới về văn hóa. Theo báo cáo kinh doanh của tập đoàn LVMH, mặc dù doanh thu chỉ tăng chỉ tăng ở mức khiêm tốn 3% nhưng con số này đủ cho thấy quyết định bổ nhiệm Anderson là một hướng đi đúng đắn.
JACK MCCOLLOUGH & LAZARO HERNANDEZ – THỎA HIỆP ĐỂ THÀNH CÔNG
Bạn hiền thành cặp đôi ăn ý
Jack McCollough và Lazaro Hernandez kết thân khi cùng theo học tại Parsons. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cả hai được đánh giá là những gương mặt sinh viên xuất sắc. Jack từng giành thời gian thực tập với Marc Jacobs trong khi Lazaro được đích thân nhà thiết kế Michael Kors dìu dắt. Cả hai cũng từng giành giải thưởng Silver Thimble do Hiệp hội các NTK Thời trang Hoa Kỳ (CFDA) trao tặng. Nhận thấy sự đồng điệu về suy nghĩ, Jack và Lazaro quyết định hợp tác thực hiện bài tốt nghiệp với tên gọi Proenza Schouler ghép từ họ của thân mẫu hai người. Vượt lên trên khuôn khổ của một BST trình diễn tốt nghiệp đơn thuần, Proenza Schouler được cửa hiệu thời trang Barneys New York đặt mua toàn bộ. Đây thực sự là một sự khởi đầu thuận lợi đặc biệt trong giai đoạn những năm đầu thập niên 2000 khi ngành công nghiệp thời trang Mỹ trải qua thời kỳ quá độ dẫn đến tình trạng khan hiếm những gương mặt mới tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường thời trang ảm đạm.
Trong thời kỳ này, những NTK gạo cội dần bước sang tuổi từ dã sự nghiệp hoặc loay hoay tìm kiếm định hướng thiết kế mới trong vòng luẩn quẩn về suy nghĩ là tàn dư của thế kỷ trước. Sự xuất hiện của Proenza Schouler như một tia sáng hy vọng đánh thức thị trường.
BST thứ hai trình làng vào năm 2003 được giới chuyên môn đánh giá cao. Tờ WWD và trang web Style.com bình chọn BST này là một trong 10 BSTđẹp nhất vào mùa mốt năm đó. Đơn đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới là bằng chứng rõ nét chứng minh sức hút của những mẫu thiết kế. Thành công ngoài sức mong đợi là tiêu chí đánh giá giúp Jack và Lazaro giành giải thưởng Perry Ellis đối với ngành hàng may sẵn do CFDA trao tặng. Năm 2004, hai năm sau khi thành lập, Jack và Lazaro giành giải nhất từ quỹ hỗ trợ tài năng CFDA/Vogue ngay vừa khi quỹ này chính thức hoạt động. Đây là bước đệm quan trọng trong việc hoàn thiện thương hiệu Proenza Schouler. Cũng trong năm này, Jack và Lazaro bắt tay thiết kế BST giày đầu tiên đồng thời chính thức đánh dấu việc mở rộng kinh doanh sang ngành hàng phụ kiện. Liên tiếp trong hai năm 2007 và 2009, Proenza Schouler được trao tặng giải thưởng nhà thiết kế phụ kiện và ngành hàng may mặc nữ từ CFDA. Tiếp nối thành công, Jack và Lazaro tiếp tục trình làng BST túi vào năm 2008 bao gồm mẫu túi trứ danh đồng thời là biểu tượng thương hiệu PS1 với kiểu dáng satchel cổ điển.
Phong cách thiết kế điển hình của Jack và Lazaro gợi nhớ trào lưu grunge có phần xuề xòa đặc trưng của thập kỷ 60 được sắp đặt lớp theo lớp (layers) chỉ dừng lại ở mức độ hồi tưởng chứ không bị chôn vùi trong đó. Hình mẫu người phụ nữ tiêu biểu của Proenza Schouler sải bước với phong thái tự tin giống như một chiến binh đang giận dữ cùng bản tính cục cằn nhưng lạ lẫm với chốn đô thị và sẵn sàng khám phá những điều mới mẻ.
Bản thân Jack và Lazaro là bậc thầy của những mẫu thiết kế được cắt may chuẩn xác mang hơi hướng nhà binh với kỹ thuật xử lý họa tiết trang trí theo phong cách electric trên nền chất liệu đa dạng từ cứng cáp, dày dặn đến mỏng manh.
