Châu Á – Mùa xuân mới của thời trang

Đăng ngày:

Gần đây, tôi đọc được một nhận định đại ý như sau: “Đầu những năm 2000, mỹ cảm thời trang tối giản Bắc Âu lên ngôi, giữa thập kỷ này, giới thời trang mê mệt sự trẻ trung, hiện đại tiện dụng của thời trang Mỹ, và trong thời gian tới tập trung sẽ thực sự hướng về châu Á”. Quả không sai!

Từ những năm 1980 của thế kỷ trước, những cái tên như Kenzo Takada, Yohji Yamamoto, Issey Miyake Rei Kawakubo (thương hiệu Comme des Garcons) đã thay đổi quan niệm về vẻ đẹp và thế nào là một cơ thể phụ nữ đẹp của phương Tây ngay giữa lòng “Kinh đô thời trang” Paris. Ý tưởng, chất liệu, đường cắt, phom dáng trên các thiết kế của họ phá cách, lạ lẫm, thú vị.

Yohji Yamamoto được ngợi ca là “NTK thấu hiểu nét đẹp cơ thể của người phụ nữ, tỉ lệ cũng như những phù du của sắc đẹp”. Miyake nổi danh với Pleats Please (trang phục xếp ly được làm với kỹ thuật đặc biệt), các chất liệu và cấu trúc mới. Kawakubo đưa “Thời trang ý niệm” (conceptual fashion) lên đỉnh cao, phá vỡ cấu trúc để tạo ra những thiết kế mới mẻ, đầy bất ngờ và mang mỹ cảm cao. Cùng với Yohji Yamamoto, Kawakubo đã truyền cảm hứng để tạo ra “hiện tượng quạ đen” trên đường phố ngày nay (ám chỉ những fashionista chỉ mặc đồ đen).

 

ellevn-chau-a-mua-xuan-moi-cua-thoi-trang

Những ai yêu thiết kế của Kawakubo hẳn không thể không biết hiện tượng “đàn quạ đen”

Chi tiết lý thú này từng được nhà báo thời trang nổi tiếng Suzy Menkes viết trong một bài bình luận của mình: “Chúng tôi từng được mô tả là lũ quạ đen – một đám người kỳ lạ tụ tập trước những tòa nhà bị bỏ hoang trong đồng phục của Comme des Garcons hay Yohji Yamamoto. “Đám tang của ai vậy?”, người qua đường thì thầm với nhau, mỗi khi chúng tôi đứng xếp hàng để vào xem buổi diễn thời những năm 1990″.

Quạ đen đổi màu

Tới những mùa thời trang của thế kỷ 21 thì sao? Trong khi những show diễn của các NTK người Nhật vẫn luôn chỉ dành cho số rất ít những tên tuổi kỳ cựu của ngành công nghiệp thời trang thì trong các BST “thương mại”, cảm hứng Á Đông xuất hiện rực rỡ, hết mùa này qua mùa khác, khi thì trên hoa văn họa tiết in, lúc lại ở dáng chiếc áo kimono, sườn xám hay đai lưng Obi.

 

Những họa tiết mang âm hưởng Á Đông tràn ngập trên sàn catwalk

Những họa tiết mang âm hưởng Á Đông bắt đầu thống trị sàn catwalk

Bị mê hoặc bởi tiềm năng tiêu thụ hàng cao cấp khổng lồ của thị trường châu Á, những NTK phương Tây tìm tới phía Đông ngày một nhiều. Họ không ngại chi những khoản tiền khổng lồ, choáng ngợp để tổ chức những sự kiện “One Night Only” (Chỉ một đêm thôi!), hay những BST đặc biệt dành riêng cho một thị trường. Chanel chọn Singapore làm điểm diễn BST Cruise 2014, Giorgio Armani (2012) và Valentino (2013) tung ra những BST tuyệt mỹ chỉ dành cho một đêm diễn ở Bắc Kinh, Thượng Hải. Thay vì dự lễ hội thời trang ở phía Tây, nhiều phóng viên, BTV thời trang và đặc biệt là những buyer (một quyền lực thực sự của thời trang), giờ chọn bay tới các Tuần lễ thời trang Seoul hay Tokyo.

 

Mua xuan moi 1

Thiết kế couture Armani Privé của Sir Giorgio Armani dành riêng cho show One Night Only tại Bắc Kinh.

 

Mua xuan moi 2

BST đặc biệt của Valentino cho đêm diễn tại Thượng Hải.

Nếu ta hiểu được sự thủ cựu khủng khiếp của những thị trường thời trang lớn thì những động thái kể trên đã chứng tỏ một điều rằng ngành công nghiệp thời trang phương Tây đang thực sự coi trọng (sức mua của) những khách hàng phương Đông đến dường nào. Và theo phản ứng domino, điều này cũng góp phần giúp cho con đường tới Mỹ và châu Âu của các NTK châu Á bằng phẳng hơn nhiều.

Ngoài những cái tên châu Á đang giữ vị trí sáng tạo tại những nhà mốt lớn như Alexander Wang tại Balenciaga, Humberto Leon Carol Lim tại Kenzo…, ngày càng có nhiều NTK khác được biết tới như NTK Hàn Quốc Juun.J, Zio Song. Không ít NTK người Á bước ra từ các trường nghệ thuật, thời trang danh giá nhất thế giới ở phương Tây như Central Saint Martins (London) hay Royal Academy of Fine Arts (Antwerp) lại chọn con đường trở về và thành danh tại quê hương.

 

designers

Ba nhà thiết kế trẻ gốc châu Á Jason Wu, Richard Chai và Alexander Wang

Tới năm 2017, theo số liệu dự đoán của Euromonitor International, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành thị trường may mặc lớn nhất thế giới. Và ngành công nghiệp thời trang đang chờ đợi một “cú nổ” mới, một mùa Xuân tươi đẹp hơn nữa sẽ mở ra cho các NTK đến từ phương Đông!

Đôi lời của Nguyễn Danh Quý – Chỉ đạo thời trang của Tạp chí Phái đẹp ELLE

Trong lúc thế giới thời trang phương Tây vẫn còn chưa thực sự quan tâm tới những NTK gốc Á hay đến từ châu Á và coi mảnh đất này chỉ là “công xưởng sản xuất” thay vì là “phòng thí nghiệm sáng tạo”, thì các NTK và giới chuyên môn bản địa đang nỗ lực hết mình, tăng tốc, để viết nên một chương mới trong lịch sử thời trang.

Nhóm thực hiện

Bài: Nguyễn Danh Quý – Ảnh: ImaxTree, tư liệu

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more