Lịch sử phát triển tạp chí thời trang
Tạp chí định hình cuộc sống của chúng ta, cho chúng ta biết những gì có thể mặc, những gì nên ăn, những gì cần suy nghĩ về bản thân và thế giới xung quanh.
Khởi đầu của tạp chí in
Ấn phẩm in đầu tiên có hình thái giống với tạp chí chính là tạp chí tiếng Đức Erbauliche Monaths Unterredungen, phát hành trong năm 1663. Nó là một ấn bản văn học và triết học. Sau đó, nó được xuất bản định kỳ với các chủ đề tương tự, hướng đến lớp độc giả trí thức. Tuy nhiên, phạm vi chuyên đề của tạp chí này rất hẹp và chủ yếu được viết bởi một tác giả.
Một ấn phẩm tương tự như các tạp chí ngày nay (nhiều chủ đề khác nhau và nhiều tác giả) xuất hiện trong năm 1672, khi tác giả người Pháp Jean de Donneau Vize tạo ra Le Mercure Galant với nội dung chủ yếu là các sự kiện của tòa án, nhà hát và văn học. Ý tưởng về kiểu tạp chí như thế này đã được sao chép khắp châu Âu. Tạp chí dành cho phụ nữ đầu tiên chính là Mercury Ladie, được xuất bản tại London vào năm 1693. Những ấn phẩm xuất bản ở thời kỳ này đều được gọi là ấn phẩm định kì.
Nhờ vào tiếng Ả Rập
Từ “tạp chí” xuất hiện năm 1731 với sự xuất hiện của Gentleman’s Magazine. Từ “magazine” có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập nghĩa là “nhà kho”, được sử dụng để mô tả những nơi chứa các mặt hàng khác nhau với số lượng lớn.
Sự thành công của các tạp chí là rất lớn. Tuy nhiên, nó cũng phát sinh một vài vấn đề như chi phí in ấn cao; số lượng bản in không thể lớn hơn một trăm ngàn (vì các máy in thời kỳ đó không thể in số lượng lớn); phân phối khá khó khăn vì không có phương tiện di chuyển tạp chí ở khoảng cách xa.
Trang quảng cáo đầu tiên
Giữa thế kỷ 19, độc giả của tạp chí không chỉ có người giàu mà còn bao gồm tầng lớp trung lưu. Điều này mở đầu cho sự xuất hiện các tạp chí đầu tiên về gia đình, chẳng hạn như Dickens Household Words. Cũng trong giai đoạn này, các nhà xuất bản nỗ lực cắt giảm giá tạp chí và bắt đầu xuất hiện những mẩu quảng cáo đầu tiên. Tuy nhiên, quảng cáo bị ấn định các loại thuế đặc biệt nên còn rất hạn chế. Đến năm 1853, thuế quảng cáo được bãi bỏ, thế nhưng số lượng quảng cáo vẫn không tăng vì nhiều nhà xuất bản tránh loại thu nhập này để được tự chủ về nội dung (tạp chí Readers Digest không có quảng cáo cho đến năm 1955).
Vào cuối thế kỷ 19, với sự phát minh của máy in quay, số lượng bản in tăng, giá của các ấn phẩm được giảm xuống, tạp chí trở nên phổ biến và được xem như một trong những loại hình truyền thông hàng đầu thế giới. Cũng nhờ tiến bộ công nghệ trong việc in ấn, các nhà xuất bản bắt đầu tăng số lượng trang và thoải mái hơn trong việc sử dụng hình ảnh, tạp chí ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà quảng cáo. Những công ty quảng cáo đầu tiên được thành lập vào năm 1890 và bắt đầu phát triển mạnh mẽ.
