Thời trang / Thế giới thời trang

Chloe Đào – Thiết kế khác xa kinh doanh

Cách xa nhau đúng nửa vòng trái đất nhưng ELLE đã có một cuộc trò chuyện thú vị với nhà thiết kế Chloe Đào - người đoạt giải nhất Project Runway 2005

-002

Lúc tham gia Project Runway chị có nghĩ là mình sẽ đoạt được giải nhất không?

Thật ra lúc tham gia tôi cũng run lắm. Mỗi thí sinh chỉ có 12 tiếng để thiết kế, tìm chất liệu và biến nó thành một sản phẩm hoàn hảo. Tôi muốn thử xem mình làm được hay không và thật bất ngờ khi đoạt giải nhất.

Cuộc thi đã mang lại cho chị những gì?

Giải thưởng cao nhất đã chứng minh tôi là nhà thiết kế có khả năng. Trước đây tôi không tự tin trong vai trò thiết kế vì tôi chỉ có bằng về chất liệu và kỹ thuật cắt may chứ không có bằng designer, mặc dù đã có 8 năm làm trợ lý thiết kế cho nhiều nhãn hiệu tại NYC. Cảm giác khi được  nghe nhà thiết kế nổi tiếng thế giới Michael Kors khen ngợi thật vui.

Chị bắt đầu công việc thiết kế của mình từ lúc nào? 

Từ lúc 20 tuổi, tôi đã muốn trở thành một nhà thiết kế, nhưng tôi học kinh doanh vì nghĩ rằng đó là cách để tìm việc tốt. Nhưng sau khi xem phim Dead Poets Society với thông điệp mỗi người phải biết tận dụng từng giây phút trong cuộc sống để vượt qua chính mình, mở rộng tầm nhìn và làm nhiều việc mình mong muốn hơn, tôi đã có động lực để gạt qua áp lực cơm áo gạo tiền và dấn thân vào công việc yêu thích.

Con đường nào cũng lắm núi nhiều đèo và đôi lúc bạn cảm thấy đuối khi gặp những ngọn núi cao. Kinh doanh thời trang là một công việc không dễ dàng. Là một nhà thiết kế chưa có tiếng, bạn phải lo lắng về tiền bạc, phải làm sao để mọi người biết đến, và những sản phẩm được mọi người yêu thích. Nhưng tôi nghĩ mình cứ “lì”. Thua keo này, sẽ được học nhiều thứ để lại tiếp tục bày keo khác.

Tôi nhớ một câu “Con người trước lúc chết chỉ hối tiếc về những việc mình chưa làm, chứ ít ai hối hận vì những việc mình đã làm”.

Chị đang nói về kinh doanh thời trang chứ không phải thiết kế thời trang?

Đúng. Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau. Khi bạn thiết kế một bộ đồ, nếu đơn thuần thỏa sức sáng tạo, bạn cứ việc tô vẽ đính kết những gì mình muốn. Nhưng nếu muốn bán để kiếm tiền, thì phải đấu tranh giữa việc tô vẽ đính kết theo ý mình và thiết kế để khách hàng thích và mua. Kinh doanh khác sáng tạo ở chỗ phải thực tế.

Thế còn haute couture? Nếu ai cũng kinh doanh thì sẽ không còn sự sáng tạo?

Thì bạn phải lựa chọn và tự cân bằng chúng. Làm sao những sản phẩm làm ra có thể bán được nhưng vẫn mang dấu ấn cá nhân, điều đó quyết định bởi khả năng của bạn. Haute couture chỉ là sân chơi cho các nhà thiết kế thể hiện sự sáng tạo của mình. Họ có thể đưa ra những thiết kế khùng điên nhất trên runway, nhưng trong các cửa hàng kinh doanh thì sản phẩm của họ lại đơn giản, dễ mặc và phù hợp với tất cả mọi người, từ Chanel, Christian Dior, Jean Paul Gaultier, Christian Lacroix..

