Cạp quần không chỉ “nâng đỡ” toàn bộ kết cấu, gấu quần không chỉ có công năng xác định độ dài, vai và tay áo không đòi hỏi sự cân bằng về bố cục – đây chỉ là một trong vô vàn “cải tiến” trong làn sóng thể nghiệm những ý tưởng táo bạo, ấn tượng của mùa mốt thời trang Xuân-Hè 2016. Lý tưởng mới về cái Đẹp xuất phát từ chính khát vọng vượt khỏi những quan điểm truyền thống của thế hệ NTK trẻ.
.
Disruption là gì?
Trích dẫn tờ Harvard Business Review, khái niệm Disruption được định nghĩa là “quá trình khi những công ty nhỏ với tài nguyên hạn chế có khả năng thách thức những đế chế kinh doanh hùng hậu”. Thách thức về giới hạn tài nguyên không chỉ xoay quanh yếu tố liên quan đến tài chính, nhân lực mà còn là câu chuyện tìm tòi một lối đi riêng với những ý tưởng thiết kế độc đáo, mới lạ trong thế giới thời trang. Với những NTK thời trang trẻ, nỗ lực ghi dấu ấn cá nhân giữa vô vàn những nhà mốt danh tiếng không hề đơn giản. Chính vì vậy, việc thoát khỏi những lối mòn về tư duy, đối với lớp NTK kế cận thực sự là bài toán nan giải. Đây chính là động lực khai sinh ra thế hệ NTK tôn chỉ những lý tưởng mới của cái Đẹp.
Câu chuyện xây dựng dấu ấn cá nhân trong thế giới thời trang qua cách thiết kế thoạt nghe tưởng chừng như đơn giản. Thực tế, các NTK trẻ không đủ sức cạnh tranh nếu chạy theo cách thức vận hành của các nhà mốt thành danh xét về tiềm lực tài chính và nhân lực. Chính vì vậy, thay vì bao thầu trọn bộ quy trình sản xuất vải riêng biệt, họ lựa chọn giải pháp “cách tân hóa” những giá trị may mặc căn bản như bố cục hay chi tiết trang trí. Xét về lợi ích kinh tế, lựa chọn này cho phép họ tận dụng sẵn mắt xích đầu ra trong chuỗi giá trị sản xuất nguyên liệu để hiện thực hóa những ý tưởng cá nhân.
.
Định hình phong cách
Nhiều NTK trẻ nhìn nhận Disruption là mô hình phát triển sự nghiệp riêng trong thế giới thời trang đầy thách thức. Họ lựa chọn một hướng đi, cách thực hành mới để gây ấn tượng và thu hút sự chú ý.
NTK trẻ người Anh J.W.Anderson ngay từ thuở đầu lập nghiệp đã tuyệt đối trung thành với phong cách tối giản thể hiện qua ngôn ngữ tạo phom ấn tượng kết hợp linh hoạt giữa phong cách thời trang nữ và nam giới. Tuy nhiên, kể từ thời điểm năm 2013 khi tập đoàn LVMH rót vốn đầu tư vào thương hiệu cá nhân J.W.Anderson, giới chuyên môn dễ dàng nhận thấy sự chuyển mình từ phong cách thiết kế tối giản sang chiết trung (eclectic) pha trộn giữa cái cũ và mới, phương Đông và phương Tây, sự phức hợp và tinh giản. Tuy vậy, dấu ấn cá nhân của NTK J.W.Anderson – tái định nghĩa kiểu dáng trang phục vẫn luôn hiện hữu trên những mẫu thiết kế của anh. BST Xuân-Hè 2016 của J.W.Anderson gây ấn tượng với những chi tiết được cường điệu hóa như áo ngực, vai áo, eo và gấu quần lạ mắt.
.
NTK Simon Porte Jacquemus và NTK Demna Gvasalia của thương hiệu Vetements cũng là hai cái tên đang được chú ý khi nhận được nhiều lời tán dương từ giới chuyên môn bởi tầm nhìn được “lý tưởng hóa” dựa trên sự phá cách và tay nghề xử lý bố cục xuất sắc. Là đứa con cưng của làng thời trang Pháp, NTK Jacquemus với giải thưởng do LVMH trao tặng vào năm 2015 không đơn thuần là tấm thảm đỏ thăng hoa của sự nghiệp mà trở thành minh chứng rõ nét về tài năng. Gầy dựng cho riêng mình một thương hiệu thời trang từ năm 19 tuổi, NTK Jacquemus vẫn luôn trung thành với ý tưởng thiết kế táo bạo, ứng dụng kỹ thuật tách kết cấu (deconstruction) mặc cho những hoài nghi về tính ứng dụng của trang phục. Trải qua thời gian, mức độ điên dại trong phong cách thiết kế được thể nghiệm bằng những bố cục độc nhất vô nhị. BST Xuân-Hè 2016 chắc chắn chưa phải là đích đến cuối cùng của Jacquemus nhưng người xem khi nhìn ngắm BST này phải thốt lên những thán từ miêu tả vẻ đẹp khác lạ đến dị dạng của trang phục: áo buộc túm thắt nút chéo qua người, áo sơmi “một mất một còn”, hay những mảnh vải băng bó lập dị. Quan điểm thiết kế của NTK không chỉ đơn thuần để mặc mà còn thỏa mãn niềm đam mê với hình khối và thị giác.
