Từ nhà bán lẻ thành nhà bán lẻ qua mạng (Retailer to E-Tailer)
* Năm 2000: Ai cũng nói cô ấy thật ngây thơ khi tin rằng có người sẽ bỏ ra 2,000 đôla Mỹ để mua một chiếc quần jeans… qua mạng! Có thể còn hơi vĩ cuồng nữa khi thuyết phục cả thương hiệu khó tính như Marc Jacobs, Chloe… đưa những món đồ đáng thèm muốn của họ lên trên Internet để bày bán. Lại còn là mảng kinh doanh chưa từng ai làm. Bởi thế, cứ mỗi lần có một đơn hàng tới là cả team sẽ cùng đồng thanh hô to: Ka-ching (Hoan hô!!!) để tăng phần tự tin.
“Cô ấy” là Natalie Massenet MBE, người sáng lập ra Net-a-Porter group nhóm trang web kinh doanh hàng cao cấp, xa xỉ (luxury goods website) . Từ website khởi thuỷ Net-a-Porter (kinh doanh mặt hàng xa xỉ cho nữ giới), nhóm website này hiện có thêm Mr Porter (hàng cho nam giới) và The Outnet (hàng cao cấp hạ giá). Sau 14 năm từ ngày bắt đầu, giá trị của Net-a-Porter group được định giá vào khoảng 3,4 tỉ đôla Mỹ. Net-a-Porter trở thành cuốn “Kinh Thánh” về online shopping trong lĩnh vực thời trang của các fashionista.
Natalie giờ đã trở thành Chủ tịch của Hội đồng Thời trang Anh quốc (British Fashion Council). Tạp chí TIME gọi cô là Người Tiên Phong trong nhóm 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014. Khi tạp chí PORTER ra đời vào năm 2013 (với tiêu chí 100% các sản phẩm xuất hiện trên ấn phẩm này đều có thể được mua trên website Net-a-Porter), đó là một trong những sự kiện đình đám nhất của ngành công nghiệp xuất bản tạp chí tại Anh, và trên thế giới, trong nhiều năm qua.
Natalie đã có một tầm nhìn không ai có được, hoàn toàn sáng rõ về sự thay đổi của thế giới Thời trang, Kinh doanh và Công nghệ; và cũng là một nhân tố quan trọng tạo ra sự thay đổi, giao thoa mang tính lịch sử đó.
* Năm 2014: Trong tháng 7.2014, theo trang tin tài chính Bloomberg. doanh thu quý 1 của Burberry Group Plc., tập đoàn hàng cao cấp lớn nhất của Anh quốc, vượt mức dự tính, do các chiến dịch marketing kỹ thuật số đã đẩy mạnh doanh thu bán ra của các mặt hàng may mặc và phụ trang tại thị trường châu Á và Bắc Mỹ. Doanh số bán lẻ tăng 9%, đạt mức 370 triệu bảng Anh từ tháng 3 tới tháng 6.2014 (trước đó, các nhà phân tích tài chính đã dự đoán doanh thu sẽ rơi vào khoảng 354 triệu bảng Anh).
Con số thần kỳ này được tạo ra nhờ các nỗ lực đầu tư vào chiến dịch như Click-and-Collect – một dịch vụ cho phép người mua hàng (shopper) đặt đồ online và tới lấy tại cửa hàng, một việc siêu thuận lợi cho các du khách, đặc biệt là du khách châu Á khi tới du lịch tại châu Âu. Bạn chắc hẳn không quên được hình ảnh những hàng dài người xếp hàng vào mua đồ tại các cửa hiệu thời trang cao cấp như Chanel, Louis Vuitton… ở những đô thị lớn trên thế giới.
Cũng nên nhắc lại Burberry là thương hiệu tiên phong trong việc khai thác thế mạnh của digital khi cho phát trực tiếp online show diễn thời trang mỗi mùa, cả men’s wear và women’s wear, từ năm 2010 và người xem trên toàn thế giới có thể đặt hàng trong vòng 72 tiếng đồng hồ sau khi show diễn kết thúc (dịch vụ có tên Runway Made to Order). Bản thân tôi là người theo dõi thường xuyên các show diễn của Burberry qua internet (đôi khi từ trong phòng tắm nhà mình) và không ngớt ngạc nhiên bởi sự tiện lợi của việc Xem-Thích-Order qua mạng-Nhận hàng khi sản phẩm còn chưa ra tới store.
