Thời trang / Thế giới thời trang

Chuyện nghề của hai nhà thiết kế trẻ – Đỗ Mạnh Cường vs. Huy Võ

Đỗ Mạnh Cường (29 tuổi) và Huy Võ (21 tuổi) là hai nhà thiết kế trẻ đang được chú ý với tần suất xuất hiện dày đặc nhât trên các phương tiện truyền thông hiện nay.

Đỗ Mạnh Cường – “Công chúng không dễ bị đánh lừa”

-000

Là một trong những nhà thiết kế được báo chí ưu ái khi xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông, anh nghĩ sao nếu người ta nói rằng sự thành công của anh phân nhiều là do được lăng xê?

Tôi không phủ nhận mình là người may mắn khi nhận được sự quan tâm của báo chí. Đó là cách tốt nhất để giúp tôi tiếp cận và giới thiệu sản phẩm của mình tới công chúng.

Tuy nhiên hãy nhìn vào những bộ sưu tập của tôi như Urban life, Fashion Victim, Like a bird, và Dream of Love… Nếu chúng không có giá trị hoặc không thật sự đặc sắc thì báo chí không thể mãi tâng bốc. Công chúng không dễ bị đánh lừa.

Có vẻ như anh luôn là người biết nắm bắt cơ hội?

Bộ sưu tập đầu tiên Urban life đã giúp giới thiệu Đỗ Mạnh Cường với làng thời trang Việt Nam, và tôi tận dụng ngay sự may mắn đó để xây dựng tên tuổi cũng như tiếp tục đầu tư nghiêm túc để chứng tỏ khả năng. Cơ hội chỉ đến một lần nên phải biết nắm bắt.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào cơ hội và sự may mắn thì giống như xây một ngôi nhà không móng, chỉ cần một rung lắc nhẹ, nó sẽ dễ dàng sụp đổ. Tôi phải luôn giới thiệu những bộ sưu tập đẹp nhất và mới nhất với ý tưởng đóng mác Đỗ Mạnh Cường nếu không muốn bị lu mờ khi ngày càng xuất hiện nhiều những nhà thiết kế được đào tạo bài bản.

Có người cho rằng một mẫu thiết kế trong BST Dream of Love đã copy từ bộ sưu tập Xuân – Hè 2010 của Viktor and Rolf, anh nghĩ sao?

Copy nghĩa là làm giống y chang hay ít nhất thì cũng phải giống nhau ở những chi tiết nào đấy. Còn hai bộ sưu tập này nếu đặt cạnh nhau, ngoài kỹ thuật dựng bèo để tạo khối thì không có gì giống nhau cả. Mà đã gọi là kỹ thuật thì không thể nói là copy, vì bất cứ ai muốn tạo khối cho trang phục cũng phải sử dụng kỹ thuật đó, từ chiếc váy múa ba lê, hay những chiếc đầm công chúa nhiều lớp… Hơn nữa tôi không ngốc đến độ tự hủy hoại hình ảnh mình bằng cách copy BST của nhà thiết kế nổi tiếng vừa được trình diễn cách đây một năm.

Mỗi người chỉ có một thời. Anh sẽ làm gì nếu một ngày nào đó, thời của Đỗ Mạnh Cường không còn?

Tôi sẽ tập trung hoàn toàn vào kinh doanh, nhưng không có nghĩa là ngừng sáng tạo. Tuy nhiên tôi chỉ tập trung sáng tạo cho đối tượng khách hàng yêu thích sản phẩm của mình.

Sự chiều khách có làm mất đi cá tính riêng của nhà thiết kế?

Đó luôn là vấn đề nan giải. Tôi phải luôn tự cân bằng sao cho sản phẩm làm ra vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng, vừa mang dấu ấn của DMC. Điều đó thể hiện qua việc lựa chọn và phối hợp cấu trúc các chất liệu, cách phối màu, các form áo và các chi tiết mà chỉ DMC mới có.

Anh khá thành công với nhãn hiệu DMC, anh có nghĩ chỉ với cái tên DMC đã đủ để kéo khách hàng đến với anh?

Tôi không nghĩ thế. Công việc kinh doanh đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau. Bên cạnh một nhà thiết kế có tên tuổi và tài năng được mọi người ghi nhận, thì còn phải có sự hỗ trợ của những người có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, quản lý, và sự hỗ trợ của PR báo chí.

Công việc của nhà thiết kế thời trang là phải đưa ra những mẫu mã, chứ không phải là người tính toán chiến lược, cân đối ngân sách, cân đối thu chi_ Nếu bắt chúng tôi cắm đầu vào những con số, thì không còn thời gian để sáng tạo.

