Thời trang / Thế giới thời trang

Công nghệ thời trang hiện đại đã có những đột phá như thế nào?

Nhiều thành tựu đáng ngưỡng mộ của thời trang lại không diễn ra trên sàn catwalk, thật ra chúng lại được diễn ra tại trong phòng thí nghiệm công nghệ cao.

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mới, đặc biệt trong ngành thời trang dường như chỉ có tăng chứ không có giảm. Nguồn tài nguyên cung ứng cho nhu cầu sử dụng của ngành công nghiệp may mặc đang dần trở thành gánh nặng lớn. Từ đó, rác thải thời trang cũng trở thành vấn nạn đáng báo động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế và chất lượng cuộc sống.

Chất liệu tái chế sở hữu nét đẹp riêng biệt của nó. (Ảnh: Inhabitat)

Mọi nỗ lực để ngành công nghiệp thời trang tích cực hơn, khiến nó trở nên bền vững hơn đang được triển khai và đem lại nhiều tín hiệu khả quan. Trong số đó, việc sử dụng nguyên liệu tái chế là một phương án khả thi và được đẩy mạnh nghiên cứu bởi các công ty phát triển công nghệ hàng đầu. Những cách thức để tái chế ở thời điểm hiện tại bao gồm sử dụng những vật phẩm đã qua sử dụng, thậm chí là tận thu rác thải trong quá trình sản xuất.

Trong một bài phỏng vấn, NTK Stella McCartney – một trong những người tiên phong trong việc nhìn nhận yếu tố bền vững trong thời trang là tôn chỉ kinh doanh hàng đầu của mình; cô hài hước chia sẻ: “Công nghệ thật sự rất quyến rũ! Đối với tôi mà nói, nó còn quyến rũ hơn cả một chiếc đầm xẻ cao nữa đấy!”

NTK Stella McCartney.

Stella McCartney không phải là người duy nhất tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia công nghệ cao hàng đầu tại Silicon Valley trong việc phát triển thương hiệu thời trang nhưng vẫn đồng thời góp công vào việc bảo tồn môi trường sống của con người. Công nghệ tiên tiến đã giúp các thương hiệu như H&M, People Tree, Everlane… trong việc sử dụng vi khuẩn để nhuộm màu vải; phát minh ra công thức hóa học tân tiến để giúp ích trong việc hoàn thiện chu trình xử lý nguyên liệu tái chế; cho đến việc tạo ra những loại chất liệu tiên tiến được làm từ nhựa tái chế… không gì là không thể đối với những bộ óc thiên tài tại Silicon Valley.

Hãy cùng ELLE điểm qua những thành tựu đáng mừng của công nghệ hiện đại trong việc góp phần làm thay đổi tương lai của ngành thời trang:

Phẩm nhuộm vi khuẩn

Để có thể nhìn thấy được tác động tai hại của thuốc nhuộm dùng trong ngành công nghiệp thời trang đang hủy hoại môi trường sống của chúng ta như thế nào, chỉ cần nhìn vào thực tế đang diễn ra tại những con sông tại Trung Quốc và Bangladesh. Bên cạnh đó, lượng nước để sử dụng cho việc nhuộm vải cũng là một vấn đề rất đáng để lưu tâm.

Thành quả của việc nhuộm vải bằng vi khuẩn. (Ảnh: FabTextiles)

“Một chiếc áo T-shirt sẽ cần đến 700 gallon nước (hơn 2500 lít) để nuôi trồng sợi bông, sản xuất, vận chuyển và sẽ cộng thêm 20% trữ lượng nước sử dụng thêm vào đó cho quy trình nhuộm vải”, Natsai Chieza – nhà sinh vật học đứng đằng sau dự án Faber Futures chia sẻ. Cô là một trong những chuyên gia tại Ginkgo Bioworks, đang tiến hành nghiên cứu phương pháp để biến vi khuẩn trở thành phẩm nhuộm quần áo. Phương pháp này giúp làm giảm lượng nước sử dụng đến mức tối đa. Bên cạnh đó, phẩm màu vi khuẩn hoàn toàn thân thiệt với môi trường sống và vô hại tới cơ thể người.

Khó khăn cần phải vượt qua trước mắt là làm sao để có thể sử dụng phẩm nhuộm quần áo này với số lượng lớn và trên diện rộng. Tuy nhiên, Chieza tự tin rằng phẩm nhuộm vi khuẩn sẽ sớm trở thành một thành tựu đáng ghi nhận của khoa học hiện đại.

Thí nghiệm nhuộm vải bằng vi khuẩn.

Sợi tơ nhện tổng hợp (SYNTHETIC SPIDER SILK)

Sợi tơ nhện có cấu trúc bền chắc, điều đó khiến cho tơ nhện có sức bền dẻo dai không thua kém gì tổ hợp kim loại. Một lẽ dĩ nhiên, đây là một lọai nguyên liệu cực kỳ thân thiện với môi trường. Điều khó khăn nhất đó là nhện không thể nuôi như tằm vì chúng có xu hướng ăn thịt lẫn nhau trong môi trường nuôi nhốt. Đó chính là lí do mà xuyên suốt chiều dài lịch sử, chúng ta không thể nào khai thác được tiềm năng tối đa của loại chất liệu này.