Từ người đọc thành người mua (Reader to Shopper)
Hai ví dụ trên đây khá tiêu biểu để ta nhận diện một xu thế mạnh mẽ, không thể xoay chuyển của kinh doanh thời trang, phong cách qua mạng, sự kết hợp của ngành công nghiệp xuất bản tạp chí, công nghiệp thời trang và thế giới công nghệ, online. Ấn phẩm thời trang không còn chỉ để đọc và sau đó vất đi mà đã trở thành công cụ, một “ổ cắm” trực tiếp vào thế giới ảo, thế giới tiêu thụ. Khi ranh giới giữa offline và online, physical và digital ngày càng mờ nhạt, thì người đọc (Reader) trở thành người mua (Shopper) một cách dễ dàng. Biên tập viên trở thành những người hướng dẫn tin cậy không chỉ trong thế giới thực mà còn cả trên thế giới ảo.
Câu chuyện số 1 trong bài viết ngắn này tôi được nghe từ Phương Anh – Giám đốc điều hành (CEO) công ty Zalora Việt Nam, một platform Kinh doanh điện tử về Thời trang và Phong cách đang rất phổ biến tại Việt Nam – trong một cuộc nói chuyện cà phê vào ngày Chủ nhật. Khi được hỏi về xu hướng Kinh doanh Thời trang qua các thiết bị điện tử, Phương Anh đã bày tỏ quan điểm rất rành mạch: “Internet và công nghệ đã làm thay đổi cách chúng ta tiếp cận thời trang. Với độ phủ sóng rộng rãi của Internet cùng sự gia tăng của việc sử dụng các thiết bị cầm tay, giờ đây thời trang đi theo chúng ta thay vì chúng ta phải chờ đợi thông tin một cách thụ động như trước. Chỉ cần lướt qua các trang web, mạng xã hội hay xem Youtube, bạn đã có thể cập nhật được ngay những xu hướng mới nhất đang diễn ra ở London, New York hay Paris. Mua sắm cũng dễ dàng hơn khi bạn có thể mua sắm ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào cảm thấy tiện lợi nhất mà không bị giới hạn về thời gian và không gian”.
Ở một đất nước có tỉ lệ người sử dụng internet cao như tại Việt Nam, thị trường kinh doanh online đang là một sân chơi không nhìn thấy giới hạn cho tất cả mọi người. Khi chia tay Phương Anh, tôi thấy trên tay cô đang cầm cuốn sách “The Everything Store: Jeff Bezos and the Age of Amazon” của nhà báo Brad Stone. Đây là câu chuyện về Jeff Bezos, nhà kinh doanh, lãnh đạo của đế chế Amazon, người đã xây dựng công ty trong vòng chưa tới 2 thập kỷ để có số lượng nhân viên là gần 90.000 người với doanh thu bán ra ước đoán là 61 tỉ đôla Mỹ vào năm 2012.
Với những thông tin bên lề về việc một tập đoàn lớn trong nước đang rục rịch tung ra mô hình cửa hàng online “all in one”, nơi bạn có thể mua từ cái chổi lau nhà, máy giặt… tới những bộ đồ thời trang, thì thật không quá sớm để những người ở vị trí như Phương Anh phải tìm hiểu về các mô hình kinh doanh như vậy.
Bởi thế giới ảo là thế giới phẳng, nơi mọi người đều có thể có chung một xuất phát điểm; quan trọng là ý tưởng, thời gian (bạn có phải là người đầu tiên như Natalie?)…
Với riêng tôi, cản lực lớn nhất khiến tôi ngần ngại với online shopping chỉ còn là vấn đề bảo mật của việc thanh toán qua mạng. Và nếu suy nghĩ xa xôi một chút đến các NTK thì một khi đã trưng collection của bạn online, bạn không còn chỉ show cho lượng người xem trong nước mà là với cả thế giới. nghĩa là thiết kế, mỹ cảm của bạn vừa phải cụ thể, vừa phải toàn cầu; vừa cá nhân, nhưng cũng phải bắt kịp với xu hướng chung.
Nhà thiết kế ơi, bạn đã sẵn sàng?
ELLE Fashion Show Xuân – Hè 2015, lần đầu tiên ELLE Việt Nam kết hợp với ZALORA – kênh bán hàng thời trang trực tuyến hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Ngay trong lúc 6 BST được trình diễn, khán giả và tất cả bạn đọc của ELLE có thể xem hàng và đặt mua trực tuyến những thiết kế mình yêu thích tại địa chỉ www.zalora.vn/elle. Những sản phẩm sau khi hoàn thiện sẽ được nhân viên ZALORA giao đến tận nhà bạn miễn phí. Ngoài ra, khi nhập mã ELLEVN lúc thanh toán, bạn sẽ lập tức nhận được ưu đãi 10% đến từ ELLE và ZALORA.
Xem thêm Phương Anh, Giám đốc Điều hành Zalora Việt Nam: “Để công nghệ thúc đẩy và hỗ trợ tài năng trẻ”
Và các tin tức mới nhất về ELLE Fashion Show Xuân Hè 2015
Nhóm thực hiện
Bài: Nguyễn Danh Quý Ảnh tư liệu