Tôi đã xem rất nhiều tuần lễ thời trang danh tiếng như London, Paris, Milan, New York và thấy rằng những thiết kế trong tuần lễ thời trang New York rất đơn giản và thực dụng. Đó là phong cách thời trang Mỹ?

Tôi đồng ý với anh về nhận định đó vì thực dụng là tính cách của người Mỹ. Nhưng phong cách Mỹ này đang ảnh hưởng đến làng thời trang thế giới, đặc biệt là năm 2010. Khi nền kinh tế xuống dốc, người ta sẽ không còn quan tâm nhiều đến những thiết kế cầu kỳ đắt tiền, và các nhà thiết kế cũng không còn vung tiền vào các bộ sưu tập trình diễn tốn kém. Hiện nay, hầu hết các nhãn hiệu thời trang lớn nhất trên thế giới đều quay về với xu hướng đơn giản và thực dụng. Đó là khuynh hướng.

-003

Chị có tham gia tuần lễ thời trang New York không?

Tôi đã tham gia một lần sau khi đoạt giải Project Runway. Nhưng sau đó thì không. Tôi vẫn cho rằng mình là một nhà thiết kế nhỏ với việc kinh doanh nhỏ. Tham gia vào tuần lễ thời trang rất tốn kém vì phải đầu tư vào PR, sản phẩm, năng lực và quy mô sản xuất. Quy mô sản xuất của tôi hiện nay chỉ vừa đủ cho công việc kinh doanh. Tôi nghĩ mình sẽ tham gia 2-3 năm nữa khi mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng.

Mỹ là một thị trường luôn tạo cơ hội cho người mới, nhưng cũng rất khắc nghiệt. Làm thế nào mà chị tồn tại được?

Đa dạng, đa dạng và đa dạng! Tôi có phân khúc cao cấp với nhãn hiệu Đào Chloe Đào, phân khúc thấp với nhãn hiệu QVC Simply Chloe Đào, một dòng túi xách riêng, cửa hàng Lot 8 trước khi tham gia cuộc thi, và vừa giới thiệu line đồ cưới. Mỗi phân khúc thị trường đều có một dòng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh hệ thống bán lẻ, tôi tập trung vào hệ thống bán sỉ khắp nước Mỹ với những đơn hàng trong khả năng sản xuất.

Nhưng nhiều nhãn hiệu khác cũng làm như thế?

Vấn đề là khi khách hàng nhìn vào sản phẩm họ biết ngay rằng đó là của Chloe Đào. Những sản phẩm của tôi đều tập trung vào chất liệu, đường cắt cúp và kỹ thuật may để tôn vinh đường cong phụ nữ. Tôi muốn bên cạnh sự sáng tạo, các sản phẩm phải đơn giản, dễ mặc, và mười năm sau bạn vẫn có thể mặc được.

Có nhiều bạn trẻ Việt Nam muốn trở thành nhà thiết kế, nhưng họ chỉ được đào tạo về lý thuyết chứ không biết cắt may, và họ cũng không có nhiều kiến thức về thời trang thế giới. Chị có lời khuyên gì không?

Đam mê thôi chưa đủ. Bạn phải trang bị cả lý thuyết đến thực hành, thực tập cho các nhãn hiệu hoặc nhà thiết kế nổi tiếng. Hãy tận dụng Internet để biết rằng thời trang thế giới đang chuyển động như thế nào.

Những nhà thiết kế trẻ hiện nay đều tập trung vào kỹ năng thiết kế mà quên rằng kỹ thuật cắt may đóng một vai trò rất quan trọng. Bạn không thể thiết kế một mẫu trên bản vẽ rất đẹp nhưng không thể sản xuất, không có chất liệu và không thể mặc.

Thời trang phải giúp cho người mặc đẹp hơn vì thế khi biết kỹ thuật cắt may, bạn sẽ biết cách để sản phẩm của mình tôn vinh được cơ thể của người mặc.

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Thái Bá Dũng - Ảnh: Jay Marroquin
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)