Khởi nghiệp vất vả làm các nhà thiết kế nữ đòi hỏi quyền bình đẳng:
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật sân khấu, lại tốt nghiệp thủ khoa Mỹ thuật truyền thống nhưng con đường đến với thời trang của NTK Lek Chi không bằng phẳng hay trải hoa hồng như nhiều người tưởng. Là người tạo dựng thương hiệu từ con số 0, con gái cố diễn viên Hồng Sơn đã từng qua rất nhiều khó khăn để có được vị trí như hôm nay.
Ít người biết, Lek Chi từng bắt đầu thương hiệu của mình từ việc gia công, sản xuất hàng cho một công ty váy cưới Nhật Bản với những tiêu chí đòi hỏi vô cùng ngặt nghèo và khắc nghiệt về mặt kỹ thuật. “Đợt hàng đầu xuất đi khó khăn vô cùng, bị trả lại đến 1/3 do lỗi về khâu may mặc. Vượt qua những thời điểm đầu khốc liệt đã giúp tôi trưởng thành hơn. Không gì bằng kinh nghiệm rút ra từ mất mát. Nhưng có lẽ do con người và cá tính của mình, những điều càng khó tôi lại càng ham. Tôi dành toàn bộ tâm trí, thời gian, sức lực của mình cho công việc trong suốt 2 năm đầu lập nghiệp, liên tục tìm hướng mới cho đến khi tìm được đúng con đường như bây giờ”, Lek Chi chia sẻ.
Hiện tại, Lek Chi đã là thương hiệu váy cưới được nhiều người yêu mến, tín nhiệm. Điều đặc biệt nhất ở thương hiệu này là việc 100% các mẫu thiết kế được vẽ ra bởi duy nhất một nhà thiết kế và là sản phẩm từ chất xám của cá nhân Lek Chi. “Những ai tinh ý có thể nhận thấy dấu ấn cá nhân tôi trên sản phẩm. Có nhiều khách hàng từng nói khi cầm chiếc váy Lek Chi trên tay và cầm sản phẩm nhái trên thị trường là phát hiện ra ngay, vì nó giống như người ta cảm nhận được tinh thần chiếc váy trong từng chi tiết nhỏ do chính tay tôi làm”, nhà thiết kế tự tin cho biết.
Tương tự, câu chuyện lập nghiệp của NTK Trần Thị Thanh Nga cũng “gập ghềnh” chẳng kém. Ngày đêm tạo dựng thương hiệu DEFINED MOMENT COUTURE tại Paris – Pháp, đến nay, Thanh Nga đã có không dưới 3 bộ sưu tập thời trang cao cấp vượt qua vòng “kiểm tra chất lượng gắt gao” để trình diễn với giới chuyên môn và công chúng. Nhớ lại quãng đường bắt đầu sự nghiệp thiết kế, cô gái từng học cơ khí ngành dệt may cho biết: “Vạn sự khởi đầu nan… luôn luôn là vậy. Với thời trang thì lại càng khó hơn. Thứ duy nhất giúp tôi vượt qua đó là niềm tin và sự lao động miệt mài, bền bỉ”.
“Bản thân là người yêu và trân trọng cái đẹp, tôi luôn tìm kiếm và tôn vinh những giá trị đẹp. Những giá trị đẹp luôn hiện hữu dù ở những nơi tối tăm và dơ bẩn nhất. Cái đẹp nên được nhìn bằng trái tim chứ không phải bằng đôi mắt. Đây cũng là nét độc đáo trong thương hiệu của tôi. “Beauty touched!” Vì nếu bạn nhìn bằng mắt, bạn chỉ thấy sculptur, còn khi bạn chạm tay vào, bạn thấy được sự sống của chất liệu và chi tiết”, Thanh Nga cho biết thêm.
Có một sự thật mà không ít người phủ nhận, dù thời trang vẫn được coi là “mảnh đất” dành cho phụ nữ nhưng thực chất vẫn nhằm thỏa mãn ánh nhìn của đàn ông. Thế nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi những người thống trị ngành công nghiệp không khói khổng lồ này vẫn là cánh mày râu. Và đặc điểm nổi bật này của ngành công nghiệp thời trang vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ lên vấn đề nữ quyền hiện đại.
Hoàn toàn khác sự thật nói trên, tinh thần và phong cách của thời trang chính là công cụ để phụ nữ thể hiện sự bình quyền và cái tôi của mình. Họ có thể mặc đẹp vì bản thân hay người đàn ông của mình, họ có thể mặc theo sở thích riêng hay mặc đồ “song sinh” với cô bạn thân… – miễn họ hạnh phúc với lựa chọn đó.
Sự lên ngôi của các nhà thiết kế nữ – cả trong nước và quốc tế – là điểm nhấn tôn vinh sự độc lập, tự tin ở người phụ nữ. Những nữ thiết kế chính là gia vị giúp thời trang thực sự là món ăn của phụ nữ và cũng ngầm chứng tỏ sự bình đẳng và vị trí của phái đẹp trong xã hội hiện đại.
Là người phụ nữ thành công cả công việc lẫn cuộc sống, Lek Chi đánh giá rất cao tầm quan trọng của người phụ nữ: “Tỷ lệ phụ nữ độc lập, tự tin và có vị trí cao trong xã hội ngày càng nhiều. Điều ấy làm họ được trân trọng, và giá trị bản thân được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên phần lớn vẫn chỉ là phụ nữ thành thị. Điều này càng nhân rộng xã hội sẽ càng văn minh hơn”. Luôn nhấn mạnh đến hai chữ “cân bằng”, nhà thiết kế áo cưới gốc Hà thành cho rằng đây là giá trị vàng (Iconic Style) để tạo nên một Golden Woman (người phụ nữ vàng) giữa hàng loạt tiêu chí như thành công, hạnh phúc hay đẹp, thời trang… “Người phụ nữ giữ được sự cân bằng, tức là họ chủ động lèo lái cuộc sống theo ý mình, chính vì điều đó họ sẽ đạt được những gì họ muốn”, Lek Chi chia sẻ.
Không giống người đồng nghiệp của mình, khi nhắc tới Downy Gold – một khái niệm khác của Golden Woman và sẽ xuất hiện trải dài tại “Vietnam Designer Fashion Week 2016”, nhà thiết kế Thanh Nga khẳng định đó là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, từ đẹp tới thời trang, hạnh phúc và sự thành công. “Người phụ nữ tự tin sẽ biết cách làm mình đẹp và ấn tượng. Thời trang là một trong những vũ khí đó. Họ tự tin chắc chắn họ sẽ thành công. Người thành công (không phải người chạy theo danh vọng) sẽ luôn giữ được trạng thái cân bằng. Họ cân bằng họ không có lý do để không hạnh phúc. Suy ngược lại người tự tin sẽ là người hiểu rất rõ bản thân mình, và có tính tự chủ cao. Với tôi, đó là giá trị thiết yếu”, Thanh Nga khẳng định.
BÀI LIÊN QUAN
—
Xem thêm
22 thương hiệu thời trang Việt được yêu thích nhất hiện nay
Street style VIFW 2016 của giới trẻ Việt “vàng thau lẫn lộn”
Hélène Lazareff – Người phụ nữ quyền lực đầu tiên của ELLE
Nhóm thực hiện
Tạp chí Phái Đẹp ELLE