Giá trị của trang sức cao cấp được xác định như thế nào?
Trang sức cao cấp không chỉ là biểu tượng của sự xa hoa, đôi khi chúng còn là báu vật lưu giữ vẻ đẹp của một giai đoạn thiết kế, là kết tinh của nghệ thuật chế tác thủ công đầy tinh tế từ đôi tay con người.
Có rất nhiều yếu tố để xác định giá trị của một món trang sức. Một chuyên gia có thể nhìn món trang sức từ nhiều góc độ khác nhau và biết điều gì khiến chúng có giá cao hơn rất nhiều so với chi phí gốc của kim loại và đá quý tạo nên chúng. Tổng hợp tất cả những khía cạnh đó, ta có một giá trị không thể cân đo bằng vật chất hữu hình. Trang sức cao cấp không chỉ là biểu tượng của sự xa hoa, đôi khi chúng còn là báu vật lưu giữ vẻ đẹp của một giai đoạn thiết kế, là kết tinh của nghệ thuật chế tác thủ công đầy tinh tế từ đôi tay con người.
Dấu xác nhận tiêu chuẩn & chữ ký thương hiệu
Dấu xác nhận tiêu chuẩn (hallmark) là dấu hiệu chính thức để xác định loại kim loại, độ tinh khiết và đôi khi cả nguồn gốc của món trang sức. Chúng giúp nhận biết món đồ đó có phải là đồ cổ hay không, có phải được chế tác ở đúng khu vực đó hay không… Ví dụ, một món trang sức của Cartier có dấu khắc hình đầu chim đại bàng cho biết nó được chế tác tại Pháp.
Đối với những sản phẩm được tạo nên bởi một nhà thiết kế nổi tiếng, việc xem xét chữ ký cá nhân cũng rất quan trọng. Các chuyên gia thường kiểm tra chất lượng của vết khắc chữ ký ngay khi món đồ đó bao gồm những đặc tính tương tự các thiết kế nguyên bản đã được biết tới. Tiêu chuẩn để kiểm tra là font chữ, vị trí và các chi tiết của chữ ký.
Những nhà thiết kế mang tính biểu tượng
Những sáng tạo của các nhà thiết kế trang sức nổi tiếng như Jean Schlumberger, David Webb hay Aldo Cipullo là niềm mơ ước của nhiều người. Chúng có giá trị cao không chỉ vì tên tuổi của họ, mà còn vì nghệ thuật chế tác thủ công tinh xảo được thể hiện trong từng chi tiết của thiết kế. Chiếc vòng tay do Schlumberger thiết kế cho thương hiệu Tiffany & Co. là một ví dụ. Nhìn vào chiều sâu của nước men xanh ngọc lục bảo, các chuyên gia có thể thấy được đỉnh cao của kỹ thuật “paillonné” – kỹ thuật sử dụng một lớp giấy bạc (paillon) đặt giữa hai lớp men rạn khiến ánh sáng phản xạ trở nên lung linh hơn. Men paillonné là sự kết hợp hoàn hảo của màu xanh lam và màu vàng, một kỹ thuật đòi hỏi sự tinh vi vô hạn với các tiêu chuẩn cực kỳ cao.
Giá trị của một giai đoạn lịch sử
Những món trang sức thuộc về một giai đoạn mang tính biểu tượng, một thời kỳ có sức ảnh hưởng lớn trong lịch sử thiết kế như các kỷ nguyên Victorian, Art Deco hay Mid-Century Modern… thường có giá trị cao, thậm chí là vô giá. Chính vì vậy, việc xác định yếu tố nguyên bản từ các dấu hiệu thời gian là cực kỳ quan trọng, nhất là khi có rất nhiều sản phẩm được thiết kế lại dựa theo cảm hứng cổ điển từ các thập kỷ đã qua.
Riêng đối với trang sức không có nhãn hiệu, có rất nhiều khía cạnh và kỹ thuật chuyên môn để xác định thời đại mà nó thuộc về. Chỉ vì món trang sức đó có các chi tiết thiết kế thường được sử dụng trong giai đoạn Art Deco không có nghĩa nó thuộc về Art Deco. Phải là một thiết kế thuần khiết, kết hợp với kỹ thuật chế tác thủ công đặc thù và vật liệu riêng biệt có được trong Art Deco mới là cơ sở xác định nó thuộc về kỷ nguyên đó. Ví dụ như trang sức được làm từ bạch kim có hallmark hình đầu chó, cấu trúc và hoa văn hình học, thường kết hợp với mã não, ngọc bích, san hô và đặc biệt kim cương có cách cắt theo mô-típ riêng… là những đặc trưng của trang sức Art Deco.
Chất lượng của vật liệu
Sự khác biệt giữa trang sức cao cấp và trang sức thương mại chính là vật liệu. Đá quý thường có màu sáng hoặc trong suốt, ví dụ như kim cương trắng, hoặc đá quý màu được kết nối màu sắc một cách hoàn hảo. Ngọc trai cũng là một chất liệu cao cấp nâng cao giá trị của món trang sức. Kim loại như vàng, bạc và bạch kim phải có độ tinh khiết cao. Các yếu tố để xem xét chất liệu của món trang sức chính là màu sắc (hoặc cách kết nối màu sắc), hình dáng, độ bóng và bề mặt.
Một yếu tố quan trọng khác để xác định giá trị món trang sức thông qua vật liệu chính là mức độ quý hiếm và kích thước. Nếu viên đá quý hoặc kim cương là loại không phổ biến, hoặc lớn một cách bất thường, ví dụ như viên kim cương 10 carat hoặc một viên ngọc trai ở vùng Biển Nam sẽ được định giá rất cao và cũng đòi hỏi nhiều hơn về các tiêu chuẩn chứng nhận.
—
Xem thêm
Đẳng cấp của 20 món trang sức đắt nhất thế giới
Bài: Đoàn Trúc (Theo TheRealReal)
Ảnh: Tư liệu