NTK Thanh Nga (Defined Moment): “Tôi si mê việc làm đẹp cho phụ nữ”
NTK Trần Thị Thanh Nga, đang tạo dựng thương hiệu DEFINED MOMENT COUTURE tại Paris, đã có 3 BST Thời trang cao cấp vượt qua vòng “kiểm tra chất lượng gắt gao” để trình diễn với giới chuyên môn và công chúng.
LÀM QUẢNG CÁO ĐỂ ĐẾN VỚI THỜI TRANG
Nếu có dịp được nghe những NTK nói về các thiết kế của họ, chắc hẳn ai cũng sẽ thấy mình thật may mắn. Ta không ngừng bị hút vào câu chuyện của NTK, bởi sau mỗi trang phục là một ý tưởng, một câu chuyện sâu sắc. Với NTK Thanh Nga, thiết kế không chỉ dừng lại ở việc phô diễn cái Đẹp, kỹ thuật… mà có thể trở thành một tuyên ngôn độc đáo, thông điệp về sức mạnh của giới. Chị chia sẻ rằng Defined Moment không tuân theo những cách thể hiện vẻ đẹp thông thường, mà đó phải là vẻ đẹp riêng biệt được tạo ra bằng sự phối hợp độc đáo của kỹ thuật và chất liệu mới lạ. Rõ ràng, chỉ cần nhìn qua các thiết kế Couture của Defined Moment, ta có thể nhận ra ngay chất liệu là một trong những điều tác động mạnh nhất đến ta, về mặt thị giác.
Bất kỳ một thiết kế couture nào cũng đòi hỏi sự kỳ công, kỹ thuật xử lý tinh tế bằng đôi tay, nhiều lúc dường như không tưởng. Ví dụ như để làm ra một thiết kế Couture Thu-Đông 2013 như hình ảnh bạn đọc đang xem trong bài viết này, trước tiên chị Nga cùng một cộng sự phải làm khung, dựng form, rồi chia ra từng góc độ cuốn chỉ, sao cho đường chỉ đi đẹp nhất, nhanh nhất.
“Công đoạn này tốn rất nhiều thời gian và cần sự tập trung tuyệt đối của người thợ. Khi đan phải tính toán rất kỹ để biết ánh sáng khi đi qua mỗi phần sẽ tương tác như thế nào. Ở những góc độ khác nhau, phải có chỗ thưa, chỗ dày để ánh sáng đi qua một cách sống động, lên được những hiệu ứng mà tôi mong muốn. Trong khi làm, mắt và suy nghĩ không lúc nào nghỉ ngơi vì chỉ cần lơ là một chút, chỉ cần một chi tiết nhỏ bị sai là sản phẩm sẽ hỏng, sẽ phải tháo ra làm lại. Và tháo ra còn khó hơn đan vào nhiều lần”, chị Nga vừa cười vừa chia sẻ. Cũng thật thú vị khi biết rằng tất cả những kỹ thuật này là do chị Nga chuẩn bị và phát triển, để tạo ra được sự độc đáo, độc nhất vô nhị của mỗi BST.
Thường khi nào chị bắt đầu chuẩn bị BST mỗi mùa?
Tôi có một team khá nhỏ nên ngay sau khi giới thiệu xong BST, tôi và các cộng sự chỉ nghỉ ngơi khoảng một tuần rồi bắt đầu làm tiếp ngay để tranh thủ thời gian.
Chị đã đến với thời trang như thế nào?
Trước đây tôi học cơ khí ngành dệt may, sau đó đi làm quảng cáo tại Việt Nam được 5 năm, rồi mới bắt đầu chuyển qua học thời trang ở Pháp.
Tại sao từ quảng cáo chị lại chuyển sang
ngành thời trang vậy?
Từ hồi bé, tôi đã rất thích thời trang và có thổ lộ điều này với bố mẹ, nhưng chắc do tâm lý “ăn chắc mặc bền” nên bố mẹ luôn muốn tôi học những ngành cơ bản để sau đó có công việc ổn định. Tới năm 18 tuổi, tôi quả quyết nói với bố mẹ rằng mình không muốn thi đại học mà muốn làm thiết kế thời trang. “Bố mẹ có thể cho con mượn một ít tiền để mở một cửa tiệm rồi con mướn người may, sau đó sẽ bắt đầu học cắt may, vì con nghĩ không biết vẽ cũng có thể trở thành một NTK”. Thế nhưng, cuối cùng ý tưởng đó của tôi không nhận được sự tán đồng và ba mẹ muốn tôi thi vào đại học Bách khoa.
Lúc đi học, tôi chỉ ấp ủ quyết tâm là sau khi ra trường, chắc chắn mình phải làm cái gì đó kiếm tiền thật nhanh để thực hiện ước mơ về thời trang. Và công việc trong ngành quảng cáo đã giúp tôi tới gần với ước mơ của mình nhanh nhất. Trong 5 năm làm quảng cáo, tôi cảm thấy rất thích và tới tận bây giờ khi đã được làm thiết kế, tôi vẫn nghĩ rằng quảng cáo rất tốt, giúp nhiều cho công việc hiện giờ của tôi.
Phỏng vấn Nguyễn Danh Quý – Ảnh Gerald Le Van – Chau
Trang điểm Daria (từ Atomo) – Làm tóc Na Bil (từ B-Agency)
Người mẫu Anna Zasada (từ Women Management)