Thời trang / Thế giới thời trang

Hợp tác thiết kế (Phần 2): Hơn cả một thương vụ kinh doanh

Trong khi các thương hiệu bình dân tìm đến các NTK thời trang cao cấp thì các thương hiệu thời trang cao cấp sẽ tìm ai để hợp tác? Câu trả lời là: Các họa sĩ!

Xem Hợp tác thiết kế (Phần 1): Những đôi đũa lệch gắp vàng

Xin bắt đầu với Yayoi Kusama và Louis Vuitton.

Người yêu nghệ thuật ở Hà Nội hẳn còn nhớ triển lãm “Những nỗi ám ảnh” trưng bày những tác phẩm của nghệ sĩ người Nhật, Yayoi Kusama. Yayoi Kusama được coi là một trong những nghệ sĩ tài năng nhất còn sống và là người có tiếng nói quan trọng trong nhóm tiên phong. Phong cách nghệ thuật nữ quyền, tối giản và Pop-Art của Yayoi Kusama thể hiện trong các họa tiết tạo ảo giác, lặp lại mà tiêu biểu là những chấm tròn. Năm 2006, Marc Jacobs có chuyến đi tới Nhật, thăm NTK 84 tuổi tài năng này. “Thái độ chân thành của Marc Jacobs dành cho thời trang cũng giống tôi. Tôi tôn trọng anh ta như một NTK tuyệt vời. Louis Vuitton hiểu và hàm ơn cốt lõi của nghệ thuật. Điều đó không khác gì với cách tôi làm thời trang”, Yayoi kể về cơ duyên đưa bà đến với Louis Vuitton.

 

ellevn-the-gioi-thoi-trang-bom-tan-15
Tác phẩm của Yayoi Kusama và Louis Vuitton

Tháng 8/2012, sự đồng cảm đó tạo ra những chiếc túi xách, trang phục may sẵn, túi du lịch, giày và phụ kiện Louis Vuitton có họa tiết chấm tròn và màu sắc rực rỡ của Yayoi Kusama. Cùng với đó, Louis Vuitton dựng các cửa hàng chính giới thiệu BST của Kusama thành những viện bảo tàng nghệ thuật. Cửa hàng chính ở Manhattan được trưng bày theo ba mô-típ nghệ thuật của Kusama: Sự bắt đầu của vũ trụ, Những bông hoa nở muôn đời trong tâm hồn tôi và Quá trình tự tiêu biến. Bên ngoài tòa nhà, họa tiết chấm tròn bao phủ.

 

ellevn-the-gioi-thoi-trang-bom-tan-14
Cửa hàng của LV cũng được thay đổi thiết kế theo phong cách Yayoi Kusama.

Tại đây không có cảnh người người xếp hàng để mua sản phẩm như ở các cửa hàng thời trang bình dân. Tuy nhiên, thành công của Yayoi Kusama với Louis Vuitton chính là ở giá trị nghệ thuật của BST: Mang nữ nghệ sĩ tài năng gần như bị lãng quên trở lại công chúng và biến những chiếc túi thành một tác phẩm nghệ thuật bất tử như những bông hoa rực rỡ trong tâm trí Kusama.

Tương tự với Louis Vuitton, Givenchy chọn họa sĩ người Anh, Benjamin Shine để kết hợp nghệ thuật với trang phục thể thao và Haute Couture. Givenchy dùng những tác phẩm vẽ tay của Benjamin Shine về Đức Mẹ và Đức Mẹ & Chúa để in lên những trang phục vải tuyn màu hồng hoặc đen trong BST nam giới Xuân-Hè 2013.

 

ellevn-the-gioi-thoi-trang-bom-tan-16
Tác phẩm của Benjamin Shine được Givenchy sử dụng như hình ảnh chủ đạo cho BST Xuân Hè 2013

Thương hiệu cao cấp tiếp theo tìm đến nghệ thuật là Jimmy Choo với BST cộng tác cùng nghệ sĩ đương đại Rob Pruitt. Những họa tiết vằn đen-trắng, hình họa gấu trúc được đưa lên 18 món sản phẩm giày và phụ kiện của Jimmy Choo. Các món đồ đều được làm bằng các chất liệu đặc biệt như như da, lông, cườm có sắc màu dégradé (sáng tối xen kẽ) bắt mắt. “Tôi nghĩ đến những chú chim và ong, và cách chúng bị những sắc màu và cấu trúc lạ mắt của những bông hoa thu hút. Tôi sử dụng chi tiết lấp lánh trong các tác phẩm của mình và hi vọng rằng người xem sẽ bị thu hút tới các tác phẩm của tôi, như cách những chú chim và ong hướng tới những bông hoa”, Rob Pruitt nói về những thiết kế của mình cho Jimmy Choo.

Các tín đồ thời trang nhưng phải yêu thích nghệ thuật mới được liệt vào nhóm khách hàng tiềm năng của BST này. Chỉ có mười hai cặp xắc nhỏ cầm tay hình gấu trúc thiên thần và ác quỷ tạo nên từ 11.000 viên pha lê gắn bằng tay có chữ ký của Rob Pruitt được bán ra trên toàn thế giới.

 

ellevn-the-gioi-thoi-trang-bom-tan-12
BST Jimmy Choo cộng tác cùng nghệ sĩ đương đại Rob Pruitt

VẺ ĐẸP VƯỢT THỜI GIAN

Như đã nói trên, các thương hiệu cao cấp không tìm đến các nghệ sĩ để bán được nhiều hàng hơn. Họ, với trách nhiệm xã hội, mong muốn mang nghệ thuật đến với cộng đồng rộng hơn, và hơn tất cả, họ muốn tạo một ý nghĩa mới cho tính từ “cao cấp” mà họ sở hữu. Giờ đây, thời trang cao cấp dường như còn vượt qua cả sự tinh tế trong đường kim mũi chỉ, sự xa hoa của chất liệu hay sự táo bạo trong thiết kế. Những sản phẩm kết hợp của thời trang cao cấp và những nghệ sĩ đương đại còn hút thêm cả tinh thần, ý nghĩa của các tác phẩm nghệ thuật đó vào từng thớ vải, đường chỉ của bộ trang phục.

Đó còn là những bằng chứng rõ ràng để phản biện câu nói của Jean Cocteau: “Nghệ thuật tạo ra những thứ xấu xí và chứng minh được vẻ đẹp qua thời gian còn thời trang thì ngược lại, tạo ra những thứ đẹp đẽ và lỗi thời qua thời gian”. Jean thân mến, phải chăng Yayoi Kusama x Louis Vuitton, Rob Pruitt x Jimmy Choo hay Benjamin Shine x Givenchy… đã tạo ra những tác phẩm thời thượng như thời trang và bất tử như nghệ thuật?

Nhóm thực hiện

Bài Kim Ngân Ảnh Tư liệu
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)