.
.
NTK Demna Gvasalia của thương hiệu Vetements cũng là một gương mặt không thể bỏ qua. Việc bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Sáng tạo của Balenciaga thay thế người tiền nhiệm Alexander Wang dấy lên những câu hỏi về mối tương quan hiện hữu giữa Demna và NTK lừng lẫy Cristóbal Balenciaga. Nếu như với Vetements, châm ngôn thiết kế của Demna Gvasalia tôn chỉ vẻ đẹp lập dị, càng xấu càng tuyệt thì với Balenciaga, sự chỉn chu và lịch thiệp luôn đồng hành cùng thương hiệu. Nếu để lý giải về sự tương đồng, mẫu số chung lớn nhất có lẽ nằm ở ý tưởng luôn hướng đến những đỉnh cao mới về sáng tạo.
Phong cách thiết kế của NTK Demna Gvasalia thoạt nhìn có thể gây choáng ngợp về sự luộm thuộm nhưng nếu nhìn kỹ, vẻ đẹp bất quy tắc đó thực chất lại rất có tổ chức, hòa hợp với nhau theo một thể thống nhất như chính sự kiên định theo đuổi phong cách thiết kế kén khách này. Dấu ấn này được thể hiện rõ nét qua BST Xuân-Hè 2016 chú trọng đến phom dáng rộng rãi phá vỡ cấu trúc cân bằng của trang phục truyền thống, sự dũng cảm không hẳn ai cũng đủ can đảm để thực hiện.
.
Thậm chí, nhiều tên tuổi thành danh khác như NTK Victoria Beckham cũng lựa chọn “Disruption” làm bệ phóng gây dựng dấu ấn cho sự nghiệp cá nhân. Ở thời điểm cách đây 5 năm, BST đầu tay của NTK Victoria Beckham khiến giới chuyên môn hoài nghi vì sự đơn điệu, xuất phát từ nguồn nhân lực hạn chế và kinh nghiệm chưa vững không cho phép cô vượt khỏi những quy chuẩn truyền thống.
Sau 5 năm, với nguồn hậu phương vững chắc, NTK Victoria Beckham tự tin thử nghiệm những cuộc cách mạng đột phá hơn. Dấu ấn này thể hiện qua BST Xuân-Hè với chi tiết túi ngực phóng đại, nhân đôi lấy cảm hứng từ phục trang của nhà binh.
.
Cuộc chơi không thể bỏ lỡ
Cuộc chơi chinh phục lý tưởng mới về cái Đẹp không chỉ gói gọn trong phạm vi các NTK trẻ mà còn là lời thách thức tới nhiều nhà mốt lớn về sức sáng tạo. NTK Nicolas Ghesquière của Louis Vuitton chọn cách truyền tải qua hình tượng nữ anh hùng trong dòng game Final Fantasy XIII với bố cục được xử lý bất cân xứng trên chất liệu vải lưới kết hợp cùng nhiều chi tiết trang trí ấn tượng như lông vũ, hạt cườm. Những giá trị truyền thống cũng được cách tân để phù hợp với lý tưởng mới của cái Đẹp. Nhà mốt Chanel biến tấu chiếc áo khoác đen truyền thống qua việc xử lý họa tiết lấy cảm hứng từ phi trường bay, hay chi tiết đường viền áo được NTK Karl Lagerfeld xử lý bằng ngôn ngữ của vẻ đẹp đương đại bằng cách chụp lại hình ảnh và in chìm lên chất liệu nhựa dẻo. Không chỉ thể hiện qua trang phục, lý tưởng mới về cái Đẹp cũng được nhiều nhà mốt thể hiện qua những món đồ phụ kiện.
Sự tin tưởng vào hướng đi riêng, hay từng nỗ lực để mang đến vẻ đẹp mới đều là tín hiệu tốt, chứng tỏ rằng cỗ máy thời trang lâu đời cũng đang chuyển mình để bắt kịp những tư tưởng mới và thay đổi cần thiết.
__
Xem thêm:
Sự sáng tạo & một thế giới thời trang dịch chuyển quá nhanh
Richard Haines và thế giới thời trang qua ngòi bút chì
Những nàng thơ của các nhà thiết kế thời trang thế giới
Nhóm thực hiện
Tạp chí Phái đẹp ELLE