(ảnh: Pexels)

Nhận thấy tiềm năng to lớn đấy, nhiều công ty phát triển công nghệ đang gắng sức để phát triển sợi tơ nhện tổng hợp. Bolt Threads là thương hiệu đầu tiên giới thiệu thành công sản phẩm tơ nhện tổng hợp trên thị trường quốc tế vào tháng 3 năm ngoái. Kế thừa thành công ban đầu của Bolt Threads, NTK Stella McCartney nhanh chóng gia nhập vào công cuộc khai thác sợi tơ nhện tổng hợp để thiết kế nên các sản phẩm thời trang bền vững của thương hiệu.

“Chúng tôi thật sự nhìn nhận công nghệ như một phần phát triển của công ty. Thật sự mà nói, chúng tôi quan tâm đến những thành tựu mới, những sự kiện khoa học đang diễn ra tại San Francisco hơn cả những gì đang xảy ra trong ngành thời trang.”, NTK Stella McCartney thẳng thắn chia sẻ về sự quan tâm của cô dành cho công nghệ. Cô là một NTK tiên phong có niềm tin rằng công nghệ và tính bền vững là một sự kết đôi vô cùng hòa hợp; và đối với những người làm thời trang, sự quan tâm đến lãnh vực này là một điều tích cực và đáng để khích lệ.

Lí giải vì sao sợi tơ nhện có sức bền dẻo dai hơn cả thép. 

Chất liệu ECONYL độc quyền của thương hiệu H&M

H&M là một thương hiệu đại chúng có nhận thức rõ ràng về việc bảo tồn tự nhiên. Tham vọng để chuyển mình thành một thương hiệu có sức ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng trên toàn cầu là một điều không quá khó để nhận thấy.

Quy trình sản xuất ra chất liệu Econyl độc quyền. (Ảnh: Econyl)

ECONYL là sợi nylon tái chế 100% được làm từ lưới đánh bắt cá và chất thải nylon, góp phần giảm tác động lên khí hậu trái đất và giúp làm sạch đại dương. Quy trình của việc tạo nên chất liệu này cũng kỳ công và đòi hỏi một sự đầu tư khổng lồ để làm chủ những công nghệ hiện đại này.

Đầu tiên chất liệu rác thải có nguồn gốc từ nylon (đặc biệt là lưới đánh cá trôi nổi trong lòng đại dương được trục vớt) sẽ được vận chuyển đến trung tâm xử lý rác thải tại thị trấn Ajdovščina, Slovenia. Chất liệu rác thải được xử lý thô cũng như làm sạch trước khi được chuyển tới nhà máy tái tạo nguyên liệu tại thủ đô Ljubljana của Slovenia. Công nghệ độc quyền đã tiêu tốn mất bốn năm để nghiên cứu và 25 triệu đô để hoàn thiện này giúp trữ lượng sợi nylon thu được cao gấp nhiều lần so với lượng nguyên liệu thô ở đầu vào. Giai đoạn tiếp theo, sợi nylon tổng hợp được vận chuyển tới các cơ sở sản xuất để được chế biến thành sợi thảm và sợi dệt.

Đối với 100 tấn sợi ECONYL được sản xuất sẽ góp phần tiết kiệm được 70 ngàn thùng dầu thô (tránh phải khai thác dầu để phục vụ cho việc sản xuất); giảm thiểu 57 ngàn tấn khí thải CO2 vào môi trường; tiết kiệm 1012 ngàn GJ sơ cấp cần thiết để sản xuất (gigajun – đơn vị đo lường năng lượng). Tất cả mọi dữ liệu này đều được nghiên cứu bởi tập đoàn cung ứng nguyên liệu tái chế Aquafil (được thành lập vào năm 1965).

Giới thiệu về chất liệu Econyl.

Bài toán kinh tế ở thời điểm hiện tại khiến cho cuộc đua dành ngôi vị thống lĩnh thị trường thời trang vô cùng khốc liệt. Tuy nhiên, những thương hiệu thời trang lựa chọn hướng đi bền vững và các loại chất liệu áp dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường dường như là một sự đầu tư khôn ngoan và vô cùng nhân văn. Cũng bởi lẽ đó mà thời trang của tương lai mới có nhiều điều đáng để mong đợi hơn bao giờ hết.

Xem thêm:

Siêu mẫu Gisele Bundchen chiến thắng tại Green Carpet Fashion Awards 2017.

Tư duy thực tiễn để phát triển ngành công nghiệp thời trang bền vững.

Nhóm thực hiện

Fellini Rose (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Hình ảnh: Tổng hợp)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)