Hàng hiệu xách tay có thể hiểu nôm na là hàng hóa cao cấp sản xuất ở nước ngoài và được đưa về nước theo nhiều cách, ví dụ như hành lý ký gửi, hành lý xách tay, hàng chuyển phát nhanh, quà của người thân hoặc do nhân viên hàng không mua về… sau đó được bán ra thị trường thông qua các kênh bán lẻ trực tiếp hoặc qua mạng Internet. Nắm bắt tâm lý sính ngoại, thích hàng “xịn” giá rẻ của một bộ phận người tiêu dùng, nhiều người đang lựa chọn hình thức kinh doanh không cần nhiều vốn, chi phí thấp, lợi nhuận cao nhưng cũng đầy rủi ro này. Hàng xách tay không chỉ gây ảnh hưởng đến hàng hóa nhập khẩu mà còn làm xáo trộn hoạt động thương mại, mở ra nhiều hệ lụy cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Giá cả chênh lệch
Các sản phẩm xách tay thường có giá rẻ hơn sản phẩm bán tại cửa hàng hoặc đại lý chính hãng vì thường không phải chịu thuế nhập khẩu, thuế kinh doanh các loại. Chưa kể, những người kinh doanh hàng xách tay thường không có cửa hàng cụ thể mà chuộng hình thức bán hàng qua mạng, do đó tiết kiệm được chi phí thuê mặt bằng và các loại chi phí phát sinh khác. Các “đại lý phân phối” này thường rao bán hàng thông qua trang web cá nhân, trang web môi giới hay phổ biến nhất là trên mạng xã hội. Họ chỉ cần lấy hình ảnh sản phẩm trên website chính thức của thương hiệu, nhận order và hẹn ngày giao hàng, tất cả diễn ra nhanh chóng, dễ dàng và không chịu sự giám sát của các tổ chức quản lý thị trường.
Bên cạnh đó, các cửa hàng xách tay còn thường xuyên gom hàng giảm giá vào mùa sale off ở nước ngoài, đây là cách tăng lợi nhuận vô cùng nhanh chóng. Có những mặt hàng giảm giá tới 70% nhưng về Việt Nam vẫn được bán với giá gốc hoặc thấp hơn giá của hàng chính hãng một chút. Bằng cách đó, người bán hàng xách tay hưởng lợi chênh lệch rất lớn, có thể gọi là “một vốn bốn lời”. Ngoài ra, một số đầu mối nhập hàng với số lượng lớn từ các đại lý nước ngoài còn được hưởng chiết khấu cao (20-30%) và có các dịch vụ hậu mãi như tặng hàng, free ship. Tất nhiên, hàng tặng vẫn bán và phí ship vẫn tính, đó cũng là một trong những nguồn lợi lớn khiến người người nhà nhà ồ ạt kinh doanh hàng xách tay.
Như vậy, bán hàng xách tay có khác gì kiểu bán hàng “phá giá”? Lẽ dĩ nhiên, người tiêu dùng thường cân nhắc và lựa chọn các mặt hàng có giá tốt hơn, điều này khiến cho các cửa hàng và đại lý chính hãng (vốn phải chịu mọi loại thuế và các loại chi phí kinh doanh) ngày càng gặp khó khăn trong hoạt động thương mại, phải tìm giải pháp cạnh tranh với thị trường “ngầm” này.
Thật giả lẫn lộn
Hàng xách tay luôn được gắn mác là “hàng hiệu”, “hàng xịn”, “hàng ngoại”, “hàng được sản xuất tại nước ngoài nên tốt hơn hàng sản xuất tại Việt Nam”… Tuy nhiên, thực hư ra sao chỉ có người buôn hàng mới biết, vì các sản phẩm này thường không có giấy tờ chứng từ để xác minh nguồn gốc. Có một số người kinh doanh hàng xách tay ban đầu còn nhập hàng thật để tạo uy tín nhưng về sau thường có xu hướng trộn hàng giả, hàng nhái, hàng quá hạn để thu lợi nhuận cao. Hàng giả núp bóng hàng xách tay ngày càng nhiều khiến thị trường buôn bán trở nên hỗn loạn, vàng thau lẫn lộn, vô hình trung giá trị của hàng chính hãng cũng bị kéo xuống trong mắt người tiêu dùng.
Khách hàng là người chịu thiệt
Việc mua hàng xách tay cũng thực sự giống như con dao hai lưỡi, kể cả đối với người có kinh nghiệm, vì có rất nhiều rủi ro mà người mua không lường trước được. Người mới có thể mua phải hàng giả, hàng lỗi, hàng sắp hết hạn còn người có kinh nghiệm đôi khi dính bẫy tráo hàng thật – giả vì công nghệ làm đồ giả bây giờ rất tân tiến và tinh vi. Việc mua bán chủ yếu dựa trên niềm tin và mức độ thân quen của người mua đối với người bán nên họ rất dễ bị lừa. Chưa kể, những trường hợp mua hàng qua mạng hầu như không thể đòi lại quyền lợi vì các thông tin đều có thể làm giả.
Ngoài ra, hàng xách tay còn có đặc điểm là không được bảo hành, không có linh kiện, phụ kiện thay thế hoặc không phù hợp với cách sử dụng ở Việt Nam (đối với đồ điện tử). Các sản phẩm công nghệ như điện thoại, laptop, máy tính bảng, máy ảnh… rất được ưa chuộng vì giá xách tay thường thấp hơn vài triệu đồng. Tuy nhiên, người mua hàng nhiều khi sẽ phải “dở khóc dở cười” nếu lỡ làm rơi, vỡ mà không tìm được linh kiện thay thế vì là “hàng độc”, không thể sửa ở trung tâm bảo hành vì “không phải là hàng chính hãng”, không dùng được vì nguồn điện không phù hợp (một số sản phẩm điện tử nước ngoài dùng điện thế 120V thay vì 220V như ở Việt Nam).
Những trải nghiệm xấu đối với hàng xách tay có thể khiến người dùng mất niềm tin với thương hiệu và chuyển sang dùng sản phẩm của thương hiệu khác, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nhà sản xuất phải đau đầu nghĩ cách duy trì lượng khách hàng trung thành của mình.
Xem thêm:
Giá trị hàng hiệu: Cây kim, mũi chỉ & đôi tay làm nên kiệt tác!
Những thách thức lớn nhất của thời trang hàng hiệu
Tại sao chúng ta mua sắm hàng hiệu?
Nhóm thực hiện
Bài: Đoàn Trúc Ảnh: Tư liệu