Sự nổi lên của các tạp chí
Trong những năm đầu thế kỷ 20, biểu tượng quan trọng nhất trong giới xuất bản xuất hiện: William Randolph Hearst. Là chủ sở hữu của một số tờ báo nổi tiếng nước Mỹ, ông tham gia vào cuộc chiến không khoan nhượng để dành lượng độc giả với người thầy của mình – Joseph Pulitzer. Trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Cuba, cả Hearst và Pulitzer công bố trên báo chí những hình ảnh quân đội Cuba bị tra tấn và chết đói. Tại thời điểm này, khái niệm báo vàng (yellow journalism) bắt đầu phát sinh, đánh dấu sự tiếp cận các yếu tố giật gân để trình bày sự kiện trên tạp chí.
Hearst mở rộng đế chế của mình bằng cách cho ra đời các tap chí Good Housekeeping, National Geographic và Harper’s Bazaar. Bên cạnh những tạp chí của Hearst, một số ấn phẩm quan trọng khác xuất hiện như Vogue của Conde Nast, Vanity Fair và Time của Henry Luce, người vẫn được coi là nhà xuất bản có ảnh hưởng nhất trong lịch sử.
Những bản in màu đầy đủ và ảnh báo chí
Song song với sự phát triển của tạp chí Time, tạp chí Fortune (xuất phát từ các trang kinh doanh của tạp chí Time) được xuất bản và được xem là tạp chí có ảnh hưởng nhất nước Mỹ. Bên cạnh chủ đề về thế giới kinh doanh, Fortune được biết đến là ấn phẩm đầu tiên có chất lượng in cao với các trang đầy màu sắc. Fortune cũng phát minh ra ảnh báo chí, một khái niệm khiến tạp chí Life nổi tiếng vài năm sau đó.
Kỷ nguyên vàng
Trong những năm 1950s, nước Mỹ bắt đầu kỷ nguyên vàng son của tạp chí. Manhattan là nơi sản sinh ra thế hệ mới của các nhà thiết kế và đạo diễn nghệ thuật, những người đã thành lập các tạp chí thiết kế và quảng cáo. Giai đoạn này được gọi là cuộc Cách mạng Sáng tạo. Những tòa nhà ở Manhattan là nơi làm việc của một số gã khổng lồ trong cuộc cách mạng này như Alexey Brodovitch của Harper’s Bazaar, Leo Lionni của Fortune, Steve Frankfurt của Young & Rubicam, Herb Lubalin của Hennessey, Henry Wolf của Esquire, Art Paul của Playboy và Alexander Liberman của Conde Nast.
Một trong những tạp chí tốt nhất và có ảnh hưởng nhất của kỷ nguyên vàng là tạp chí Esquire. Lần đầu tiên được xuất bản vào năm 1933, chỉ đến giữa thế kỷ 20, Esquire đã đạt được sự phát triển vượt trội. Giám đốc Nghệ thuật Henry Wolfe đã biến một tạp chí dành cho nam giới thành viên kẹo thị giác với những bức ảnh và tranh minh họa.
Sự phát triển của tạp chí thời trang
Tại thời điểm trước chiến tranh Thế giới thứ hai, tại Pháp, một tạp chí thời trang và làm đẹp đã ra đời khiến rất nhiều phụ nữ thay đổi cách suy nghĩ, cách họ lên tiếng và cách họ cảm nhận bản thân mình, đó chính là tạp chí ELLE của Helene Gordon Lazareff (trong tiếng Pháp “elle” có nghĩa là “cô ấy”). Được phát hành vào năm 1945, tạp chí ELLE hướng dẫn phụ nữ Pháp làm thế nào để trở nên hấp dẫn hơn và đẹp hơn. ELLE nhanh chóng đạt được thành công lớn khi mọi người nói rằng những gì tốt cho Helen thì cũng tốt cho độc giả của cô ấy.