MARY-KATE & ASHLEY OLSEN – CẶP ĐÔI HOÀN HẢO
Câu chuyện thành công của thương hiệu The Row của cặp song sinh nhà Olsens là trường hợp đặc biệt của ngành công nghiệp thời trang Mỹ. Xuất thân là diễn viên và rẽ tay ngang thiết kế, thành công của cặp song sinh Mary-Kate & Ashley Olsen là kết quả của định hướng kinh doanh khôn ngoan khi đồng hành cùng khách hàng, lựa chọn phân khúc trang phục cơ bản là tiền đề phát triển và nỗ lực chung tay hỗ trợ ngành sản xuất thời trang tại Hoa Kỳ.
Khởi nghiệp khác biệt
Năm 2011, trong danh sách đề cử những nhà thiết kế tiềm năng ngành hàng may mặc nữ của Hiệp hội các NTK Thời trang Hoa Kỳ (CFDA) xuất hiện cái tên Olsens. Không phải là gương mặt xa lạ với công chúng nhưng so với những ứng viên được đề cử khác như NTK Altuzarra từng “mài giũa kinh sử” tại Givenchy hay NTK Prabal Gurung dành thời gian tôi luyện tay nghề tại Bill Blass, cặp song sinh Mary-Kate & Ashley Olsen là lựa chọn khá bất ngờ bởi họ chỉ vỏn vẹn sở hữu một vài BST hợp tác cùng nhà bán lẻ Wal-Mart hay Target. Mặc dù không đoạt giải nhưng việc Mary-Kate & Ashley Olsen xuất hiện trong danh sách đề cử đủ tạo nên cuộc tranh cãi ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều và sự hoài nghi về tiêu chí lựa chọn ứng viên tiềm năng trong ngành công nghiệp thời trang cao cấp.
Tuy nhiên, chiến lược hợp tác với Wal-Mart và Target thể hiện sự nhạy bén nắm bắt thời cơ thị trường tiêu dùng tại Hoa Kỳ trong giai đoạn 2000-2005 đồng thời là bước khởi nghiệp khôn ngoan của chị em nhà Olsens. Thị trường thời trang dành cho khách hàng tuổi tween từ 4 đến 14 tuổi được định giá khoảng 335 tỷ đôla Mỹ vào thời điểm năm 2005. Khẩu ngữ “Real Fashion for Real Girls” được cặp song sinh lựa chọn làm định hướng xây dựng chiến lược kinh doanh “có thực mới vực được đạo” bắt đầu bằng việc tích lũy vốn, gây dựng tên tuổi, trau dồi kinh nghiệm thiết kế và kinh doanh.
Câu chuyện thành công
Vào thời điểm năm 2006, nhận thấy sự thiếu hụt về nguồn cung so với nhu cầu của thị trường tìm kiếm những trang phục thiết yếu như áo T-Shirt nhưng vượt trội về thiết kế và chất liệu đồng thời xuất phát từ chiến dịch The One do tổ chức toàn cầu đấu tranh về nghèo đói và bệnh tật tại châu Phi, thương hiệu cao cấp The Row chính thức ra đời.
Chữ Row được lấy từ tên gọi Savile Row – khu phố danh tiếng tại London, nơi những bậc thầy về cắt may tạo ra những tuyệt tác trang phục hoàn hảo từng đường nét. Đây đồng thời là mục tiêu mà Mary-Kate & Ashley Olsen muốn hướng đến. Ẩn sau từng mẫu trang phục là triết lý thiết kế tối giản, thoải mái, sang trọng và tinh tế được thể hiện qua kỹ thuật cắt may xuất sắc.
Nếu so sánh với BST đầu tiên của The Row chỉ vỏn vẹn 7 mẫu thiết kế gồm áo T-shirt, quần leggings và mẫu đầm kiểu Tank làm từ chất liệu vải cashmere thì con số 19 của BST Thu-Đông 2010-11 được trình diễn chính thức tại Tuần lễ Thời trang New York không hẳn là nhiều. Tuy nhiên, đây lại là BST được giới chuyên môn đánh giá cao nhất trong mùa mốt đó.
—
Xem thêm
Những nhà thiết kế trang phục nổi tiếng Hollywood
Nhà thiết kế Karl Lagerfeld xuất bản sách về sự nghiệp
Bài: Thanhhuysing – Ảnh: Tư liệu