Huy Võ – “Chúng ta chỉ mới có nghề cắt may”

-002

Từng tốt nghiệp thời trang ở New York, đoạt giải nhất của Fashion Group International (Mỹ) năm 2007, từng xuất hiện trong Talkshow của Tyra Bank, và cũng được mời tham gia vào DFS cùng thời điểm với nhà thiết kế DMC, hình ảnh của anh phủ sóng khá nhiều, nhưng lại không thấy nhãn hiệu HUYVO xuất hiện thường xuyên. Tại sao thế?

Có lẽ do còn trẻ nên thời gian qua tôi ôm đồm quá nhiều việc cùng lúc và mất tập trung vào nhãn hiệu của mình. Tôi đã đóng phim, làm nhà thiết kế cho một thương hiệu Jeans, stylist cho các tạp chí, tự kinh doanh và những việc khác nữa… Đến khi nhìn lại, tôi mới nhận ra rằng mình đã không tập trung vào thương hiệu như mong muốn. Thời điểm này tôi đang tạm đóng cửa hàng để chuẩn bị mở lại trong tháng tới.

Anh có cảm thấy băn khoăn vì chuyện đó?

Thật ra ai cũng muốn mình phải đạt được một mục tiêu nào đó và tôi cũng thế. Quá nhiều cơ hội đến với tôi và tôi cho phép mình nắm bắt và thử hết để xem mình có thể làm đến đâu. Tôi nghĩ nếu có thất bại, thì vẫn còn trẻ để làm lại từ đầu với những bài học kinh nghiệm rút ra từ thất bại đó.

Tôi đã phải đóng cửa hàng và tạm ngừng kinh doanh. Điều đó đã cho tôi bài học là muốn làm gì cũng phải có một kế hoạch cụ thể, phải xét đến yếu tố thời gian, phải có người quản lý chứ không thể tự mình ôm đồm nhiều việc, và đặc biệt là phải dành thời gian cho nó. Tôi đã từng nghĩ có thể làm được tất cả mọi thứ một mình, nhưng bây giờ thì mới biết là không thể.

Là một nhà thiết kế trẻ và được đào tạo bài bàn từ nước ngoài, anh có đánh giá như thế nào về thời trang tại Việt Nam?

Thị trường thời trang của mình chỉ mới bắt đầu. Hay nói cụ thể hơn là chúng ta chưa có ngành công nghiệp thời trang thật sự mà chỉ là nghề cắt may, thậm chí chúng ta cũng chưa phải là một nền công nghiệp cắt may phát triển vì chất lượng của sản phẩm vẫn chưa tốt, từ chất liệu, đường cắt cho đến đường may…

Trong thiết kế thời trang, anh quan tâm đến yếu tố nào nhất, và anh đánh giá thế nào về các nhà thiết kế Việt Nam hiện nay?

Mỗi nhà thiết kế cần có một triết lý và tinh thần riêng. Ví dụ nói đến Kenzo, người ta lập tức sẽ hình dung ra các họa tiết hoa và thiên nhiên, hoặc nói về Chanel, Yves Saint Laurent. người ta nhận diện được sản phẩm thời trang cao cấp với tinh thần, vẻ đẹp Pháp lãng mạn pha chút cổ điển, sang trọng. dù rằng những nhà thiết kế sáng lập các thương hiệu trên không còn sống, nhưng nhà thiết kế nào làm việc cho họ đều phải thể hiện được tinh thần và cá tính của thương hiệu.

Ở Việt Nam, để làm được điều này cần qua một chặng đường dài, bởi nó liên quan đến chất liệu đặc biệt, kiểu dáng, công nghệ… và tài năng sáng tạo. Các NTK Việt Nam cần quyết liệt trong việc tạo ra cá tính riêng, mỗi thương hiệu phải có một dấu ấn, chất lượng sản phẩm phải hoàn hảo để khách hàng có nhiều lựa chọn hơn, có thế họ mới mua sắm sản phẩm trong nước nhiều hơn.

Việc sao chép mẫu trong làng thời trang Việt Nam đang diễn ra một cách ồn ào, anh nghĩ gì về chuyện đó?

Đừng dại dột ăn cắp nguyên mẫu của ai cả vì mọi người có thể vào Internet và tìm ra những mẫu ấy một cách dễ dàng. Bạn có thể tham khảo và lấy cảm hứng từ những sáng tạo của người khác, vì rõ ràng sáng tạo vẫn có thể dựa trên những cái có sẵn và ít ai có thể nghĩ ra những điều hoàn toàn mới, nhưng nếu copy thì bạn sẽ tự hủy hoại tên tuổi của mình. Nếu copy của người khác, bạn đừng tự vỗ ngực xưng mình là nhà thiết kế, vì thật ra bạn chỉ xứng đáng được gọi là thợ may mà thôi.

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Thái Bá Dũng - Ảnh: DMC
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)