Một trong những tài năng của Helen chính là tìm đúng người vào đúng thời điểm, cô biết làm thế nào để tạo ra một ngôi sao. Năm 1947, Helen hỗ trợ nhà thiết kế Dior (lúc đó ông chưa nổi tiếng) và bộ sưu tập New Look của ông. Vào năm 1950, cô đưa Brigitte Bardot lên trang bìa. Năm 1952, cô thuê Francoise Giroud, người sau này đứng đầu tạp chí chính trị nổi tiếng của Pháp L’Express. Năm 1958, cô giúp Coco Chanel trở lại, mặc dù tại thời điểm đó báo chí Pháp không ủng hộ dòng sản phẩm Mademoiselle. Năm 1965, ELLE thúc đẩy tầm nhìn đầy triển vọng của nhà thiết kế Courreges. Và từ tuần này sang tuần khác, tạp chí ELLE được viết bởi Simone de Beauvoir, Marguerite Duras, Colette và Françoise Dolto. Số ấn bản bán ra đạt mốc một triệu vào năm 1960, khi cứ sáu phụ nữ Pháp thì có một người đọc ELLE.
Trong lịch sử xuất bản, không có biên tập viên nào tạo ra một sự ảnh hưởng lâu dài như Helen và tạp chí ELLE đã làm. Cô rời khỏi tạp chí vào năm 1972 khi số lượng phát hành đạt mức trung bình khoảng một triệu bản.
Trong những năm 70s, một thể loại tạp chí mới ra đời: tạp chí về người nổi tiếng, điển hình là People, được phát hành vào năm 1974. Kể từ đó, thể loại tạp chí này bán chạy nhất. Đây cũng là thời kỳ bùng nổ của các tạp chí dành cho phụ nữ. Trong đó, tạp chí phổ biến nhất là Cosmopolitan. Vốn là một tạp chí gia đình ra mắt lần đầu vào năm 1886, đến những năm 60s, Cosmopolitan trở nên nổi tiếng và được biên tập viên Helen Gurley Brown tái xuất bản như một tạp chí dành cho phụ nữ, chủ yếu bàn luận về tình yêu và lối sống. Sau này Cosmopolitan mở rộng đề tài sang cả làm đẹp và thời trang.
Bên cạnh đó, những tạp chí thời trang khác cũng phát triển mạnh mẽ. Nổi tiếng nhất trong số đó là Vogue, Harper’s Bazaar và ELLE. Từ đó tới nay, vô số tạp chí thời trang lần lượt xuất hiện và thời trang trở thành mảng đề tài hoạt động sôi nổi nhất của loại hình tạp chí trên thế giới.
Tạp chí in không chết
Một số người đã dự đoán về cái chết của các tạp chí in, giống như họ đã tiên đoán cái chết của các tờ báo trong những năm 90. Nhưng báo chí không chết, tạp chí cũng vậy. Tạp chí in vẫn sẽ tồn tại mặc cho các phiên bản trực tuyến được phát triển như thế nào. Con số phát hành có thể giảm, nhưng chúng sẽ không bao giờ chết.
Laptop, IPad hay Smartphone là những công cụ tuyệt vời, và nó mang lại khả năng mới trong sản xuất tạp chí. Thế nhưng, nó không thể thay thế cái cảm giác các ngón tay chạm vào từng trang giấy, mùi mực vừa mới in hay lối dàn trang đầy nghệ thuật và sáng tạo.
Tạp chí định hình cuộc sống của chúng ta, cho chúng ta biết những gì có thể mặc, những gì nên ăn, những gì cần suy nghĩ về bản thân và thế giới xung quanh. Mặc dù đây là thời đại của Internet, nhưng việc tiếp tục tận hưởng, chiêm ngưỡng những trang tạp chí đầy màu sắc, những bài xã luận, những hình ảnh bắt mắt… là nhu cầu không thể thay thế được. Còn điều gì dễ thương hơn việc trở về nhà sau một ngày mệt nhọc, mang đôi dép đi trong nhà, ngồi trên ghế sofa và đọc tờ tạp chí yêu thích vừa mua tại sạp báo đầu ngõ, nhâm nhi tách cà phê trong buổi chiều tà…
—
Xem thêm
10 nhà thiết kế thời trang nổi tiếng nhất mọi thời đại
Thời trang Việt Nam qua các thời kỳ
20 sự thật thú vị về ngành công nghiệp thời trang
Bài: Đoàn Trúc/ Theo Magazine Designing
Ảnh: Tư liệu